Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

THƠ THẬT CỦA MỘT TẤM LÒNG



THƠ THẬT

CỦA MỘT TẤM LÒNG

LUÔN ĐAU ĐÁU VỚI ĐỜI!

(Đọc Thụy Trung thi tập của cụ Nguyễn Đăng Tung)

NGUYỄN HIẾU
       
          Hơn 1 tuần trước, ông bạn từ thủa thiếu thời, mảy trấu với nhau của tôi là Tiến sĩ Văn học Đường Văn đã mail cho tôi tập thơ của bác Nguyễn Đăng Tung. Liền mấy ngày sau, chú Đăng Sơn, Trưởng nam của bác Đăng Tung có điện thoại cho tôi, tâm sự đôi lời về tập thơ “Thuỵ Trung Thi tập”. Nhưng quả tình khi cầm bản thảo tập thơ này, đọc theo lối cổ điển, tức đối diện với những dòng chữ trên trang giấy in, thì tôi chợt giật mình. Sự giật mình của tôi một phần vì độ dày của tập thơ. Nhưng có lẽ phần lớn nguyên nhân gây ra sự giật mình này vì trước mặt tôi là trước tác của một con người nay đã từ lâu vắng mặt trên dương gian đầy vất vả này. Những dư âm về tâm hồn của một con người mà thời thơ ấu tôi đã từng gặp, từng kính trọng một nhân cách, một lẽ sống. Tác giả Nguyễn Đăng Tung mà tôi thường gọi một cách thân mật là bác Tung …lần lượt hiện ra trên mỗi dòng thơ.

         Cái thủa ấy có dễ đã ngót nghét năm, sáu thập niên trôi qua rồi. Khi nhà tôi đang ở ngoài xóm Ô Tô trên mảnh đất mà bà ngoại tôi - một chủ đại lý nước mắm của gần nửa cái Phủ Hoài Đức . Mảnh đất này, theo lời mẹ tôi kể lại, thì thời thịnh vượng là cả một dãy nhà ngói 10 gian – chắc do tiêu thổ kháng chiến nên bị cháy trụi. Khi cha tôi từ chiến khu về tiếp quản Thủ đô, sau một, hai năm, cả gia đình tôi tá túc nhà bác Hộ Ngọ - anh trai cả cùng bố khác mẹ với mẹ tôi - ra làm nếp nhà lá trên mảnh đất trước có 10 gian nhà ngói đó. Nhưng cũng được chưa đầy chục năm. Khi nhà nước tuyên bố xây cột điện cao thế vượt sông Hồng nên các nhà xung quanh chân cột phải dọn đi. Bố tôi là cán bộ ngành công an nên gương mẫu dọn trước vào làng ở trong nửa căn nhà quả thực mua lại của ông Chánh, nguyên chủ tịch xã hồi đó. Có thể do nhiều sự đồng điệu trong tâm hồn, trong cách nghĩ và cách sống của những người đi theo cách mạng từ nhỏ nên bố tôi - một viên thiếu tá rồi trung tá công an - hay trò chuyện với bác Tung. Gia đình bác Tung ở nửa căn nhà cũng là nhà quả thực được chia. Dạo đó, tôi mới khoảng 5, 6 tuổi nên không rõ bố tôi và bác Tung nói chuyện gì. Chỉ thấy khi thì bác Tung sang nhà tôi, khi thì bố tôi sang nhà bác Tung. Hai người ngồi trên chiếc chõng tre kê giữa sân, gật gù bên ấm chè hay ấm nước vối. Cũng xin nói thêm: Bố tôi vốn dân Phùng Khoang về ở làng Chèm, là rể làng. Cụ vốn kĩ tính, đi làm về thường chỉ ở quanh quẩn trong nhà. Ai đến thì niềm nở tiếp. Còn không, chắc vì giữ kẽ, cũng vì tính ít ngao du, chơi bời. Trường hợp sang nhà bác Tung trò chuyện là hơi bị hiếm. Dưới ánh trăng suông nhàn nhạt, chỉ thấy hai vị chậm rãi nhấp nháp vị trà, rồi thì thào, tôi nghe câu được câu chăng: “nó cũng là khó lắm, khó lắm”…. ”trên chủ trương là thếcòn bên dưới”?…      

          Còn hôm nay, đọc đi đọc lại tập “Thuỵ Trung thi tập”nhiều lần, tôi mới ngờ ngợ đoán ra những câu chuyện mà bố tôi cùng bác Tung thì thầm trò chuyện hồi đó. Cái hồi mà miền Bắc ta vừa trải qua CCRĐ rồi sửa sai. Những oan, sai. Những thành công. Những việc làm ấu trĩ một thời và cả những sự hồ hởi của người nông dân đang nghèo đói được làm chủ mảnh ruộng, làm chủ những căn nhà, bể nứơc, chum tương, ao sâu, vườn rộng. .. 
          Nhiều bài trong Thuỵ Trung Thi tập được thể hiện với sự nghiêm nhặt của một cây bút có học luật thi thư. Nhưng cũng không ít bài là sự ghi bằng dòng văn vần nôm na những suy nghĩ về cuộc đời, về nhân thế, những lẽ ăn ở, sự công bằng, hay những kỉ niệm trong đời. Với những bài thơ được tập hợp trong tuyển thơ này, tôi cảm thấy tác giả không có ý định làm thơ mà chỉ chép lại những điều mắt thấy, tai nghe, những điều mình suy nghĩ, cảm xúc.
        Với cách cảm và ghi như vậy nên điều dễ nhận thấy đầu tiên ở “Thuỵ Trung Thi tập “ chính là chất thật của các bài thơ. Hình như tác giả thấy gì, nghĩ gì thì ông lập tứ rồi chuyển ngay sang những dòng văn vần có nhịp điệu, có niêm, luật để thể hiện. Cũng bởi vì trong tập này đã có bài Tựa, một bài khảo cứu - phê bình văn học rất công phu, nghiêm túc, đầy chất học thuật về thơ Nguyễn Đăng Tung của ông bạn già Đường Văn, nên tôi không muốn nhắc lại, viết lại những gì thuộc về chuyên môn sâu, nghiệp vụ cụ thể trong thi pháp của tập thơ tuyển. Tôi chỉ thấy đọc hơn 60 bài thơ trong thi tập này sẽ hiểu rõ hơn tiến trình những chặng đường, những nghĩ suy của bác Tung qua mỗi đoạn đời, trải mỗi sự việc bác gặp trong cuộc sống và quá trình hoạt động, công tác.  
          Tôi nói: Tác giả “Thuỵ Trung thi tập”ưu điểm lớn nhấtthơ thật. Bởi đó chính là đặc điểm cũng là thế mạnh của thơ Nguyễn Đăng Tung. Sự thật này đôi khi nó thể hiện ở trong những bài thơ rất dài như “Quê tôi đổi mới”,”Mấy lời nhắn nhủ “, “Mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng”… Những bài thơ dài thậm thượt này như khúc diễn ca về một cách nghĩ, cách ghi chép sự cố, sự kiện, câu chuyện trong đời. Rồi sự thật trong thơ Nguyễn Đăng Tung cũng thể hiện rõ trong những bài thơ vịnh, hay thơ xướng – họa với các thi hữu khác trong sự đồng điệu, tương giao           …Đặc biệt ở thể “Tự thuật “với hình thức thất ngôn bát cú cổ điển và cả trong những câu đối Quốc ngữ ngắn gọn cùng như những bài thơ ngâm vịnh, gặp gỡ, thù tạc, giao đãi. …
          Thoạt mới nhìn hình thức một vài bài thơ như bài “Thương tiếc anh Nguyễn Mạnh Chất”…tôi lại chợt giật mình ngỡ bắt gặp một sự cách tân về hình thức trình bày nào đấy, hay sự làm duyên vốn có về xếp đặt ngôn từ mà bất kì một thi sĩ nào cũng từng làm trong nghiệp làm thơ của mình. Song đọc kĩ, tôi chợt tĩnh tâm vì cái thật trong thơ bác vẫn hiển hiện như một tiêu chí đã định sẵn.
          Gần đây, khi bàn về thơ Tố Hữu, nhiều nhà lý luận phê bình văn học chuyên nghiệp và ngay cả tôi cũng cho rằng ông là nhà thơ đơn nghĩa tài năng nhất nhì xứ ta. Câu, chữ trong thơ Tố Hữu hết sức rõ ràng. Sự đơn nghĩa này khiến thơ ông mang tính chất giáo khoa nghiêm cẩn và phong phú. Và Tố Hữu cũng là một trong những nhà thơ hiện đại Việt Nam tài năng nhất khi biến những chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ta, biến cách nghĩ quan phương thành thơ trữ tình – chính trị kiểu mới. 2 đặc trưng thể loại nổi bật và cơ bản này cũng rất rõ trong thơ Nguyễn Đăng Tung. Thế là lại thêm một lần khẳng định yếu tố thật của cố nhà thơ nghiệp dư làng Chèm này.
          Khi đọc và ngẫm nghĩ về “Thuỵ trung thi tập”, tôi lại chạnh nhớ đến một nhà thơ không chuyên khác của làng Chèm ta. Đó là thi sĩ Nguyễn Thiên Tuế. – bút danh của cậu ruột tôi: Cụ Nguyễn Văn Tuế. Nhưng nếu thơ cụ Nguyễn Đăng Tung qui chuẩn, nghiêm chỉnh bao nhiêu thì thơ cụ Thiên Tuế lại hài hứơc, dí dỏm một cách dân gian đến kì lạ! Trong trí nhớ của tôi và của không ít dân làng Chèm, cho đến nay vẫn còn lưu lại khá nhiều những câu nói vần gần như buột miệng thành thơ của thi sĩ – thợ cắt tóc Nguyễn Thiên Tuế, thôn Đại Đồng. Kiểu như: “Làng Chèm không thèm nói phét”. ”Nông dân chùi chân đi ngủ”.”Cắt tóc Lại Xuân/ Bộ đội, nhân dân ai ai cũng mến”.”Xe phân lấy thóc/Cắt tóc lấy tiền/ Lao động tự giác chẳng phiền đến ai”….
          Nhưng với riêng cảm nhận của tôi, mấy câu mà cụ thi sĩ Thiên Tuế viết về Cồn Cỏ thì đã thấy lấp lánh sự chưng cất của văn học dân gian, từ hài hước chuyển sang trữ tình rất đằm thắm:                          
Ầm ầm mưa đạn bom rơi,
Rung rung, tung đất, ngất trời khói đen.
Ôi! Cồn Cỏ quê hương!
Nơi mảnh đất đã thành nỗi nhớ,
Nơi biển xanh rung từng hơi thở…
      Và tôi hiểu rõ rằng khi các thi sĩ bắt đầu rung cảm về những điều các vị đang quan tâm thì yếu tố thật trong cảm hứng và bút pháp của họ sẽ đáng trân trọng biết bao nhiêu!
                                                                   ***
          Đó chính là cảm xúc nổi bật nhất trong tôi - một người cầm bút chuyên nghiệp đến nay tròn nửa thế kỉ - khi đọc Thụy Trung thi tập và nghĩ về cây bút không chuyên nhưng luôn đau đáu với mọi sự việc, lý lẽ phải, trái trên đời: 
          Thi nhân Nguyễn Đăng Tung, làng Chèm - xã Thụy Phương./.
                                                           

Quỳnh Mai, những ngày đầu tháng 11/2013
                                                                        
Nhà văn Nguyễn Hiếu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét