Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Bên bờ ao sen



THI THOẠI  ĐẦU HẠ
                                                                           ĐƯỜNG VĂN
2. BÊN BỜ AO SEN

          6h 00 sáng.
          Chuông điện thoại reo vang mấy lần. Đang mải mốt quét lá ngoài sân. Vội chạy vào, nâng máy. Đã nghe một hồi xối xả:
     -  Mới sớm mai bảnh mắt mà đã bỏ máy đi đâu đó?
          Tiếng nói đã có vẻ nhuốm bực vì phải chờ của ông bạn thơ - ca Nguyễn Đăng ngoài thôn Hồng. Tôi xuề xòa:
-         Thì đang dở tí việc ngoài sân. Có chuyện chi cần mà alô sớm thế?
-         Này! Đường Văn! Tôi vừa đọc cái Thi thoại đầu hạ (1): Bên bờ Nhuệ Giang của ông. Thú đấy! Vậy, chút nữa tôi mời ông quá bộ ra bờ Ao sen gần nhà tôi, trà nước, rồi ta sẽ làm tiếp cái Thi thoại (2). Nhân đọc bài ông, tôi bỗng nảy mấy ý muốn trao đổi và phỏng vấn ông đôi điều. Thế nào?
-         OK! 30 phút nữa tôi sẽ có mặt! Chuẩn bị pha trà đi là vừa!
-         Yên trí!
     Rồi gần hết buổi sáng hè oi hạ tuần tháng năm Giáp Ngọ (2014) ấy,  trên một chiếc ghế đá đôi kê cạnh bờ Ao Sen mới được kè bờ, xây tường hoa bao, lát gạch và trồng cây chung  quanh (Nguyễn Đăng đã bày sẵn một bàn trà nước nho nhỏ. Anh luôn là người tháo vát!), tôi và Nguyễn Đăng đã cùng nhấm nhi chén trà sen thơm nhẹ, đón từng làn gió đông nam buổi ban mai rời rợi mang hơi nước ao trong mát và đò đưa với nhau câu chuyện thơ hồi cố không kém phần bung biêng dư vị so với buổi thi thoại cùng Bắc Lê bên bờ sông Nhuệ cách đó dăm ngày.
                                                     ***
-         Trước hết, tôi cũng rất thích bài Chú đi tuần năm mình học lớp 3 với thầy Trần. Đêm qua, từ lời gợi ý của ông, tôi đã lục tung trí nhớ và kết quả là khôi phục được toàn văn bài thơ kỳ lạ ấy, đảm bảo chính xác 99, 9%!
-         Trời! Chuyện lạ ha?! Đọc luôn cho nghe đi! Tôi vui mừng giục bạn.
     Đăng Phúc rút ra 1 tờ giấy nhỏ đặc chữ, trao cho tôi (thì ra đó là văn bản chép tay theo trí nhớ đột khởi của ông bạn già), đồng thời hắng giọng ngâm nga:

                Gió hun hút, lạnh lùng,
Trong đêm khuya, phố vắng,
Súng trong tay, im lặng,
Chú đi tuần đêm nay.
Hải Phòng yên giấc ngủ say,
Cây rung theo gió, lá bay xuống đường…

Chú đi qua cổng trường,
Các cháu miền Nam yêu mến!
Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến,
Các cháu ơi! giấc ngủ có ngon không?
Cửa kính che kín gió,
Ấm áp dưới mền bông;
Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé!
Trong đêm khuya vắng vẻ,
Chú đi tuần đêm nay.
Nép mình dưới bóng hàng cây,
Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi!
Rét thì mặc rét, cháu ơi!
Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm.

Mai các cháu học hành tiến bộ,
Đời đẹp tươi, khăn đỏ tung bay.
                     Cháu ơi, ngủ nhé, cho say,
                     Cháu ngoan của chú, giờ này,… biết không?!

-         Hay! Hay! Cảm ơn và xin bái phục trí nhớ U70 của ông! Đúng là gừng già gừng quế!
-         Nhưng tác giả là ai thì vẫn không sao nhớ ra nổi! Chán thế!
-         Không sao! Được vậy là quý lắm rồi! Và như thế lại càng chứng tỏ: Chú đi tuần đã đi vào và hằn sâu trong bộ nhớ của chúng ta một cách tự nhiên, có phần như vô thức. Nếu tôi đem câu hỏi này tới các bạn đồng môn cùng học với chúng ta năm lớp 3 ấy, hẳn sẽ còn không ít bạn nhớ và thuộc Chú đi tuần!?
-         Đúng vậy! Khi nào có dịp, ta sẽ thử xem!*
     Nhưng tôi nói điều này, chắc Đường Văn sẽ ngạc nhiên… Nguyễn Đăng đột ngột bẻ lái câu chuyện.
-         ?!
-         Ấy là bài thơ, đoạn thơ đầu đời mà tôi thích, tôi nhớ cho đến tận bây giờ, là của ai? Ông biết không? Đó chính là bài thơ Nhớ (10/1962) của  chú bé 13 tuổi Đường Văn  đó!
-         Thật ư?! Có lẽ nào tôi lại được hưởng cái vinh dự quá lớn ấy?!
-         Thì ngay từ dạo ấy, tôi đã thuộc 2 khổ đầu, nhất là mấy câu:
Đêm nay ngồi học, bên bàn viết,
Gíó bấc rì rào, mưa phùn rơi.
Buồn buồn, chầm chậm mùa đông tới,
Những đám mây đen phủ kín trời!
     Lúc bấy giờ và nhiều năm sau, kể cả bây giờ, tôi vẫn ngạc nhiên và cảm phục: sao thằng Tạo – Đường lủ khủ lù khù, mới tí tuổi đầu đã viết được những câu thơ hay thế! hình ảnh, ấn tượng thế?! Nhưng mà, sao hắn yêu đương sớm thế nhỉ?! Không biết con bé nó thương thầm nhớ vụng ấy là đứa nào? Có phải gái làng? Mình phải từ từ, khéo léo moi anh chàng tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi này mới được! Tôi thầm phác 1 dự định lý thú trong đầu…Bài thơ như đã nói hộ cả những cảm xúc và suy nghĩ chưa thành lời của tôi. Chắc cha Đường Văn có số may nên mới được hưởng lộc trời sớm thế!
-         Cảm ơn ông rất nhiều! Nhưng đó cũng chỉ là một bài thơ tình già trước tuổi, mang nặng cốt cách ông cụ non mà thôi! Giờ tôi đề nghị ta chỉ nên coi nó như 1 trong những kỷ niệm đẹp với thơ hồi ấu niên.
-         Thì ông chẳng vừa chọn đưa vào tuyển tập thơ ca Lá nhặt cuối chiều đó ư? Và bài thơ ấy đã được ông Hoàng Dân ở Thạch Bàn, Long Biên viết cho những lời bình tinh tế và đồng cảm; Các cụ Đình Thu, Văn Mãn, các ông Lê Dụ, Quốc Việt, Văn Trượng, Lê Ngà, Nguyễn Hiếu… cũng đều tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi đọc bài thơ này… đó sao?
-         Cảm ơn sự tri âm đồng điệu và rộng lượng của các bạn thơ gần xa với Đường Văn tôi! Và trước tiên phải biết ơn Trời đã cho tôi 1 lần duyên may trong muôn một đó.
-         …
     Chúng tôi lại cùng nâng chén cạn thêm 1 tuần trà nữa. Không khí Ao Sen buổi ban mai trong lành quá! Mặt ao rộng rinh, lấp loáng như gương. Phía bờ đằng kia, thấp thoáng mấy cặp nam nữ lão niên vừa nhẩn nha tản bộ thể dục vừa chuyện trò điều gì tâm đắc lắm. Cách chỗ chúng tôi ngồi vài chục mét, đã thấy chôm hổm trên ngọn tường hoa, từ lúc nào, một tay câu buông cần đợi cá. Nguyễn Đăng lại hỏi:
-         Đường Văn là thầy giáo dạy Văn lâu năm, lại ham mê đọc và đọc nhiều sách thơ văn. Tôi muốn biết ông đã đến với thơ Chế Lan Viên và Huy Cận như thế nào? Nói thật, tôi đọc hai cụ còn quá ít. Nhìn chung, thấy thơ các cụ hay thì hay thật nhưng cứ khó hiểu, xa vời thế nào…! Đành kính nhi viễn chi thôi!
-         Một câu hỏi rất thú vị bởi nó chạm vào 1 trong những chỗ ngứa yêu thơ của tôi. Tôi được đọc Huy Cận lần đầu tiên là chùm thơ vùng mỏ trích trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng (1959), học trong sách giáo khoa Trích giảng văn học lớp 8 (10). Tôi thích bài Anh Tài Lạc bởi giọng kể chậm rãi, trầm lắng, ngôn từ nhập vai nhân vật trữ tình cực kỳ giản dị như lời nói thường:
     Tôi là Tài Lạc/Tôi đã chết rồi!/Tôi chết ngày tháng chạp, chiều hai mươi/Ngực thủng, năm lần xuyên đạn/Gió rét lùa vào lỗ bắn
     Ẩn chứa bên trong những dòng thơ hết sức kìm nén, có vẻ khách quan ấy là sự đồng cảm, xót thương, cảm phục sâu xa. Nhà thơ lãng mạn Huy Cận trước cách mạng, qua một cuộc kháng chiến 9 năm, nay đã hoàn toàn lột xác, thay máu, đổi hồn, hiện thực trụi trần đến từng con chữ! Nhưng ông có thấy câu thơ: Gió rét lùa vào lỗ bắn, hay kinh người không?...
     Tôi thấy khó hiểu, nhưng càng khó hiểu càng mê hơn bài Đoàn thuyền đánh cá. Thầy giáo dạy Văn lớp tôi năm ấy: thầy Phan quê Nghệ, từng đố học trò giải thích ý tứ  1 câu thơ trong bài:
                           Sóng đã cài then, đêm sập cửa!
     là như thế nào? Cả lớp vò đầu bứt tai hồi lâu. Vài cậu được coi là khá, giỏi Văn như PQ, LT, NH và tôi, vì sĩ diện mà phải giơ tay nói tào lao, loanh quanh léo quéo dăm câu ba điều chẳng đâu vào đâu! Sau cùng, chúng tôi đồng thanh xin thầy tường giải giúp. Thầy Phan mủm mỉm, nheo mắt nhìn chúng tôi, tinh quái:
-         Thầy cũng… chịu!!! Nhưng,… thầy tin rằng đến khi nào các em được tận mắt vài lần chứng kiến cảnh mặt trời lặn, đêm xuống trên biển khơi thì các em mới giải thích được chuẩn xác và hiểu sâu hơn cái hay và vẻ đẹp của câu thơ này.
     Cả lớp tưng hửng và … thất vọng. Riêng tôi, lại thầm lóe lên ý nghĩ phạm thượng: hay có khi chính thầy cũng chưa giải thích được rõ ràng nên nói tránh đi như thế chăng?!
     Với riêng tôi, phải gần 30 năm sau, khi cũng đã là đồng nghiệp dạy Văn như thầy, tôi mới được tận mắt chứng nghiệm thực tế lời của thầy là thâm thúy và rất sư phạm. (Chỉ ân hận là chưa có dịp nào để trò chuyện và xin lỗi thầy về tình huống dạy học đó. Vì hỡi ôi! thầy Phan cũng đã thành người thiên cổ hơn chục năm nay rồi!) Để hiểu 1 câu thơ, 1 hình ảnh thơ, mà tác giả đã dụng công sáng tạo, có khi người đọc phải vận dụng tổng hợp tư duy, suy nghĩ, phân tích, có khi nhờ sức tưởng tượng, liên tưởng xa rộng, bay bổng… nhưng có khi tất cả những cái đó đã được vận dụng tối đa đều vẫn bất lực; mà chỉ cần đứng trước hoặc trải qua thực tế nhỡn tiền (mục sở thị) là mọi chuyện bỗng rõ như ban ngày, chẻ hoe như bánh đúc bày sàng!
     Tại sao sóng đã cài then? Vậy biển là cái cánh cửa khổng lồ? Nhưng tại sao lại cài then? Then của biển là cái gì? Sóng? nghĩa là sóng không vỗ nữa khi đêm xuống? Vô lý! Đêm sập cửa là thế nào?...
     Nhưng câu hỏi tù mù, luẩn quẩn đó bỗng được cảnh thực trả lời rất giản dị. Ấy là cảnh mặt trời đỏ ối đang từ từ lặn thấp dần, bỗng thình lình chui tọt xuống chân trời, dưới mặt biển như kẻ chơi trò trốn tìm. Đêm tối thoắt trùm lên khắp trời biển, không gian. Và trong cái màu đen, thăm thẳm, bất ngờ ập tới đó, có cảm tưởng như cánh cửa biển đêm bỗng dưng đóng sập lại. Im lặng bao trùm, như không nghe 1 tiếng sóng vỗ nào. Biển, trời, sóng, nước… thoắt biến mất. Chỉ còn một màu đen nhung trùm phủ bốn chung quanh.
     Đó chính là cơ sở cảm hứng và thực tiễn của câu thơ có vẻ bí hiểm, đầy chất tạo hình trên.
-         Chịu sự phân giải của thầy! Một thắc mắc lâu nay vẫn canh cánh, muốn nhờ ông giải đáp đây?
-         ?!
-         Biển Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng, đều ở phương chính Đông. Đó là phương mặt trời mọc (bình minh). Còn hoàng hôn, mặt trời lặn thì hiển nhiên phải ở phương Tây. Thế nhưng tại sao Huy Cận lại viết câu mở đầu:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
     Như vậy, rõ ràng cụ viết sai thực tế! Điều này đứa trẻ con cũng biết! Sao bao nhiêu năm chẳng thấy ai góp ý, chỉnh sửa gì? Ngược lại, ai ai đều ra sức  bình giảng, ngợi khen?! Chẳng lẽ, mọi người đều quên chút kiến thức địa lý cơ bản ấy sao?
-         Ấy đấy! Cách đọc - hiểu thơ  thiếu gắn với việc tìm hiểu thực tế và tác giả sẽ dẫn tới sự hời hợt, ngộ nhận là như vậy. Tôi xin trả lời ngắn gọn, đơn giản như thế này:
      Đó là điểm nhìn nghệ thuật (chố đứng miêu tả của người viết) ở bài thơ Đoàn thuyền đánh cá không phải ở trên bờ nhìn ra biển (tây à đông) mà là ở trên con thuyền (trong đoàn thuyền) đã và đang ra khơi xa, đang ở ngoài biển khơi xa, đến mức, nhìn về phương tây, phía đất liền, (đôngà tây) bấy giờ cũng chỉ thấy một màu nước xanh đang xẫm dần, không còn thấy bờ đâu (hút tầm mắt) nên mới có cảnh như nhà thơ đã tả. Đó là cảnh hoàn toàn chân thực, thực tiễn. Câu thơ mở đầu của Huy Cận là 1 so sánh động, trực tiếp thu nhỏ kích thước hình ảnh thiên nhiên - vũ trụ (mặt trời) trong một hình dung đầy ấn tượng (hòn lửa. Lưu ý: tác giả không dùng ngọn lửa, ánh lửa, cục lửa…). Chỉ qua 1 ví dụ nho nhỏ này, cũng đã có thể chứng minh kết luận người ta vẫn nói: Đặc sắc của phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận là cảm hứng vũ trụ, là không gian vũ trụ. Thơ Huy Cận, trước sau luôn là niềm ám ảnh và thao thức không gian vô tận, vô cùng.
-…
-         À, ra thế! Thế mà bấy lâu nay tôi cứ tưởng…! Nhưng, còn thơ của cụ họ Phan (Ngọc Hoan; tên thật của Chế Lan Viên), quê Quảng Trị, mượn họ vua Chiêm thì sao?
-         Thơ cụ Chế thì… biết nói thế nào đây trong vài câu?! Một khối khổng lồ, một tháp Chàm bí hiểm, một tháp Bayon bốn mặt với nghìn trò cười khóc…! Nhà thơ Vũ Quần Phương, khi tưởng nhớ bậc thầy thơ của mình: từng định luận, cũng bằng lối thơ chân dung tài hoa:
Anh ấy Điêu tàn/Anh ấy Phù sa! (Tên 2 tập thơ nổi tiếng của Chế lan Viên). Còn GS Lê Đình Kỵ thì khái quát bằng chính hình ảnh thơ của Chế: Những biển cồn, anh đem đến cho thơ! Sự nghiệp thơ ca của Chế Lan Viên đủ sâu rộng làm đề tài cho vài chục cái luận án Tiến sỹ văn chương. Ở đây, tôi chỉ gợi lại chút ấn tượng riêng tư, nhỏ bé của mình, khi lần đầu tiếp xúc với thơ của cụ Chế mà thôi!
-         Đó là vào đầu năm học lớp 9 (11). Đến bây giờ, sau gần nửa thế kỷ, thú thật là giữa tôi và thầy L. vẫn hiện hữu những điều chưa thật hiểu và đồng cảm với nhau?! Nhưng tôi vẫn phải nói lên, ở đây, lòng biết ơn chân thành và cảm động của đứa học trò, gã thiếu niên mới lớn là tôi, hồi ấy, đã được thầy khuyến khích, gợi mở, chỉ dẫn, đặc biệt là về thơ Chế lan Viên. Thầy L. là giáo viên dạy Toán tài hoa. Thầy còn tài hoa trong ngón đàn ăccooc đêông du dương, giọng nam trung ấm áp, nhẹ nhàng, và năng lực thẩm thơ khá tinh tường, một tay vợt bóng bàn có hạng. Chẳng hạn, có lần, trong giờ nghỉ giữa hai tiết học, thầy gọi tôi ra hành lang, rồi đố:
-         Cậu có biết nhà thơ làm thơ về các phép tính như thế nào?
     Tôi ngẩn tò te, ngượng nghịu nhìn thầy?!
-    Thì đây:
                     Nỗi vui mùa lúa chín
Cộng với rừng chim ca;
Đã nhân lòng ta dậy,
Chia đều trăm trang thơ!
     Giá cụ Chế thêm vào 1 phép trừ nữa thì có phải tuyệt vời hoàn hảo không?
     - Lại bài này nữa mới cực thông minh, tài hoa. Cậu có muốn nghe không?     Tôi mở luôn sổ tay, sẵn sàng tốc ký.
                                                    TRĂNG
Giữa hai cây, là đôi mắt em nhìn.
Anh xuống suối, mặt em cười dưới suối.
Lòng em chạy cho lòng anh theo đuổi,
Đêm ái tình, đâu cũng mặt trăng em.
Vận hết công lực trí tuệ, tôi ngu ngơ hỏi thầy:
-         Em thấy bài này chỉ tả trăng với tình yêu đôi lứa thôi chứ có gì đặc biệt đâu ạ?!
-         Cậu học khá Văn, mình biết. Nhưng Toán thì xoàng! Cậu làm sao hiểu được cái hay về Toán học ẩn mà lộ trong bài Trăng thâm thúy này? Nó liên quan ít nhiều đến bài Đại số: Số liệt, ta đang học đấy. Ở câu nào? Chính là câu thơ thứ ba miêu tả tâm lý cặp tình nhân bằng phạm trù số liệt:
                             Lòng em chạy cho lòng anh theo đuổi.
     Giữa hai người đang yêu, luôn tồn tại 1 khoảng cách, 1 giới hạn (lim). Và cả hai đều muốn tìm mọi cách để rút ngắn hoặc giãn rộng khoảng cách đó (giữa, chạy, đuổi). Hiểu chưa nào? Thầy quen miệng kết lời bằng 1 câu hỏi mang bệnh nghề nghiệp.
     Tôi như người vừa bừng tỉnh cơn mê. Tự xấu hổ cho cái đầu dốt nát của mình và thầm phục sự thông minh, lịch lãm của ông thầy chỉ hơn mình dăm tuổi lẻ. Sáng chủ nhật ấy, tôi hăm hở cuốc bộ băng đồng, nhảy tàu điện ra tận hiệu sách Nhân dân phố Tràng Tiền, Hà Nội, tìm mua bằng được tập thơ Ánh sáng và phù sa (1960) của Chế Lan Viên. Vẽ bìa: Văn Cao: nền màu xanh nước biển. Hàng chữ tên tác giả và tên tác phẩm màu đỏ hồng tươi thanh thoát. Một nhành lá đỏ biểu tượng. Thế thôi!
     Về nhà, tôi lập tức đọc đi đọc lại và ngẫm nghĩ, suy tư, tưởng tượng, học thuộc từ cái chú thích học đi. Cái chú thích đầu tiên giải thích nhan đề tác phẩm, cụ Chế viết thật khéo, thật khôn, một cách thật Chế Lan Viên:
     Ánh sáng soi rọi tôi và phù sa bồi đắp tôi. Ánh sáng tinh thần và phù sa vật chất của lý tưởng tôi. Nếu quyển sách này có Tựa, nó sẽ được mở đầu như trên để nói lên lòng biết ơn Đất nước và Đảng của mình.
     Tháng 8 – 1964, chúng tôi sung sướng và hân hoan đón đọc (nghe) bài tráng ca trữ tình  - chính trị Sao chiến thắng của Chế Lan Viên (viết về chiến công đầu lịch sử 5 – 8 – 1964), qua giọng đọc diễn cảm của nghệ sỹ Phạm Thành trên nền nhạc Piano, thấy cứ rưng rưng và gai cả người:
     Giặc Mỹ, mày tới đây/Thì ta tiêu diệt ngay/Trời xanh ta nổi lửa/Bể xanh, ta giết mày!
     Tưởng vọng vang Tụng giá hoàn kinh sư của thượng tướng Trần Quang Khải, khúc Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão, ngất trời hào khí Đông A thời đánh Mỹ…
-         Hồi học sinh phổ thông ấy, ông thích nhất bài thơ nào của Chế Lan Viên? Vì sao?
-         Phải nói là mới đúng! Đó là bài Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? Một trong những bài thơ trữ tình – chính trị thành công nhất của Chế Lan Viên và của cả nền thơ Việt Nam thời chống Mỹ. Ở đây, cảm xúc thăng hoa hoàn toàn hòa quyện với suy nghĩ sâu sắc với tầm nhìn xa rộng, khí phách tự hào, bừng bừng phấn chấn và niềm tin chiến thắng của một nhà thơ – chiến sỹ. Cụ Chế viết dịp kỷ niệm thành lập Đảng 3 – 2 – 1965 tại nhà sáng tác Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội. Bản hùng ca nhân danh đất nước và dân tộc Việt Nam đang chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược trên cả hai miền Nam - Bắc, có những câu, những đoạn cực kỳ hào hùng, lộng lẫy, ngân vang, lay động cả triệu trái tim người đọc:
Hỡi sông Hồng - tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc,
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng,
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc…
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn!
     Lũ học sinh lớp 9 chúng tôi say mê đọc đi đọc lại, lúc đọc thầm, khi cao hứng đọc to… bao nhiêu lần không biết chán lời Hịch tướng sỹ, Cáo bình Ngô của thế kỷ 20 đang mượn tay nhà thơ họ Chế mà viết lên bản Bình Tây đại cáo. Trong bài, có những câu thơ, về ý - tư tưởng rất muốn bàn lại, nghĩ thêm, nghĩ tiếp, thậm chí nghĩ khác; nhưng về tình và cảm xúc thì bị thầy phù thủy cao tay ấn hút hồn không sao cưỡng nổi vì sự mới lạ, sắc sảo trong hình ảnh và diễn đạt:
     Ôi thương thay những thế kỷ vắng anh hùng!/ Những năm đất nước thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận/Nhà thơ sinh ra cùng thời với mưa phùn và những buổi hoàng hôn/Cả xứ sở trắng một màu mây trắng/Không biết mây trên trời buồn hơn hay mây mặt đất buồn hơn!?
     2 câu kết cũng cực kỳ độc đáo, hào sảng:
                Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy,
                Bên những dũng sỹ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi!
      …Từ ấy, bắt đầu một giai đoạn dài ấp ủ say mê, thần tượng, ra chức tập tọe, nồng nhiệt bắt chước 1 cách vụng về và sống sít, lố lỉnh từ giọng điệu, chữ lời, đến cả nhan đề theo các bài thơ của cụ Chế mà không biết …ngượng!
-         Tôi nghe trên thi đàn Việt  từ những năm 60 – 80 thế kỷ trước có cả một trào lưu các nhà thơ trẻ chịu ảnh hưởng thơ Chế Lan Viên, chứ đâu riêng gì ông mà ngượng với chả nghịu!?
-         Đúng thế! Người tài, càng tài, từ trường của họ tỏa ra càng mạnh, càng lớn như khối nam châm lớn, hút sắt một cách tự nhiên, không cưỡng được! Tôi thường thầm tự hào với chính mình: Mình cũng là một trong cả ngàn vạn môn đồ trung thành của cụ Chế. Thế đã là vinh dự lắm!
-         Tất nhiên đến thời sau này có điều kiện đọc Chế toàn diện và sâu kỹ hơn. Hóa ra Chế Lan Viên còn là tác giả những bài thơ tình với phong cách nghệ thuật sâu sắc, trí tuệ, triết lý… khác hẳn thơ tình của Xuân Diệu, Huy Cận hay Tế Hanh. Chùm nhỏ thơ yêu, Tình ca ban mai… là những bài tiêu biểu cho loại thơ này của cụ. Chưa có ai viết sâu, hay, đầy sức thuyết phục và quyến rũ bằng Chế Lan Viên ở những bài thơ về thơ, về nghề nghiệp làm thơ…Tôi lại đọc được những bài phê bình, phản biện cụ trên các bình diện khác nhau. Đọc tới Chân dung nhà văn của Xuân Sách vẽ Chế Lan Viên:
                           Chim báo bão, gió chiều nào che chiều ấy!...
                                 Mượn sắc trời mà đổi sắc phù sa!
     thì suy nghĩ về Chế và thơ Chế, trong tôi, mới có phần tỉnh táo, khách quan hơn. Tất nhiên, tôi rất hiểu: nhân vô thập toàn. Đến mặt trời còn có vết cơ mà! Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng Chế Lan Viên là nhà thơ Việt Nam thông minh, sắc sảo nhất thế kỷ 20. Một trong những tên tuổi làm vinh danh thơ Việt ra thế giới lớn nhất, nhiều nhất thế kỷ 20. Sự nghiệp văn chương của Chế Lan Viên vẫn đang chờ đợi những công trình khảo cứu nghiêm túc, cẩn trọng, sâu sắc và toàn diện, từ Điêu tàn đến Di cảo. Tháp Bayon cần được công khai cả 4 mặt cùng nghìn trò cười khóc của nó trước bạn đọc thế kỷ 21.

                                                       ***
-         Chuyện thơ phú, văn chương thời nào cũng thế, tưởng chuyện thế sự, tư tưởng, nhân sinh nghiêm túc mà cũng là chuyện đùa chơi, phù du và cũng thật rắc rối, phức tạp. Ôn chuyện thơ thời thơ ấu mà mệt đầu, mệt óc, mệt tâm thì ta đã bị lạc hướng và vượt ngưỡng rồi đó, ông bạn! Chuyện thơ sáng nay tạm dừng ở đây thôi!
-         Phải! Nhưng ta phải cùng uống nốt ấm trà sen này chứ!
-         OK! Này Đường Văn! Giá như ngày xưa thì tôi với ông đều được chia phần cá chép Ao Sen từ cả chục năm rồi đấy nhỉ?!
-         Ừa! Giá như ngày xưa…!

* Trao đổi với các bạn đồng tuế, như LN, bà xã HP… đều nói: biết và còn nhớ ít nhiều bài Chú đi tuần.

Đêm 27 – sáng 28 – 5 – 2014.
ĐVTác giả gửi bài


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét