Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

TIẾNG CHUÔNG CHÙA

    
                                                              Nhà giáo, nhà thơ Trần Trung
  
TIẾNG CHUÔNG CHÙA
                           Trần Trung
1/  Cho đến tận bây giờ, khi đã nương nhờ cửa Phật, tám năm có lẻ...Ni Cô Diệu Linh vẫn chưa hề nguôi ngoai nỗi buồn đau của mối tình đầu.
   Chưa thể nào quên cái ngày mà tình yêu ngỡ trong tầm tay mà bất ngờ vỡ đổ.Thương tâm lắm! Hồi ấy Diệu Linh vừa sang tuổi mười tám-Trẻ trung, xinh đẹp và thật nhiều ước mơ...Một chàng trai đã đến với em. Chẳng biết có phải là “Tình yêu sét đánh” hay không? Diệu Linh tình cờ gặp chàng trai trẻ ấy, tại nơi “Hiến máu nhân đạo” ở một bệnh viện trong Hà Đông-nơi làm việc của bố mẹ Linh.Trước mắt Diệu Linh lúc đó là hình ảnh thật khó quên của một người con trai thanh mảnh. Con nhà lành.Nhất là ở đôi mắt sáng mà đượm buồn. Bốn ánh mắt chợt gặp gỡ trong tương giao và đồng cảm. Chàng trai tưởng như đa cảm và nhút nhát ấy, tiến đến phía Diệu Linh,  chủ động cất tiếng: “Chào em!...anh trông em...Xin lỗi hình như anh đã gặp em ở đâu rôi..”. Rồi, chàng lúng túng. Rồi chàng ấp úng, rất dễ thương.Nhìn nhanh vào đôi mắt chàng trai, Diệu Linh tự nhủ: anh ta đang nói những lời thật thà-Người bạn tốt là đây chăng !?
  Họ quen nhau từ bữa ấy.Trái tim vốn nhạy cảm và đa cảm của Diệu Linh, cũng từ bữa ấy có chỗ đi về trong nhung nhớ, đợi chờ...

  Lại đến những ngày hẹn hò.Tất nhiên, theo nếp nhà, Linh chỉ hẹn và đến với chàng trai ấy vào ban ngày, khi có thể. Lúc đi ăn kem Tràng Tiền.Lúc đi xem phim ở Thái Hà...
  Rồi, anh ấy cũng tìm đến nhà Diệu Linh, vào một ngày chủ nhật. Có biết đâu đó lại là chủ nhật-Định mệnh.Mới là buổi sơ giao mà cả bố và mẹ Linh hờ hững đến lạnh lùng với anh ấy.Chẳng biết có phải hôm đó, anh chàng mặc cái áo sơ mi đã cũ.Hay là anh không lợi khẩu mà “chém gió” trong buổi đầu công khai gặp gỡ. Chỉ biết, anh ngồi chưa đầy mươi lăm phút, rồi vội vã xin phép ra về.
  Cũng từ buổi ấy, anh tắt điện thoại. Diệu Linh gọi điện hoài mà hồi âm chỉ là những tiếng “tút tút...”. Cũng thế rồi, đau lòng thay khi Diệu Linh nghe tin người mà mình yêu đã quyên sinh bởi liều cao thuốc ngủ-ngay tại nhà anh trọ.Thế là tiếng sét tình ái lại hóa thành tiếng sét lìa xa. Sau ngày đớn đau ấy, Diệu Linh luôn sống trong cảm giác chống chếnh, cô đơn ngỡ đến tột cùng. Vô vị. Vô nghĩa...
  Diệu Linh liên hệ tức thì với bà dì ruột đang nương tựa cửa Chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ đến hơn chục năm rồi. Rồi, cũng chẳng bàn soạn gì với bà, Diệu Linh đáp máy bay rông tuốt vô Sài Gòn và tìm đến tận ngôi chùa mà bây giờ thuộc Quận 12-Nơi dì đang nương náu. Diệu Linh nằng nặc đòi dì cho xuống tóc đi tu.Bất chấp cả lời thách đố đòi “từ mặt” của bố mẹ ngoài Hà Đông.
2/Ấy thế mà đã ngót tám năm rồi.
  Chuông Chùa chợt đổ dài. Ngân nga. Đưa Ni Cô Diệu Linh về với thực tại. Ni cô trẻ vội quơ lấy cái chổi cán dài. Mải miết quét lá rụng sân chùa. Lại chuẩn bị đến giờ tụng niệm của Sư bà mà Diệu linh phải lo sắp lễ. Diệu Linh rảo bước về phía Tam quan.
  Sau cuộc lễ, Ni cô Diệu Linh lại thủng thẳng (hay thẫn thờ chẳng biết!) đi về cuối chùa-nơi có cây đại già. Ngay dưới gốc cây có hai phiến đá phẳng sóng đôi. Những khoảnh khắc thư rỗi, Ni cô hay tìm đến đó. Ngồi một mình,  đắm chìm trong suy tư riêng. Chợt, nhìn hai phiến đá phẳng, cận kề, sóng đôi, mà mình chỉ ngồi một phía...Diệu Linh mơ màng trong cảm giác chống chếnh.Thật lạ...
-A di đà Phật ! Sao mà ra đây, mặt mũi bần thần thế con?
  Diệu Linh giật mình trước tiếng nói từ phía sau lưng của sư bà. Cô ấp úng vội thưa: Dạ! không ạ!
-Sen ao nhà Chùa hái được rồi đó con...
  Nói rồi, Sư bà đi khuất.Diệu Linh nhớ đến bổn phận của mình. Hàng năm, cứ mỗi độ ao sen nhà Chùa nở bông, khắp không gian thoáng đãng nơi cửa Thiền, ngan ngát hương sen. Ấy là lúc báo cho Ni Cô phải đi hái lượm sen Chùa mang ra chợ gần đó để bán.Mỗi lần như thế, việc đều đến tay Diệu Linh lo toan.
  Cũng như những lần, những năm trước, Ni Cô Diệu Linh bán sen được rất nhanh.Chẳng biết là duyên bán hay người ta thấy Diệu Linh thon thả, duyên dáng, gọn gàng trong bộ đồ nâu mà mua thật lẹ.Không mảy may mặc cả nữa.
-         Xinh thế! Tội gì mà đi tu cho khổ thân em ơi!
-         Bán sen được bao tiền Ni cô ơi! Cho anh vay mấy đồng  đi nhậu nào!
-         Sao vội thế! Đi cà phê với anh, em ơi!
  Diệu Linh rảo bước nhanh về Chùa. Để lại sau lưng những lời tán nhảm của lũ thanh niên vô công rồi nghề văng ra xối xả từ một quán bia vỉa hè. Còn bao nhiêu việc đang chờ cô về...
  Vừa thoát qua đám người trẻ, ngay trước mắt Diệu Linh lại là hình ảnh thật trớ trêu. Một đôi trai gái đi trước, như chẳng cần biết đến ai, cứ ôm xoắn lấy nhau. Lạ nữa, cô gái chỉ mặc chiếc áo ba lỗ ngắn cũn, hở cả bụng. Nhìn cảnh tượng ấy, Diệu Linh chợt nhớ đến cái áo sơ mi đã cũ năm nào của người cô yêu.
                                ***
3/Chiều nay, khi đã xong việc, Ni Cô Diệu Linh lại thủng thẳng (hay thẫn thờ chẳng biết!) đi về với cây đại già cuối Chùa.Nơi ấy có hai phiến đá phẳng sóng đôi mà thường cô chỉ ngồi một phía. Diệu Linh dè chừng nhìn quanh. Rồi, rút trong mình ra một tập sách mỏng. Một tập thơ tình mà hôm trước cô đã liều bỏ Chùa, đến dự đêm thơ của một Câu lạc bộ-cũng gần Chùa.Diệu Linh vẫn chưa thể quên. Hôm ấy, trong buổi giao lưu với nhà thơ mà trong con mắt của Diệu Linh, anh ấy thật đẹp và hiền. Lạ và bất ngờ hơn nữa, đang nói chuyện thân mật cùng mọi người, nhà thơ đột ngột dừng. Anh bước nhanh từ sân khấu xuống và đi thẳng đến trước Diệu Linh. Anh nói nhanh, giọng Hà nội nhẹ và ấm: Xin tặng Nhà Chùa tập thơ của tôi! Cám ơn! An lành!
  Một cảm giác khó tả chợt bao choán vừa như ôm ấp, lại vừa như đánh thức cô gái đã ngót tám năm mặc áo nâu sồng, náu nương nơi Cửa Chùa. Diệu Linh ấp úng chưa thành lời thì nhà thơ đã trở lại sân khấu, tiếp tục cho buổi giao lưu.
-Sách vở gì đấy con? Đưa ta coi!
-Dạ! Dạ! Con...
-Đưa!
  Đột ngột, như từ đất hiện lên.Trước mặt Diệu Linh là Sư bà. Diệu Linh rùng mình. Diệu Linh như thấy mình đang rơi xuống khoảng không gian nào. Rộng lắm. Sâu lắm...
  Cùng lúc ấy, chuông Chùa chợt đổ.Từng hồi,từng hồi dài trong ánh chiều sắp tắt và thoang thoảng hương sen.
                                
                                                 Hà Nội-Tháng 6/2014.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét