Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

MỘT VÀI KỈ NIỆM VỀ A. PUSKIN ( kỉ niệm 215 năm sinh đại thi hào Nga)


                                                     
                     

MỘT VÀI KỈ NIỆM VỀ  A. PUSKIN

                                           Vũ Nho

          Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với A.Puskin không phải là thơ ca của ông, mà là với văn xuôi. Tôi còn nhớ đó là tập truyện dịch có tên “ Đubropxki – Người con gái viên đại úy”. Đây là tập truyện dịch, tôi cũng không nhớ ai là dịch giả ( Lúc đó còn trẻ con, chưa có ý thức nghiêm túc như bây giờ). Chỉ biết rằng những câu chuyện thật là hấp dẫn, cảm động. Tôi như được bước vào một thế giới khác, với những con người khác hẳn ở ngoài đời cũng như  khác hẳn với hình ảnh trong vốn liếng văn chương nghèo nàn của một cậu bé nhà quê.
          Rồi sau này tôi được biết A. Puskin là mặt trời thơ ca Nga, được tiếp xúc với bài thơ “ Cây Antra”, tiếp xúc với truyện cổ tích “ Ông lão đánh cá và con cá vàng”, rồi “Con đường mùa đông”, “ Tôi yêu em”,…
Những câu thơ của Puskin ấn tượng mãi trong tôi:
-         Trái tim không thể một ngày không yêu
-         Tôi yêu em âm thầm không hi vọng
Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em chân thành đằm thắm

-         Một chút tên tôi đối với nàng
Sẽ chìm như tiếng sóng buồn lan
Âm thầm mòn mỏi bên bờ vắng
Như tiếng đêm thâu lạc giữa ngàn
          Khi sang Nga làm nghiên cứu sinh, tôi đã đọc nhiều về thơ của A.Puskin qua bản dịch của dịch giả Thúy Toàn. Và được biết vai trò to lớn của nhà thơ đối với tâm hồn Nga. Trong SGK của liên bang xô viết có nhiều bài về A.Puskin. May mắn làm sao, tôi lại được học tập ở chính kinh thành Peterbua ( bấy giờ là Leningrat), nơi gắn bó với nhà thơ Nga vĩ đại. Trong giờ học tiếng Nga, tôi đã được bà giáo đưa đến thăm  nhà Bảo tàng , nơi nhà thơ sống và sáng tác. Tôi chỉ nhớ  ngôi nhà của nhà thơ trên bờ của một dòng Moika không rõ số bao nhiêu. (Trường Đại học sư phạm quốc gia Leningrat mang tên Ghec xen, nơi tôi tu nghiệp có địa chỉ là Moika số 48). Ngôi nhà lộng lẫy như một biệt thự. Đặc biệt là những cuốn sách trong thư viện riêng của nhà thơ. Thú thực là tôi choáng ngợp trước những dãy sách bìa cứng, gáy da. Tôi thầm nghĩ : Điều kiện sống và làm việc như thế thì Puskin trở thành vĩ đại không chỉ với  nước Nga mà toàn thế giới là tất nhiên. (Tôi cũng từng được biết sự túng quẫn và nghèo của F. Đotxtoepxki, nhưng thăm bảo tàng căn hộ của nhà văn  hai lần,  khi  làm nghiên cứu sinh và khi quay lại Nga năm 2010, thì vẫn thấy còn sang chán so với nơi sống và làm việc của các nhà văn Việt Nam bây giờ).
          Một điều làm tôi gắn bó với nhà thơ Nga là hai năm sau (1982), anh Nguyễn Viết Chữ ( Giờ là PGS.TS ở khoa Văn ĐHSP Hà Nội) sang làm nghiên cứu sinh. Tôi đưa anh lên gặp GS TS Rez Dinaida Iacovlevna, và GS TS V.G.Maransman. Anh được GS TS Maransman nhận hướng dẫn. Đề tài luận văn là A.Puskin trong nhà trường Việt Nam. Giáo sư hướng dẫn của anh Chữ cũng là một chuyên gia về A.Puskin trong nhà trường Nga. Ông có tặng tôi cuốn chuyên luận của mình “Epghenhi Onheghin trong nhà trường”. Đây là  chuyên luận về cuốn tiểu thuyết bằng thơ của A.Puskin. Chính tôi đã học ông để lần đầu tiên soạn một giáo án văn xuôi với 3 phương án ( theo bố cục, theo tuyến nhân vật, theo vấn đề). Giáo án in trong cuốn “ Thiết kế bài dạy văn ở cấp II”, Sở Giáo dục Khánh Hòa xuất bản năm 1989 cùng với GS Phan Trọng Luận, PGS TSKH Cao Đức Tiến. Cũng từ cuốn sách này, tôi có sự so sánh hai nhân vật On ga và Tachiana, với Thúy Vân và Thúy Kiều. Vì sao mà nhân vật “Khuôn trăng đầy đặn” thường sống đơn giản, nội tâm  không sâu ( Khi Kiều khóc thì Vân cười, khi Kiều thức trắng đêm thì Vân chợt tỉnh giấc xuân trong đêm gia biến). Thật vô cùng thú vị khi Nguyễn Du không có một chút liên hệ nào với A.Puskin mà hai ông tạo ra hai cặp chị em Kiều- Vân, Tachiana – On ga hết sức giống nhau về tính cách.
          Khi truyện thơ  của Puskin “ Truyện cổ tích về người đánh cá và con cá nhỏ” được dịch thành văn xuôi “ Ông lão đánh cá và con cá vàng” bởi GS Lê Trí Viễn và  nhà thơ Vũ Đình Liên  đưa vào chương trình, tôi lại có cơ hội tìm hiểu về Puskin. Truyện thơ này được xếp vào mục “Truyện cổ tích”, nhưng khi dự giờ của giáo viên, thấy một điều rất rõ là truyện cổ tích này đã không theo mô hình của cổ tích đã được tổng kết : kẻ xấu bị trừng trị, người tốt được ban thưởng. Tôi đã viết bài về truyện thơ này ( Đăng trên Văn học nước ngoài, sau tuyển vào sách “ Những chân trời văn chương”, nxb Hội nhà văn 1999). Đây là truyện cổ tích do tác giả sáng tác, chứ không phải là cổ tích thuần túy. Tôi cũng kịp gọi điện cho GS Lê Trí Viễn ( lúc ấy ở Sài Gòn) để xác minh GS và nhà thơ Vũ Đình Liên đã dịch từ  bản dịch thơ trong tiếng Pháp ra văn xuôi. Bản thân tôi cũng dịch nghĩa đen truyện thơ trên ra tiếng Việt để anh chị em giáo viên tham khảo. ( Bản dịch này in trong cuốn “Bài soạn  Ngữ Văn 6, tập 1 của ba tác giả Nho, Đặng Tương Như, Trần Thị Thành. Nxb Hà Nội, 2002).
          Năm 2010, tôi quay lại Nga trong Đoàn nhà văn Việt Nam do nhà văn n Thảo, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam làm trưởng đoàn. Khi trước, ở  Peterbua, tôi không có dịp đến chỗ sông Đen, nơi nhà thơ đấu súng với Đan tec. ( Mặc dù học ở đó bốn năm, bận công việc, nên tôi  không tới được). Lần thăm này, anh bạn Oleg Pavykin có căn hộ ở chỗ sông Đen cho thuê. Nhưng vì thời gian gấp nến chúng tôi cũng không tới được. Song tôi có đi qua Đại lộ Nhepxki. Tôi nhìn thấy trong quán cà phê cạnh đại lộ, có một người ngồi  bên bàn. Đó là  manơcanh hình Puskin ngồi uống cà phê trước khi đi đấu súng với Dantec. Đây là điều  người Nga mới làm vì tôi ở Nga bốn năm, ngay canh đại lộ này, có thể nói là đi mòn chân, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy cảnh đó.
          Ở Matxcơva, chúng tôi được TS Nguyễn Huy Hoàng đưa đến chân tượng đài nhà thơ. Dip đó kỉ niệm 211 năm sinh nhà thơ. Rất đông người tụ tập. Nhiều sách vở về nhà thơ được bày bán. Người hâm mộ đặt hoa, đọc thơ của nhà thơ. Truyền hình có quay hình ảnh và phỏng vấn. Một kiểu kỉ niệm tự phát, dân dã, không có kính thưa, kính gửi…
          Cơ duyên thế nào đó mà chính tôi lại mua được một ấn phẩm của nhà báo N.Paina, người quen với người chắt trai của nhà thơ. Tập tư liệu có nhan đề “ Mấy đoạn đời của Grigori Grigorievit – người chắt nội dễ mến của nhà thơ”. Tôi mua để lưu niệm. Nguyễn Huy Hoàng chụp cho tôi một tấm ảnh với bà Paina. Về nước, tôi đã dịch một phần của cuốn sách nhỏ đó và công bố trên báo Văn Nghệ số 49 ngày 4/12/2010.
          Dẫu sao thì tôi cũng có những kỉ niệm về thơ, về truyện, về ngôi nhà và về người chắt trai của nhà thơ Nga vĩ đại. Điều đó thật có ý nghĩa với một người làm  nghiên cứu, phê bình, và có dịch thuật như tôi. Nó là một nguồn cảm hứng  mạnh mẽ cho công việc.

                                                                              14/5/2014

Đăng báo Văn Nghệ, Hội nhà văn Việt Nam số 23 ngày 7/6/2014
  
   Vũ Nho chủ trang
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét