Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Tập truyện ngắn “ CHẠY TRỐN” của Phạm Thị Bích Thủy



Tập truyện ngắn “ CHẠY TRỐN” của Phạm Thị Bích Thủy
Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2014

                                                Vũ Nho

Hình như Phạm Thị Bích Thủy cũng ít đăng tải trên báo những truyện của mình. Nhưng quả thật, tập truyện ngắn đầu tay này là một tập truyện chững chạc của một người am hiểu văn chương và nghề viết.
          Có hai mảng rõ rệt mà tác giả quan tâm. Một là cuộc sống hiện tại ở thành thị với những nhân vật xung quanh, gần gũi trong công ti, trong thành phố với điện thoại, xe máy, ô tô, các buổi họp hành, hiếu hỉ… Hai là cuộc sống ở vùng nông thôn, nơi tác giả đã gắn bó một thời thuở ấu thơ với những kỉ niệm buồn vui còn tươi ròng …
          Không phải là ngẫu nhiên, khi các nhân vật  hầu như không có tên riêng, được gọi một cách phiếm chỉ là “Hắn” ( Công nhân dây chuyền giày);  “Ép nhựa” và “Đồng nát”, “Bọ ngựa chân trắng” và “Áo khoác trắng”, “Chàng” và “nàng” ( Casablanca); “Gã”  và “thị” ( Thứ hai là ngày đầu tuần); “Mụ trứng vịt lộn” và “thị” ( Yêu ghét của đàn bà); Thằng tê  ( Thằng Tê); “Mụ” ( Bình yên).  Nếu như họ có một cái tên cụ thể: Mạnh ( Log book); Thủy Tiên (   Báo tin cho Hạnh Phúc);  Miên ( Thời đại intơ nét) ; Phúc ( Chạy trốn), thì hầu như cái tên ấy cũng chỉ là một cái tên lờ mờ chìm lút trong cách gọi phiếm chỉ “ Gã”, “ Chị”, “Nó” trong câu chuyện. Hẳn là tác giả có dụng ý viết về những nhân vật bình thường, nhỏ bé,  nhan nhản thường ngày, vì vậy cái tên gọi, cái danh xưng là không cần thiết? Hàng ngày chúng ta gặp biết bao cuộc đời, biết bao số phận, nhưng nào có biết tên, rõ tuổi họ đâu?
          Những truyện ngắn trong mảng thứ nhất thường là ngắn. Ở đó có thể bắt gặp nhiều lát cắt của cuộc sống thành thị thường ngày. Một người máy vô cảm hoàn thành các thủ tục chúc tụng xã giao “ như một công nhân lành nghề trong dây chuyền sản xuất”. Có điều người công nhân làm việc trong dây chuyền là bắt buộc. Còn “hắn” , hắn tự tạo cho mình cái công đoạn xã giao “ lái xe- đỗ xe; mở cốp xe; nhặt một bó hoa…; đóng cốp xe; lên cầu thang; gõ cửa “cốc-cốc”; cười hình chữ nhật và “ em chúc chị ngày phụ nữ nhiều niềm vui ạ” ( Công nhân dây chuyền giày).

 Một  “gã” sếp con con bận tối mắt mũi vì những việc “hiếu hỉ” đến nỗi quên cả sinh nhật mình, nhìn xung quanh “ ai cũng đang tất tưởi đi đâu đó; ai cũng như lo lắng không kịp tới đâu đó; ai cũng như đang căng thẳng vì sợ bị nhỡ, bị mất một cái gì đó” ( Log book).
Một cặp vợ chồng nhà nọ căng thẳng vì họp hành suốt ngày, buổi tối lại  khốn khổ vì cái quyết định oái oăm vở xanh vở hồng  đối với việc học của cậu quý tử ( Thứ hai là ngày đầu tuần).
Một cuộc họp lê thê, vô bổ, nhảm nhí và vớ vẩn về một chuyện “ nguyên tắc” và “quy trình”  cứng nhắc của những người có quyền nhưng quan liêu, bảo thủ, trì trệ ( Ăn cắp).
Một người phụ nữ như cây nến cháy hết mình để nuôi hết “ông bà cháu, dì Diệu, dì Mơ, cậu Huy, cậu Hoàng và em Hương” ( Hết nến).
Hầu hết các câu chuyện cho thấy những góc khuất của những con người bình thường dù là nhân viên, là lãnh đạo hay bán trứng vịt lộn, bán giá đỗ. Cuộc sống tất bật và căng thẳng vất vả và mỏi mòn. Đến nỗi như anh chàng Mạnh, một tuần mới có được một lần cười “ Gã mỉm cười. Đó là nụ cười rạng rỡ đầu tiên của gã trong suốt cả tuần nay” ( Log book).
Mảng truyện về nông thôn có ba truyện là những truyện vừa. Ở đây, tác giả  tỏ ra thấu hiểu cảnh vất vả, lam lũ của những con người gắn bó với ruộng đồng. Với truyện “Thằng Tê”, những kí ức về chiến tranh được đan cài giữa một bên là thằng bé xã Vĩnh An bỏ làng lưu lạc ở ga Thanh Hóa, và bên kia là gã phi công Mĩ đã ném bom xuống giết những người dân lành trong số đó có mẹ thằng bé. Một câu chuyện dài, tất cả đều cho thấy cả phía ném bom xuống và phía bị bom đều khốn khổ và mất mát.
Với truyện “Chạy trốn”, người viết muốn đặt vấn đề vì sao làm người lại khổ quá vậy? Quả là tất cả đau khổ dồn vào nhà cái Phúc. Chỉ vì nhà nó không được diện “hộ nghèo” mà bố nó phải chết, anh Nhất phải chết, rồi em nó phải đi vào trại cải tạo… Một bức tranh u ám về nông thôn và những người nông dân khiến cho người đọc day dứt “ Người nông dân bây giờ lại chẳng trồng cấy nữa mà đi làm thuê, leo lên tận trời, vác đất, vác đá, dựng nhà, dựng cửa. Còn cái anh thành phố thì lại đi trồng cây, làm vườn. Chung quy lại cũng chỉ  tại giàu quá mà ra vậy! Chung quy lại cũng chỉ tại nghèo quá mà ra vậy!
Trong  ba truyện thì  “ À í a…” có thể nói là chặt chẽ, nhuần nhuyễn và ấn tượng hơn cả. Cái làng quê ngày xưa được coi là giàu có, giàu vì có “khoai bi” đổ nấu cho lợn ăn…Giàu có vì “Nhà nào cũng nấu bánh chưng, bánh nếp, lại còn có cả thịt gà, thịt vịt để ăn Tết” trong con mắt của cô bé sống ở thành thị thời bao cấp. Nhưng bốn chục năm sau, nó mới xơ xác, tiêu điều làm sao. Hầu như chỉ có một cái màn là thay mới trong căn buồng như xưa và tài sản có giá nhất của cô gái từng  dạy mẫu giáo là “con gà mái già đang chạy ngoài sân giếng”.  Dù làng được công nhận là “Làng Văn hóa”, nhưng “công trình công cộng quy mô và hoành tráng nhất của làng” được mô tả “ Hai cái cột xiên xẹo, sướt xát, tróc vữa nham nhở, vôi màu hồng nhờ nhờ loang lổ, phía trên là dòng chữ xiêu vẹo “ Làng Văn Hóa Ghềnh”. Một chi tiết đắt giá. Đọc truyện này không thể không  ngậm ngùi về số phận những người nông dân của thế kỉ 21 và liên tưởng đến truyện ngắn “Cố Hương” của văn hào Lỗ Tấn…
Các truyện ngắn viết ngắn của Bích Thủy thể hiện một cách viết có nghề. Không chỉ ở nghệ thuật kể, mà còn cả ở nghệ thuật dựng chuyện. Nhân vật thường ít, tình huống đơn giản. Lời kể ngắn. Nhận xét sắc sảo. Đặc biệt là tâm trạng của nhân vật  bộc lộ rõ. Phải là người từng trải, có ý thức chiêm nghiệm, quan sát mới có thể viết như vậy. Nhà văn Ma Văn Kháng cho biết Bích Thủy là người thông minh, nhạy bén, đã từng có bằng tốt nghiệp khoa Tiếng Nga và văn học của Đại học sư phạm Ghéc-sen ( Xanh Petécbua) “ đi nhiều. Lên rừng, xuống biển. Leo núi, lội đồng. Ra Bắc, vào Nam. Anh , Pháp, Úc, Mỹ, Singapore, Hongkong là trường giao tiếp thường xuyên. Qua hết châu Âu, châu Mỹ lại châu Phi. Giao tiếp với đủ các loại chức sắc, các hạng người. Trực tiếp tham gia vào đủ các công việc lớn nhỏ với tất cả niềm say mê háo hức của một tuổi trẻ yêu tha thiết cuộc đời và sự nghiệp” ( Những trang viết đầu tay và một cuộc chuẩn bị). Tất cả cái đó chỉ là  điều kiện cần thiết cho một người làm nghề viết. Có thành công hay không lại còn đòi hỏi văn tài và điều cơ bản nhất là chiêm nghiệm những gì đã trải. Với tập truyện ngắn này, nhưng vốn liếng tích lũy ấy hầu như mới chỉ được dùng chút ít như là một sự thử nghiệm.
 Trong truyện “ Thằng tê” việc lồng ghép song song hai câu chuyện của chú bé xã Vĩnh An và viên phi công  Mĩ dẫu sao vẫn có một cái gì chưa thật tự nhiên. Tuy vậy, vẫn có thể . Nhưng truyện “ Ăn cắp”,  lồng ghép cuộc họp cơ quan kinh doanh với cuộc họp ở kí túc xá ngày xưa,  cùng với cuộc họp lớp bây giờ làm cho nội dung bị dàn trải, và diễn biến  quá “rề rà” (dù có dụng ý nghệ thuật). Các vị lãnh đạo chủ chốt của công ti đã  dùng nhiều lí lẽ bàn thảo hết sức dông dài về một chuyện vớ vẩn để kỉ luật người có ý định “ăn cắp”, dựa vào nguyên tắc. Rồi cuộc họp lớp của 29 năm trước quyết định phê bình người bạn trong phòng “ăn cắp” vì đã nhặt cái bình tông để lấy nước cho cả phòng dùng cũng theo nguyên tắc! Câu chuyện tràn đầy  cảm giác châm biếm sâu cay, chua chát. Chủ đề “ăn cắp” được thể hiện vừa nổi, vừa chìm khá độc đáo và ấn tượng. Đáng tiếc là cái kết của truyện này. Nhân vật  Hạnh, (xưng tôi) nhận được tin nhắn, rồi “khóc nức nở”, rồi lên án những kẻ đã “ăn cắp cơ hội cống hiến, cơ hội làm điều tốt đẹp hơn” rồi nhắn tin lại “ Chúng ta sẽ không bao giờ đổ ngã, em ạ” thì thật là…bất ngờ! Một kết thúc …rất cải lương và…non ép. May mà cả tập chỉ thấy ở một truyện này.
Có thể nói những truyện ngắn trình làng trong tập là những thử nghiệm  thành công đầu tiên của Bích Thủy. Con đường văn chương còn dài lắm đối với tác giả. Nhưng những bước đầu tiên là rất quan trọng. Vấn đề còn lại là sự đam mê và quyết tâm đi đến tận cùng sau sự khởi đầu.
                                           23 tháng 1 năm 2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét