Có
một dòng sông trong ca dao...
Hoàng Dân
Có lẽ dòng
sông trong ca dao là một trong những hình tượng ám ảnh nhất?
Nó gợi ra cảm
giác mênh mông, rợn ngợp, xa vời những cách trở và âu lo. Tại sao vậy? Trước
hết, cần phải nói đến một đặc điểm về địa lí đã góp phần quyết định trong việc
tạo nên môi trường sống của cộng đồng người Việt. Theo các nhà địa chất và thổ
nhưỡng thì phần lớn đồng bằng ở cả hai miền đều là kết quả của việc biển cả lùi
dần và để lại những bãi phù sa mênh mông. Cư dân người Việt cứ tiến dần ra mép
nước biển để lập làng và sinh sôi nảy nở. Trên những vùng đồng bằng ấy vốn dày
đặc những dòng sông, kênh rạch, ao hồ, đầm lầy... Người Việt sống bằng nghề
trồng lúa nước, do đó nước trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất góp phần quyết
định sự tồn tại của con người: nhất nước
nhì phân.., lạy trời mưa xuống/lấy nước tôi uống/lấy ruộng tôi cày, phân tro
không bằng no nước ... Trong quá trình cộng sinh với nước, con người dần
phát hiện ra tính hai mặt của nước, nó không chỉ là tác nhân kì diệu tạo dựng
sự sống mà còn là tác nhân đáng sợ hủy diệt sự sống. Một trong bốn mối đe dọa
lớn của con người là: thủy, hỏa, đạo, tặc
thì nước vẫn là hiểm họa hàng đầu. Có thể nói, nước đem đến cho con người
bao nhiêu may mắn thì cũng đồng thời đặt con người trước bấy nhiêu nguy cơ.
Nước trở thành một tâm thức sông nước của
cộng đồng người Việt. Tâm thức ấy dần dần trở thành một thuộc tính tâm lí, đó
là nỗi ám ảnh sông nước: ba chìm, bảy
nổi, chín cái lênh đênh. Nói cách khác, môi
trường sông nước đã ít nhiều tạo nên một tâm trạng bất an trong suốt chiều
dài lịch sử phát sinh, phát triển và tồn tại của cộng đồng người Việt. Phải
chăng đó là một trong những lí do khiến cho hình tượng dòng sông xuất hiện với mật độ khá dày trong ca dao?
-
Con sông bên lở
bên bồi
Một con cá lội, mấy người buông câu
- Con sông kia bên lở bên bồi
Bên lở thì đục, bên bồi thì trong
Con sông kia nước chảy đôi dòng
Biết rằng bên đục, bên trong, bên nào?
- Non cao ai đắp mà cao
Sông sâu ai bới, ai đào mà sâu?
- Chiều chiều ra đứng bờ sông
Ngóng về quê mẹ mà không có đò
-
Lênh đênh như
chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước gửi mình vào đâu?
-
Cô kia đứng ở
bên sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang
- Dừng chèo muốn ngỏ tâm tình
Sông
bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu
-
Con sông sâu,
nước dọc đò ngang
Mình về bên ấy, ta sang bên này
-
Ai đưa em đến
chốn này
Bên kia là núi, bên này là sông
-
Xa sông cách
núi lỡ vời
Gửi thư e lậu, gửi lời sợ quên
-
Tìm em chẳng
thấy em đâu
Lội sông thì ướt, qua cầu thì xa
-
Sông sâu cá lội
mất tăm
Chín tháng cũng đợi, mười năm cũng chờ
...
Dòng sông trong ca dao đã trở thành một
hình tượng về thời gian; một dòng thời gian vô hình, vô thủy vô chung lạnh lùng
chảy trôi và lạnh lùng ném tất cả vào quên lãng. Trong cái dòng chảy vô tình
ấy, cuộc sống dường như cứ lặp đi lặp lại những điều mà con người có thể biết,
nhưng không thể cưỡng lại được. Hãy thử điểm qua một vài hình ảnh trong bài ca
dao:
Con
sông kia bên lở bên bồi
Bên
lở thì đục, bên bồi thì trong
Con sông kia nước chảy đôi dòng
Biết rằng bên đục, bên trong, bên
nào?
Trước hết là
một loạt các điệp ngữ rất đa dạng, phong phú:
- Điệp cách
quãng: con sông
- Điệp liên
tục: bên lở – bên bồi
- Điệp phối hợp
dọc, ngang, cách quãng: đục – trong
- Điệp bộ phận:
bên
Tiếp theo là sự
cộng hưởng của các từ ngữ thuộc cùng một trường
liên tưởng:
Sông,
nước, chảy, dòng, lở-đục, bồi-trong
Nhờ trường liên tưởng này, người đọc có được
những cảm xúc và liên tưởng về bản chất của cuộc sống là không ngừng vận động
trong dòng chảy của thời gian vô cùng vô tận giống như hình ảnh của con sông
liên tục chảy trôi lặng lẽ. Trong cái dòng chảy ấy, cuộc sống luôn luôn tồn tại
các mặt đối lập, có sinh thành và hủy
diệt, có bồi và lở, có đục và trong. Hình ảnh nước chảy đôi dòng có thể gợi ra điều gì? Phải chăng trong mỗi đời
người, ít ai tránh được những thời điểm khó khăn, phân tâm, ngã lòng? Đó là khi
ta buộc phải quyết định lựa chọn một trong hai con đường, một trong hai cách
ứng xử, một trong hai câu trả lời có hoặc
không? Những quyết định tức thời ấy
có thể đúng và cũng có thể sai. Đúng thì thành công và sai thì phải trả giá.
Đôi khi là cái giá quá đắt, nó khiến con người có thể rơi vào tình trạng tuyệt
vọng. Ngay cả khi quyết định đúng cũng chưa chắc đã thành công như mong muốn
bởi quyết định ấy còn bị không ít những yếu tố may rủi chi phối. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên! Thiên
thời, địa lợi, nhân hòa!... Cuộc đời vốn không hề đơn giản, do đó có sai
lầm có thể sửa chữa, nhưng cũng có những sai lầm dẫn tới sự diệt vong, tức là
không còn cơ hội sửa chữa nữa! Lại có những sai lầm chưa đến nỗi diệt vong,
nhưng nó làm nguội tắt cả ngọn lửa ham sống, ham yêu của con người. Trong
trường hợp này, người ta thường động viên nhau hãy cắn răng làm lại cuộc đời!
Thật ra, người ta không thể làm lại cuộc đời, mà chỉ có thể tiếp tục sống vì
trách nhiệm với một cái gì đó mà thôi!
Còn hình ảnh bên lở thì đục, bên bồi thì trong? Nếu lở-đục là mất, là sai lầm, là xấu thì đó
là một sự thật mà ta buộc phải nhìn thẳng vào nó để... chấp nhận và chịu đựng.
Nếu bồi-trong là được, là đúng đắn,
là tốt thì đó chính là tác nhân của sự phát triển và sự hoàn thiện. Nhưng, như
đã nói, cuộc đời đâu có phân tuyến trắng-đen
rạch ròi đến mức cơ học thô thiển như vậy? Tình huống phổ biến và mang tính
vĩnh cửu của xã hội loài người là sự nhập nhằng đúng-sai, phải-trái, tốt-xấu,
trắng-đen: Biết rằng bên đục, bên trong,
bên nào?
Dòng sông thì vẫn đồng hành với thời gian. Nếu nó
có sức mạnh sinh thành và hủy diệt thì ít ra nó cũng phải là một trọng tài công
minh có sứ mệnh phân xử thiện-ác rõ ràng chứ? Nhưng dường như nó dửng dưng vô
cảm với tất cả? Những kiếp người buồn tẻ đối với nó thật vô nghĩa! Con người
phải tự mình làm lấy tất cả. Nhưng cho dù có làm đến mức hoàn hảo chăng nữa thì
phỏng có ích gì? Con sông không có bên bồi, bên lở và bên đục, bên trong thì
sao có thể gọi là con sông? Nó sẽ là một cái ao tù! Cuộc đời không có thiện-ác,
tốt-xấu và hạnh phúc-bất hạnh ... thì sao có thể gọi là cuộc đời? Nó sẽ là một
cái sân khấu tuồng, trong đó ông thiện thì bao giờ cũng có một bộ mặt đỏ phừng
phừng, còn ông ác thì chỉ có duy nhất cái bản mặt trắng phớ như vôi! Giả sử tất cả những dòng sông đều biến thành
những cái ao tù và cuộc đời chỉ còn là một cái sân khấu tuồng thì có lẽ chẳng
ai còn thiết sống làm gì?! Thì ra, dòng sông chính là cuộc đời mà ta có thể tri giác được! Bên đục thì âm thầm cung
cấp phù sa cho bên trong, còn bên trong thì buộc phải chấp nhận sự nắn dòng của
bên đục. Có đục-trong mới có sự vận động đổi thay, có cái mới trong tổng số
những cái cũ đã có, bất biến về lượng, nhưng luôn phát triển tùy theo thời
gian. Năm xưa khúc sông này chảy thẳng thì năm nay có thể đổi dòng thành cong
và biết đâu mai sau lại được nắn thẳng như buổi ban đầu? Có gì mà phải hốt
hoảng trước những đổi thay ấy? Cuộc đời cũng vậy thôi, thịnh-suy, hưng-vong...
luôn có ở trong nhau, đan xen vào nhau, cái nọ tiềm tàng trong cái kia và làm
tiền đề cho nhau để cùng trở thành động lực cho sự phát triển! Chỉ có một điều
còn khá là bí ẩn, nó từng kích thích trí tò mò của cả nhân loại suốt nhiều
thiên niên kỉ qua, ấy là việc các thể chế có thể lần lượt hưng thịnh và suy
vong, nhưng mỗi con người thì có được tái sinh hay không? Hãy tìm kiếm câu trả
lời ở những dòng sông! Những hạt cát ở bên lở sẽ lắng xuống lòng sông để rồi
lại được từ từ nổi lên thành những hạt phù sa ở bên bồi. Rồi những hạt phù sa
theo gió bão, theo dòng chảy lại có thể đầu
thai trở lại bên lở như thuở ban đầu. Mỗi con người nào có khác gì một hạt cát?
Vậy thì hãy tin rằng ta cũng được tái sinh theo một chu trình bồi-lở-bồi...
khép kín và bất tận! Tuy không thể mục sở
thị cái vòng sinh sinh hóa hóa kì diệu và bí ẩn ấy, nhưng thông minh như
giống người thì phải tin vào điều đó chứ?! Phải chăng đó chính là những trải
nghiệm hàng nghìn năm của cha ông ta đã được gửi gắm vào trong ca dao chăng?!
Núi Bò, 23.8.2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét