Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Câu lạc bộ Văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam

Câu lạc bộ Văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam: Giúp người đọc chọn sách và nghe hồi âm độc giả



Câu lạc bộ Văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam:
Giúp người đọc chọn sách và nghe hồi âm độc giả


(Toquoc)- Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về việc Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Câu lạc bộ Văn chương, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết: “Mục đích của Câu lạc bộ Văn chương là nối dài tay với của Hội Nhà văn ra, không phải để nắm lấy tay các nhà văn,  nắm lấy tay bạn đọc”. 
 
PV: Thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, được biết vào cuối năm 2013 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã có buổi lễ quyết định thành lập Câu lạc Văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam và ông là một trong số bốn nhà văn nhà thơ trong Ban chủ nhiệm. Xin hỏi nhà thơ Vũ Quần Phương, tại sao một Hội trung ương, trong suy nghĩ những người yêu văn chương luôn coi đó là nơi kết tinh giá trị nghệ thuật cao nhất vậy mà vẫn phải sinh ra một mô hình Câu lạc bộ Văn chương để sinh hoạt?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Theo tôi thì Hội Nhà văn cũng có tính chất như một Câu lạc bộ, Hội văn bút quốc tế có tên là Pen Club.
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, Hội Nhà văn xưa nay là nơi những nhà văn- những người sản xuất ra văn chương, trao đổi ý kiến với nhau. Còn câu lạc bộ Văn chương này sẽ là nơi trao đổi của người sản xuất và người tiêu thụ, tức là nhà văn với bạn đọc. Bấy lâu nay chúng ta chưa tính đầy đủ đến quyền lợi của bạn đọc, mới là quyền lợi của người khâu giày chứ người đi giày chưa có quyền . Các ông khâu giày cứ khen nhau, bác làm giày tam giác trông rất đẹp, bác làm giày hình tròn rất hay… Nhưng rồi người đi giày thì hình tròn chả đi được, hình tam giác cũng không đi được, họ phải đi giày theo chân của họ. Mục đích của Câu lạc bộ Văn chương là nối dài tay với của Hội Nhà văn ra, không phải để nắm lấy tay các nhà văn,  nắm lấy tay bạn đọc. Hay nói theo kiểu thương mại, thì Câu lạc bộ Văn chương này làm công tác hậu mãi. Bây giờ ngành nào cũng có công tác hậu mãi và văn chương không nằm ngoài.
Câu lạc bộ Văn chương tạo các mối giao lưu giữa người đọc và người viết. Nhà văn có tư cách người viết khi họ trình bày tác phẩm và nhiều lúc họ tham gia với tư cách người đọc. Một hoạt động như thế là cần phải có và Hội Nhà văn cũng đã có ý địnhtiến hành từ dăm bảy năm nay nhưng chưa làm được.
Trước đây người đọc chọn sách dựa trên các bài phê bình nhưng khâu phê bình của ta đang yếu. Hiện nay xuất bản sách dotác giả bỏ tiền ra in. Họ có nhu cầu được quảng cáo và họ nhờ các nhà phê bình, thậm chí trả tiền cho nhà phê bình viết bài. Vì thế các bài viết mất tính khách quan. Những người phê bình kỹ tính lâu nay thì rút lui không làm phê bình nữa, mà làm nghiên cứu, làm sách… chứ làm phê bình thì mất bạn, vì khen cả thì cũng có lúc áy náy với lương tâm. Nên bài phê bình bây giờ ít chính xác.
Việc chọn sách còn qua tên Nhà xuất bản. Chẳng hạn sách về văn học thì chọn của Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Nhưng giờ thì tên nhà xuất bản không còn nhiều ý nghĩa nữa vì nhà xuất bản nào cũng có thể xuất bản đủ loại sách. Họ cần thu quản lý phí, còn sách hay hay dở họ không quan tâm.
Dựa vào nhà phê bình không được, dựa vào tên nhà xuất bản không được. Người đọc sẽ dựa vào cái gì? Dựa vào hình thức cuốn sách, in đẹp, sang trọng, hẳn là sách quý? Cũng không hẳn. Vì giờ ai có tiền nhiều cũng sẵn sàng bỏ tiền ra in giấy đẹp, vẽ bìa đẹp.
Như vậy, để tìm một cuốn sách, không dựa vào phê bình, không dựa vào tên nhà xuất bản, không dựa vào hình thức sách được. Và mục đích của Câu lạc bộ này sẽ giúp cho người đọc chọn sách.
PV: Giữa một rừng sách xuất bản hiện nay, trong khi ban chủ nhiệm của Câu lạc bộ gồm 4 nhà văn nhà thơ: Vũ Quần Phương, Đỗ Hàn, Vũ Nho, Hoàng Minh Tường và vừa thêm một người nữa là Lưu Nghiệp Quỳnh thì cũng chỉ có năm người, ông có cảm thấy lo lắng cho việc chọn sách khách quan và hiệu quả không?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi cũng đang lo về việc giới thiệu có được khách quan không. Ví dụ Câu lạc bộ giao cho mấy người cùng viết về một cuốn sách. Nhưng tác giả của cuốn sách đó “lại biết” những ai viết rồi tác động bằng mối quan hệ, thậm chí bằng cả tiền. Tôi thấy cái này khó lắm. Và mấy anh em chúng tôi trong ban chủ nhiệm phải điều chỉnh, đừng để “quá đáng”. Người ta cho tôi là người “trung hoà”, nhưng cũng có người cho tôi là người chưa quyết liệt. Tuy vậy chúng tôi sẽ cố gắng.
PV: Ngoài việc trở thành một kênh chọn sách cho độc giả, Câu lạc bộ còn có chức năng nhiệm vụ gì nữa ạ?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Câu lạc bộ còn nghe hồi âm độc giả. Nghe một quyển sách mà báo chí thì khen còn độc giả lại không khen. Hay là Hội Nhà văn trao giải thưởng, độc giả lại không chấp nhận… thì những quyển này sau khi xuất bản 1,2 năm hoặc sau khi trao giải thưởng Câu lạc bộ vẫn có một cuộc gặp gỡ độc giả cuốn sách đó. Cử toạ của các cuộc như thế phải là người đọc thực sự. Hiện nay, cũng chưa tìm được nhiều người đọc thực sự đâu. Các thành viên ở các Câu lạc thơ, văn hiện nay thì cứ lúi húi sản xuất ra thơ, mà ít đọc thơ nên không sắc ý kiến bình giá. Theo tôi, muốn làm người viết thì trước tiên nên làm người đọc. Đọc để biết cái hay rồi hãy viết. Phải tạo ra người tiêu thụ văn chương. Và sau là giúp cho nhà văn nâng cao chất lượng sáng tác, có thêm kiến thức về xã hội, về bạn đọc…
PV: Tại sao mình không đặt một cái tên khác, chẳng hạn như Ban văn học mở rộng để tách chữ “câu lạc bộ”, vì nói đến Câu lạc bộ Văn chương sẽ nhiều người liên hệ ngay đến các câu lạc bộ thơ ca với các phong trào văn học quần chúng.
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Chúng tôi cũng chưa biết đặt tên như thế nào cho hợp lý, nên tạm thời đặt như hiện nay. Còn nếutên gắn với chữ Ban thì lại rơi vào “hành chính” ban bệ. Phương thức hoạt động của Câu lạc bộ là độc lập, chủ động, mặc dù vẫn chịu sự lãnh đạo chung của nhà nước, của Hội Nhà văn.
PV: Vậy kinh phí hoạt động của Câu lạc bộ được duy trì bằng nguồn nào?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Kinh phí hoàn toàn phụ thuộc vào Hội Nhà văn Việt Nam.
PV: Hội viên của Câu lạc bộ Văn chương bao gồm các thành phần nào thưa ông?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tất cả các nhà văn đều có quyền tham gia và trở thành Hội viên của Câu lạc bộ cùng tất cả các bạn đọc có nhu cầu tham gia, kể cả thầy cô giáo và sinh viên các trường đại học. Hiện nay Câu lạc bộ Văn chương kết nạp Hội viên thông qua các Câu lạc bộ khác.
PV: Xin ông cho biết số lượng Hội viên tham gia của Câu lạc bộ hiện nay?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Cho đến thời điểm này thì Câu lạc bộ dù đã đi vào hoạt động, nhưng vẫn chưa chính thức cấp thẻ.
PV: Khi mới nghe qua cái tên, có nhiều ý kiến cho rằng, Câu lạc bộ Văn chương là một tổ chức văn học không được “cao giá” lắm, mà mang tính quần chúng. Ông có nghĩ rằng, Câu lạc bộ Văn chương sẽ khó thu hút được các nhà văn tham gia?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Thu hút các nhà văn thì bao giờ chả khó. Đâu chỉ tại cái tên. Nên hiểu Câu lạc bộ là một tổ chức không chịu trách nhiệm hành chính lắm và các hoạt động cho phép các thành viên tương đối tự do.
PV: Vậy hoạt động của Câu lạc bộ Văn chương dành cho quần chúng hay đại chúng yêu văn chương?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Dành cho bạn đọc nói chung. Hiện nay theo quan sát của tôi thì chưa hẳn là bạn đọc mà là bạn yêu văn chương thôi. Chắc phải tìm bạn đọc ở cả những thư viện.
PV: Một trong số các hoạt động của Câu lạc bộ là giới thiệu các cuốn sách, cùng tổ chức các sự kiện văn chương, ví dụ như kỷ niệm năm sinh, năm mất của nhà văn nào đó… Xin hỏi nhà thơ Vũ Quần Phương, thực tế các hoạt động Hội thảo, Toạ đàm hay kỷ niệm như thế nào trước nay vẫn do Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp đứng ra tổ chức, vậy tại sao giờ đây lại có sự tham gia của Câu lạc bộ Văn chương?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Các hoạt động văn chương kể trên vẫn do Hội Nhà văn tổ chức, Câu lạc bộ chỉ mời thêm những hội viên có cùng mối quan tâm tới dự thôi. Ví dụ như hoạt động này là văn xuôi thì mời thêm các hội viên văn xuôi của Câu lạc bộ tới tham dự. Thơ thì mời hội viên thơ của Câu lạc bộ tham dự… Còn Câu lạc bộ chỉ tổ chức riêng khi có một cuốn sách mới. Ví dụ cũng là kỷ niệm Văn Cao chẳng hạn, nhưng dịp đó có cuốn sách tuyển tập Văn Cao thì Câu lạc bộ sẽ giới thiệu.
PV: Với mô hình Câu lạc bộ, nhưng lại là Câu lạc bộ Văn chương của Hội Nhà văn thì sẽ hoạt động như thế nào để vừa đáp ứng được tính chất quần chúng của đông đảo bạn đọc như Câu lạc bộ xác định nhưng cũng lại vừa phát huy được giá trị nghệ thuật khi nó thuộc một Hội trung ương lớn như Hội Nhà văn Việt Nam?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi cho rằng, nhà văn của chúng ta hiện nay có người cao hơn bạn đọc, nhưng có người lại thấp hơn bạn đọc. Nhiều bạn đọc làm khoa học kỹ thuật, không dính dáng gì đến văn chương nhưng lại sâu sắc hơn làm văn chương. Tôi từng đi nói chuyện thơ ở một số trường học và thấy nhiều khi học sinh chuyên toán đặt câu hỏi hay hơn học sinh chuyên văn.
Hội Nhà văn những năm qua đã làm được nhiều việc về mặt phong trào nhưng chiều sâu học thuật chưa cân đối với bề rộng. Ví dụ làm được Ngày Hội Thơ như hiện nay là giỏi. Nhưng bên cạnh ngày hội mang tính phong trào thế phải có hội nghị học thuật quanh cái ngày đó như ngày 13, 14 hay 16 (ÂL) nói về những vấn đề của thơ. Tức là bên cạnh việc vui thì phải làm gì đó giúp cho văn học tiến lên.
Câu lạc bộ văn chương cũng vậy, vừa là nơi để đông đảo độc giả tham gia nhưng sẽ nâng họ lên là những người tiêu thụ văn chương có chất lượng.
Hiện nay, trong văn chương không thể xem nhẹ số đông, cũng như người nổi tiếng vì trào lưu. Một tác giả mà bán được mười nghìn cuốn thơ thì không thể coi thường được. Rất đáng kể. Nhưng cũng phải biết được, cái này sẽ qua đi. Người gạo cội cũng có thể thất bại. Hay thành công trước mắt cũng đừng tưởng là ghê gớm.
Hoạt động của Câu lạc bộ Văn chương sẽ vừa hướng đến cái bề rộng của công chúng, vừa hướng tới bề sâu của học thuật. 
PV: Được biết, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì Câu lạc bộ được thành lập đáp ứng nhiều nhu cầu, như: nhu cầu giao tiếp văn học giữa các nhà văn, nhà thơ với quần chúng yêu văn học nghệ thuật; cung cấp thông tin về các vấn đề đời sống văn học tới hội viên; góp phần thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động văn học sáng tạo và văn học giao tiếp… Tóm lại, đó chính là sự giao tiếp văn học. Nhưng thiết nghĩ, đây là những nhu cầu mà cá nhân nhà văn từ xưa đã tự đáp ứng theo sở thích, nguyện vọng… Và trong bối cảnh hiện nay, dưới sự trợ giúp của internet, của các phương tiện truyền thông, của giao thông thì lại càng dễ dàng… Thậm chí ngay cả việc giới thiệu sách mới, Hội cũng đã từng có những buổi giới thiệu. Vậy ông có nghĩ việc ra đời của Câu lạc bộ Văn chương là cần thiết không?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Trước đây Hội Nhà văn có làm nhưng rất ít vì không có bộ phận chuyên lo việc này. Ví dụ các Ban như Văn xuôi, Thơ… thì chỉ lo giới thiệu kết nạp Hội viên, giải thưởng… Còn các hoạt động khác thì Ban không chịu trách nhiệm nên phải có một tổ chức chuyên lo.
PV: Năm vừa qua, giới văn chương rất bất bình vì hoạt động của Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam với các chi nhánh Câu lạc bộ khắp cả nước và một lượng Hội viên rất lớn. Lên án vì sự trục lợi, thiếu minh bạch… nhưng cũng cho thấy một nhu cầu lớn liên quan đến văn học của quần chúng. Vậy Câu lạc bộ Văn chương của Hội Nhà văn liệu có là mô hình Câu lạc bộ “kiểu mẫu” và có tham vọng sẽ thâu tóm các nhu cầu chính đáng của đông đảo công chúng văn chương với tâm và tầm của mình?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Câu lạc bộ Văn chương của Hội Nhà văn có hoạt động khác với các Câu lạc bộ văn thơ hiện nay. Câu lạc bộ Văn chương của Hội Nhà văn là tạo mối giao lưu giữa nhà văn với bạn đọc, giúp cho việc đọc sách là chính chứ không nhằm giúp bạn đọc làm thơ hay làm văn. Mô hình hoạt động của các Câu lạc bộ này là khác nhau nên không thể lấy cái này làm mẫu cho cái kia được.
PV: Vậy kể cả tương lai Câu lạc bộ Văn chương phát triển, thì Câu lạc bộ Văn chương của Hội Nhà văn cũng không hướng đến mô hình giúp bạn đọc làm thơ viết văn?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Không, chúng tôi không chủ trương hướng đến điều đó. Vì hoạt động như thế phải mở lớp, Hội viên phải đóng tiền. Các hoạt động phải hạch toán, quy ra tiền. Bản thân tôi và những người trong Ban chủ nhiệm không cótrách nhiệm kiếm tiền theo cách đó. Mà làm được như thế cũng phải là người rất năng động, không phải nhà văn nào cũng làm được.
* Cảm ơn nhà thơ với những chia sẻ.
Hiền Nguyễn (thực hiện)



Nguồn: Tổ quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét