Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

THƠ TẶNG… ĐÂU CHỈ… CHO MÌNH?!


Đường Văn

THƠ TẶNG…

ĐÂU CHỈ… CHO MÌNH?!

(Đọc tập thơ Thơ tặng cho mình (2011) của Lê Dụ)
TS. ĐƯỜNG VĂN
         
          Chẳng biết khi đặt tên cho thi tuyển đầu tay của mình, Lê Dụ có bị ám ảnh ít nhiều bởi cái nhan đề tập thơ Ta gửi cho mình (xuất bản vào nửa cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước) của nhà thơ lớn Chế Lan Viên hay không? Nhưng tôi dám chắc nhan đề tập thơ THƠ TẶNG CHO MÌNH được anh chọn, không chỉ có nghĩa là tặng cho chính bản thân mình mà rộng rãi hơn, còn tặng cho bạn bè thân quý và những bạn đọc tri âm, tri kỷ của anh. Bởi vì, nếu làm thơ chỉ với mục đích cho chính tác giả và chỉ để dành riêng cho tác giả tự mình soi gương, tự chiêm nghiệm, thưởng thức mình, tự sướng một mình,… thì thật vô nghĩa, thậm chí bệnh hoạn! Mà Lê Dụ hoàn toàn không phải thuộc kiểu người chỉ yêu có mỗi bản thân mình…như thế!
          Cầm trên tay tập thơ mới tinh, còn thơm mùi mực, mỏng mảnh, xinh xắn, in vi tínhfôtô trang nhã mà tác giả trân trọng đưa tặng tận nhà, giữa một chiều thơm nắng trung thu năm Con Mèo Mới - Tân Mão (dương lịch: chủ nhật, 18 - 9 – 2011), lòng tôi chợt bồi hồi, cảm động. Vì tôi biết đây là kết quả của mối tình đam mê văn chương thơ phú suốt đời, kết quả của những phút xúc cảm trào dâng hoặc ngẫu hứng bất chợt hay những nghiền ngẫm, nghĩ ngợi sau cả quá trình dài hằng tuần, hằng tháng, hằng năm, có khi nhiều năm… của một thầy giáo dạy Văn THPT Hà Nội; kết tụ tinh tuyển sáng tạo nghệ thuật trải suốt 40 năm, vắt qua 2 thế kỷ của người thơ sống giữa vườn hoa trái bên bờ Nhuệ Giang.

          Với 42 trang, gồm 32 bài thơ ngắn và vừa so với khoảng thời gian gần nửa thế kỷ ấy, dung lượng tập thơ quả thật là ít ỏi. Nhưng một trong những quy luật quan trọng, phổ biến của nghệ thuật là Quý hồ tinh bất quý hồ đa! Chú trọng chất lượng hơn số lượng. Thơ hay lọ phải hằng hà sa số, phải tràng giang đại hải! Ai cũng tán thành quan niệm này nhưng không phải ai cũng vượt qua được nó cùng một quan niệm phổ biến khác: Văn mình, vợ người! Lê Dụ, trong cảm nhận của tôi, trên một mức độ nhất định, với Thơ tặng cho mình, đã tuân thủ nghiêm khắc quy luật thứ nhất; đã cố vượt mình, và vượt qua quy luật thứ hai. Điều này chứng tỏ là người viết rất khiêm tốn, biết mình biết người, khi đã không đưa vào tuyển tập này nhiều bài thơ khác, mà anh tự thẩm định là yếu hơn…của mình. Bởi thế, tôi coi đây là tuyển tập thơ của một cây bút thơ nghiệp dư, người thơ làng Trèm, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đã tự biên tự diễn, từ A đến Z,…nên vừa giản dị vừa tiết kiệm, khiêm cung và đáng yêu.
          Không phải ngẫu nhiên bài Những người thơ đặt ở vị trí cuối cùng. Phải chăng đó là thể hiện tính khiêm tốn, nghiêm cẩn và thận trọng của tác giả? Riêng ý tôi, nên để  Những người thơ ở vị trí số 1 hoặc thậm chí làm đề từ cho cả tập. Vì nó là bài duy nhất  có chủ đề thơ về thơ, biểu hiện những quan niệm đánh giá của nhà thơ, thi sỹ, thi hào, người làm thơ… về thơ mình:
       Người làm thơ xướng thơ họ tuyệt vời!
 Nhà thơ tự phong thơ mình số một!
Thi sỹ nói: Thơ tôi xem tạm được!
         Thi hào bảo thơ mình chỉ đáng mua vui!
          Tôi vừa thích vừa băn khoăn khi đọc bài thơ này.
          Thích cách lập tứ không mới mà vẫn mới. Thích giọng điệu vừa hân hoan vừa tự trào, vừa trang trọng tự lăng xê, vừa coi như trò chơi, trò đùa, chẳng có gì quan trọng… cái sự thơ và làm thơ cao siêu mà lẩn thẩn ấy…
          Băn khoăn đọc đi đọc lại, vẫn không đoán nổi, không xác định nổi: Lê  huynh tự xem mình thuộc loại người làm thơ nào? Hay là vừa thế này vừa thế nọ, lúc thế này lúc thế kia?... Đây là bài thơ mở, gợi thảo luận, tranh luận. Càng đọc, càng thấy có anh, có tôi, có mình, có ta … trong đó.
          Hai câu lục bát cô đúc, lịch lãm, đậm triết lý sự đời, chiêm nghiệm, hẳn được đúc rút từ chính cuộc sống, nhân tình và sách báo, phim ảnh…đủ và xứng đáng làm thành bài Thơ mở đầu cả tập:
Sự đời nắng lửa mưa nguồn
Niềm vui giây phút, nỗi buồn tháng năm.
          Nhưng 4 câu lục bát Lời thưa tiếp theo cất lên bằng giọng đuà cợt, bông phèng, đã thực thà lại hóm hỉnh:
Người yêu thơ đọc thơ chơi
Hễ mà thấy chán, người ơi, vứt liền!
Thơ thơ thẩn thẩn vô duyên!
Quý nhau chẳng bõ làm phiền cho nhau!
          Tôi không những không chán, không phiền, ngược lại, rất hào hứng đọc một hơi hết cả 42 bài. Xong, lập tức đọc chầm chậm lại lần thứ 2, thứ 3, 4…5 và bỗng thấy Lời thưa chỉ đúng ở… một câu đầu! Bởi lẽ, thơ, không chỉ thơ, mà văn xuôi, kịch, nghị luận phê bình, cả các loại hình nghệ thuật khác…ngày nay, với đông đảo người đọc (nghe, xem, thưởng thức) và người viết, người sáng tạo, cũng chỉ là những trò chơi văn hóa thanh lịch và tao nhã. Thơ chuyên nghiệp của những thi sỹ tên tuổi danh nổi như cồn cũng thế! Chứ đừng nói đến cả ngàn, vạn, triệu người làm thơ nghiệp dư nhan nhản như nấm mọc mùa xuân, như lá rụng mùa thu, ở quốc thi (nước thơ) này; cũng đều chỉ cho, biếu, tặng…! Nhưng mặt khác, có lẽ ở đây, với Lê Dụ,  cũng vẫn là biện pháp nói quá… mà thôi!
          Thật lạ lùng (hay kỳ dị?!), hiểu rất rõ sự thật ấy, nhưng Lê Dụ, cũng như tôi và không ít ông bà, chú cô, anh chị… đã, đang và sẽ cứ tình nguyện lẩn thẩn, lẩm cẩm, vẫn cứ yêu thơ, mê thơ, thích đọc thơ, thích làm thơ… như một trong những thú vui suốt đời, như con nghiện lúc nặng lúc nhẹ, từ thưở thiếu thời đến tuổi ngoại lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập, bát thập cổ lai hy…không những không giảm dần đến dứt bỏ mà hình như lại càng tăng nặng mãi thêm lên?! Điều này nên buồn hay nên vui? Nên mừng hay nên lo?... Cũng chẳng biết nữa!
          Một ông bạn vong niên ngót nghét 80, có 2 câu đẫm Đường thi mà tôi rất thích:
Trời đất sinh ta: rượu với thơ,
Không thơ, không rượu, sống như thừa!
                                                                                              (ĐTC- Hoàng Mai)
          Trong khoảng thời gian hăm hở đọc Thơ tặng cho mình, tôi cứ miên man nghĩ ngợi, liên tưởng lung bung một cách  hoan hỉ…như vậy.
          Ấn tượng chung, cảm nhận chung, nhất quán khi đọc từng bài cũng như khi đọc xong cả tập là nghe vang vọng một giọng thơ nhẹ nhàng, hồn hậu, tươi tắn và  trong trẻo, dù viết thơ trữ tình chính trị thời chiến tranh chống Mỹ: Đêm qua phà, viết  từ thưở thanh niên – đoàn viên 21 tuổi, năm 1971; Viết ở rừng Đăkla, 1976, Đọc Mao Trạch Đông, Vua, làm khi đã về hưu, ngoài 60, năm 2011; hoặc trữ tình thế sự: Thăm mộ chị (1976), Tản mạn người khu Bốn, Sống chung mắm muối, 2011), hay trữ tình đời tư, thơ tình yêu, thơ vịnh cảnh thiên nhiên: Lời của con tim, Chợ Viềng, Người ấy, Em, biển và tôi, Giá mà, Đêm Hạ Long; xúc cảm khi đọc sách: Đội gạo lên chùa; thậm chí ngay ở những bài thơ mang cảm hứng tự phê, tự vịnh trào lộng: Tự trào, Thơ tặng cho mình… cũng vậy.
          Tôi cho rằng, đó là tính cách, tâm hồn và cá tính người thơ đã thăng hoa rồi kết đọng thành nét thơ, tạng thơ (tempperament) Lê Dụ.
          Về thể thơ:
          Tác giả thiên về các thể thơ dân tộc; thành công hơn cả là lục bát.
          Thăm mồ chị kết hợp khá nhuần nhị giữa cảm xúc vừa rưng rưng, ngậm ngùi, vừa sâu đằm, chín đọng với lời thơ chân thành, mộc mạc. Không phải người thơ đang làm thơ tả cảnh nghĩa trang TPHCM sau giải phóng (1975) mà biểu hiện tâm tư, tình cảm đứa em trai út sau bao nhiêu năm cách xa, đang nghẹn ngào tưởng nhớ và thầm thì khấn nguyện, chuyện trò với hương hồn người chị ruột kính yêu:
Lưa thưa mấy bụi xương rồng,
Chơ vơ một đóa hoa hồng héo khô
Nhìn hình chị, em không ngờ
Bao nhiêu năm tháng trông chờ, chị ơi!...
Bàng hoàng, em thắp nén hương
Ngiêng mình nhớ chị… lạc đường tới đây.
          Lời của con tim lập tứ hóm và hay, khá bạo. Những câu lục bát mượt mà dẫn dụ, phơi mở tâm tình sâu kín bằng lời của con tim trong đối sánh với lời của cái miệng, con mắt. Có những tình huống trong đêm êm đềm: thật thà mà thú vị: Mắt say sưa ngủ, sao tim thức hoài?
          Bài thơ kết thúc bằng lời giải thích và cảm thán, thừa nhận:
Bởi sinh ra biết yêu rồi
Nên tim yêu thức suốt đời đấy thôi.
Lạ lùng lắm lắm em ơi!
Chỉ tim em mới hiểu lời tim anh…
          Chiều Hải Vân chưa thoát khỏi thi đề vịnh cảnh cổ điển nhưng 2 hình ảnh: Với tay nâng đám mây chiều cuối đông (tôi muốn đề nghị anh thay chữ đám bằng chữ áng tao nhã hơn?) và hình ảnh nụ cười của em: nắng sáng một vùng Hải Vân đã khiến bài thơ trở nên thanh thoát, trữ tình và hiện đại.
          Lê Dụ viết Chợ Viềng (2006), khi chưa một lần thăm chợ Viềng!? Nhưng cảm hứng xôn xao, náo nức kết hợp với nghĩ suy, liên tưởng được tưởng tượng chắp cánh, vẫn tạo thành những vần lục bát khá nhuần nhị gợi cảnh, gợi tình, mời gọi du khách chơi xuân, dạo thăm, mua bán ở cái chợ lạ lùng bậc nhất vùng đồng bằng Bắc bộ:
Chợ, mỗi năm có một phiên
Ai cùng tôi nhé tìm lên chợ Viềng
Bán mua đâu phải vì tiền
Cầu may một chút tình duyên muộn màng
Đã đa đoan, lại đa mang
Cầm lòng mua cái lỡ làng, người ơi!
          Liệu có phải người viết đã chọn cách đặt câu đầu như trên cho mới, cho hiện đại? Nhưng đọc đi đọc lại nhiều lần và lắng nghe, lắng nghe… rồi lại đọc đối sánh với câu thơ lạm sửa theo trật tự xuôi của tiếng Việt: Mỗi năm chợ họp (chỉ, có) một phiên…tôi vẫn thấy câu sửa giản dị hơn, thuần Việt hơn, hợp với Chợ Viềng hơn và cũng chẳng kém vẻ hiện đại!
          Tháng ba dự báo thời tiết một cách rất có duyên và chính xác nét riêng độc đáo của khí hậu tháng cuối mùa xuân này ở miền Bắc Việt Nam:
Chập chờn trời đất tháng ba
Đỏng đa đỏng đảnh như là tình nhân
Sáng – đông, chiều (trưa?) – hạ, đêm – xuân
Một ngày  tính khí mấy lần đổi thay.
          Vận cả đặc điểm thời tiết, khí hậu thiên nhiên đất trời để nói chuyện tình cảm con người, tình yêu đôi lứa thành câu hỏi – kết:
Hỡi lòng người đấy, tôi đây
Cớ sao lại giống một ngày tháng ba?
          Nếu Giá mà vang lên như điệp từ tiếc nuối, đau xót, ngậm ngùi cho một tình yêu chỉ có thể đáp đền ở kiếp sau hoặc thà chẳng gặp nhau…Người viết cố ý ngắt câu lục đầu tiên thành 2 dòng: 2 - 4 và kết bài cũng  bằng từ giá mà… như còn muốn cố giãi bầy, kể lể vân vi thêm nhiều nhiều hoài niệm đắng đót nữa;
          Thì Ngẫm mình, Thơ tặng cho mình…vào tuổi lục tuần, về hưu, dẫu đã chớm ngậm ngùi, chênh chao vì trời xa, đất gần, đã bắt đầu nghĩ đến lúc ra đi thanh thản, phiêu diêu Niết bàn, bắt đầu có ý thức nghiêm túc tổng kết, chiêm nghiệm cuộc đời với giọng điệu vừa tự trào vừa tự hào, khiêm nhường mà tự cao của không ít ông bà vào tuổi này:
Không giàu sang, cũng chẳng hèn
Có dăm ba chữ, có tiền đủ tiêu…
Người ta buôn ngược bán xuôi
Anh thì sách vở chẳng nuôi nổi mình
Đã đa đoan lại đa tình
Mộng mơ, mơ mộng hóa thành ngu ngơ
Về hưu, vui với người thơ.
          Tứ thơ, rằng từ hai mươi tuổi đến sáu mươi: càng sống càng ngu; và đến cả lúc về với thiên thu cũng đành cam phận dại ngu hết đời! khá thú vị, nhưng nhìn chung, không mới. Chẳng đã từng có không ít những cây viết tự cường điệu như vậy. Có cả những anhkhơ@gmail. com! Về chủ đề này, hình như Lê Dụ rất khoái từ ngu ngơ. Nhưng chính vì thế, anh không để ý mình đã sử dụng nó hơi bị… nhiều!
          Nhược điểm, hạn chế của một số bài, câu thơ lục bát của Lê Dụ, theo tôi, có lẽ là sự ngọt ngào, êm dịu của nhịp thơ, vần thơ, hình ảnh quen thuộc dễ dẫn tới sự quen tay, sáo mòn, lặp lại ngay chính mình. Gần như ở bài thơ nào của Lê Dụ cũng còn cộm lên một vài câu, một vài hình ảnh, so sánh…hoặc nhàn nhạt, hoặc chung chung, hoặc khô khan. Chẳng hạn:
Con Ma, Thần Sấm bủa vây
Phà em - chim én giữa bầy diều hâu! (Đêm qua phà)
          So sánh chiếc phà chở hàng, xe cộ, người qua sông Hồng với chim én, dù với nghệ thuật lãng mạn hoá để đối chọi trước bầy máy bay phản lực diều hâu của không lực Hoa Kỳ, cũng vẫn…không ổn! Vì từ hình dáng đến tốc độ con phà đều khập khiễng, nếu so với loài chim xinh xắn, nhỏ nhắn, nhanh thoăn thoắt ấy.
          Hoặc:
Tiếng ve, tín hiệu mùa hè
Giữa rừng là khúc nhạc nghe diệu kỳ
Nhìn em đẹp như cô gái văn công.
                                                                                                  (Viết ở rừng ĐắKla)
          Nhà mình nhà ta không thể không gợi đến âm hưởng và ảnh hưởng quá đậm của những Chân quê, Tương tư, Cô hàng xóm … của Nguyễn Bính thưở nào!
          Thế là thêm một không thể không khiến bạn đọc trẻ mỉm cười, khi lập tức liên hệ đến Thêm một lừng danh của Trần Hòa Bình! Rõ ràng chủ ý Lê Dụ khác với chủ ý Hòa Bình, ý thơ họ Lê cũng được khai triển theo hướng không giống ý thơ họ Trần. Nhưng Thế là thêm một, chỉ cần đọc cái nhan đề thôi, đã thấy gợn rồi. Lại thêm điệp ngữ thế là thêm một nhắc lại đến 3 lần nữa! Tôi cho rằng đó là hiện tượng ảnh hưởng vô tình thậm chí vô thức thi thoảng gặp của người sáng tác. Nhưng khi ấy, khi đã viết xong, đọc lại bản thảo, cần tỉnh táo đọc lại và kiên quyết sửa chữa, thậm chí bỏ hẳn để vùng thoát khỏi vùng từ trường phủ sóng mà mình đã bị nhiễm từ tự bao giờ.
          Quan họ người ơi có từ vóng vót khá đắc địa. Câu bát cuối bài được xếp thành 4 bậc thang biểu hiện cũng đắc địa tâm trạng ngập ngừng, lưu luyến của Liền em khi phải chia tay Liền anh. Chỉ tiếc từ cây đa vừa bị lặp từ lẫn lặp vần trong một bài lục bát chỉ có 8 câu.
          Làm vua là 1 bài lục bát ngắn khá thú vị bởi sự hóm hỉnh và sâu sắc trong liên tưởng và bình luận của tác giả. Tôi đã viết riêng 1 bài bình nhan đề Ba ông làm vua (3 bài thơ lục bát cùng thi đề của Trương Nam Hương, Phạm Xuân Trường và Lê Dụ) đã đăng trên các blog nguyennguyenbay.com, trannhuong.com, vunho.com… năm 2013 và in trong sách Văn chơi chơi văn (Đường Văn – Hoàng Dân, 1 – 2014) nên không tiện nhắc lại ở đây.
          Nhìn chung, lục bát vẫn là sở trường thứ nhất của thơ Lê Dụ.
          Thể thơ 5 chữ có thiên hướng dung hợp dễ dàng và hiệu quả giữa tự sự và trữ tình, cũng được Lê Dụ thể hiện khá thành công ở một số bài.
          Sống chung mắm muối kể và than về người vợ hơi vụng trong kỹ thuật nấu ăn gia đình hằng ngày. Giọng thơ linh hoạt: khi trang trọng thề bồi, lúc cường điệu quá lời, lại khi nhẫn nhục, bất lực, cam chịu… Đằng sau cái sự, cái hoàn cảnh có vẻ ngoài hẩm hiu, thiệt thòi đó, là tình cảm nhân hậu, tình yêu và sự biết ơn người nội tướng thủy chung trọn đời. Ở đây, thể thơ 5 chữ rất phù hợp với cảm xúc, tâm trạng người thơ. Nhưng tôi rùng mình ớn lạnh khi đọc tới câu: Nấu ăn mặn như bỏ bả. Thiển nghĩ so sánh này quá mạnh, quá cường điệu, có nguy cơ làm hỏng cái tình thật ẩn khuất bên trong… Thực ra so sánh như vậy cũng không sát với thực tế nữa. Nấu canh, làm món ăn, đồ nhậu dâng cha mẹ, cho chồng, con mà mặn đến thế thì khác gì thuốc độc! Ác quá! Tàn nhẫn quá! Tôi cho là ở đây, người thơ đã quá lời, lạm dụng biện pháp nghệ thuật phóng đại, cường điệu mà thôi!
          Tản mạn người khu Bốn cũng là bài thơ 5 chữ vui vui, thấp thoáng nụ cười tán thưởng, ngợi khen, thắc mắc và chê trách nhẹ nhàng.
   Khu Bốn, tiếng người trọ trọe
(chọ chẹ, hay trọ trẹ?)
Gọi vợ là mẹ, thật kỳ!
Tiếng khu  Bốn nghe mụ mỵ
Gọi chồng là bố, hi hi!...
         Nhưng khổ kết, theo tôi, hơi dễ dãi và lửng lơ:
Khu Bốn  lẫy lừng tài giỏi
      Rạng danh đất nước anh hùng
Mà sao dùng từ để gọi
Bố – chồng, mẹ – vợ… lung tung!!!???
          Tôi vốn chậm hiểu nên phải đọc đến lần thứ 3 mới hiểu từ ông trời ám chỉ ai. Theo tôi, cần chú thích từ đặt trong ngoặc kép (nháy nháy) hoặc in nghiêng này.
          Khổ đầu bài Thơ vui tặng em có tới 3 hình ảnh so sánh quen đến sáo mòn:
    Như bông hồng thắm tươi,
như ngọc lan thơm mát,
vườn xuân  hương trời.
           Nên chăng bỏ hẳn khổ này? Bỏ, bài thơ sẽ gọn và sáng hơn.
          Câu thơ cuối cùng: Vâng thì đi xem sao! Thô và không phù hợp với tâm trạng cô con gái. Cũng nên sửa, bỏ hoặc thay câu khác mềm hoặc gắt nhưng phù hợp hơn.
          Sở trường thứ 2 của thơ Lê Dụ có lẽ là thể thơ 5 chữ chăng?
          Các bài thơ tứ tuyệt, bốn câu trong tập này, nhìn chung nhẹ và êm quá. Chưa có tứ sắc và sâu, chưa có hình ảnh bật nổ, chưa có câu lạ kỳ; ít câu hợp (kết) gây ấn tượng mạnh hoặc đóng được vai trò chìa khóa, nhãn cú… Đòi hỏi như vậy, hiển nhiên là cao quá đối với một cây bút nghiêp dư như Lê Dụ, (bản thân tôi, thỉnh thoảng tràn theo hứng tới, cũng liều mình học đòi múa bút thử viết loại thơ này… và hầu hết các bài cũng mắc những hạn chế như của Lê Dụ! Hỡi ôi! làm được 1 bài thơ hay, khó vậy thay!  Viết thành 1 bài tứ tuyệt – 4 câu hay, càng thiên nan vạn khó!!). Nhưng đọc chùm thơ ngắn này của anh, cứ thấy bứt rứt, không yên, cứ muốn anh nghĩ lại, nghĩ tiếp, nghĩ sâu, mạnh dạn vừa tung phá vừa ghìm nén, cô đúc chặt hơn nữa, nhiều hơn nữa, rõ và nổi góc cạnh thơ ngắn của mình hơn nữa!
          Cảm giác chung của tôi: Thơ tứ tuyệt – 4 câu của Lê huynh chưa thật đúc tứ, đúc từ và… lành quá!
          Riêng Hỏi có tứ mới, lời chặt, cấu trúc cũng chặt. Nhưng giá như, giá như Lê Dụ chọn 1 bài thơ về bố tâm đắc nhất của mình để chứng minh và phản biện cho Hỏi thì Hỏi sẽ thêm sức nặng hơn nhiều.
          Một nhận xét khác: Thơ về chủ đề gia đình của Lê Dụ trong tập tuyển này chưa thực phong phú. Có lẽ anh kỹ tính quá chăng? Hoặc anh cho rằng những sáng tác về chủ đề này chưa biểu hiện sâu và hay tình cảm của tác giả đối với những người thân yêu, ruột thịt của mình?
          Ngoài ra, dù đã bỏ không ít công phu chọn lựa, tự đánh máy vi tính văn bản, sửa chữa, ngay cả khi tập thơ đã in, đóng quyển, đóng bìa, nhưng văn bản vẫn còn sót một số lỗi in ấn (chính tả, đặt dấu câu, trình bày…) nho nhỏ nhưng cũng đáng tiếc.

***
          Tôi vừa ghi lại những ấn tượng và cảm nhận tức thời đầu tiên sau khi đọc xong 4 – 5 lần tuyển tập thơ đầu của Lê Dụ, người bạn thân từ hơn 40 năm nay mà tôi rất đồng cảm, quý trọng. Mong rằng tập thơ sẽ vẫn được tác giả tiếp tục chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn, hay và đẹp hơn, xứng đáng là một sản phẩm tinh thần trong sáng, tinh khiết mà anh đã tự dành tặng cho mình, cho bạn bè, người thân và cho con cháu mai hậu. Tôi lại tin và mong rằng, Thơ tặng cho mình sẽ còn được tiếp nối bởi những bài thơ mới, tập thơ mới, tuyển thơ mới, trong tương lai. Bởi theo tôi, Lê Dụ thuộc típ gừng già gừng quế; lão giả nhưng chẳng an chi mà lão dương ích tráng. Ích tráng trong đời và ích tráng cả người thơ. Bởi, Lê Dụ, như tôi biết,  càng thêm tuổi, càng thêm say thơ: đọc thơ và làm thơ. /.


0h, ngày thứ hai, 19 – 9, sáng thứ ba,  20 – 9 – 2011.
Đọc lại, có chỉnh sửa 29 – 1 – 2014.
ĐV


THƠ CẢM ƠN  

CỦA  LÊ DỤ


Thơ tôi: tầm cỡ xã, phường,
Vui tặng Tiến sỹ Văn Đường xem chơi!

Yêu thơ, bạn đọc mấy hồi,
Đèn khuya hắt bóng dáng ngồi bình thơ.
Lời chê mỏng mảnh, lưa thưa,
Lời khen nồng nhiệt cho vừa lòng nhau.

Tạc – thù, ghép vội vài câu,
Tặng người tri kỷ trước sau mặn mà.

2011 – 1 – 2014.

 LD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét