VỊ TƯỚNG HUYỀN THOẠI TỪ NHỮNG
GÓC NHÌN CỦA ĐỜI THƯỜNG
Đọc Một ngày bên Bác Văn, tập kí của Cao
Ngọc Thắng, nhà xuất bản Dân Trí, 2014
Vũ Nho
Tập kí của tác giả Cao Ngọc Thắng, một cựu chiến binh,
từng làm báo hình của Đài phát thanh truyền hình Hà Nội gồm có 8 bài viết khác
nhau. Các bài viết dù nhiều hay ít đều liên quan đến vị tướng huyền thoại, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp. Thông qua kí ức của những người từng gần gũi Đại tướng
như bác sĩ Kiều Xuân Cư , họa sĩ Đức Dụ, nh à văn Sơn Tùng, Tấn Lộc, cháu ruột của Đại tướng, Trung
tá NSUT Nguyễn Mạnh Hà, nhạc sĩ Văn Cao cùng những người tham gia nhóm Chiếu
Văn và đặc biệt là cảm nhận của chính bản thân tác giả trong “Một ngày bên Bác
Văn”, Cao Ngọc Thắng đã cho bạn đọc hình dung thêm những nét đời thường và
những điều vĩ đại của vị tướng huyền thoại.
Từ kí ức của người cháu ruột, chúng ta
biết được vị Đại tướng là người học giỏi nổi tiếng của trường Quốc học Huế,
từng tham gia hoạt động yêu nước và cách mạng rất sớm, bị chính quyền thực dân
đuổi học. Năm 1937 đã được bầu làm Chủ tịch Hội báo giới Bắc Kì. Với người em
gái là Võ Thị Lài, Đại tướng quan tâm sâu sắc, đánh giá cao công lao của em gái
với gia đình.
Bác sĩ Kiều Xuân Cư lại cung cấp những
ấn tượng khác về vị Đại tướng. Từ kỉ niệm về chiến thắng Điện Biên Phủ, bác sĩ
Kiều Xuân Cư kể về kỉ niệm gặp Đại tướng khi Đại tướng lên thăm lại Điện Biên.
Thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến anh em bộ đội miền Nam tập kết, Đại tướng đã yêu cầu
đưa mọi người về đồng bằng công tác để đảm bảo sức khỏe. Vị bác sĩ còn vô cùng
khâm phục Đại tướng, khi mới 34 tuổi, đến Khánh Hòa với tư cách là Thứ trưởng
Bộ quốc phòng đã nhận định “ Phải hết sức
quan tâm đến mặt trận Tây Nguyên. Tây Nguyên không chỉ là địa bàn chiến lược
của Việt Nam ,
mà còn là địa bàn chiến lược của cả bán đảo Đông Dương”. Một chi tiết trong cuộc thăm Đại tướng ngày 22-12-1997 của
bác sĩ Kiều Xuân Cư về việc nhà máy đường Ninh Hòa khánh thành, cho thấy Đại tướng rất quan tâm
đến sự nghiệp đổi mới và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Người chiến sĩ tình báo tâm sự : “Tôi
thấy rất vinh dự và hãnh diện được làm người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam
trong thơid đại Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ huy thiên tài của Đại tướng Tổng tư
lệnh Võ Nguyên Giáp!”.
Họa sĩ Đức Dụ vô cùng cảm động vì được Đại tướng đến tận nhà
để xem các bức tranh về đường Trường Sơn,
khích lệ động viên anh. Và khi anh mở triển lãm, đích thân Đại tướng đến
xem tranh và ghi cảm tưởng.
Với nhà văn Sơn Tùng thì Đại tướng
dành “tình cảm đặc biệt”. Vì Sơn Tùng
đã chiến thắng bệnh tật để viết văn. Sơn Tùng cũng tập thiền như Đại tướng. Hơn
nữa, Sơn Tùng lại chuyên viết về Bác Hồ, người rất gần gũi với Đại tướng. Sơn
Tùng đã có công phát hiện bác Hồ đến nước Úc và đã công bố những vần thơ Bác
“xuất khẩu” khi nhỏ. Câu chuyện “ Một ngày bên bác Văn” là chuyện ấn tượng của
tác giả Cao Ngọc Thắng trong ngày làm việc của Đại tướng với Sơn Tùng. Tình cảm
đặc biết ấy, Đại tướng đã bộc bạch với các nhân vật tham gia nhóm Chiếu Vă n
“Tôi vẫn thường xuyên theo dõi hoạt động
sáng tác của anh em. Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của anh em Chiếu Văn. Riêng tác
phẩm của Sơn Tùng, tôi đọc hết, đọc kĩ”. Một vị tướng nhưng đọc nhiều sáng
tác của anh em nhóm Chiếu Vă n và quan tâm đến từng người, quả là độc
đáo.
Nhạc sĩ Văn Cao cũng được Đại tướng
dành cho tình cảm và mối quan tâm đặc biệt. Đáng chú ý là Đại tướng cảm nhận ca
từ của Văn Cao : “ Tôi rất tâm đắc về bài
Bắc Sơn, nhất là những câu : Dân quân du kích cách mạng bừng mùa thu/ Sao vương
bóng cờ bay trên chiến khu”. Đai tướng ngồi vào đàn dương cầm dạo bản nhạc
này, trong khi Văn Cao vẽ phác chân dung Đại tướng với cây đàn.
Khi đọc “Lẵng hoa…”, người đọc thấy
được sự quan tâm của Đại tướng với những anh em Cựu chiến binh. Bởi vì họ chính
là những người lính dưới quyền chỉ huy của Đại tướng, giờ trở về trên mặt trận
mới. Chỉ một việc viết chữ trên lẵng hoa tặng, cho thấy tinh thần tỉ mỉ và
khiêm nhường của vị tướng Võ gốc Văn. “ Xem
lời đề tặng, Đại tướng yêu cầu không đặt tên mình ở bên trên mà chuyển xuống
dưới. Đại tướng nói : “ Mình chúc mừng thì tên mình nên để sau”. Họa sĩ Đức
Dụ cảm nhận về việc này : “ Đại tướng –
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp – Anh Văn – Bác Văn thật cao cả mà khiêm nhường!”.
Với “Miên man Trường Sa” và “Miền Tây
một rẻo”, những chi tiết về cuộc sống đời thường của vị tướng huyền thoại không
nhiều, nhưng thay vào đó là những cảm nhận về sự anh minh, sáng suốt của Đại
tướng khi ra lệnh giải phóng Trường Sa trước khi hoàn thành chiến dịch Hồ Chí
Minh giải phóng Sài Gòn, sự nhạy bén khi
Đại tướng nói chuyện và viết về thời kì đổi mới trong tác phẩm “ Những bài viết và nói chọn lọc – Thời kì đổi
mới”. Tác giả với tư cách là nhà báo, nhà địa lí kinh tế đã phân tích những
đặc điểm của ba miền Tây : Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ và cho thấy tầm
nhìn sáng suốt, khoa học của vị tướng huyền thoại.
Tôi đặc biệt ấn tượng với những chi tiết trong bài “ Một ngày với bác
Văn” về sự quan tâm của hai vợ chồng Đại tướng với hai vị khách văn. Từ chuyện
mời ăn cơm, mời nằm nghỉ, đến chuyện đích thân Đại tướng múc gáo nước cho tác
giả Cao Ngọc Thắng dội sau khi vệ sinh, hướng dẫn rửa tay ở vòi nước và đưa
chiếc khăn mặt để lau tay. Tác giả ghi lại “ Cảm giác trong tôi lúc đó lộn xộn, vì sự bất ngờ liên tiếp đến với mình
trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng nó ngấm sâu vào kí ức. Tôi lặng
người, không thể thốt lên một lời nào cho dù là lời cảm ơn giản dị trước sự ân
cần của Bác Văn”.
Đã nhiều nhà văn, nhà báo viết về Đại
tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách của Cao Ngọc Thắng góp thêm những
chiết tiết từ nhiều góc nhìn đời thường về vị tướng – người anh cả của Quân Đội
Nhân dân Việt Nam .
Một tư liệu quý về Đại tướng, ra mắt bạn
đọc nhân dịp chúng ta kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên nên càng thêm ý
nghĩa.
Hà
Nội, ngày 1/5/2014
Đăng Quân Đội Nhân dân cuối tuần, số 963 ngày 15/6/2014 với bút danh Võ Ninh Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét