HAIKƯ – HỒN VIỆT
Trên con đường tìm tòi và khẳng định
CAO NGỌC THẮNG
CLB
HAIKƯ VIỆT – HÀ NỘI
1. Những năm gần đây, người yêu thơ Việt Nam đang chứng
kiến cuộc tiếp nhận thơ thứ ba trong tiến trình liên tục tiếp xúc các nền văn
hóa thế giới. Đó là sự tiếp nhận dòng thơ haikư Nhật Bản. Lần thứ nhất đã diễn
ra ở các nước dùng chữ tượng hình trong suốt nhiều thế kỷ các dòng thơ từ Trung
Hoa, mà thơ Đường luật là tiêu biểu và nổi trội. Lần thứ hai, các dòng thơ châu
Âu, đứng đầu là các thể thơ Pháp, đã dấy lên phong trào Thơ Mới vào đầu thế kỷ
XX. Cả ba cuộc tiếp nhận thơ ở Việt Nam có bối cảnh và điều kiện riêng,
nhưng đều có chung đặc điểm phổ quát mang tính thế giới hoặc khu vực. Lần này,
phạm vi ảnh hưởng của thơ haikư có quy mô lớn hơn, đến nhiều nước thuộc các châu
lục khác nhau.
2. Cũng như các dân tộc khác, thơ Đường
luật hay thơ Pháp được người Việt Nam tiếp nhận đều phải trải qua
những chặng đường với những thăng trầm, vừa học hỏi vừa cải biến. Quá trình
tiếp biến (tiếp nhận và cải biến) này không ngoài mục tiêu vẫn đảm bảo những
tiêu chí, về hình thức thể loại, của các thể thơ gốc, điển hình là các thể thơ
Đường luật, nhưng dần dần càng tô đậm tinh thần và hồn cốt Việt. Điều đó là tất
yếu. Dù đó là thơ của dân tộc nào, khi nhập tịch vào Việt Nam thì sớm muộn, đã và luôn luôn
được tư duy và thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt, đậm đà tâm hồn Việt. Và,
đương nhiên, chỉ khi nào tính thơ ngoại nhập nhuần nhị hồn Việt, lúc đó cuộc
tiếp nhận thơ từ ngoài vào mới coi là thành công.
3. Thơ haikư truyền thống Nhật Bản có tiến
trình hình thành, phát triển và định hình từ lâu. Cũng từ lâu, người Việt Nam
đã biết, đã thực hành, nhưng ở tâm thế đơn lẻ, cá nhân, chưa trở thành trào lưu
rộng rãi, vì thế chưa thu hút sự quan tâm của người làm thơ chứ chưa nói đến
quần chúng yêu thơ. Điều kiện nay đã khác. Thơ haikư truyền thống được ngay
chính các nhà thơ Nhật Bản đổi mới, khoảng một thế kỷ trước đây, và sự đổi mới
này đã cho phép thơ haikư lan tỏa ra khỏi biên giới đất nước Phù Tang, truyền
bá ngày thêm rộng tới nhiều dân tộc và hội tụ thành Hội Thơ haikư thế giới với
nhiều tổ chức thành viên. Rất nhạy cảm, người Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập vào
cuộc tiếp nhận thơ haikư có tính đa quốc gia này. Việc xuất hiện các Câu lạc bộ
Thơ haikư ở hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng một số nhóm ở các tỉnh
thành, trong khoảng chục năm nay, đã nói lên thực tế đó.
4. Câu hỏi đặt ra là: vì sao có sự tiếp
nhận thơ haikư Nhật Bản ở Việt Nam
trong bối cảnh hiện nay? Có thể thấy mấy lý do sau đây.
Thứ
nhất. Thể thơ haikư truyền thống của người Nhật có kết cấu ngắn, gọn, hàm
súc trong cấu trúc 5-7-5, rất gần gụi với tư duy thơ và cách đọc-nhớ thơ của
người Việt, trước đây cũng như hiện nay, đặc biệt gần gũi với ca dao, tục ngữ,
thể lục bát và cả thể tứ tuyệt đã được Việt hóa.
Thứ
hai. Nhu cầu và yêu cầu phổ biến thơ ra quốc tế trong xu thế hội nhập đã và
đang đòi hỏi Thơ Việt phải nhanh chóng đổi mới toàn diện, nhằm phản ánh sâu sắc
mọi phương diện về phát triển nghệ thuật thi ca của dân tộc. Cái hay, cái đẹp đã
phát lộ và còn nhiều tàng ẩn trong nền Thơ Việt, ở tất cả các thể loại, ở tất
cả các thời kỳ và giai đoạn phát triển khác nhau. Nhưng, cái hay, cái đẹp đó
được truyền bá ra thế giới chưa thấm tháp gì so với bề dày vốn có của Thơ Việt.
Những tinh túy mang tính đặc sắc, độc đáo, đậm hồn Việt nhất, hầu như tụ hội ở
hai thể thơ lục bát và song thất lục bát. Tuy nhiên, đây là hai thể thơ rất khó
phổ biến ra thế giới bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt. Nó khó ở chỗ, khi
chuyển ngữ, hình thức của thể loại rất dễ bị biến dạng, không như việc chuyển
ngữ thơ nước ngoài sang tiếng Việt. (Cần nhấn mạnh, ở đây chỉ nói đến khía cạnh
giữ nguyên thể thơ trong chuyển ngữ). Việc tiếp biến thể thơ haikư, cùng với
thể thơ hai dòng, thể thơ tự do, thể thơ văn xuôi, có khả năng khắc phục được
khó khăn này.
Thứ
ba. Như trên đã nói, thơ haikư truyền thống từ lâu đã được chính người Nhật
đổi mới cả về hình thức (cấu trúc không còn lệ thuộc 5-7-5, số chữ một bài có
xu hướng ít hơn 17) và nội dung (không còn bó hẹp miêu tả bốn mùa của thiên
nhiên, hướng nội tâm về thiền nữa, nên không bắt buộc phải có quỹ ngữ). Hay nói
cách khác, thơ haikư hiện đại có cơ hội biểu tả nhiều vấn đề, nhiều sắc thái mà
mỗi người làm thơ quan tâm, phù hợp với tình hình chuyển động nhanh chóng của
cuộc sống đương đại.
Những lý do tạm nêu trên đây được nhận
thức và thúc đẩy xu hướng tiếp biến thơ haikư ở Việt Nam trong khoảng chục năm nay.
5. Câu hỏi tiếp theo là: sự tiếp biến thơ
haikư ở Việt Nam
thời gian qua diễn ra như thế nào?, sẽ hướng tới mục tiêu nào?
Có
thể thấy ngay một thực tế: ở Việt Nam , người làm thơ vừa tìm tòi vừa
khẳng định, vừa sáng tác vừa nghiên cứu thơ haikư. Sự song hành này góp phần
đẩy nhanh tiến trình tiếp biến ngay trong những người quan tâm và yêu thích thể
thơ haikư.
a) Ngay ở giai đoạn “đọc”, người ta đã quan tâm đến hình
thức của thể haikư, mà đầu tiên là ở hình thức “ba dòng”, ở số chữ của mỗi
dòng. Những người phân biệt “âm tiết” và “chữ” thì không quan tâm nhiều lắm đến
số “chữ” hoặc “âm tiết”, bởi ngôn ngữ đa âm và ngôn ngữ đơn âm, số “âm tiết”
hoặc số “chữ” trở nên không quan trọng, nó không thể đồng nhất.
b) Cũng ở giai đoạn “đọc”, mọi người đều quan tâm tìm
hiểu thông điệp cơ bản trong một bài thơ haikư truyền thống thông qua các nhà
thơ cổ điển, đồng thời tìm hiểu cách thức cách tân thể thơ này ở các nhà thơ
Nhật Bản cận đại và hiện đại, sau đó là ở các nhà thơ hiện đại ngoài Nhật Bản.
c) Người ta nhận thấy, về âm luật, vần điệu, nếu không
đọc, không nghe trực tiếp một bài thơ haikư bằng ngôn ngữ bản địa (tiếng Nhật),
mà thông qua chuyển ngữ, thì khó cảm nhận cái hay, cái đẹp, cái sâu xa ẩn chứa
chỉ trong phạm vi ba dòng/ ba câu và số chữ không quá 17. Song, vấn đề được lý
giải đơn giản hơn, sự cảm nhận cái hay, cái đẹp của một bài thơ haikư cụ thể,
đối với người Việt, là bằng cảm xúc, bằng sự phân tích những vỉa tầng của ngôn
ngữ, của ý niệm thời gian-không gian, của sự liên tưởng về không gian ba chiều,
bằng tâm thức thơ ca truyền thống. Cái gọi là “quý ngữ” trong thơ haikư Nhật
Bản dường như không xa lạ đối với người Việt, mặc dù “bốn mùa” trong tâm thức
người ở xứ nhiệt đới không trùng khớp như trong tâm thức người ở xứ ôn đới, vì
người Việt đã qua giai đoạn tiếp biến với thơ Đường luật.
d) Kết luận, yếu tố “ba dòng” mới là quyết định cho thể
thơ này. Người làm thơ haikư trước hết phải tuân thủ “luật ba dòng” hoặc ba câu,
nếu không sẽ không có được một bài thơ haikư đích thực. Đây là một giàng buộc
của thể thơ haikư, dù nó được thể hiện dưới vỏ ngôn ngữ nào. Đó cũng là
“ngưỡng” của sự biến cải thể thơ haikư.
Nhận thức điều đó, đối với người Việt,
quan trọng hơn cả là mỗi bài thơ haikư khi được sáng tạo không thể không mang
âm hưởng của thơ Việt, không thể không có hồn Việt, qua đó ngân vang lên tính
cách Việt, toát lên tâm trạng, suy tư, tâm thế, cốt cách của người Việt. Trong xu
thế chung, ý tưởng và con đường đi đến mục tiêu đó, có thể còn mày mò, còn chưa
định hình, nhưng công việc sáng tác thơ haikư vẫn luôn chuyển động và tiếp cận
để mỗi bài thơ haikư đều thể hiện được tinh thần và cốt cách Việt. Trong quá
trình Việt hóa thơ Đường luật hay các thể thơ Pháp, người Việt đã thành công,
đã đạt đến trình độ uyên thâm, thì trong thể thơ haikư chắc chắn người Việt sẽ
làm được như thế. Nền tảng của niềm hy vọng này đã có. Đã có từ việc vận dụng
các loại hình dân gian (ca dao, tục ngữ, phong dao, đồng dao, các làn điệu dân
ca), đặc biệt ở việc vận dụng cách lập tứ, triển khai ý, sử dụng âm vận, luật
bằng-trắc của thể thơ lục bát và song
thất lục bát, từ đó tạo nên nhịp điệu, tiết tấu trầm bống, phóng khoáng, diễn
tả tâm hồn, suy tư, cách nhìn nhận thấu đáo ngoại cảnh mênh mông và cuộc sống
muôn hình vạn trạng, có sự tác động qua lại hữu cơ của sự sinh tồn cũng như sự
phát triển của cuộc sống trong thơ haikư Việt. Các tham luận khác, trong đó có
bài của tác giả Nghiêm Xuân Đức, sẽ trình bày cụ thể hơn, nhằm chứng minh đang
dần dần hình thành dấu ấn riêng trong thơ haikư Việt!
Trong việc nghiên cứu, phê bình lý luận,
dịch thuật và phổ biến, Nội san Haikư Việt của CLB thơ Haikư Hà Nội, đã ra mắt
4 số trong vòng 3 năm qua, cũng chứng minh sự tiếp biến đang diễn ra một cách
vừa âm thầm vừa khẩn trương. Từng bước, các số Nội san trình bày một số lượng
sáng tác không nhỏ của 40 hội viên; đồng thời cũng lần lượt giới thiệu các
nghiên cứu sâu sắc về thơ haikư truyền thống và hiện đại của Nhật Bản, sự tiếp
biến thơ haikư ở các nước khác nhau, việc chuyển ngữ thơ haikư từ tiếng Nhật,
tiếng Pháp, tiếng Anh sang tiếng Việt, bình những bài thơ tiêu biểu; và, nhiều
bài biểu thị cách hiểu, cách tiếp cận, cách diễn đạt thể thơ haikư bằng tiếng
Việt.
*
* *
Việc nghiên cứu, sáng tác thơ haikư bằng
ngôn ngữ Việt, dù là bước đầu, chập chững, đã thể hiện sự tập trung cho mục
đích: tìm tòi và khẳng định hồn Việt,
tính cách Việt trong thể thơ haikư. Đó là một yêu cầu đối với người làm thơ
cũng là nhu cầu của mỗi người làm thơ haikư Việt. Đó cũng là cánh cửa mở rộng
cho từng người sáng tác thỏa sức tung hoành trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Vấn đề còn lại là tác phẩm thơ có hay không, có neo vào thời gian và lòng công
chúng yêu thơ hay không!
Để Haikư – Hồn Việt thực sự tỏa sáng, mỗi
người làm thơ haikư bằng tiếng Việt đều dồn tâm lực cho sự tìm tòi và khẳng
định.
Tháng 6
năm 2014
C.N.T
2045
chữ
Thật lòng mà nói -mình đọc khá nhiều và ......chưa thấy cái hay ở trong thể loại này -có lẽ sự cảm nhận của mình kém quá -
Trả lờiXóaKhông sao đâu bạn. Không phải bài thơ haikư nào cũng hay. Kể cả các bài được xếp vào cổ điển!
Xóa