Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

ĐÔI ĐIỀU VỀ BÚT LỰC & BÚT PHÁP TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HIẾU



 Đường Văn

ĐÔI ĐIỀU VỀ  BÚT LỰC & BÚT PHÁP

TRUYỆN NGẮN  NGUYỄN HIẾU

QUA TẬP

NGƯỜI ĐÀN ÔNG
KHÔNG LẤY VỢ (2014)

ĐƯỜNG VĂN


          Tròm trèm* ngưỡng thất thập, nghĩa là đã sắp chạm cái tuổi mùa thu vàng lần thứ hai của cuộc đời – cái tuổi đạt tới sự phong phú kinh nghiệm đời và hoàn toàn chín chắn của tư duy sáng tạo. Nên luôn mấy năm nay, Nguyễn Hiếu viết càng mau, càng khỏe,  như muốn chạy đua cùng thời gian, cơ hồ không kém gì những năm tráng niên nhi bất hoặc – tri thiên mệnh (40 – 50). Hết trại sáng này lại dự tiếp trại khác, rong ruổi, tung hoành vào Nam, ra Bắc. Xong mỗi trại là có ngay hàng đống sản phẩm: thơ, truyện, kịch, phê bình, bài báo … thôi thì đủ cả. In sách, in báo cứ ràn rạt!* Chỉ nguyên tinh thần và sức lao động nghệ thuật chăm chỉ, cần cù vì nghiệp ấy đã thật đáng phục, đáng nể, cả trong lẫn ngoài giới. Cái nhũ danh lực sỹ hạng nặng của tiểu thuyết, mà Ma Văn Kháng, một bậc đàn anh trong làng văn Việt, người cũng có sức viết rất dồi dào, tặng cho chú đàn em họ Nguyễn làng Chiện, có lẽ không hề mang màu sắc lăngxê hời hợt!
                                                         ***
          Tập truyện ngắn thứ 9 của Nguyễn Hiếu: Người đàn ông không lấy vợ (Nhà XB Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014), 213 trang, tập hợp 13 truyện ngắn Hiếu viết trong 2, 3 năm gần đây là một minh chứng hùng hồn cho nhận xét trên của tôi.
Tôi nghĩ thêm rằng, trước hết về bút lực, sức viết của Nguyễn Hiếu, với tư cách là một cây bút văn xuôi chuyên nghiệp, so với tuổi tác của anh, xem ra vẫn còn sung mãn, lai láng lắm! Câu tự bạch rất nghiêm túc: Đã là Nhà văn, thì phải viết! vẫn được anh tự nguyện (hay buộc mình?) thực hiện hết sức nghiêm túc, thường xuyên, đầy trách nhiệm và phấn chấn, hứng khởi và hiệu quả. Trời cho một cây viết tự gắn cả đời mình với nghề viết như anh, được cái may và cơ duyên như thế, chẳng đã là một hạnh phúc vô bờ hay sao!?
          Đó là mấy lời chúc mừng bút lực viết nói chung của nhà văn làng Chiện - bạn già của tôi. Nhưng bút lực ấy được thể hiện cụ thể trong tập truyện ngắn Người đàn ông không lấy vợ…như thế nào?

          Trước hết, nói về đề tài, chủ đề.
          Đọc văn xuôi Nguyễn Hiếu nói chung, tập sách nhỏ này nói riêng, tôi luôn thấy rõ hình ảnh bạn tôi – Nguyễn Hiếu – một nhà văn xông xáo và bám sát cuộc sống xã hội hôm nay. Nói một cách khác, anh là một trong những nhà văn của hôm nay, của cuộc sống muôn mặt đời thường đương đại. (kiểu như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải…thế kỷ trước). Từ một nhà báo, trở thành nhà văn vừa viết báo vừa viết văn, dấu ấn nghề nghiệp ấy in đậm trong từng trang sách Nguyễn Hiếu. 13 truyện ngắn tập trung vào những đề tài khác nhau của cuộc sống đời thường muôn màu muôn vẻ đang diễn ra trong xã hội Việt Nam những năm đầu tiên của thập niên thứ hai thế kỷ 21.
          Vấn đề người cao tuổi sắp và đã về hưu với bao nhiêu tâm sự, tâm tư, chuyện vui, chuyện buồn, thực tế và mơ ước tuổi già…(Chuyện lạ lúc nào cũng có, Đi tìm một lời nói thật, Bi kịch hưu, Loài gián, Người thích rậm mình).
          Đó là những câu chuyện cười ra nước mắt cũng có; nhìn chung là buồn, cô đơn, tê tái, không có hồi kết, với nhân vật chính, ngoài cái chết đang mờ mờ hoặc đã lù lù hiện ra ở đằng kia, phía ấy… Tác giả khái quát chung, gọi là bi kịch hưu, là chuyện lạ lúc nào cũng có.
          Những khái quát ấy không mới nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Người về hưu nói chung, thường khó tránh khỏi cảm giác và tâm trạng cô đơn tràn ngập trong cuộc sống nghỉ ngơi dài hạn của mình. Cô đơn với những người trong cơ quan cũ đã đành. Nhưng cô đơn ngay cả trong gia đình mình, ngay với cả những người thân yêu nhất của mình: vợ, chồng, con, cháu… Người về hưu thường thường có tâm lý nhớ tiếc khôn nguôi thời đương quyền, đương chức và nhiều khi vẫn mơ được trở lại làm việc … như xưa. Đó là những biểu hiện tâm lý rất đáng được cảm thông.
          Có một số người về hưu vẫn thích rậm mình, vác tù và hàng tổng, làm những việc mà họ nghĩ là cần thiết cho dân, cho nước, cho đời… để rồi lực bất tòng tâm, đến nỗi: ngã vật ra, không biết gì nữa! chỉ vì một lời thách thức và cái giật mạnh của gã công nhân mặt đen bóng (Người thích rậm mình).
          Ngay đến những người còn đang làm việc những năm cuối của đời công chức, lãnh đạo, nhiều khi do nhiều nguyên do khách quan, chủ quan, ngẫu nhiên, bệnh lý… cũng thành ra khó hiểu, có khi thành cái cớ cho sự cựa kèn của đồng nghiệp bất tài tâm tối, thành trò cười hay gây sự lo lắng cho gia đình. Sự thay đổi sinh lý, bệnh lý, tâm lý…cộng với sự thay đổi của hoàn cảnh sống và làm việc khiến nhân vật chính cũng không kiểm soát nổi hành vi của mình, lúc tỉnh, lúc bỗng đơculơ một cách thiên tài ngơ ngẩn, vừa đáng phục vừa đáng cười…! (Chuyện lạ…).
          Có vị vip tưởng được nhắm mắt ra đi trong sự thanh thản, vì đã tìm được những lời nói thật của người đời (bác sỹ), của người thân - bà vợ tấm mẳn - mà ông ta từng lừa dối thưở xa xưa. Song thật ra, ổng đã bị chính bà vợ thân yêu của mình ngọt ngào qua mặt, dối lừa lại cho… qua chuyện! (Đi tìm một lời nói thật).
          Với chủ đề này, Nguyễn Hiếu viết một cách gan ruột, tâm huyết. Truyện giàu màu sắc tự truyện. Nguyên, vật liệu là những chi tiết, nhân vật rút ngay từ chính gia đình anh, bản thân anh. Cho nên, đọc thấy như những lời bộc bạch, tâm sự, than thở rất đỗi chân thành, sẻ chia thấm thía với bạn già, với những người cao tuổi và bạn đọc các thế hệ sau, với con cháu mai hậu.
          Từ những truyện hư cấu hòa với sự thật nghiêm túc và hài hước này, Nguyễn Hiếu đã gợi ra một trong những vấn đề rất nghiêm túc, bức xúc trong xã hội hôm nay: vấn đề người cao tuổi. Làm thế nào để người cao tuổi - người hưu có thể và được sống thanh thản, có ích, vui, khỏe, hạnh phúc trong những năm tháng cuối đời? Trách nhiệm ấy, theo Nguyễn Hiếu, trước hết là phải từ tự bản thân từng cá thể hưu. Các cụ U60, 70, 80… ấy phải tự mình tìm mọi cách vượt qua bi kịch hưu của chính mình để chọn 1cách sống và ứng xử phù hợp. Mặt quan trọng khác là thái độ, cách ứng xử và hành vi của gia đình, xã hội, đặc biệt là bạn bè, các hội, đoàn thể xã hội với người cao tuổi. Nếu thực sự yêu thương, quan tâm, hẳn sẽ tìm ra những biện pháp tư vấn, giúp đỡ thiết thực và hiệu quả. Tôi nghĩ, e có vẻ to tát, rằng chùm truyện ngắn về chủ đề bi kịch hưu của Nguyễn Hiếu, nếu chưa tới mức mang tính phổ biến, tiêu biểu cho thế giới thì cũng đã đề cập thẳng khá sâu vào một trong những vấn đề thời sự của xã hội Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình dương hôm nay, một vấn đề ngày càng trở nên quan thiết, nếu xã hội, đất nước, khu vực cộng đồng muốn trở nên vững mạnh, bình an, nhân văn và  nhân đạo.
          Đối cực với người già là trẻ con. Chủ đề trẻ em cũng được Nguyễn Hiếu  đụng chạm và tiếp tục khai thác bằng 3 truyện ngắn khá đặc sắc: Đơn côi, Rừng hư ảoCon bọ ngựa trên cây na vườn Nhà sáng tác. Đọc những truyện ngắn về chủ đề này của Nguyễn Hiếu, thấy chứa chan, nồng ấm tình yêu thương trẻ con, những thiên thần của tương lai nhân loại. Buồn thay! thương thay! chỉ vì sự độc đoán, tư lợi, ích kỷ của người lớn, những bậc bố mẹ, ông bà chúng, đã khiến chúng, khổ sở hơn, khác nhiều so với trẻ con xưa: dù được sống đầy đủ, thậm chí thừa thãi về vật chất, được trang bị đồ chơi đẹp đẽ và phương tiện chơi điện tử hiện đại đến tận răng, mà vẫn cảm thấy bất hạnh, cô đơn khủng khiếp ngay giữa ngôi biệt thự nhà mình, ngay giữa bố mẹ mình! Chỉ còn biết chơi cùng tivi, máy tính bảng, cùng gấu bông hay chú khỉ vàng trong lồng, trên tầng thượng! Đó là nỗi bất hạnh của những đứa trẻ con nhà giàu cũng khóc! Tương lai chúng thật đáng xót thương, và đáng lo ngại!
          Vấn đề xã hội và giáo dục hiện nay mà tác giả gợi ra chính là giáo dục gia đình. Giáo dục các thành viên nhí khó khăn, tế nhị, phức tạp đã đành! Giáo dục các thành viên lớn, những bố mẹ, ông bà, cô chú, anh chị em trong gia đình bằng giáo dục tự giác, tình cảm và tự giáo dục, có lẽ còn khó khắn, phức tạp gấp bội! Bởi chính cuộc sống tự do không bị ai kiểm soát và sự phi đạo đức, thiếu gương mẫu, lối sống thực dụng, vị lợi của các bậc cha mẹ - người lớn, đã không chỉ là tấm gương phản diện, mờ mịt mà con trẻ buộc phải soi hằng ngày; nguy hại hơn, còn làm cho tình cảm của trẻ con với những người lớn thân yêu nhất của chúng đã bị thay đổi theo chiều hướng vô cùng lãnh đạm, mặc cảm, xa lánh, tủi hờn. Cho nên, muốn cứu lấy các em, cứu lấy tương lai của mình, trước hết, người lớn phải quyết tâm, quyết liệt thay đổi cách sống của chính mình. Làm bố, làm mẹ được con cái thực sự thương yêu, kính trọng và noi gương. Sao cho càng lớn, chúng  càng tâm phục, khẩu phục, đâu có dễ dàng!?
          Chùm truyện về chủ đề cuộc sống muôn mặt đời thường có 2 truyện đáng chú ý: Giải cứu nàng manơcanhNgười đàn ông không lấy vợ. Thực ra, đó không phải là chủ đề mới trong văn xuôi và kịch của Nguyễn Hiếu. Ngay từ những sáng tác đầu tiên, tác giả này đã thể hiện mối quan tâm nghiêm túc và sâu sắc tới số phận và tính cách của những con người bất hạnh, nhỏ bé trong xã hội mà Lão Cu là hình tượng nghệ thuật thành công xuất sắc hơn cả, từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến kịch bản văn học. Cái đáng lưu ý ở đây là tác giả tiếp tục khám phá, lý giải những biểu hiện khác nhau về hoàn cảnh và tính cách của nhân vật kiểu này. Từ – người đàn ông yếu đuối, thiên tính nữ có vợ giàu, nhưng một mực từ nhỏ đến khi đã trưởng thành, chỉ thương xót, chăm bẵm con búp bê và cô ma nơcanh tội nghiệp; đến Dũng, một trong những anh chàng độc thân không hiếm ở làng Chiện. Không phải vì anh không muốn, không thể lấy vợ để xây dựng một cuộc sống gia đình bình thường như mọi người đàn ông khác mà nguyên nhân sâu xa bất hạnh của đời anh chủ yếu từ tính cách quá yếu mềm, không dám và không thể làm chủ chính mình, số phận của mình, không dám, không thể làm khác quyết định gàn dở và mê muội của người cha … Dũng chỉ biết nốc rượu say, rồi lại đổ thừa cho số phận, số trời… phải thế!
          Đó là những con người hiền lành, giàu tình cảm, nhưng tự tính hồn nhiên, vui vẻ, cam chịu cuộc sống đã đươc/bị gia đình, dòng họ, thời cuộc sắp xếp như vậy từ nhỏ cho đến lớn, đến… hết đời! Họ tự ru mình, an ủi mình bằng những triết lý duy tâm, vớ vẩn! Họ thường bị gia đình và xã hội coi là vô tích sự, coi thường, lấn lướt hoặc cười cợt, chê bai… Họ thật đáng thương và đáng quan tâm!
          Đó là một trong những vấn đề gia đình, xã hội tưởng đơn giản mà rất tế nhị, phức tạp. Tìm cách giải quyết tích cực và kết quả là hết sức khó khăn, nan giải. Bởi vì có một hiện tượng khó lý giải là: hầu như không gia đình nào được hưởng hạnh phúc viên mãn, hoàn hảo. Trong những đứa con cùng cha cùng mẹ, thể nào cũng phải có 1 đứa chịu thiệt thòi, bất hạnh,gánh vác đỡ cho anh, chị em. Dường như đã thành quy luật: Năm ngón tay cũng có ngón dài, ngón ngắn. (Tục ngữ). Cái ngón ngắn ấy, rơi vào ai, người ấy khó mà vùng thoát nổi! Nhưng chính điều đó tạo nên sự cân bằng tương đối của gia đình và xã hội chăng? Đó vẫn là câu hỏi mà câu trả lời thỏa đáng, triệt để còn ở thời tương lai xa. Ở đây, ta phải ghi nhận sự quan ngại sâu sắc và kiên trì của nhà văn tới vấn đề nhân sinh - nhân đạo tế nhị này. Trong mỗi gia đình, làm thế nào để từng thành viên được sống cuộc sống bình thường, tự do và hạnh phúc? Nhưng thế nào là hạnh phúc thực sự đối với mỗi người? Những câu hỏi không bao giờ có câu trả lời cuối cùng, mãi mãi treo lơ lửng trước mắt con người như lời vẫy gọi và thách thức cháy bỏng. Cái nhìn của nhà văn khi dựng truyện, kể chuyện là cảm thông và lo lắng, nỗi lo gần lo xa ấm áp tình người.
          Có con tàu ma là truyện ngắn đậm tính thời sự  nhất trong tập.
          Từ những tin tức trên báo chí, trên mạng về những con tàu ma đã và đang lênh đênh vô chủ, vô định và vô thời hạn trên đại dương đợi ngày chìm xuống đáy biển sâu, Nguyễn Hiếu đã bức xúc sáng tạo thành Tàu ma, dịch chuyển thể loại và loại hình nghệ thuật diệu nghệ, từ truyện ngắn, vươn ra tiểu thuyết vừa rồi lại sang kịch bản văn học, một cách rất kịp thời. Với Tàu ma, tác giả góp tiếng nói của lương tâm, lương tri của một nhà văn, một công dân yêu nước trước sự bê bối, tiêu cực, vấn nạn khủng trong ngành tàu biển của đất nước ta mấy chục năm  qua và vẫn đang tồn tại cho đến hôm nay. Truyện ngắn vang lên tiếng nói đầy xót đau và phẫn nộ trước sự vô tình, vô cảm, vô trách nhiệm, tham lam, ích kỷ, lãng phí và hèn nhát của những người chịu trách nhiệm cao nhất trong ngành! Tiếng kêu thảng thốt, thảm thiết, dường như muốn ứa máu uất hận và bất lực của thuyền trưởng Sơn:
                          - Bỏ tàu … liệu mà về!... Con tàu ma… tàu ma!...
          Không cần bình luận cũng đã quá đủ nói lên tính bi kịch dữ dội, tính phản biện nghiêm túc và gay gắt của tác giả, ngõ hầu muốn nói tiếng nói của nhân dân, không chỉ trước sự yếu kém, bê bối tại một ngành công nghiệp nặng hàng đầu của đất nước mà còn là tiếng nói phản biện sâu sắc về cơ chế điều hành, về những điều luật quan liêu mà có chạm vào thực tế mới thấy những khe hở và sự phi lý rõ ràng và to lớn của nó.
          Tôi cho rằng, Tàu ma là truyện ngắn đầy bản lĩnh chính trị và tinh thần dũng cảm trong việc đấu tranh mạnh mẽ, (bằng văn chương nghệ thuật!) với các vụ việc tiêu cực đã và đang diễn ra ngày một phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn trong nền kinh tế thị trường  sôi động ở nước ta hiện nay.
          Bên cạnh chủ đề chính, những chủ đề phụ ăn theo cũng được triển khai nhịp nhàng, khéo léo và rất ấn tượng: vấn đề hạnh phúc gia đình, tình cảm vợ chồng của những người cả tháng, cả năm, cả đời gắn liền với những chuyến biển xa, sao mà mong manh, khổ sở và bất hạnh đến thế!? Câu chuyện về người vợ giăng dện với thằng em kết nghĩa, khiến đứa con trai phải vượt biển, ra tàu, thăm bố, kể lại một cách nghẹn ngào, tức tưởi, đầy uất hận; tiếp theo câu chuyện giết vợ ngoại tình rồi bỏ ra tàu của gã đàn ông trốn sự truy bắt của pháp luật… kết hợp với công việc chung, sự bế tắc, hấp hối của tàu ma, đã đẩy thuyền trưởng Sơn đến độ gần như… phát điên vì căm uất và tuyệt vọng!!?? Giải quyết những vấn đề chung, riêng hóc búa ấy như thế nào? Sơn chưa tìm thấy 1 tia sáng le lói cuối đường hầm. Ngay chính tác giả cũng chỉ mới có thể khơi gợi ra như thế!
          Tính hiện thực - bi kịch và tính gợi mở cao của truyện là ở đó.
          Khố thế, thằng bạn tôi lại viết văn! đậm chất hài, vui hóm, nhưng thực chất cũng lại nhằm giải phẫu không thương tiếc một trong những căn bệnh đang rất phổ biến trong một số gia đình giàu có, trong giới sinh viên, trí thức, trong cả giới văn nghệ sỹ ta hiện nay: bệnh háo danh vô thực, vô bổ, nan giải có nguy cơ ngày càng bùng phát như bệnh dịch.
          Trở lên, tôi đã sơ bộ chứng minh bút lực mạnh, đầy nội lực của Nguyễn Hiếu trong tập truyện ngắn Người đàn ông không lấy vợ về bình diện nội dung và chủ đề tư tưởng. Truyện ngắn Nguyễn Hiếu gần với báo chí và cuốn hút người đọc trước hết vì những vấn đề tư tưởng mà nhà văn gợi ra mang đậm tính thời sự - xã hội – văn hóa – tâm lý… là như thế.
          Còn về bút pháp nghệ thuật thì sao?
                                                                 ***
          Câu trả lời khái quát ngắn gọn của tôi, là không có gì thật sự mới mẻ, táo bạo, bứt phá có thể gây sững sờ cho người đọc nếu so với những tập truyện ngắn trước đây của mình. Hầu như Nguyễn Hiếu vẫn tiếp tục sử dụng các ngón nghề, thủ thuật, chiêu trò, miếng mảng mà anh đã từng sử dụng từ vài chục năm nay. Có điều thành thạo hơn, sắc sảo hơn, biến hóa hơn và hiệu quả hơn.
          * Ưu điểm thứ nhất cần khẳng định:
          Một điều đáng mừng và tôi xin chúc mừng anh, với tư cách là một trong những người đọc thích đọc, đọc nhiều, kỹ và hệ thống nhất hầu như toàn bộ các tác phẩm đã xuất bản của Nguyễn Hiếu. Tôi nhận thấy nhược điểm: chậm rãi đến rề rà trong cách kể chuyện, vào chuyện, ở đây đã được khắc phục gần tới 80%. Các truyện trong tập Người đàn ông… dù dựng lại một thời điểm, một khoảng khắc trong 1 tình huống hoặc kéo dài cả một quãng đời, một cuộc đời năm, sáu chục năm của nhân vật, đều diễn tiến với tốc độ nhanh; vào truyện ngay, phát triển nhanh, kết thúc mở, bất ngờ, đầy hứng thú. Khi thì bằng 1 câu nói, 1 hành động của nhân vật mang tính biểu cảm và triết lý, khi lại chớp một cảnh thiên nhiên, một hình ảnh, chi tiết đầy tính biểu trưng, mang dụng ý nghệ thuật rõ ràng và ám ảnh. Điều đó làm cho truyện ngắn Nguyễn Hiếu dễ đọc hơn, mang dáng vẻ hiện đại hơn. Tôi mừng rằng Nguyễn Hiếu đã kiên trì khắc phục gần triệt để 1 trong những nhược điểm cố hữu và dai dẳng trong cách dựng và kể chuyện của mình. Với một người viết đã từ lâu định hình phong cách, điều đó đâu có dễ dàng, thoải mái như thay cái áo mỗi buổi chiều!
          Lối viết rậm rạp, bề bộn chi tiết đến thành khó theo dõi, rắc rối và nặng nề không cần thiết hiện tồn nhan nhản trong 2 tập tuyển truyện ngắn của Nguyễn Hiếu (xuất bản năm 2010), đến nay cũng đã được mạnh dạn tỉa bớt cho hệ thống tình tiết làm nên cốt truyện thoáng  đãng, gọn gàng, nhẹ nhàng hơn.
          ** Ưu điểm thứ hai đáng biểu dương:
          Bút pháp hư ảo vẫn quyện chặt và càng nhuần nhuyễn hơn với bút pháp hiện thực.
          Về phương diện này, thấy thành công nổi trội nhất, về tiểu thuyết, là Chuyện tình của người điên; trong tập Người đàn ông… là truyện ngắn Loài gián.   (Mời bạn đọc đọc các bài viết của Đường Văn: Về bút pháp tiểu thuyếtChuyện tình của người điên” (3 – 2013); Cái duyên “Loài gián” (3 – 2012; Hình tượng Lão Cu trong tác phẩm Nguyễn Hiếu (10 – 2012)… in trong tập Văn chơi chơi văn, cùng viết với Hoàng Dân; tr. 109, 122 – 128 - 135).
          Hư ảo lối dân gian: Loài gián, Con bọ ngựa trên cây na…;
          Hư ảo lối hiện đại: Rừng hư ảo, Giải cứu nàng manơcanh.
          Yếu tố hư ảo hoàn toàn do trí tưởng tượng phong phú và phóng túng của nhà văn hư cấu ra, nhưng không hề bị phi lý và chủ quan, ngược lại, nó quyến quyện với hiện thực đời thường, với hoàn cảnh và nhân vật đặng tạo ra sự hợp lý nghệ thuật, thậm chí khoa học đến nỗi, người đọc không còn có ý nghĩ rằng đó chỉ là chuyện bịa đặt! Chẳng hạn chuyện con bọ ngựa bị bắt, bị lão già hói làm cho nghiện rượu, không cưỡng nổi ý định quay lại, chui tọt vào cái chai nhựa, chịu bị cầm tù lần nữa! Không những thế, chú còn nuôi hi vọng tự ảo tưởng an ủi mình, rằng thà sống khổ sở, tù túng trong cái chai tởm lợm kia, còn hơn là chết đau đớn, nhục nhã, bất khả kháng dưới hàm răng tàn bạo, trong cái miệng xinh xẻo, quyến rũ của ả người yêu - bọ ngựa cái đang nhún nhẩy mời gọi trên cành na kia!
            Hoặc cảnh đàn gấu, trong rừng hư ảo, trong tivi, dàn cảnh trừng trị đích đáng bọn người lớn chuyên tiêm, hút mật gấu ở ngoài đời. Cảm giác đau đớn, cồn cào, nhức buốt của hai con gấu đang bị tiêm, hút mật lại có thể lập tức đồng cảm truyền lan sang chú gấu bông, đồ chơi của bé Bộp…Chi tiết kết truyện:
          Tự nhiên, khóe mắt Hùng (Bộp) ứa ra hai giọt nước mắt. Hai giọt nước mắt trong suốt, lăn xuống má, rồi rơi vào con mắt lóng lánh của gấu bông. Một gấu bông, một đứa trẻ lẳng lặng khóc… (tr. 191).
          Một cái kết cảm động và lão luyện tay nghề với sự vận dụng khéo léo, hòa trộn chi tiết đời thực và chi tiết uyên ảo. (nước mắt thằng bé rơi vào mắt gấu bông.(thực). Một gấu bông, một đứa trẻ lẳng lặng khóc (thực - ảo trộn hòa).
          Những biểu hiện dấu hiệu bệnh tâm thần hoang tưởng chưa phát nặng, chưa thường xuyên (nhưng quả thật đã có vấn đề!) của giáo sư Trần Vạn xen kẽ với sự tỉnh táo gần như hoàn toàn và hoàn toàn minh mẫn trong công việc, và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày… được phân tích và thể hiện rất tự nhiên mà lôgich, trong con mắt và sự đoán định, nhận xét của các thành viên gia đình (vợ, con gái, con rể tương lai) và đồng nghiệp (Lâm), lãnh đạo (GS. Hiệu trưởng), người qua đường,… khiến cho chân dung tính cách và số phận của nhân vật hiện ra chân thực vừa đáng nể vừa đáng thương.
          Bi kịch hưu vô tình rất gần gũi với một truyện ngắn của A. Tsê khốp; bởi một vài chi tiết (nhân vật người hưu đang đêm, mặc quần áo mới, chuẩn bị đi làm); nhưng cách triển khai cốt truyện và kết thúc vẫn là sản phẩm sáng tạo riêng của nhà văn làng Chiện. Ở đây, tâm lý da diết yêu nghề, thiết tha nhớ nghề, khao khát vẫn muốn làm nghề, dù đã nghỉ hưu từ lâu, đã tạo nên không chỉ ảo giác, hoang tưởng, sự lầm lẫn tức cười và đáng thương… mà còn làm thay đổi tâm lý, tính cách: dễ dàng nổi cáu, ứng xử với người thân, họ hàng một cách nóng nảy, thô lỗ, bất lịch sự … một nhược điểm khá phổ biến và khó tránh của người già!
          Cũng tương tự, cách dựng truyện Con bọ ngựa trên cành na …dễ dàng gợi tới câu chuyện chú Dế Mèn bị mấy đứa trẻ con bắt, bỏ vào bao diêm, cho đi đấu võ, làm trò chơi cho chúng, trong truyện đồng thoại lừng danh Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài. Tuy nhiên, đó chỉ là sự giống nhau có thể do ngẫu nhiên, đơn giản về hoàn cảnh nhân vật. Còn cách phát triển và kết truyện cùng là bài học tư tưởng, nhân sinh của hai truyện… vẫn khác nhau rất xa…
          Tóm lại, sự kết hợp thành công giữa hai bút pháp hiện thực và huyền ảo đã tạo ra màu sắc riêng rất thú vị và hấp dẫn trong truyện ngắn đương đại của Nguyễn Hiếu.

          * Cuối cùng, ưu điểm thứ ba đáng ghi nhận:  

          Thêm một cái duyên nữa trong văn xuôi nói chung, truyện ngắn Nguyễn Hiếu nói riêng. Đó là chất hài, giọng hài. Nụ cười hài hóm, láu lỉnh cứ thấp thoáng, bàng bạc trong từng truyện, từng trang văn, câu văn của anh. Tôi nghiệm ra, đặc điểm nghệ thuật này đã như là máu thịt, ngấm sâu vào con người anh, văn phong anh. Ngay khi viết về những truyện bi đát nhất, buồn bã nhất, thấy vẫn cứ toát ra, hé ra những dấu nét của cái cười vui, lạc quan lành mạnh đó.    Chẳng hạn đây là hình ảnh thực (hay tưởng tượng?): đôi hải âu quắp mỏ nhau say sưa tình yêu hạnh phúc của loài chim giữa biển trời bát ngát, trên ngọn cột buồm con tàu ma, trong con mắt vô tình, buồn chán, khắc khoải của thuyền trưởng Sơn đang câu cá, sống qua ngày, vô vọng đợi tàu ra cứu. Có hài hóm không? Có dụng ý tư tưởng - nghệ thuật không? Có hiệu quả không?... Tùy bạn đọc cảm nhận.
          Hoặc một cái nhan đề có vẻ bỗ bã, xuềnh xoàng như lời nói buông hằng ngày với bạn bè tri giao: Khổ thế. Thằng bạn tôi lại viết văn! Đúng là cười ra nước mắt cái sự hiếu (háo) danh, hiếu (mót, háo) người yêu của một anh chàng nhút nhát, lần đầu bập vào yêu đương, đang tính chuyện hôn nhân nghiêm chỉnh!
          Người đàn ông rậm lời. Tôi muốn điểm một vòng khuyên đỏ dưới chữ rậm vì sự sống động và hài hóm từ chữ mắt ấy ánh ra. Lại muốn anh thay từ lời bằng nhời, cho dân dã, đồng bộ một thể!
          Nét hài hóm của Nguyễn Hiếu ngót nghét bảy mươi trong tập truyện ngắn này, rõ ràng, theo tuổi tác, càng tỏ ra đằm hơn, sâu hơn, chín, kín hơn, gợi hơn; nhưng cũng đáng tiếc, lại có phần làm giảm dần đi sự năng nổ, tung tóe, nhọn sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian cổ truyền!
           Tôi vẫn rất mong được đọc một tập truyện chuyên hàiCái vòi nước” mới  của anh.
                                                          ***
          Về hình thức trình bày và cái bìa sách: phải nói rất hot! rất betxelet!
          Trong thực trạng tình hình thị trường sách Việt xô bồ, nhộn nhạo hiện nay, tiếp theo tập truyện ngắn Bảy nàng Bạch tuyết và một chú lùn (2013), Người đàn ông không lấy vợ, tập truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Hiếu vừa ra mắt là một trong những cuốn sách đáng đọc và không khó đọc, lại gọn xinh, bắt mắt… Mời bạn đọc thử coi!./.

* Những từ NH ưa dùng.

Sáng - đêm 31 – 5 – 2 - 6 – 2014.
ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét