Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Vũ Nho trả lời phỏng vấn báo điện tử VOV

 Vũ Nho trả lời phỏng vấn báo điện tử VOV


Trong sáng 2/6, học sinh cả nước chính thức dự thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Theo Bộ GD-ĐT, đây là năm đầu tiên, thí sinh làm đề thi Ngữ văn theo cách thức thức đổi mới của Bộ với thời gian từ 150 phút giảm xuống còn 120 phút.
Sau khi kết thúc môn thi, phóng viên báo Điện tử VOV phỏng vấn nhà văn, PGS.TS, chuyên viên cao cấp Vũ Nho, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Học sinh trường THPT Yên Hòa, Hà Nội dự thi môn Ngữ văn sáng 2/6
Nếu đề tham khảo sát với đề thi thật thì…
PV: Xin ông cho biết ý kiến, nhận định về đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014?
Nhà văn Vũ Nho: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay so với đề thi các năm trước có khác. Những năm trước thường phải trả lời 3 câu hỏi. Một câu liên quan đến chi tiết tác phẩm, tác giả (2 điểm); một câu  làm văn nghị luận xã hội (3 điểm) và một câu làm nghị luận văn học (5 điểm). Năm nay chỉ có hai câu, một câu liên quan đến nghị luận xã hội (3 điểm) câu kia liên quan đến nghị luận văn học (7 điểm). Như vậy là có khác biệt.
Năm nay, vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang là vấn đề “nóng”. Ra đề như thế là rất thời sự, gắn bó trực tiếp với vận mệnh của đất nước. Như vậy có thể thấy rằng, nội dung thi đã có phần giảm nhẹ so với năm trước, chỉ tập trung vào nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Tất nhiên, có thêm vấn đề xác định phong cách ngôn ngữ văn bản, tác dụng diễn đạt, nhưng đây là hai câu hỏi đơn giản. So sánh với nội dung đề thi gợi ý, tham khảo thì rõ ràng đề thi dễ hơn hẳn. Nếu ngay từ đầu, đề tham khảo sát với đề thi chính thức về hình thức và cấu trúc thì không đến nỗi gây bức xúc, lo lắng cho mọi người, nhất là giáo viên và học sinh.
PV: Ông có thể đưa ra những đánh giá, nhận xét cụ thể về phần Nghị luận văn học và nghị luận xã hội trong đề thi?
Nhà văn Vũ Nho:  Vấn đề nghị luận văn học không phải là điều đặc biệt. Điểm số cho đề này như thế là cao. Trong tài liệu “Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2013-2014 môn Ngữ văn” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, phần luyện tập (trang 106), câu 3. chỉ ra sự khác nhau trong quan niệm của Trương Ba và Đế Thích về ý nghĩa sự sống; câu 4 hỏi về quan niệm sống trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.  Nếu giáo viên và học sinh ôn tập chu đáo thì việc làm bài nghị luận văn học này sẽ không có gì khó. Các em sẽ trình bày được khát vọng của Hồn Trương Ba và vấn đề con người cần được sống là chính mình một cách toàn vẹn. Các em có thể đạt điểm tối đa.
Nhà văn Vũ Nho
Về đề nghị luận xã hội theo tôi là đề có tính thời sự, khá hay, kiểm tra được nhiều  kiến thức của  người học. Điều quan trọng nhất là để các em bày tỏ thái độ yêu nước của mình trước hành động ngang ngược của Trung Quốc. Tôi tin, các em sẽ đạt được điểm tốt trong câu này bởi vì lòng yêu nước là một  tài sản quý báu của người Việt Nam kết tinh từ bao đời.
PV: Theo ông, với một đề thi Ngữ văn như thế này mà với thời gian thi rút ngắn từ 150 phút xuống còn 120 phút, liệu học sinh có thể vừa làm hết bài và đạt chất lượng, kết quả tốt?
Nhà văn Vũ Nho: Một đề thi được đánh giá là khó hay dễ, không đơn thuần là chỉ nhìn vào đề bài. Cần phải có đáp án và hướng dẫn chấm cụ thể, lúc đó đánh giá mới chính xác. Tuy nhiên, cũng có thể dự đoán được kết quả dựa trên quá trình ôn luyện của học sinh.
Tôi biết chắc là những người ra đề đã dự liệu việc cắt giảm thời gian để ra đề cho phù hợp. Cho nên thời lượng 150  phút hay thời lượng 120 sẽ không phải là vấn đề quan trọng nhất quyết định chất lượng của bài làm. Học sinh có thể chỉ viết trong thời gian 90 phút (kiểm tra 2 tiết) ở trường nhưng vẫn đạt kết quả tốt. Tôi nghĩ học sinh nào ôn luyện tốt vẫn có thể đạt điểm tốt một cách bình thường. Với đề thi này thì quả thật không đáng phải lo ngại về chất lượng do ảnh hưởng của việc rút bớt thời gian. Vì thực tế là các em chỉ phải làm 2 câu hỏi thay vì 3 câu như trước.

Nhiều năm nay, học sinh đã thi “ngoài chương trình” 
PV: Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thay đổi Đề thi và thời gian làm bài môn Ngữ văn theo hướng kiểm tra toàn diện kiến thức, năng lực của học sinh. Ông nhận định như thế nào về việc làm của Bộ. Theo ông, trong cách thức thay đổi này, liệu giáo viên và học sinh có gặp khó khăn gì không và nếu có thì Bộ cần có biện pháp nào để giúp cho giáo viên, học sinh giảng dạy và học tập cũng như thi cử đạt chất lượng tốt nhất?
Nhà văn Vũ Nho: Thật ra thì không phải năm nay Bộ GD-ĐT mới thi theo hướng kiểm tra toàn diện kiến thức, năng lực của học sinh. Việc đó đã làm trong nhiều năm. Trong đề thi, có kiểm tra năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt) để tạo lập văn bản. Có chuyện đánh giá dùng từ, đặt câu, viết đúng chính tả, ngữ pháp. Cũng kiểm tra năng lực hiểu biết tác phẩm văn học trong chương trình, năng lực nắm bắt các vấn đề xã hội và hiểu biết cuộc sống. Cái mới của năm nay là rút bớt thời lượng làm bài từ 150 phút xuống còn 120 phút. Mặt khác, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển có trả lời phỏng vấn trên báo rằng, đề thi có thể ra ngoài chương trình đã học. Cụ thể là các em sẽ đọc hiểu một văn bản mới hoàn toàn.
Thật ra, từ lâu, Bộ đã chủ trương học gì thi nấy, chỉ thi những gì học sinh đã học để tránh đánh đố, tránh gây khó cho học sinh. Chương trình thi môn Ngữ văn thực chất chỉ giới hạn trong chương trình lớp 12. Có lần tôi đã trả lời phỏng trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam rằng, tuy là học gì thi nấy, nhưng những người ra đề chưa bao giờ ra đề thi vào chương trình lớp 10 hay lớp 11, mặc dù học sinh đã học. Bởi vì nếu không cẩn thận, học sinh bị trượt nhiều thì “búa rìu” dư luận sẽ giáng vào người ra đề đầu tiên.
Bởi vậy mà tuyên bố của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT có thể gây thắc mắc là Bộ đã không nhất quán với chủ trương học gì thi nấy. Thi trong chương trình còn sợ học sinh trượt nhiều. Thi ngoài chương trình thì không biết sẽ ra sao? Có ý kiến nói gay gắt rằng, thiếu gì chỗ để ra đề thi trong chương trình từ lớp 10 đến lớp 12, cớ gì lại phải ra đề thi ngoài chương trình?
Nếu bình tĩnh xem xét thì thấy rằng, nhiều năm nay, chúng ta đã thi “ngoài chương trình”  rồi. Đó là các đề thi nghị luận xã hội. Trong chương trình là  loại văn nghị luận học sinh được học. Ngoài chương trình là hành động dũng cảm của Nguyễn Văn Nam (đề thi 2012-2013), nói về thói dối trá (đề thi 2011-2012), tự mình chọn con đường đúng cho mình (đề thi 2010-2011),  bàn về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay (đề thi 2009-2010).
Các nước tiên tiến đều có ra đề thi ngoài chương trình. Chúng ta ra đề thi ngoài chương trình cũng là một cách để chống lối học tủ, tránh lối lặp lại những gì quen thuộc trên lớp và để phát huy tinh thần sáng tạo. Tuy vậy, việc Bộ GD-ĐT đột ngột giảm thời lượng thi, tuyên bố  có phần thi đọc hiểu ngoài chương trình sẽ gây khó khăn cho giáo viên và học sinh. Lẽ ra, Bộ công bố điều này từ đầu năm học, và để cho giáo viên và học sinh nhiều thời giờ làm quen với kiểu đề mới, thời lượng mới thì sẽ tốt hơn.
Theo tôi biết thì cơ quan chỉ đạo cũng có biên soạn đề thi đổi mới với thời lượng 120 phút. Nhưng nhìn chung, giáo viên vẫn băn khoăn là Bộ thay đổi đột ngột.  Hơn nữa, xem xét kỹ đề thi đề xuất tham khảo, tôi thấy người đề xuất vẫn “tham” kiểm tra kiến thức. Ba câu hỏi, trong đó có hai câu thực chất tương đương với đề văn nghị luận văn học và đề văn nghị luận xã hội của đề thi cũ. Lại thêm một phần câu hỏi đọc hiểu với 3 nội dung khác nhau. Nếu để nguyên thời lượng như cũ 150 phút thì học sinh cũng khó mà làm trọn vẹn. Thêm nữa, trong đề có câu 3 với yêu cầu viết về một nhân vật trong tác phẩm văn học đã để lại cho anh, chị nhiều ấn tượng sâu đậm (7/20 điểm). Đây là một đề mở, nhưng mở “vô bờ bến”.  
Học sinh có thể viết về các nhân vật trong tác phẩm văn học từ lớp 6 đến lớp 12. Lại còn biết bao tác phẩm văn học không có trong chương trình mà các em tự đọc? Làm sao có thể có đáp án đủ cho  số lượng khổng lồ bấy nhiêu nhân vật? Chưa kể giáo viên đang chấm về nhân vật này, lại chuyển sang nhân vật khác, rồi nhân vật khác nữa, khác nữa. 
Với đề thi đề xuất theo Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) nhưng lại không có thời lượng cho câu đọc hiểu và không có câu nghị luận, nên lại càng làm cho giáo viên, học sinh khó xử, lúng túng.
Vì thế sự lo lắng, băn khoăn của giáo viên, học sinh và phụ huynh là có  cơ sở. Tôi tin rằng,  năm nay  chắc là có khó khăn ban đầu, sang năm học mới, vấn đề dần dần sẽ ổn.
PV: Hiện có rất nhiều ý kiến về cách thức thay đổi đề thi môn Ngữ văn. Ông có thể đóng góp ý kiến đối với cách thay đổi môn học này?

Nhà văn Vũ Nho: Theo quan sát của tôi, đề thi những năm vừa qua là tốt. Cả về thời lượng lẫn nội dung thi. Vừa có nghị luận văn chương, vừa có nghị luận xã hội. Đồng thời có những kiến thức tối thiểu về tác phẩm, tác giả, chi tiết tác phẩm của nhà văn trong nước và nước ngoài. Muốn thay đổi  tốt hơn thì không thể vội vàng. Phải xem những gì là được, những gì chưa được. Hiện có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cũng chưa thấy ai phủ định cách thi cử hiện hành.
Theo tinh thần của chương trình PISA thực chất là trắc nghiệm khách quan. Cái đó ở Mỹ cũng đã bỏ, nhưng ta cũng chỉ dùng mức độ thôi. Việc này cũng không mới. Trên cơ sở những gì đã có, tôi tin là đề thi càng ngày càng  sát chương trình, sát cuộc sống, thiết thực và có độ mở hơn, càng tạo điều kiện cho các em đạt được chuẩn của một học sinh có bằng tú tài để bước vào cuộc sống thuận lợi.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Bích Lan/VOV online (thực hiện)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét