TRONG TÔI, TRƯỜNG VẼ…
(Tản văn – hồi ức)
ĐƯỜNG VĂN
Ra xuân
Giáp Ngọ (2014). Mấy ngày đầu năm lại rét đậm. Rỗi rãi, xuống thăm mấy anh bạn
thân đồng môn ở làng Đông Ngạc láng giềng. Dong xe qua dưới bóng cây hoàng lan
đại thụ, bỗng dưng bao nhiêu kỷ niệm chung quanh ngôi trường quê xưa yêu dấu
lại tràn về trong ký ức… Trường Vẽ trong tôi…trường Vẽ của tôi, của riêng
tôi!... Hồi quang quá khứ càng xa mờ càng lung linh, quyến rũ, lãng mạn và chân
thành. Đó là điều cũng không có gì lạ! Bởi nó gắn liền với hoài niệm tuổi thơ
của mỗi người, càng nhiều tuổi, về già càng trở nên hoang hoải, sâu đậm nỗi
niềm hiu hiu và đôi khi day dứt vô cớ. Trường Vẽ - Đông Ngạc ngoài chín mươi
xuân, trơ gan cùng tuế nguyệt, vẫn là nguồn hồi cố bất tận của
lòng tôi mỗi khi mở đầu hoặc kết thúc một năm học, mỗi dịp Tết đến, xuân về…
Thật ra, hồi những năm chúng tôi học cấp 1 – 2,
trường mang tên Đức Thắng (trường cấp I – II (Tiểu học - THCS ngày nay).
Nghĩa là có đức, nhờ có đức nên thắng lợi (?!); (Người ta
lấy tên của xã làm tên trường thay cho tên chữ: Đông Ngạc và tên Nôm: Vẽ
được lưu hành từ xưa). Đức Thắng, một cái tên đầy khí thế cách mạng,
chiến đấu và chiến thắng hào hùng cũng như nhiều cái tên được đổi theo
hướng ấy trong và sau thời CCRĐ. Ví dụ: Thắng Lợi, Tiến bộ, Quyết tâm, Trung
dũng…. Phải tới cả chục năm sau nữa, cái tên cổ truyền của xã, của trường: Đông
Ngạc (Cá sấu phương đông hoặc Đống Ngạc: đống xương cá sấu, theo
truyền thuyết (?!) mới được phục hồi. Trước nữa, trường mang tên: Tiểu học
Kiêm bị Đông Ngạc. Tiếc là cho đến nay, tôi vẫn chưa thật hiểu rõ ý nghĩa
từ kiêm bị? Kiêm nhiệm cái gì, chuẩn bị cho cái gì? (Khi trường mang tên
ấy thì tôi vẫn chưa được đi học, thậm chí nhiều năm sau mới ra đời!)
Đức Thắng là một ngôi trường kiên cố được xây cất
bằng gạch, ngói năm 1921, kết quả sự công đức của dân làng Vẽ và các nhà
tài trợ hảo tâm địa phương. Đó là một trong những ngôi trường kiến trúc kiểu
mới, kiểu Pháp đầu tiên của huyện Từ Liêm, tây bắc thủ đô Hà Nội. Trong khi các
xã lân cận hầu hết chưa có trường hoặc trường quá nhỏ, trường Đức Thắng
thu nhận trẻ em suốt dọc dải Nhĩ Hà (sông Hồng, khúc dòng sông Mẹ uốn vành
tai). Đó là học trò các xã Thượng Cát (Kẻ), Liên Mạc (Nội, Mạc, Hoàng), Thụy
Phương (Trèm) tới Nhật Tân, Phú Thượng (Gạ, Sù), Cổ Nhuế (Noi), Xuân Đỉnh
(Giàn, Cáo). Kể cả học trò hiếu học mấy xã bờ bắc sông Hồng đối diện cũng chèo
đò, vượt sông sang tầm sư học đạo (Hối Độ, Hải Bối, Võng La, Kim Chung, Tàm Xá,
Vĩnh Ngọc…). Lứa chúng tôi (1956 – 1963) có lẽ thuộc khóa học sinh gần thứ 40
của trường.
Sát bờ đê hữu Hồng, tọa lạc bề thế 2 tòa nhà cao rộng,
thoáng mát có hành lang rất rộng rãi. Cửa sổ, cửa ra vào rất thoáng bằng gỗ lim
đen nhánh, chia thành từng hàng ô kính chữ nhật loang loáng nắng ban mai. Mái
chéo lợp ngói ta, hiên Tây đổ mái bằng. Trên nóc tòa nhà chính (bố trí hai
phòng học. Phòng Hội đồng và phòng thờ ở phía sau có treo hoành phi, câu đối)
đắp nổi tượng lưỡng long chầu mặt trời với ngọn lửa bao quanh.
Phía trước là những hàng 5 bậc lên xuống lát gạch nghiêng, hai bên đắp tượng
con sấu xi măng làm lan can tỏa xuống sân đất nện hình chữ nhật. Mặt tiền chính
của trường nhìn ra mặt đê sông Hồng, hướng về phương bắc. Bên cổng chính, sừng
sững vút cao một cây hoàng lan (Di lăng) cổ thụ không biết được trồng từ năm
nào? Xuôi xuống phiá đông là hai cây sấu già, cùng với cây hoàng lan tạo thế chữ
nhân đĩnh đạc, văn nhã. Tiếp đến cổng phụ (cũng khá rộng) nối với dãy tường
bao đến hết địa giới trường. Chúng tôi vẫn thường ngồi học và đùa chơi dưới tán
lá rờn xanh, râm mát; khoan khoái hít thở mùi hương hoa hoàng lan, hoa sấu ngan
ngát suốt cả tuổi thơ sôi động mà êm đềm. Mùi hương hoa ấy vẫn phảng phất trong
suốt cuộc đời mối đứa chúng tôi. Dãy nhà học thứ hai (gồm 2 phòng học) lùi về
phía sau một chút và nền cũng thấp hơn nền nhà chính độ 0, 50m. Trước mặt có nhà
bia. (Thời tôi học nhà bia bị san bằng. Tấm bia đá khắc bản văn chữ quốc
ngữ ghi lại quá trình xây dựng trường bị đào lên, để vạ vật phiá đầu hồi!).
Cuối những năm 50 – 60 thế kỷ trước, do số học sinh vào trường phát triển mạnh
nên xã quyết định mở rộng khuôn viên trường về phía đông, bằng cách trưng dụng
đất và nhà của 1 địa chủ làng (Tổng L) đã di cư vào Nam (nằm sát với trường). Ngôi nhà chính 5 gian
được cải tạo thành 3 phòng học, hai nhà ngang thành 2 phòng nữa. Sân gạch Bát
Tràng thành sân chơi.Vườn sau thành vườn trường và hố cát tập nhảy. Khuôn viên trường
Đức Thắng từ những năm 60 kéo dài tới tận sát tường bao đình Đông Ngạc. Từ
cấp 1 (tiểu học) phát triển thành trường liên cấp 1- 2 (THCS) với 1 Ban Giám
hiệu, vài chục giáo viên trẻ (chủ yếu từ nội thành Hà Nội lên) cả 2 cấp, một bác lao công
đã trung tuổi rất hiền. Học sinh đông, phòng ốc không đủ, phải chia 2 ca:
Cấp II học sáng, cấp I học chiều. Những buổi tan trường, thường thấy cảnh đàn
đàn lũ lũ học trò đông đúc, ồn ào, áo trắng, khăn quàng đỏ, quần xanh, caki
chen chúc, nườm nượp qua cổng trường tỏa về 2 phía đông, tây, có khi làm tắc
nghẽn cả 1 đoạn đường đê phố Vẽ.
Học sinh trường Vẽ gần một thế kỷ qua, thành đạt không ít:
Đại tướng Văn Tiến Dũng, trung tướng Phạm Quang Cận, họa sĩ Lê Lam, họa sĩ -
nhà thơ Trần Nhương, anh hùng phi công Lê Thanh Đạo, nhà văn Nguyễn Hiếu, NSUT
Hoàng Chè, đại tá Tên lửa Hoàng Ngạch, nhiều tướng, tá, giáo sư, PGS, TS, cán
bộ cao, trung cấp khác… vốn là cựu học trường Vẽ. Qua những lần trường kỷ niệm
trọng thể 75 năm (1996), 80 năm (2001), 90 năm (2011) thành lập trường, tôi đã
được mục sở thị và rất tự hào về truyền thống giáo dục vẻ vang của trường, về
đội ngũ cán bộ, sĩ quan, trí thức hùng hậu của trường, những người đã góp công
đào tạo hàng vạn học trò bao thế hệ, nay lại có dịp trở về tụ hội dưới mái
trường xưa. Tham quan phòng truyền thống, thấy Truyền thống rèn người dạy
chữ của trường Đông Ngạc cứ theo thời gian mà càng dày mãi thêm, sáng mãi
thêm. Rạng rỡ.
Có được những thành tựu ấy, trước hết và chủ yếu là nhờ ở
đức - tài và uy tín của các thế hệ thầy cô giáo trường Vẽ mà chúng tôi
đã vinh dự và may mắn được làm học trò. (Có không ít anh chị em và bạn bè chúng
tôi trở lại làm thầy cô ngay tại ngôi trường yêu dấu mà mình từng là học trò một
thưở. Những hiệu trưởng: Phạm Văn Ch,
Nguyễn Thị L, giáo viên Phạm T, Phan T, Văn T, Văn C, Văn V… xuất thân
từ cựu học sinh trường Vẽ trở lại dạy con em địa phương mình, song hành và tiếp nối với các thầy cô mình ngày
xưa). Tôi nhớ mãi hình ảnh những thầy cô giáo kính yêu trường Vẽ mà tôi tôn
vinh là những ân sư muôn vàn khả kính. Nhiều ít, mỗi thầy, cô đều để lại
trong kí ức tôi những hình ảnh, những kỷ niệm không thể phai mờ. Tôi đã từng
viết lại khá tỉ mỉ về một vài thầy cô trong bài tùy bút dài Từ bóng hoàng
lan (2001). Để tránh trùng lặp, ở đây, xin chỉ phác họa lại một vài ấn tượng về một số thầy cô khác.
Đó là các thầy Hiệu trưởng nghiêm trang mà gần gụi.
Thầy Phạm Quang Đ gầy khô, mũi dài, nhọn. Răng trắng, đều tăm tắp. Tôi nhớ buổi
sáng đầu tháng 12 – 1958, trong cuộc mít tinh toàn trường lên án nhà cầm quyền
Sài Gòn vừa gây ra vụ đầu độc tù nhân kinh hoàng ở trại giam Phú Lợi (Thủ Dầu
Một). Toàn trường, từ thầy cô đến học sinh đều đeo băng tang đen tưởng niệm.
Giọng thầy tố cáo tội ác man rợ của kẻ thù rung lên, đầy phẫn nộ. Tiếp theo lời
kêu gọi thi đua học tốt dạy tốt để trả thù cho đồng bào miền Nam vang lên đanh
thép. Thầy hiệu trường Trần Lân đồng thời dạy lớp 3C chúng tôi. Chữ thầy viết
bảng rất đẹp, bay bướm và duyên dáng. Giọng thầy ấm dịu, khoan thai. Tôi và Phố (Văn Lỗ, thôn
Đông Sen) từng vinh dự được thầy gọi xuống nhà riêng (gác 2 ngõ Ngác, nơi vợ
chồng thầy và đứa con nhỏ ở nhờ) chép học bạ và bản thành tích cuối năm của cả
lớp. Mấy năm sau, tôi gặp lại thầy khi thầy về họp ở trường cấp 3 Xuân Đỉnh.
Gần hai mươi năm sau nữa, tôi lại gặp thầy dự hội trường ở trường CĐSP Hà Nội.
Thì ra, thầy đã có thời gian là giáo viên dạy môn Mác - Lê nin (Chính trị) ở
đó. Trong những buổi gặp gỡ tình cờ ấy, bản tính nhút nhát, ngại tiếp xúc của
tôi, buồn thay, đã ngăn cản tôi đến trực tiếp gặp, hỏi thăm thầy giáo cũ của
mình. Vì đơn giản, mặc cảm nghĩ, chắc thầy cũng chẳng nhớ mình là đứa nào! Thầy
hiệu trưởng Phùng Khải T vui tính, những năm ấy đã ngoài 40 mà vẫn độc thân.
Tóc thầy lượn sóng, đen nhức. Cặp mắt nhỏ, lấp lánh vui, như cười. Hàm răng
trắng hơi hô. Tiếng nói ròn, nhanh, sang sảng. Thầy dạy mỗi môn Chính trị ở 2
lớp 7 (lớp 9 THCS ngày nay). Giờ dạy hấp dẫn vì thầy hay kể chuyện thời sự.
Thầy trình bày dàn bài trên bảng đen rất cầu kỳ. Viết chữ hoa cũng như dùng
phấn màu khá tùy tiện. Riêng tôi rất thích ngắm những dòng chữ bay bướm, hoa mỹ
của thầy. Ít năm sau, vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, thầy xung phong làm công
tác quản lý giáo dục ở vùng giải phóng miền Nam. Mãi đến sau năm 1975, thầy mớí
ra Bắc làm cán bộ phòng GD Từ Liêm. Cuối những năm 90 thế kỷ trước, tôi vẫn thi
thoảng gặp thầy với tư cách là GV trường CĐSP dẫn sinh viên thực tập. Thầy
Phùng hồ hởi trò chuyện với cậu học sinh cũ năm nảo năm nào ở ngôi trường nhỏ
ven sông Hồng, nay đã là đồng nghiệp nhiều năm cùng thầy.
Kỷ niệm về các thầy cô giáo từng giảng dạy chúng tôi những
năm cấp 1 – 2, dịp ấy, tôi đã kể khá kỹ về các thầy Vi, Trần, Viết… Nay xin tái
hiện thêm đôi nét về các thầy cô khác.
Chẳng hạn, thầy Lê (quê Trèm) hồi ấy đã già lắm. Mái tóc
bạc cắt ngắn, nét mặt nghiêm mà hóm. Thầy vào dạy thay thầy Vi lớp tôi có 1
tiết mà học trò vừa thích vừa sợ bởi tác phong nghiêm nghị và lời giảng khúc
triết. Thầy Quang, thầy Đao, thầy Phu, thầy Phạm, thầy Thu béo, thầy Hồng gầy
cao… Các thầy đã có tuổi hồi ấy hầu hết là những giáo viên lưu dung từ
trước năm 1954. Có lần, tôi bâng khuâng nhìn theo thầy Đao cùng thầy Quang
thong thả dạo bước trên sân trường, vẻ mặt cả hai trầm tư như ẩn giấu tâm sự
gì... ?!
Lên cấp 2, chúng tôi được học với các thầy dạy môn Họa,
Nhạc và Thể dục. Mỗi thầy 1 vẻ. Thầy Thăng đẹp trai, tóc bồng bềnh, kéo đàn acoocđêông
tiếng dập dờn, dào dạt như sóng. Thầy Hưng mắt đen dài, lúng liếng, giọng hát
nam trung ấm ngọt chẳng kém danh ca. Thầy Tam chơi ghita điệu tăng gô
điệu nghệ khiến một cựu thủy thủ, 1 ghitarixt nghiệp dư làng Vẽ rất khâm
phục. Chỉ tiếc là tôi chưa được 1 lần thụ giáo ngón đàn tài hoa của thầy. Thầy
Thinh già dạy Họa thì đúng là 1 phù thủy của hội họa. Thầy vẽ cái gì cũng nhanh
và giống hệt. Nét phấn rất sinh động làm chúng tôi cứ tròn mắt, mê tít. Các
thầy dạy môn Thể dục thì hấp dẫn bọn trẻ bằng chính cơ thể đẹp, khỏe, săn chắc,
cân đối, trẻ trung của mình. Thầy Nhân trắng trẻo, nhẹ nhàng như cô giáo mà
động tác mẫu bao giờ cũng rất đẹp, rất chuẩn. Thầy Bao nói nhanh, có phần lắp
bắp nhưng khéo tổ chức các trò chơi sôi động. Giờ học thể dục với thầy bao giờ
cũng đầy ắp hành động vừa chơi vừa học. Vui mà hiệu quả. Các thầy cô dạy môn
học cơ bản cũng có những điều lạ và thú vị. Chẳng hạn một môn Toán lớp 7 mà 2
thầy cô Trọng và Thu cùng dạy. Thầy dạy Hình học, cô dạy Đại số. Cô dạy Hóa
học. Thầy dạy Vật Lý. Người nào dạy cũng hay. Ngắn gọn, chuẩn xác, gợi mở.
Nhưng thầy có vẻ điệu, còn cô thì duyên thầm. Thầy Phùng Xuân (Xuân trắng) dạy môn
Sinh vật một cách say mê; có khi còn hơn thầy mê cô Bùi, con gái ông mục sư ở
xóm Ô Tô làng tôi. Tôi nhớ mãi tiết sinh hoạt lớp cuối tuần ấy. Lần đầu
tiên được nghe thầy Phan Ty hào hứng kể chuyện Ruồi Trâu. Trong
tâm trí non nớt của lũ học trò lớp 4 chúng tôi, thấy câu chuyện sao mà kỳ diệu,
ngỡ ngàng, cảm động và bi hùng đến thế!…
Mỗi người một vẻ, 1 cá tính nhưng có điểm chung nổi rõ là
tinh thần trách nhiệm cao, lòng yêu nghề, mến trẻ sâu đậm. Chính các thầy cô đã
vỡ lòng cho biết bao lớp trẻ vùng quê ngoại thành Hà Nội như chúng tôi đang
chập chững, chuẩn bị vào đời thành những thiếu nhi, thanh niên tò mò, ham học,
ham hiểu biết và không ít đứa đã sớm say mê với các môn khoa học Toán, Lý, Văn,
Sử hay nghệ thuật Nhạc, Họa; nuôi ước mơ xanh trở thành những kỹ sư, họa
sỹ, ca sỹ, chiến sỹ, giáo viên… sau này.
Các thầy cô giáo từng dạy trường Vẽ hơn nửa thế kỷ qua, đến
nay hầu hết các vị đã hạc giá đằng vân về cõi Niết Bàn. Những học trò các cụ
như lứa chúng tôi cũng đã tròm trèm thất thập. Nhân một mùa xuân mới đang về,
chúng con xin lại thắp 1 tuần nhang bái vọng hồn linh các ân sư với tất cả tấm
lòng biết ơn thành kính.
Kỷ niệm trường Vẽ, nhớ không xiết những mẩu chuyện vui,
buồn, lắm khi cười ra nước mắt mà đầu têu chính là lũ trẻ con nhất quỷ, nhì ma,
thứ ba học trò – lũ chúng tôi một thời, một thuở như rạch trời rơi xuống, tự
cho mình xưng hùng xưng bá, đại náo thiên hạ bởi những trò chơi nghịch ngợm
ngây thơ, dại dột nhưng hồn nhiên, vô tư nhất đời. Hồi lớp 1, 2, mới chân ướt
chân ráo từ làng Trèm theo ông Vi xuống trường Vẽ nhập học, tôi lơ ngơ như chú
gọng vó của Tô Hoài lạc từ dưới đầm lên bờ, bị ngay chú cà cưỡng là
thằng Cuơng bột bắt thóp, bắt nạt. Hắn thích kéo tôi xuống dệ đê phía
bên kia để hạch sách, vòi quà. Khi thì miếng bỏng rang, khi thì cái kẹo bột.
Hắn vừa xin vừa đòi. Không cho thì hắn trấn, cướp, dọa đánh. Tôi thấp nhỏ, yếu
hơn hắn, lượng sức mình, đành chịu tho nhưng trong lòng uất sức khôn
nguôi. Tự nhủ, lớn lên nhất định sẽ có dịp đòi lại món nợ này. Tới tuổi trưởng
thành, nghe đâu hắn làm nghề coi chợ Vẽ. Và hình như hắn cũng đã lìa trần. Hỡi
ôi!
Nhớ tới Đăng Phu và Đường A (tôi là Đường B) với những trận
đuổi nhau chớp nhoáng quanh sân trường giờ nghỉ giữa giờ 15 phút. Mồ hôi mồ kê
đầm đìa lưng áo. Cứ thế, vừa thở vừa chạy vào lớp học tiếp 2, 3 tiết cuối.
Những trận đá cầu, đá bóng trên sân trường với các lớp bạn. Những buổi tập xe
đạp đầy ngượng ngùng và thích thú dưới sự theo dõi tò mò của mấy đứa bạn gái
tinh quái. Và những buổi tập văn nghệ trong đội hợp xướng do thầy Trọng hướng
dẫn. Tôi chỉ được vào danh sách dự bị, háo hức và thèm muốn, say sưa nhìn lũ
trai gái bạn bè kề vai sát cánh mà chúm miệng hưm hưm, tự làm nhạc đệm
cho bài ca ngợi Tổ quốc: Kìa dải Trường Sơn uốn mình quanh bờ biển
Đông… của nhạc sỹ Hồ Bắc. Những buổi tập hát ở sân sau đình Vẽ. Buổi biểu
diễn ở sân khấu ngõ Ngác, sân khấu đình Vẽ. Sao mà mê ly, sao mà bay bổng? Tuổi
thơ thần tiên ơi! Có lẽ tôi mê văn nghệ, đàn hát từ độ ấy?! Niềm đam mê dai
dẳng cho tới tận tuổi mãn chiều cơ hồ chưa thấy mỏi, nản!
Và cũng phải nhớ thêm, vào cuối năm cấp 2, một tình cảm là
lạ, cao hơn tình bạn một chút hình như đã mơ hồ, le lói trong hai đứa trẻ chúng
tôi, chập chờn suốt mùa hè cuối cùng năm lớp 7 kéo qua mùa thu đông ấy, tôi vào
Xuân Đỉnh học tiếp cấp 3, còn nàng thì rẽ ngang, học 1 trường nghề. Tạm gọi là
mối tình đầu qua những bức thư học trò vụng về, ngây thơ và lố lỉnh, chẳng đi
đến đâu…! Tôi còn nhớ như in những câu thơ rất già, rất sến từng viết
hồi ấy, nhưng không bao giờ dám gửi, dám thổ lộ:
Đêm nay ngồi học, bên bàn
viết,
Gió bấc rì rào, mưa phùn rơi.
Buồn buồn, chầm chậm mùa
đông tới,
Những đám mây đen phủ kín
trời.
Tôi ngồi tôi nhớ người con
gái
Yêu vụng,
thương thầm bấy lâu nay;
Đã chẵn 2 tuần không thấy
mặt,
Gặp em bày tỏ mối tình ngây…
Rồi thời gian lặng lẽ trôi, mỗi đứa một nơi, có một nghề,
một sự nghiệp, nhận một cuộc đời, một số phận, một gia đình riêng… Thoáng nhớ
về nhau qua bao năm tháng, vẫn chỉ thấy ngậm ngùi, nhưng không bao giờ tiếc
nuối! Bởi vì tình cảm bồng bột ấy, hoàn toàn chưa phải là tình yêu đích thực,
đúng nghĩa mối tình đầu. Đó chẳng qua chỉ là dạng tình bạn mến thương tuổi học
trò chanh cốm, dậy thì lạ lùng, kỳ diệu và thoáng bóng mây qua… mà thôi!
Tất cả được khởi đầu và kết thúc từ mái trường Vẽ rợp bóng
hoàng lan thân yêu!
Gần năm mươi năm qua, mỗi lần tình cờ đi qua đoạn đường
cạnh ngôi trường tuổi thơ ấy, lần nào tôi cũng ngước nhìn cây hoàng lan cổ thụ
vẫn tươi xanh, nhìn cây sấu già xơ xác, ngắm mái ngói rêu phong và những con số
đắp nổi 1921 (năm thành lập trường) mà lòng bồi hồi, dâng dâng lên nối buồn vẩn
vơ, nỗi nhớ tiếc mơ hồ của một quá khứ ăm ắp kỷ niệm học trò một đi không trở
lại…
Trong ngày Đại lễ kỷ
niệm 90 năm trường Đông Ngạc được tổ chức trọng thể cuối tháng 11 – 2011, tôi
đã vinh dự được BTC đề cử thay mặt tất cả cựu học sinh các thế hệ nói lên lời
biết ơn chân thành và sâu nặng tới ngôi trường quê và các thầy cô trường Đông
Ngạc kính yêu. Tôi đã gắng thể hiện tâm trạng chung - riêng cảm động ấy trong
trong bài thơ Hẹn, như vầy:
HẸN
Hồng Giang
cuồn cuộn chảy về Đông;
Sóng dập dồn* chở tháng
năm cùng…
Kiêm bị trường ta tròn chín chục;
Chúc thầy, mừng bạn: khúc vui
chung!
Chín mươi năm ấy… nặng ân tình,
Mỗi ngày tới
lớp: một bình minh!
Xôn xao trống
giục mùa khai giảng,
Bao lớp Thầy
– Trò: danh sáng danh!
Cảm ơn Người,
dạy ta lớn khôn!
Tình Cô: biển rộng; nghĩa Thầy: non;
Ấm nôi – lòng
Mẹ, ru thơ ấu,
Đức Thắng trường xưa…, đã hóa hồn.*
Ai về Trường
Vẽ thương yêu đó?
Thăm gốc hoàng
lan, ngọn sấu già;
Gửi nén hương
thơm cùng bầu rượu,
Viếng Thầy -
Cô cũ… đã vời xa…
Chín mươi năm mừng, hướng trăm
năm,
Nao nức hôm
nay, tự hẹn thầm:
Bách niên Đại lễ Trường Đông Ngạc,
Tay cầm tay
bạn,… rộn ràng… thăm!...
Trèm – Đông Ngạc, đông Tân Mão, 11 – 2011
·
Mượn lời
bài “từ”, mở đầu bộ “Tam quốc diễn nghĩa” (La Quán Trung).
·
Mượn ý
câu: “Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!” (“Tiếng hát con tàu” - Chế Lan
Viên).
Không biết
tôi có đợi được tới cái hẹn bách tuế niên
ấy không, mà chiều xuân rét ngọt hôm nay xui mình cứ chép lại bài thơ thay lời
kết cho thiên tản văn – hồi ức chợt
ngẫu cảm đầu xuân Giáp Ngọ này.
Có một
ngôi trường - Trường Vẽ - Đức Thắng – Đông Ngạc sống đẹp mãi trong tâm hồn
tôi!. /.
Trèm, chiều 10 – 2 – 2014.
ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét