Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

MIỀN LỤC BÁT CỐ ĐÔ – MIỀN LỤC BÁT TỰ HÀO VÀ TRÂN TRỌNG



MIỀN LỤC BÁT CỐ ĐÔ – MIỀN LỤC BÁT TỰ HÀO VÀ TRÂN TRỌNG
(Đọc Tuyển tập Miền lục bát Cố Đô của Hội VHNT Ninh Bình – NXB Văn học 2013).
-Hạnh Hoa-
Tháng 1 năm 2011, bước vào năm đầu tiên thập kỷ thứ 2 Thế kỷ 21, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình (Hội) tổ chức công bố Tuyển tập Tác phẩm văn học Ninh Bình ngàn năm. Đây là công trình sách đồ sộ cùng với 2 công trình  tầm cỡ khác của Hội gồm: Tuyển tập Nghiên cứu và Sưu tầm sân khấu ngàn năm; Tuyển tập Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Âm nhạc Ninh Bình ngàn năm.
Vậy mà chỉ hơn 2  năm sau, vào quý IV năm 2013, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình đã lại công bố một công trình văn học lớn tiếp theo mang tên MIỀN LỤC BÁT CỐ ĐÔ.
Có thể đặt tên cho cuốn sách: Tuyển tập thơ lục bát Ninh Bình, Miền lục bát cờ lau, Miền lục bát Hoa Lư… Nhưng có lẽ cái tên Miền lục bát Cố Đô mới đúng nghĩa, chuẩn mực và sang trọng nhất. Cái tên vừa gợi vừa kêu, vừa khoe vừa ẩn, có gì vươn ra hội nhập mà vẫn bản sắc riêng một vùng miền. Cầm trên tay cuốn sách và đọc tên nó, ta như đã biết mà không thể nói rõ cụ thể điều gì. Ôi cái miền đất Cố Đô Hoa Lư. Nơi đây đã sinh ra huyền tích về ngọn núi, dòng sông, tên làng tên nước, cũng sinh ra  huyền sử về vua Đinh, vua Lê, Thái Hậu và các tướng lĩnh kỳ tài. Nơi đây, sông núi hóa thành thi ca, con người sáng danh anh tài… Miền đất  "đầu gối rừng, lưng áp biển", "Núi không cao mà hiểm, sông không sâu mà nước chảy xiết" (Nguyễn Tử Mẫn) đã từng lưu lại “bút danh nhân” của tao nhân mặc khách trên đỉnh Dục Thúy Sơn khi qua đó. Miền đất ấy còn là một miền thơ bản sắc. Kiêu hãnh lắm chứ. Vậy nên  ai đó đã nghĩ ra cái ý tưởng tôn vinh thơ lục bát miền đất Cố Đô Ninh Bình, người đó thật đáng nể  phục.

Và cái ý tưởng tuyệt vời ấy đã được thực hiện để rồi giờ đây chúng ta đã có trên tay MIỀN LỤC BÁT CỐ ĐÔ với niềm trân trọng nâng niu. Đánh giá tổng quát, có thể nói: Đó là tập sách đạt được chất lượng cao, tuyển chọn, biên tập công phu và đạt được mục tiêu đánh giá những hoạt động sáng tạo nhằm tôn vinh sự nghiệp văn học mang đậm bản sắc văn hóa của tỉnh.
Về chất lượng tập sách. Những ai đã từng đọc các tuyển tập thơ lục bát của một số tỉnh, một số câu lạc bộ cấp tỉnh hay đọc các cuốn tập hợp thơ của một vài trang Website chuyên về thơ lục bát đều có thể so sánh. Và khi đã so sánh thì dễ nhận ra rằng MIỀN LỤC BÁT CỐ ĐÔ chuẩn mực về thể loại, phong phú về nội dung và trong sáng về tư tưởng.
Thật vậy, mang danh tuyển chọn thơ lục bát, cuốn sách đã không làm thất vọng  người yêu thơ lục bát. Tất thảy 206 bài thơ không chỉ đạt chuẩn mực về vần, luật mà còn phong phú về tứ, đa thanh về giọng đồng thời nhiều biến tấu về nhịp. Với đội ngũ tác giả ở Ninh Bình, lục bát của mỗi người đều mang một sắc thái riêng nhưng lại tạo nên một bản sắc chung của hồn điệu con người miền “Sông Vân núi Thúy”  khiến người thưởng thức luôn bị cuốn hút, khiến tập sách không bị “đều đều nhàn nhạt”.  Ở đây không có chỗ cho những bài lục bát vấp vần, lạc vận, sai luật. Đã hẳn, nhưng cũng không có những bài dễ dãi, xáo lời. Càng ít thấy những câu thơ ngu ngơ khiến người đọc phì cười khó chịu. Ấy là thành quả của tinh thần kiên quyết được Ban tuyển chọn đề ra trong mục đích tối thượng “Không được bỏ sót thơ hay, cũng không xuê xoa để chọn những bài thơ yếu” (Chia sẻ cùng tác giả và bạn đọc. T9). Quả đúng như vậy, đọc cả tập sách khó gặp một bài thơ dưới trung bình.
Chuẩn mực về thể loại, tập MIỀN LỤC BÁT CỐ ĐÔ còn phong phú về nội dung và sáng trong về tư tưởng. Theo tâm lý bạn đọc, khi cầm một cuốn sách của địa phương xuất bản, họ thường nghĩ trong đó toàn các bài mang nội dung ca ngợi quê hương đất nước, giới thiệu địa danh cảnh đẹp và con người xứ sở với niềm xúc động trào dâng thể hiện bằng ngôn từ. Nhưng cuốn sách đã phá vỡ cái tâm lý ấy. Thực tế cho thấy: ngoài 52 bài thơ ca ngợi vẻ đẹp những địa danh  văn hóa – lịch sử nổi tiếng của Ninh Bình như Dục Thúy Sơn, Đền vua Đinh vua Lê, Tam Cốc, Bích Động, rồi Cúc Phương, Tam Điệp, Trường Yên, Cố đô Hoa Lư và Sông Vân, sông Hoàng… phần  lớn các bài thơ còn lại là sự chia sẻ nỗi niềm, bộc bạch tư tưởng, gửi gắm triết lý cuộc đời. Đó còn là nỗi đau nhân tình thế thái, nỗi khổ mưu sinh vì miếng cơm manh áo, nỗi vất vả nhọc nhằn chung của cuộc sống con người đồng chua nước mặn ngày xưa và cả ngày nay. Điển hình là các bài thơ viết về những người thân yêu ruột thịt. Có 12 bài thơ viết về mẹ, khoảng 5 bài  viết về cha và một số bài viết về chị gái, em gái, em trai… Chân dung những người thương yêu ấy hiện lên mỗi người mỗi vẻ bằng những câu lục bát gây ấn tượng nhưng cũng hiện lên cả một thế hệ người quê hương khổ nghèo lam lũ, vất vả gian nan nhưng cần cù chịu thương chịu khó, biết thắt lưng buộc bụng làm ăn, biết hy sinh hết mình cho quê hương đất nước và thật nhân hậu thủy chung với đất với người.
Lục bát là thể thơ truyền thống, nó ưu việt trong việc chuyển tải những nội dung thiên về tình cảm. Vì thế những bài viết về mẹ, về cha, về người em người chị tuy nhiều trong tập sách nhưng không trùng lặp, không nhàm chán mà mỗi bài một hướng khai thác nội tâm riêng. Và cũng vì thơ lục bát thiên về tình cảm nên nội dung nhiều bài trong tập đã khiến lòng ta rưng rưng xa xót như: Điểm danh (Trần Lâm Bình), Một thoáng trở về (Bình Nguyên), Cây đa làng (Lê Hữu Chư), Mẹ (Lâm Xuân Vi), Đón bạn về làng (Lê Nhuệ Giang), Lộc Ninh (Đào Trọng Thử), Lão thuyền chài (Trần Xuân Trường), Khóc bạn (Lê Thi Hữu), Làng ta (Mạc Khải Tuân), Gặp cô giáo ở chợ chiều (Mai Ngọc Uyển), Bà tôi (Kao Sơn), Thương dáng lưng còng (Thanh Thản), Tháng ba xưa (Vũ Thanh) … Nhìn chung, nội dung trong  MIỀN LỤC BÁT CỐ ĐÔ sâu nặng về tình cảm nhưng cũng sáng trong về tư tưởng. Ấy là lòng tự hào về miền đất Cố Đô ngàn năm văn hiến, tình yêu tha thiết quê hương, lòng ơn nghĩa với mảnh đất và con người đã đem lại những giá trị văn hóa cho dân tộc. Các bài thơ trong tập thể hiện được những phẩm chất ấy không chỉ góp phần tôn vinh thơ lục bát mà còn làm sáng giá cho nền văn học quê hương, chung sức làm nên chân giá trị của nền văn học nước nhà.
Có được chất lượng thơ là nhờ tài năng của thi sĩ. Nhưng có được chất lượng tập sách, cần phải kể đến công sức và trí tuệ của Ban Tuyển chọn và Biên tập. Xin nhắc lại lời đánh giá khái quát ban đầu: Đó là việc tuyển chọn, biên tập công phu và đầy trách nhiệm. 
Mở đầu tập sách với gần 4 trang SẺ CHIA CÙNG TÁC GIẢ VÀ BẠN ĐỌC, Ban Tuyển chọn và biên tập đã “có lời” rất rõ ràng, đầy đủ về ý tưởng, mục đích, tiêu chí, quy trình thực hiện cuốn sách. Đọc lời chia sẻ, mới thấy hết công việc làm cuốn sách không đơn giản chút nào. Nhóm Biên tập ( cùng làm công việc Tuyển chọn)  ghi rõ có 4 người. Bốn con người làm việc trong vòng có 5 tháng trời (từ tháng 2 đến tháng 6/2013), nào là thông tin, tuyên truyền, tập hợp, sưu tầm, đối chứng, xin ý kiến chỉ đạo, nào là biên tập quay vòng, đánh máy, phê duyệt, tổ chức cho việc in ấn… chưa kể trong quá trình làm còn nảy sinh những bất cập về nội dung cần phải sưu tầm đối chiếu, bất cập về văn bản gốc phải xem xét, rồi đối chiếu chữ nho chữ dịch, rồi thắc mắc, đề xuất này nọ… Tất cả đã được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn nhất với một tinh thần siêu trách nhiệm vì nghĩa cả. Bởi vì Nhóm Tuyển chọn và Biên tập tuy ít người nhưng đã làm việc rất khẩn trương lại theo một quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt chặt chẽ, tiêu chí tuyển chọn đưa ra thật rõ ràng: thơ lục bát của “những người sinh sống và làm việc trên đất Ninh Bình, những con em Ninh Bình sinh sống trong và ngoài nước, những nhà thơ trong cả nước dành tình yêu viết cho Ninh Bình” nhưng lại kèm theo “Mục đích tối thượng là chất lượng”. Những tiêu chí đưa ra lại còn phải được cấp có thẩm quyền đồng ý phê duyệt, coi trọng như một cuộc thi tuyển tài năng . Vì thế,  nhóm Tuyển trọn và Biên tập lại phải là những nhà văn có uy tín về nhân cách và tài năng, làm việc công tâm, đồng tình và nghiêm túc. Đọc cuốn sách với tất cả những gì ta thu nhận được mới thấy nhóm đã dụng công biết bao, tận tụy và nỗ lực biết bao để hoàn thành tác phẩm với tinh thần quyết “không bỏ sót thơ hay” như trong lời Chia sẻ.
Cuối cùng cũng phải kể đến những điều kiện thuận lợi giúp tập Miền Lục bát Cố Đô hoàn thành sứ mệnh. Đó là sự quan tâm chăm lo đặc biệt tới sự nghiệp văn học tỉnh nhà của lãnh đạo tỉnh. Đó là tinh thần quyết tâm lớn, dám nghĩ dám làm với những hoạt động nhằm tôn vinh các giá trị sáng tạo của Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật tỉnh. Và đó cũng là ý thức trách nhiệm cao của mỗi cấp lãnh đạo, mỗi ban ngành có liên quan, mỗi cá nhân nhà văn và nhà quản lý… đồng lòng thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về “Giữ gìn và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Một Tuyển tập dày hơn 300 trang sách với hơn 200 bài thơ (có cả thơ chữ Hán) của gần 100 tác giả, không thể không có những sai sót tất yếu. Ví dụ có tác giả được tuyển không phải người Ninh Bình và thơ tuyển cũng không liên quan tới Ninh Bình hoặc có hạn chế là số tác giả của tỉnh ít bài viết về Ninh Bình hơn là các tác giả ngoài tỉnh. Còn những bài thơ cổ của 10 tác giả dịch theo thể thơ lục bát thì sao? Sẽ có ý kiến phản biện về những bài thơ dịch. Nhưng hãy dùng con mắt xanh mà xem xét, dịch cũng chính là hoạt động sáng tác. Bởi nếu dịch không hay, không có giá trị nghệ thuật thì các tác phẩm đó có đâu sống được đến bây giờ? Và một sự thật hiển nhiên: rất nhiều nhà văn của chúng ta chỉ bằng dịch tác phẩm mà được tôn vinh thành nhà văn. Vậy việc đưa những bài lục bát dịch từ thơ cổ của những bậc tiền nhân văn hóa - chính trị vào tập sách phỏng có gì sai? Không những đưa được các bài lục bát hay, chuyển tải được những điều suy nghĩ, ca ngợi về vùng đất văn hiến Ninh Bình mà còn nâng cao niềm kiêu hãnh tự hào về một miền đất khai sinh ra dòng văn học viết, nơi gặp gỡ thi nhân của mọi thời, nơi hội tụ và thành công nhiều với thể thơ lục bát bản sắc. Nghĩ như vậy mà chúng ta tự hào, nâng niu trân trọng thành quả này. Hãy đọc MIỀN LỤC BÁT CỐ ĐÔ, bạn sẽ thấy những điều kỳ diệu. 
 Hà Nội, ngày 21/4/2014

               H.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét