Đường Văn
HỒN THƠ THỤY TRUNG
(Thay
lời Tựa Thụy Trung thi tập (1928 – 1995)
TS. ĐƯỜNG
VĂN
Cụ Thụy Trung Nguyễn Đăng Tung (1914 – 1995) là một trong 10 vị cán
bộ lão thành cách mạng (tham gia hoạt động phong trào đấu tranh Mặt trận Bình
dân, Mặt trận Phản đế từ cuối những năm 30 thế kỷ trước) của làng Trèm – xã
Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Các cụ: Hoàng Thúc Kỉnh, Hoàng Thúc Đính,
Hoàng Thúc Khiêm, Chử Trắc Lộng, Lý Ông Cầu… và Nguyễn Đăng Tung* có thể xếp
vào hàng Thập vị hiền hiếm hoi được Đảng
giao trấn giữ một vùng hiểm điạ tây bắc Thủ đô Hà Nội suốt mấy chục năm cách
mạng, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng CNXH, trên quê hương làng
Trèm yêu dấu.
Bút hiệu và bí danh Thụy Trung
của cụ tự đặt cho mình, thật là ý nghĩa. Nó thể hiện lòng quyết tâm, trung
thành, son sắt với lý tưởng cộng sản, với Đảng quang vinh, với cách mạng, với
Bác Hồ vĩ đại, với nhân dân và quê hương Thụy Phương sâu nặng nghĩa tình (trung). Nó còn mang nghĩa ẩn tàng tính
cách trung thực, kiên trinh, đẹp đẽ và trong sáng (thụy). Với bút danh ấy, cụ Nguyễn Đăng Tung đã làm thơ từ buổi
thiếu niên (14 tuổi, năm Mậu Thìn, 1928) tới mùa xuân cuối cùng, xuân Ất Hợi
(1995) của đời, năm cụ đã 82 tuổi). Một đời thơ 67 năm kết tụ lại trong Thụy
Trung thi tập (di cảo chép tay) đúng 65 bài. Hai con số tưởng như
ngẫu nhiên, thật kỳ lạ và thú vị. Tính trung bình cứ mỗi năm cụ Thụy Trung lại
cho ra lò 1 bài thơ mới mà mình tâm đắc. Kể ra, như vậy là quá ít! Nhưng quy
luật của nghệ thuật là quý hồ tinh bất
quý hồ đa (ít mà tinh hơn nhiều mà tạp).
Đọc
kỹ di cảo bản thảo tập thơ chép tay với nét chữ đều đặn, chân phương và sáng
sủa của tác giả đã mờ phai theo thời gian, tôi luôn cảm thấy hồn linh cụ Nguyễn
Đăng Tung vẫn bảng lảng đâu đây trong hồn
thơ trữ tình cách mạng Thụy Trung, vẫn quấn quýt cùng con cháu gia đình,
giữa quê hương làng Trèm – Thụy Phương đang mạnh bước trên con đường đổi mới
thành làng văn hoá – đô thị văn minh - hiện đại trong 2 thập kỷ đầu thế kỷ 21.
Căn cứ vào thời điểm sáng tác và chủ đề tư tưởng, có thể tạm chia Thụy Trung thi tập thành 2 giai đoạn
chính:
1.
Từ bài thơ đầu tay đến trước Cách mạng tháng Tám (6 bài) viết trong 15 năm (1928 – 1943).
2.
Từ hòa bình lập lại đến năm tác giả qua
đời: (58 bài). Viết trong 30 năm. (Khoảng hơn 20 năm, từ 1945 – 1964, Thụy
Trung hình như không viết bài thơ nào?! Có lẽ vì quá bận công tác?! Hoặc di cảo
bản thảo hiện con cháu chưa sưu tầm được?!)
Phần
này lại có thể chia thành các chùm thơ với các chủ đề khác nhau.
Ví dụ: Chủ đề
ca ngợi lãnh tụ (Hồ Chí Minh, Lênin);
chùm thơ tặng, vịnh; chùm Tự thuật, khai bút; chùm xướng – họa…
3.
Ba (3) bài (đoạn) thơ Thụy Trung, được ghi lại theo trí nhớ của cụ bà Nguyễn
Thị Khiêm (93 tuổi).
Hầu
hết các bài thơ trong Thi tập này đều
được sáng tác theo các thể thơ dân tộc
và luật Đường. Bài dài nhất (Mấy lời nhắn nhủ, 212 câu) theo thể song thất lục bát. Ngắn nhất là các bài
tứ tuyệt, thơ 4 câu. Ngoài ra còn có 1 bài Hát
nói – Ca trù, 2 đôi câu đối quốc
ngữ (1 đôi do nội đệ tặng) và 1 bức hoành
phi đề nơi khai hoang: Khuổi nậm
(suối nước), huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, với 4 chữ Quốc ngữ giản dị, đối xứng: Trong sạch, yên vui.
Như
vậy, về thể loại và bút pháp, có thể
nhận xét chung, rằng: Thơ Thụy Trung thuộc loại thơ trữ tình - chính trị kiểu mới thuộc dòng thơ yêu nước - cách mạng truyền thống cùng thế hệ với các
nhà thơ nổi tiếng Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Xuân Thủy…
- Đề tài, chủ đề tập trung, thống nhất và
rõ ràng.
- Cảm hứng chủ đạo: Yêu nước và Cách mạng: chân thành, say sưa, nồng
nhiệt.
- Bút pháp cổ điển vững vàng, trong sáng, ít thay đổi đột biến trong
suốt chặng đường hoạt động cách mạng và sáng tác thơ ca khá dài của mình.
- Phong cách thơ hào sảng, khỏe khoắn, đầy tự tin.
- Lời thơ dung dị, tươi tắn, thoáng hóm hỉnh.
Đôi
khi, tác giả thích lẩy Kiều, tập Kiều
hòa với thơ mình đúng lúc, đúng chỗ, khiến dư vị thơ đậm đà chất cổ điển, uyên
bác, sang trọng mà ngân nga. Người lại ưa dùng những từ Hán Việt cổ, mà cho đến
nay, việc giải thích nghĩa từ nguyên không phải dễ dàng! Chẳng hạn: ti tuyết (cha mẹ), nhất bất (không phải từ bất
nhất?), khâm trù (Khâm Trù? Có phải tên riêng?), bão noãn (đủ đầy?)...
Âu
đó cũng là một đặc điểm chung của các nhà thơ, những người làm thơ chuyên
nghiệp hay nghiệp dư cùng thế hệ cụ.
Có
lẽ cụ Thụy Trung là tác giả thơ duy nhất
trong số các vị tiền bối lão thành cách mạng ở làng Trèm - xã Thụy Phương. Điều
đó, khiến người đọc hôm nay và các thế hệ tương lai càng thêm trân trọng và
kính yêu một chiến sĩ, một cán bộ cách mạng trung kiên, đồng thời là một hồn
thơ cách mạng trong trẻo, giản dị mà mê say, niềm tự hào của lịch sử quê hương
mình.
***
Bài Vịnh hoa đại rụng viết năm chú bé Đăng Tung
mới 14 tuổi (1928), chỉ là 1 thử bút đầu
tay, mà tứ thơ, điệu thơ, lời thơ đã quá già giặn so với tuổi! Đã tựa như
thơ của một người đàn ông trung niên ưu thời mẫn thế, thậm chí thơ của vị lão
niên bóng hạc ngả chiều, nhàn tản ngắm hoa, ngẫm nghĩ sự đời. Giọng, tình buồn
man mác, nhưng không giấu được sự cảm thông và tự tin kín đáo:
Phô: tươi năm cánh trắng pha vàng,
Luồng gió kia, sao khéo phũ phàng?
Cảnh ngộ, tuy
nhiên tiều tụy thế!
Còn thân, ắt
hẳn vẫn còn hương.
Đó
là một điều lạ! Nhưng lạ hơn nữa là càng thêm tuổi, theo dòng thời gian, nếm
trải vị đời, thơ Thụy Trung, từ các bài sau đó, không bao giờ còn biểu lộ tâm trạng buồn thương có phần lãng mạn
trước cảnh vật và con người như thế nữa, mà chuyển hẳn và dứt khoát, ngày càng
kiên định, mạnh mẽ sang cảm hứng xã hội,
thế sự hiện thực, tràn đầy lạc quan, phấn chấn như 1 xác tín thiêng liêng,
khi bản thân đã xác định và giác ngộ lý tưởng sâu sắc, suốt đời: lý tưởng Cộng sản.
Bài Tự thuật (1) viết năm 1938, nếu đặt bên
cạnh một số bài thơ cuả Sóng Hồng (Trường Chinh), Xuân Thủy, Hoàng Văn Thụ,… đã
thấy không ít sự tương đồng về tư tưởng, tình cảm, về thể thơ và cách biểu
hiện:
Hai chục xuân
xanh có lẻ rồi!
Tang bồng nợ ấy trả bao xuôi?
Những toan đúc kiếm, nhưng
không sắt,
Cũng muốn săn beo, chửa gặp người.
Chàng hào kiệt trẻ tuổi tự nhủ
mình:
Kiên trì
luyện chí vài năm nữa,
Hào kiệt, xưa
nay, vẫn đợi thời.
Bài Thơ cũng viết năm ấy. Câu, chữ, tình
điệu còn cổ kính, cứng, già hơn nữa!
Cứ ngỡ như là thơ Đặng Dung, Từ Diễn Đồng, Học Lạc, 2 cụ Phan… từng vang động
lòng người từ nhiều chục năm về trước trong những vần thơ đầy khẩu khí và tráng
chí:
Rồng mây, ắt
có phen tao ngộ,
Trời bể tung
hoành, thỏa chí ta.
Thơ
Thụy Trung, dù thuộc loại thơ tả cảnh vịnh vật hay tả người hoặc thù tạc, cũng cốt để nói chí, tỏ lòng một cách trực tiếp,
chân thành và nồng nhiệt. Đó là loại thơ
đơn nghĩa, tứ thẳng và lộ. Hầu như không
có bài thơ nào được lập tứ môt cách
công phu, gián tiếp, mới lạ. Hầu như người đọc không gặp một hình ảnh, hình tượng ngôn ngữ thơ nào thật tân kỳ,
mới mẻ, đa nghĩa, khơi gợi tưởng tượng bay bổng hay suy tư, nghĩ ngợi sâu xa.
Thơ Thụy Trung, vì thế, dù bài gắn hay bài vừa, bài dài… cũng đều chưa có những câu thơ ám ảnh, lấp lánh
hình tượng mang dấu ấn cá tính, cá nhân riêng của thi sỹ. Nhìn chung, thơ cụ
càng về sau, càng trở nên đôn hậu, hiền
lành và vẫn không nguôi ưu thời mẫn
thế của một bậc lão thành cách mạng cao tuổi, già yếu về hưu, vẫn chăm chú
theo dõi tình hình thời sự thế giới, đất nước, quê hương và thi thoảng lại được
phổ vào một vài bài thơ ngắn, dài tùy cảm hứng, tấm lòng và niềm tin của 1 lão
chiến sỹ, cán bộ suốt đời phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cao cả của Đảng và
cách mạng.
Cảm hứng thơ Thụy Trung trong nhiều bài
rất dồi dào, phong phú. Theo đà ngòi bút cuốn đi ào ạt, dệt thành những bài thơ dài mang dáng dấp diễn ca, trường ca
cuồn cuộn, miên man như dòng sông Mẹ ngày đêm thao thiết chảy trước ngực làng Trèm*. Mấy lời nhắn nhủ, Đời đời nhớ
ơn Người, Ôn lời Di chúc, Quê tôi, sau 30 năm hoàn toàn giải phóng… là
những bài thơ lời, ý dường như bất tận. Đặc
điểm chung của thơ dài Thụy Trung là vần điệu linh hoạt, thông suốt, tề
chỉnh; sử dụng các thể thơ phù hợp (song thất lục bát, lục bát, Đường luật
trường thiên…), kết hợp khá chặt chẽ giữa tự sự kể chuyện và trữ tình tả tâm
trạng. Bức tranh thơ rộng, thoáng, tầng tầng, lớp lớp thể hiện cảm hứng lớn
muốn vươn lên tầm vóc sử thi để ngợi
ca lãnh tụ hay ca ngợi quê hương thân yêu từng bước đổi mới trên những chặng
đường cách mạng. Nhưng không ít bài vì ham sự bao quát đầy đủ các mặt, các
thành tố, khía cạnh của đề tài, chủ đề nên nhiều khổ thơ, đoạn thơ sa vào dễ
dãi, kể lể, thống kê hoặc bình luận chính trị xã hội chung chung; có khi trở
thành diễn ca nghị quyết của Đảng một
cách khô khan, diễn xuôi Di chúc của Hồ Chí Minh một cách dài dòng,
nhạt nhẽo.
Bài Vô cùng thương tiếc người bạn trăm năm
(1943) viết cách đây tròn 70 năm. Nay đọc lại vẫn thấy cảm động trước tấm
tình chân thành, khắc khoải của cụ ông đau thương than khóc, vĩnh biệt cụ bà,
người vợ đầu tiên của mình. Tuy chưa có được những câu thơ thật não lòng mà vẫn
thông thái, hóm hỉnh như các cụ Nguyễn Khuyến, Tú Mỡ từng khóc vợ; nhưng 4 câu thơ cuối bài, khúc ai
vãn thi Thụy Trung cũng đã truyền lan, cảm động lòng người:
Đàn ngang cung, dây huyền bỗng đứt,
Nhớ đến câu nhất bất mà đau!
Hóa nhi sao
nỡ trêu nhau?
Con côi, bố
góa, âu sầu lòng ta!
Bạn
đọc nhớ cho, năm ấy Thụy Trung mới tròn 30 tuổi ta. Thế mà cũng phải đến dăm
năm sau, người đàn ông thất ngẫu
cương nghị, giàu tình cảm, đang xoan ấy mới lại tục huyền!
Mấy lời nhắn nhủ (1965) con cháu, viết trên giường bệnh khắc khoải mà kéo tới
212 câu! Hầu như không có một lời nhắn nhủ riêng tư nào với con này, cháu nọ;
mà chỉ là cái cớ để nói, kể chuyện chung; đã trở thành bài thơ dài nhất thi tập.
Tuy không khỏi có những đoạn trùng lặp, thống kê, lại như một bài tụng ca đất nước và lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam . Thật ngây thơ, thành thật
và dí dỏm, Thụy Trung dặn con cháu những
lời kết mà như dặn người đồng chí đảng
viên sinh hoạt cùng chi bộ:
Ngắn dài, có
bấy nhiêu câu,
Con nghiên
cứu, để về sau thực hành!
Chùm thơ ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh và Lê
Nin (5 bài), được 1 bài thất ngôn bát cú Đường luật Ngợi ca Người, viết và in trên báo Nhân dân tháng 9 – 1969 nổi trội hơn cả. Bởi ý khái quát, lời hàm
súc, giọng điệu, tình điệu chứa chan thành kính, tụng ca vị Chủ tịch đầu tiên
của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người do tinh hoa Hồng Lạc bốn ngàn
năm chung đúc nên; Người được:
Năm châu bốn biển ca công đức
Bầu bạn gần
xa kính phục tài.
Đời đời nhớ ơn Người bị dàn trải, nhưng
sáng tạo lại cách diễn đạt tứ thơ quen thuộc miền Nam
đi trước về sau, dẫn tới tình huống đón
không thấy Bác, nên phải tưởng hình
dung Bác. 2 điệp ngữ ấy cứ trở đi trở lại nhiều lần, đặc tả nỗi ân hận, niềm
tiếc nuối, đau đớn khôn nguôi của đồng bào nửa nước phương Nam với vị Cha già
dân tộc. Đó là đóng góp riêng đáng
ghi nhận và đáng quý của cụ Thụy Trung trong chùm thơ này.
3 bài đề tài thời sự quốc tế: Tượng đài, Chuyện sử, Đàm phán cũng nổi rõ quan điểm và không khí
thời sự trong nước, thế giới trong những tháng năm nước sôi lửa bỏng ấy. Khí
thơ đanh thép, hừng hực, đứng vững trên lập trường sáng ngời chính nghĩa mà phê
phán vĩ nhân bạo chúa hiện đại, hay lược sử ta xưa để cảnh báo kẻ thù nước lớn
ngông ngạo hôm nay; hoặc diễn giải thái độ đàm phán hòa bình bình tĩnh, tự tin,
kiên trì, mềm mỏng mà kiên định của chính phủ ta khiến họ không thể áp đặt, dẫn
dắt 1 cách trịch thượng, bất chấp lý lẽ. Tôi cho rằng những bài thơ chính trị - thế sự ấy có giá trị sắc
nhọn nhất định trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã qua; nhưng với hôm nay, in
lại, không chỉ đơn thuần là ghi nhớ một kỷ niệm sáng tác, mà còn là chứng tích
hùng hồn, bi tráng của 1 thời như một lời nhắc nhủ nghiêm trang: Hãy cảnh giác!
Hãy sẵn sàng!
Chùm
thơ Tự thuật, Khai bút khá thú vị với người đọc. Bởi giọng thơ hài
hóm, nụ cười tự tin, tình yêu cuộc sống và con người trước mỗi mùa xuân sang,
tuổi đời thêm chồng cao, sức khỏe ngày một yếu kém. Khai bút Ất Sửu (1986), khi cụ đã 73 xuân mà vẫn nảy được những câu
thơ khỏe khoắn, dư vang tiếng cười sảng khoái trong cuộc sống điền viên thường
nhật:
Cơm ăn ba
bát, còn ngon miệng,
Rượu
nhấp lưng bầu, mới đỏ da;
Xe đạp mươi
cây, chân vẫn khỏe,
Báo xem hết
cột, mắt chưa nhòa!
Ngoài bát thập mà vóc dáng còn nguyên sắc, phong độ vẫn thanh cao (Câu đối kính tặng của Nguyễn Hoán). Tới mùa xuân Ất Hợi, mùa xuân cuối cùng
của cuộc đời, nhìn lại đời mình lần cuối trước khi vào cõi trường sinh, cụ Thụy
Trung khiêm tốn mà vẫn tự hào, mong mỏi 1 cách thẳng thắn, chân thật:
Không có tài, nhưng cũng chẳng hèn!
Chê thì cũng
có, ít ai khen!...
Nợ nước hiến dâng, lòng đã thỏa,
Ơn dân đền đáp, dạ chưa yên!
Bởi
vậy, cụ vẫn chưa muốn xa con, xa cháu. Vì sự nghiệp chung, riêng còn dang dở,
vẫn canh cánh bên lòng trong sự đua ganh 1 cách ngây thơ, đáng yêu với bọn
thiếu niên:
Bước đường tới đích còn dang dở,
Há chịu ngồi
nhìn lớp thiếu niên!
Quả
là tuổi cao chí càng cao, không hề
muốn lão giả an chi, lão lai tài tận
mà là lão dương ích tráng, lão phụ khang
cường, quyết đấu đến cùng với thời gian và tuổi tác.
Chùm thơ tặng, vịnh, xướng, họa, có thể
xếp chung vào loại thơ thù tạc xã giao
hiếu hỉ khá phong phú. Vì nó rất phù
hợp với người cao tuổi, về hưu. Điều đáng chú ý là Thụy Trung sử dụng lối thơ
này từ những năm hoa niên cho tới tuổi già. Bài nào, dù họa, dù xướng, cũng khá
già giặn, chững chạc. Tình thơ, tình bạn thắm thiết, nồng nàn, tứ thơ, ý thơ
vừa giống vừa khác với thi hữu trong những cuộc xướng – hoạ, thù - tạc ở những
hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn, đoạn thơ hồ hởi, ấm áp và tươi vui tình đồng
chí của Xuân Thủy trong buổi từ biệt Trại
trồng Bông, cơ sở cách mạng bí mật của gia đình cụ Đăng Tung làng Trèm:
Tôi đến nơi
đây, một buổi mai,
Khách chào chủ một, chủ chào hai!
Bỗng trong giây lát, trong im lặng
Chủ liếc vu vơ, khách ngắm trời!
Được
Thụy Trung họa nguyên vận:
Vầng ô vừa
lấn ánh sao mai,
Một khách phong hào, vẹn cả hai.
Anh đến lúa
tơ, sương trĩu lá,
Mừng reo lớp lớp tận chân trời.
Tuy thơ họa chưa thực tài hoa, hóm hỉnh bằng
thơ xướng, nhưng cũng đâu kém phần
duyên dáng?!
Nhìn
tổng quát, những bài thơ viết về đề tài và sử dụng bút pháp này thường rất khó
tránh khỏi sự khuôn sáo, giao đãi hời hợt. Thơ cụ Tung cũng không ngoại lệ: một
số bài, câu, đoạn còn dễ dãi. Bù lại, được cái tâm sáng, tình thật và đặc biệt
khiêm cung, thể hiện lòng biết ơn chân thành trong tình bạn, tình đồng chí.
Nhất là một số bài tặng các anh chị em y tá, bác sỹ, hộ lý phục vụ tại các bệnh
viện, nhà an dưỡng. Họ từng nhiều đợt, nhiều lần tận tình điều trị, chăm sóc
sức khỏe cho cụ Tung.
Những
bài thơ vịnh cảnh của Thụy Trung
thường thiên tả cảnh thiên nhiên bên ngoài mà chưa vươn tới sự hòa hợp của cảnh
– tình thành những bức tranh tâm cảnh
sâu sắc.Tuy vậy, đôi khi cũng phác họa được những nét bút màu sắc, âm thanh trẻ
trung, hiện đại, tình tứ, khá táo bạo:
Rập rờn sóng
bạc hôn bờ cát
Gay gắt nắng vàng hiếp rặng cây.
Dường
như thấp thoáng một chút biển lãng
mạn của Xuân Diệu, một chút nắng của
Hàn Mặc Tử siêu thực thuở nào. Nhưng những câu mới mẻ như thế không xuất hiện
lần thứ hai trong thi tập Thụy Trung!
Cuối
cùng, thấy cần phải nói đôi câu về tấm lòng chung thủy, son sắt, tình yêu vợ
chồng đằm thắm vượt thời gian và trí nhớ đáng nể của cụ bà Nguyễn Thị Khiêm, 93
tuổi, qua 3 bài thơ của cụ Tung vẫn khắc ghi trong hồi ức dằng dặc nhớ thương
của người vợ tào khang. Kế mẫu - mẹ đẻ anh Nguyễn Đăng Sơn quả thật không hổ
danh là người phụ nữ làng Trèm giàu tình cảm, thông tuệ, đảm đang.
***
Mùa
xuân Quý Tỵ, tháng 3 – 2013, trong quá trình chuẩn bị biên soạn tập Đặc san
Văn nghệ Hương Chèm (5), chúng tôi được anh Nguyễn Đăng Sơn (thôn Tân
Phong, xã Thụy Phương) cho mượn đọc tập di cảo viết tay Thụy Trung thi tập của người cha quá cố Nguyễn Đăng Tung. Đọc qua, tôi
đã biết đây là một trong những di sản lịch sử, văn hóa gia đình vật thể và phi
vật thể quý giá, thiêng liêng, không gì có thể thay thế với anh và gia đình
anh. Tôi đã chân thành khuyên anh nên bàn bạc với gia đình, chuẩn bị in ấn và
giới thiệu tập thơ này một cách đàng hoàng, xứng với tầm vóc, giá trị lịch sử,
văn hóa làng xã quê hương của nó. Sau khi Tuyển
tập Văn nghệ Hương Chèm ra mắt (7 – 2013), anh Sơn và gia đình đã chính
thức nhờ cậy và ủy nhiệm tôi biên tập, sắp xếp, tu chỉnh lại tập bản thảo di
cảo quý ấy để đưa in với hình thức đẹp, trang trọng, phát hành rộng rãi trong
nội bộ gia đình và thôn làng quê hương, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh tác
giả, thân phụ Thụy Trung Nguyễn Đăng Tung (1914 – 2014), nhằm bày tỏ lòng kính
yêu và biết ơn sinh thành, dưỡng dục của người cha chiến sỹ– thi nhân lão thành
làng Trèm, đất Thụy.
Tôi
đã vui vẻ nhận lời và cùng anh mau mắn xúc tiến công việc. Cho đến hôm nay, về
cơ bản, tập sách đã hoàn thành. Tôi tự thấy mình đã cố gắng và đã hoàn thành
trách nhiệm với anh bạn chí hiếu và gia đình cụ Thụy Trung.
Thay
lời hiếu tử Nguyễn Đăng Sơn, tôi muốn mượn ý 4 câu thơ Tố Hữu (trong bài Mẹ Tơm (Gió lộng, 1961) để cùng Trưởng nam khấn vọng hồn linh cụ Thụy Trung,
thân phụ anh:
Thắp
nén nhang thơm, mát dạ Người!
Xin về chứng giám, Phụ thân ơi!
Thi tập vừa xong, làng đổi mới,
Chạnh nhớ Trèm xưa, khác mấy vời!*
Với
tư cách một kẻ hậu bối, vãn sinh thế hệ con cháu, một người bạn anh Đăng Sơn, tôi xin được có vài
lời giới thiệu Thụy Trung thi tập,
như trên; ngõ hầu dẫn đưa hồn thơ Thụy
Trung đến với dân làng Trèm cùng bạn đọc yêu thơ gần xa./.
·
THỤY TRUNG
THI TẬP (1928 – 1995): tác giả Nguyễn Đăng Tung (1914 – 1995), xuất bản 1 –
2014.
·
Đọc Vệt xoáy trước ngực làng (tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu - nhà văn làng
Trèm). Trong bộ sách: Nguyễn Hiếu: Tuyển tập; NXB Hà Nội, năm 2010.
·
Nguyên văn khổ thơ trong bài Mẹ Tơm của Tố Hữu:
Đốt nén hương thơm, mát dạ Người,
Hãy về vui chút, mẹ Tơm ơi!
Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới,
Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi!
* Sách Lịch
sử cách mạng xã Thụy Phương (1935 – 2012); NXB Hà Nội, 2013; tr. 159.
10
vị (Thập vị hiền) CBLTCM xã Thụy Phương. Đó là:
Lý Ông Cầu, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Côn, Hoàng Thúc Đính, Lê Văn Hữu
(Lê Hoàn), Hoàng Thúc Khiêm, Hoàng Thúc Kỉnh, Trử Trắc Lộng, Nguyễn Văn Ninh,
Nguyễn Đăng Tung.
Thụy Phương, trọng thu, 20 – 10 – 2013.
TS.ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét