Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Đôi dòng về cuốn TRĂM NĂM LI HỢP



 Đôi dòng về cuốn TRĂM NĂM LI HỢP


                                         Nho

          TRĂM NĂM LI HỢP của nhà báo Lê Khắc Hoan do nhà xuất bản Lao Động ấn hành năm 2013. Cuốn sách vào chung khảo tiểu thuyết năm 2013. Đông đảo nhà văn, nhà báo, thành viên câu lạc bộ và bạn bè nhà văn đến dự buổi “Tọa đàm giới thiệu” do Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ văn chương của Hội Nhà Văn tổ chức ngày 20 tháng 2 năm 2014.
Các nhà văn  Vũ Quần Phương, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Khắc Trường, Văn Chinh, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyên An, Đặng Văn Sinh,  một số nhân vật trong sách, những bạn đọc và người thân đã phát biểu. Nhà văn Ma Văn Kháng cũng gửi một bài viết đánh giá cao cuốn sách.
         Vũ Nho mới đọc một số chương trên bản vi tính do nhà văn Hoàng Minh Tường gửi nên không có ý kiến. Sau hội thảo, được tác giả  thân tặng một bản. Thế là mê mải đọc. Quả thật câu chuyện li hợp của dòng họ Lê Khắc vô cùng hấp dẫn.  Gần một ngàn nhân vật chính và phụ của một dòng tộc  hùng hậu trong cuộc chiến tranh chống Pháp rồi chống Mĩ đã tứ tán tung tóe. Mỗi  nhân vật được kể dù dài ngắn khác nhau nhưng đều mang số phận của người dân trong chiến tranh gắn với những hoàn cảnh lịch sử, cụ thể. Biết bao những chi tiết sống động, chân thực đã được tác giả “phục dựng” tài tình. Truyện kí ư? Gia phả chí ư? Có sao đâu. Kí viết giỏi, ghi chép biết chọn lọc, khái quát thì đọc vẫn thú vị và hay hơn hẳn tiểu thuyết mà viết dở. Gia phả ư? Thì cũng đã có bao nhiêu tiểu thuyết của ta từng viết về các dòng họ ở nông thôn trong thời hợp tác và chiến tranh đó sao?  Nếu có gì đó đặc biệt thì chính là chuyện dòng họ nhưng không phải ở một làng, xã, mà là ở khắp cả nước. Thêm nữa, trong cuộc li tán đó, người Bắc, kẻ Nam, người theo kháng chiến, người làm việc cho chính quyền Sài Gòn, rồi sau có người di tản sang Mĩ. Và điều quan trọng là người viết sách đã  viết những tác phẩm từng đoạt giải thưởng văn chương. Chính lòng yêu con người, yêu mến kính trọng những người họ hàng ruột thịt, cộng với văn tài của người viết đã làm nên một cuốn sách hấp dẫn về những con người dòng họ Lê Khắc trong chiến tranh và trong hòa bình với việc hòa giải, gắn kết huynh đệ cùng dòng tộc. Số phận của những con người cùng dòng họ ấy, cũng là số phận các dòng họ, các gia đình con dân nước Việt trong và sau chiến tranh. Những con người, những cuộc đời thực ấy đã từ cuộc đời bước vào trang viết mà chất thực như là một sức hấp dẫn lớn. Thành công của tác giả ở chỗ là đã lựa chọn, sắp xếp những số phận của dòng tộc xung quanh biến cố của lịch sử được thể hiện trong 21  chương sách mạch lạc và chặt chẽ.


          Cảm thấy không phải ngẫu nhiên mà Hội đồng văn xuôi bỏ phiếu 4/9 như nhà văn Hoàng Minh Tường và Nguyễn Khắc Trường cho biết. Có lẽ các thành viên Hội đồng đã trừ điểm khá nhiều những chỗ ghi chép kiểu gia phả thiếu hay ít chất văn.  Nhìn chung, văn của cuốn sách hay, linh hoạt, nhiều trang rưng rưng cảm động. Nhưng vì tác giả muốn viết "gia phả" ( gia phả chí), vì vậy không tránh khỏi  có những chỗ  rườm rà, tỉ mỉ và khô khan của lối chép gia phả. Với tư cách bạn đọc, người đọc chỉ quan tâm đến số phận của những mảnh vỡ của dòng họ, cái phần ghi chép trung thực kiểu gia phả làm cho chất văn chương bị lấn át. Giá như ông “chép gia phả” nhường chỗ cho ông nhà văn nhiều hơn, cắt bớt phần "ghi chép", chỉ để lại những nhân vật chính, cuốn sách sẽ hấp dẫn và lí thú hơn nhiều. Biết bao nhiêu là dòng họ có những ghi chép tỉ mỉ về dòng họ của mình. Nhưng chỉ có ngòi bút tài năng mới có thể biến câu chuyện của dòng họ thành tác phẩm văn học hấp dẫn bạn đọc. Hơi bị tiếc cho tác giả vì muốn làm một lúc cả hai việc  ghi chép gia phả" nhất nhất người và việc đều ghi chép y nguyên sự thật", và sáng tạo văn chương.
       Tôi nghĩ rằng đây là cuốn gia phả đầy đủ dành cho con cháu nhiều đời của dọng họ Lê Khắc. Còn khi dành cho bạn đọc nói chung trong cả nước thì ông kí giả kiêm nhà văn Văn Trí cần rà soát lại tỉ mỉ, rút bớt những
chi tiết bắt buộc đầy đủ của gia phả, tác phẩm sẽ lí thú và hấp dẫn hơn rất nhiều.

                                                                      Hà Nội, cuối tháng 2/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét