Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

ĐỌC THƠ ĐỖ TRUNG CÔN

Đường Văn

ĐỌC THƠ  ĐỖ TRUNG CÔN

Để tưởng nhớ hồn linh Đỗ đại ca,
người bạn đồng môn vong niên của tôi

ĐƯỜNG VĂN
         
          Theo đúng như chỉ dẫn của người viết trong 4 câu thơ mở đầu, tôi đã rất chi là rón rén, se sẽ, nhè nhẹ, nâng niu lần giở từng trang, từng trang sách vàng (in vi tính, fôtô, đóng tập,… không bìa!?) 26 bài THƠ  đỗ trung côn… mà lòng những chỉ sợ làn hương nhẹ như mây khói sẽ bay biến mất dưới bàn tay phũ phàng và đôi mắt trần tục, thô thiển của tôi. May thay! Đọc đi đọc lại tới vài lần,… điều nan du ấy vẫn… không xảy ra!
          Cảm nhận chung của tôi là thơ anh Đỗ đậm tình, lắng sâu nghĩ ngợi chuyện mình, chuyện đời, nhân tình thế thái. Hồn thơ rất trẻ, ngược hẳn với tuổi lão thi nhân đã ngót nghét bát tuần đại thọ. Hùng tráng, mạnh mẽ khi qua sông Rừng:
Ầm ầm gió giục, sông gầm thét
                            Ngỡ tiếng quân reo giữa đất này.      (Sông Rừng)
Khi mơ màng hỏi đường 5 hay hỏi chính quê mình?
Quê hương mình đẹp như  thơ
Hỏi người du kích bây giờ nơi đâu?
                                                                    (Qua đường 5, nhớ người du kích cũ)
          Có khoảng khắc cảm xúc thoắt trẻ lại như cảm xúc của một chàng trai chớm tuổi 20:
Người con gái tóc xanh, má đỏ/Rót mời tôi chén rượu ngang trên bãi cỏ/
Tuyệt vời không! Sao có đứa ẩm ương/Lại ngồi mơ được về cõi thiên đường?   (Địa đàng)
          Lại như chú học trò nhỏ dại trước hồn linh vị ân sư, vào một buổi sáng mùa thu, ngày 8 tháng 10 – 2006, cả nhóm cựu giáo sinh lớp Văn - Sử A (TCSPHN) viếng thăm nghĩa trang Gò Bạt (xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm):
                      Lên nghĩa trang vái lạy thầy/Khắc ghi tình nặng nghĩa dày/
Con rước thầy về thăm đất cũ/ Bốn chục năm dìu dắt chúng con.  (Phác thảo về nguồn)
          Nhưng nhiều khi cảm xúc lại rất già, khi người viết chiêm nghiệm nỗi sầu thời gian, nhân thế, trĩu nặng những dòng thơ như tiếng thở dài tiếc nuối, buồn tênh:
Tết này đào nở chậm/Cho mùa xuân dài ra.
                             Ta quên mình bao tuổi/ Lòng bồi hồi thiết tha.           (Chong đêm)
          Nỗi buồn, cô đơn vì không có ai, không tìm được người tri âm, tri kỷ này thật gần gũi với tứ thơ Lý Bạch (Cất chén mời trăng sáng/mình với bóng, thành ba) nhưng anh Đỗ vẫn có lối diễn đạt riêng, với giọng điệu xót xa, đau đáu kiếm tìm rồi thất vọng và cam chịu…Bài lục bát 4 câu gợi được sự đồng cảm của người đọc hôm nay:
Một mình ngồi với một mình/Một mình uống với bóng mình là hai.
             Trời cao, đất rộng, sông dài/Tri âm đẫu hỡi… để tôi một mình!! (Tứ tuyệt 2)
           2 câu đầu trong bài Tứ tuyệt 1 khiến bạn đọc yêu thơ Tản Đà muốn ghi thêm 1 chú thích: Mượn ý thơ Tản Đà: Trời đất sinh ta: rượu với thơ/Không thơ, không rượu: sống như thừa! (Ngày xuân: thơ – rượu).
          Nghe nhạc Môza và xẩm tàu điện cấu tứ khá bất ngờ, đối lập giữa 2 cực: hiện đại và dân dã cả về nội dung tâm trạng và về hình thức giữa 2 đoạn  thơ (bậc thang và hỗn hợp), tạo nên sự lý thú trong thưởng thức. Chỉ tiếc mấy câu kết hơi bị… thật thà!

          Theo tôi, Thu sang có lẽ là bài thơ khá nhất trong tự tuyển tập. Cảm xúc tinh tế, man mác. Lời thơ, hình ảnh thơ không mới nhưng trong trẻo, hồn nhiên; vần lưng như tự nó đến cùng cảm xúc (những vần được gạch chân); nhịp thơ đứt - nối rất phù hợp với thể thơ bậc thang hiện đại. Với thi đề phổ biến đã thành quá cũ mòn, tác giả vẫn góp được vào vườn thơ thu Việt đầu thế kỷ 21 hương sắc riêng khó lẫn của mình:
Thu sang
                        vàng
                                              hoa cải.
Gió
               se se
                                  đầu môi.
Mẹ già
                  phơi
                                       chăn, áo.
Ai
                        nghiêng nón
                                                  đón
                                                                                   người đưa thư.
          Tản mạn về thu đúng là tản mạn! Mặc dù cũng có những ý nghĩ  phản biện quyết liệt và hào sảng về thi ảnh thu nước mình khác thi ảnh thu nước người: Cơn cớ gì… cứ phải trăng mờ, nguyệt bạch … mới là thu?! nhưng đoạn 3 lại quay về với cách thể hiện giản phác, thô mộc của thơ ca truyền thống quen thuộc: (mùa cách mạng, cụ Hồ, cờ đỏ, sao bay, tựu trường…). Riêng câu kết buông lửng lơ, ngân nga mời gọi:
Đi hết mùa thu yêu thương.
          Chùm thơ thù tạc của Đỗ huynh nặng ấm tình đồng môn, nghĩa bạn bè (2 bài Mừng bạn làm nhà mới (tặng PVT, NĐ), đôi khi hóm hỉnh (Mừng Nguyễn Vũ Tiềm 70 tuổi) nhưng cũng có những bài cảm hứng còn chung chung, từ dùng có phần trùng lặp (2 bài Mừng NMH, NQD 60 tuổi).
          Những điều thấy trong hầm trú ẩn trần trụi, gân guốc những dòng thơ quánh gọn, tốc tả hiện thực trong một căn hầm với ba bố con ngồi trú, tránh máy bay phản lực USA đang hoành hành xả rốc két, vãi bom bi, bom tạ, bom nổ chậm… Bài thơ làm sống lại  không khí ác liệt, hừng hực 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, trên bầu trời Hà Nội. Người cha thì mải nghe, nhìn, toàn tâm lo lắng cho hai đứa con trai bé bỏng. Nhưng kỳ lạ thay! Hai thằng nhóc quá ngây ngô hay gan lỳ cóc tía? Đứa lớn - bé Hải Âu - vẫn mải dán mắt đọc hồi Tam quốc: Quan Công thủy chiến Bàng Đức; còn đứa nhỏ - Hải Châu - vẫn mặc kệ: Đôi môi hồng chút chút/đánh một giấc dài/ đến lúc báo yên.
          Kết luận rút ra, cũng bằng thơ, của một người cha rất đỗi yêu con, một công dân thiết tha yêu đất nước mình: hiển nhiên, chắc nịch, tất yếu như chân lý:
Trẻ con thời đại chúng ta/Như vậy đó!
Mỹ thua là điều quá rõ!
          Đọc Nỗi niềm, tôi chia sẻ và đồng cảm với nỗi nhớ thương bậc phụ thân đã khuất trong mấy câu bàng hoàng, thảng thốt:
Đêm đêm xạc xào ngoài ngõ/Biết rõ đó là tiếng gió/
Mà sao…/Cứ ngỡ cha về gõ cửa.
          Nhưng hình như những ngẫm ngợi ở Ngôi nhà cổ quê mình lại chưa thật gây ấn tượng rõ nét trong tôi. Có lẽ bởi hình ảnh ngôi nhà chưa được khắc họa nổi nét riêng, độc đáo. Kỷ niệm về những người thân yêu, ruột thịt và cả chính bản thân tác giả từng sống ở ngôi nhà ấy, tôi đọc thấy cứ chung chung, chưa cụ thể, góc cạnh.
          Sóng, Cát: ý tứ đơn giản; cách thể hiện cũng có phần giản đơn.
          Anh LD, bạn tôi, tình cờ đọc đến bài Có gì mà phải sợ, muốn nối điêu vài câu:
Có vô vàn nỗi sợ/Từ những điều không đâu:
Bàn tay Vua xiết chặt/Vòng kim cô trên đầu.
Sao bác không nhìn thấy?/Hay là đùa rỡn nhau?
          Thiển ý riêng tôi: nên chăng bỏ 2 câu: Ở trên cõi đời này/có gì mà phải sợ. Vì bỏ, ý câu kết càng rõ, mạnh. Nhan đề bài thơ cũng nên đổi thành: Vô úy và úy (Không sợ và sợ).
          Ừ thì … sáu mươi! họa gần nguyên vận bài lục bát Sáu mươi (Khuyết danh) mà tôi sưu tầm, chỉnh lý và gmail tặng anh. Bài thơ họa: vui, hóm, lộ nét tài hoa. Mấy câu kết thuần tưởng tượng, vẫn khôn nguôi tưởng nhớ trần gian da diết qua làn hương nhòa, lảng bảng trên mặt tủ thờ:
Mai sau dù có ra ma
Một mình góc tủ… hương nhòa… tủi thân!
Bạn bè còn ở cõi trần.
          Tôi bội phục ông bạn vong niên đồng môn: Mới tự học chữ Hán chưa được bao lâu nhưng đã dám thử sức, liều mình như chẳng có, bằng bài ngũ ngôn tứ tuyệt: Ngẫu thư. Chữ nghĩa tuy còn đơn sơ nhưng đã thoảng thoảng hương sắc Đường thi, cổ thi, hết sức đáng quý và chẳng kém phần tự tin về trình độ điều khiển đội binh Hán tự:
Hồng nhật túy hồ tửu/Nguyệt quang chiếu nghiễn trì/
Niên niên tam bách nhật/Lão ẩm tửu ngâm thi.
          Bạn đọc mong muốn tác giả tự giải Nôm thì hay biết bao nhiêu!
          Một trong những hình ảnh – cụm từ mà anh Đỗ thích (hay cố ý?) nhắc lại trong một số bài thơ: tiếng cười, chỉ còn lại tiếng cười. Có lẽ đó cũng là cái đọng lại sau cùng của tôi trong và sau khi đọc tập thơ tuyển nho nhỏ này. Tập thơ vang vang tiếng cười đôn hậu, trẻ trung, hiểu biết; tiếng cười của một lão giả chưa hề an chi mà vẫn thiết tha yêu cuộc sống, gia đình, bạn bè, thiên nhiên, văn chương nghệ thuật... Tuy viết chưa nhiều, tự tuyển lại có phần quá chặt, ngặt; nhưng chỉ với 26 bài thơ, viết rải rác trong gần nửa thế kỷ qua, cũng đã có thể đủ làm nên một khuôn mặt, một  tâm hồn phong phú, tinh tế; một bản lĩnh, nhân cách đáng quý và cá tính chân dung tự họa của Thi nhân họ Đỗ, ngụ xứ Hoàng Mai.
                                                                   ***
          Thơ, hiện nay ở nuớc mình, và cả trên hầu khắp thế giới nữa, chỉ là một trong những trò chơi, thú chơi, chơi thơ, thơ chơi… tao nhã, vô hại nhưng hơi bị …mất thời giờ (và tiền bạc, nếu muốn in ấn sang trọng, thì bất quá cũng chỉ để cho, biếu, tặng)… mà thôi!
          (Để rộng đường tham khảo, xin mời đọc trên: lethieunhon.com: Chơi thơ – một cách tiêu tiền (Tuy Hòa); Đổi mới thơ hôm nay (Lê Thành Nghị, Vương Trọng) và một số bài phê bình, tranh luận của N84, Trần Mạnh Hảo trên trannhuong.com.)
          Gần nửa thế kỷ qua, vẫn cùng đồng điệu, đồng vọng trong trò chơi nghệ thuật ngôn từ thú vị mà vớ vẩn ấy, cầu chúc anh Đỗ khỏe, vui, trí, tâm thanh, sáng, yên bình chạm và vượt qua ngưỡng tuổi 80, 90… để chúng tôi sẽ được đọc những bài thơ mới, những tuyển tập thơ mới của lão ô bách tuế./.

Trèm, Từ Liêm, Hà Nội, 15 – 10 – 2011
Đọc lại có chỉnh sửa, 3 – 2 - 2014
TS. ĐV


* ĐỖ TRUNG CÔN (1935 – 8 – 2012). Đây là tập thơ đầu tiên và cuối cùng của anh.

2 nhận xét:

  1. SANG THĂM ANH... CHÚC ANH & GIA ĐÌNH NHIỀU SỨC KHỎE,NIỀM VUI & HẠNH PHÚC NHÉ!....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Mưa Rừng Chiều!
      Năm mới chúc mọi sự như ý!

      Xóa