Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

NINH BÌNH TRONG THƠ LỤC BÁT BẠN BÈ


NINH BÌNH TRONG THƠ LỤC BÁT BẠN BÈ
                                      
                                       Vũ Nho

Hội văn học nghệ thuật Ninh Bình vừa cho in cuốn sách “Miền lục bát cố đô”  tại nhà xuất bản Văn Học, gồm 96 tác giả, trong đó có 10 tác giả thơ chữ Hán được dịch thành lục bát. Còn lại là những tác giả viết trực tiếp bằng lục bát.  Như vậy, đây là một tập khá đầy đủ về cảnh và người Ninh Bình trong thơ lục bát, một thể thơ truyền thống ra đời rất sớm của dân tộc. Có bốn loại tác giả được tuyển vào tập này. Đông nhất, nhiều nhất là người Ninh Bình, sống và viết ở Ninh Bình. Tiếp theo là dân Ninh Bình nhưng sống và viết ở nhiều vùng đất nước. Rồi đến các tác giả vùng đất khác nhưng sống và viết ở Ninh Bình, coi đây như quê thứ hai của mình. Cuối cùng là những nhà thơ chỉ qua Ninh Bình hay yêu mến mảnh đất này mà viết. Tôi chú ý tới hai loại tác giả sau, và coi đó là nơi khám phá Ninh Bình một cách khách quan, chân thực. Có một điều lí thú về sự phát triển của đôi ngũ tác giả. Nếu trong mười người viết được dịch thành lục bát về Ninh Bình chỉ có hai người  dân bản địa là Vũ Phạm Khải và Phạm Thận Duật, thì trong số 86 tác giả lục bát đương đại  đã có 61 người Ninh Bình, chỉ có 25 người không phải quê Ninh Bình, mà trong số đó đã có  tới 12 tác giả là người sống và viết ở Ninh Bình.
          Ninh Bình là vùng đất cố đô của hai triều Đinh và Tiền Lê. Vùng đất tuy hẹp mà có biết bao danh lam, thắng cảnh : Núi  Thúy (Non nước), sông Vân, Nhà thờ Đá Phát Diệm, Bích Động ( Nam thiên đệ nhị động), rừng quốc gia Cúc Phương, suối nước  khoáng nóng Kênh Gà, Chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái Tràng An,…
          Các nhà thơ nơi khác sống ở đất Ninh Bình hoặc cảm tình với đất và người nơi đây thường nhắc đến những cờ lau, vua Đinh Tiên Hoàng , Thái hậu Dương Vân Nga, vua Lê Đại Hành,  núi Ngọc Mĩ Nhân ( Cánh Diều); cây chò nghìn tuổi rừng Cúc Phương là điều tất nhiên. Vì đó là những gì du khách thường cảm nhận đầu tiên. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh thì nhìn mảnh đất này ở một phương diện khác:
          Trời vần vũ bão tràn đê
          Bùn vây chân cói lặc lè bước đi
                             Bài thánh ca trong móng đá

Vâng, mảnh đất Ninh Bình cũng như nhiều vùng của đồng bằng Bắc bộ ven biển, thường chịu thiên tai, bão lụt. Và chính vì thế mà con người vừa cứng cáp, vừa uyển chuyển, vừa lạc quan : “ Câu lục bát hát lên trời” ( Bài đã dẫn).
Trần Duy Đới, một con dân Hà Nam gần gũi lấy Ninh Bình làm quê thì thấm thía cái nghèo của mảnh đất này, cũng là cái nghèo chung của vùng Hà Nam Ninh một thuở:
          Tuềnh toàng lều cỏ ngã ba
          Be sành chạm phải bánh đa vỡ chiều
          Tờ rơi gấp một con diều
           Trẻ con thả nốt mảnh nghèo lên không
                                      Về quê
Có thể vật chất còn nghèo, nhưng cuộc sống tinh thần thì chưa hẳn:
          Câu thơ kéo mảnh trăng lên
          Yếm đào ngây ngất cạn đêm Thị Mầu
                              Những câu thơ lẻ
Và     
          Liu riu rượu quấn lấy thơ
          Tình tang một khúc “Lới lơ” gối đầu
                                  Về quê
Dù trong hoàn cảnh nào thì dân Ninh Bình cũng vẫn yêu văn nghệ. Ngày xưa cụ Nguyễn Công Trứ khai khẩn huyện Kim Sơn đã đưa về nhiều đầu bếp giỏi, nhiều ca nương nổi tiếng. Chả thế mà văn nghệ Kim Sơn  bây giờ thường nhất Ninh Bình.  Vũ Thu Hà đã phản ánh được một nét đặc trưng của vùng quê yêu văn nghệ:
          Nhà nghèo mái lá cong queo
          Đồ chơi con trẻ đỗ mèo, hạt xoan
          Khúc đồng dao vẫn râm ran
          Hát cho tan nỗi bần hàn tuổi thơ
                             Ước gì
Nhà thơ Vũ Quần Phương thì  phát hiện nét độc đáo của nhà thờ đá Phát Diệm:
          Xà ngang, bậu cửa, mè rui
          Ơ hay nhà Chúa lại vui nét làng
          Ở đâu hư ảo thiên đàng
          Chứ đây thân thuộc, mơ màng cau tre
                                Nhà thờ đá Phát Diệm
Ngắm nhà thờ, nhà thơ “nhớ về cha ông”
          Cũng là ánh mắt ngùi trông
          Cũng vầng trán nổi bão giông bời bời

Tập trung nhiều nhất của các cây bút bạn bè là ấn tượng  cờ lau, lịch sử về vua Đinh, vua Lê, mảnh đất cố đô.  Nhà thơ Trần Mạnh Hảo tưởng tượng:
          Phất cờ lau trắng thiên kinh
          Ngước lên trời vẫn còn Đinh Tiên Hoàng
                             Ngẫu hứng Ninh Bình
Còn nhà thơ Phan Xuân Hạt thì băn khoăn:
          Cờ lau trắng, gió phất lên
          Vua Đinh tập trận đâu miền gần xa?
                             Rừng Cúc Phương
Đỗ Huy Thảnh ca ngợi :
          Đinh Lê để lại tiếng thơm muôn đời
          Hoàng Long sóng dậy người ơi
          Đâu đây sương phủ trắng trời cờ lau
                               Lê hội Đinh Lê
Đặng Ái Thi mường tượng, hình dung :
          Xuân về đỗ bến Trường Yên
          Sóng Hoàng Long dậy trống đền Đinh Lê
          Vẳng nghe rậm rịch bốn bề
          Gió ngàn lau vẫy Sứ về hội quân
                             Xuân Cố đô
Ngân Vịnh cũng một tâm trạng hoài niệm ấy, nhưng tập trung hơn, bảng lảng, mơ hồ  hơn:
           Vọng hoài vó ngựa vua tôi
          Cờ lau lửa trận một thời binh đao
          Để giờ lá cỏ chiêm bao
          Để giờ tôi bước chân vào mong manh
                                     Cố đô
Cùng với nét lịch sử đó là những vần lục bát về Cúc Phương với động người xưa, với cây chò ngàn tuổi. Vũ Quần Phương viết “Hát trong rừng Cúc Phương”, Trịnh Như Ý viết “ Chiều Cúc Phương”, Lê Chí Hường viết về dấu chân tiền sử “ Ngàn xưa”, Phan Xuân Hạt  có “ Rừng Cúc Phương” -  Nói sao muôn quý ngàn yêu đất này;  Đỗ Phú Nhuận cảm khái:
          Chò xanh, xanh đến thẳm cùng
          Dáng cây- dáng đứng cha ông muôn đời
                   Dưới bóng cây Chò ngàn tuổi
Thấp thoáng đây đó là những cảnh bình dị với con người bình dị:
          Cây đa cũng đã da mồi
          Mái đình rêu phủ càng ngời nét quê
                   Lê Liêu – Sang Xuân
Một cô giáo đi bán rau chợ chiều:
          Cô đi bán rau chợ chiều
          Tôi nhìn theo bóng nắng xiêu trên đường
          Chắc cô hái lúc tan sương
          Rau chưa đủ mớ trống trường gọi đi?
                   Mai Ngọc Uyển – Gặp cô giáo ở chợ chiều
Một khoảnh khắc trong nhà máy xi măng Hệ Dưỡng:
           Chẳng dễ dàng nhận ra em
          Giữa phân xưởng bụi cuốn lên mù trời
          Cũng màu áo nhạt phai phôi
          Vuông khăn che mặt bao người giống em
                   Phạm Trường  Thi – Xôn xao nhớ về
Một thi nhân tỉnh lẻ bán thơ:
          Cơn mưa sướt mướt bơ phờ
          Gánh rau bán chạy gánh thơ ướt đầm
                              Hoàng Lợi - Bán thơ
Tôi muốn dành những dòng riêng cho hai cây bút nữ. Chị Hoàng Phương Nhâm và Nguyễn Thị Mai. Hoàng Phương Nhâm quê Nam Định nhưng gắn bó với Ninh Bình. Chị là người viết văn xuôi, nhưng góp trong tập một bài thơ khá là độc đáo “Cho người dưng ấy”. Cái người dưng làm cho anh chồng phải lòng chẳng những không bị đánh ghen, không bị hờn trách mà lại được yêu cầu :
          Ví dầu duyên kiếp ba sinh
          Người dưng ơi hãy đáp tình chồng tôi
          Người dưng ấy, người dưng ơi…
Bài thơ kết lửng như thế, không rõ cái “người dưng kia” và anh chồng nọ xử sự như thế nào. Nhưng thật bao dung và độ lượng tấm lòng người viết.
          Nhà thơ Nguyễn Thị Mai quê Hà Nội, sống và viết ở Hà Nội, có hai bài về Ninh Bình. Bài “ Khoảng cách lòng yêu” có mấy câu thơ gợi :
          Từ đây đến đấy là quê
          Nhận rồi, có xót thương đê nhớ làng
          Sông Mây còn khúc dịu dàng
          Cuốn theo hồn phố đa mang đến giờ
Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả chính là bài “ Gửi bạn Ninh Bình”. Chị đã hình dung rất đẹp về một vùng đất:
          Nơi gom góp hết mây trời làm sông
          Nơi thơ lội nước nội đồng
          Nơi đá núi trổ hoa hồng lắm gai
Và cái lời nhắn gửi thật là táo bạo, thật là  mạnh mẽ, chỉ có thơ mới nhắn, mới gửi như vậy. Thấp thoáng bóng dáng ca dao mà vẫn rất hiện đại:
          Người về nung hết đá quê
          Têm trầu vôi ấy mà thề đuốc hoa
          Rồi ra buộc cửa gửi nhà
          Theo ta mòn gót trăng tà được không?
Câu hỏi chưa có lời đáp. Nhưng chàng trai Ninh Bình cũng phải như thế nào mới nhận được lời mời như thế chứ. Vâng, những chàng trai, cô gái Ninh Bình đều đáng yêu, đáng để cho các bạn thơ say đắm, ngẩn ngơ. Đây bạn Lê Thái Tuyết Chinh đã viết :
          Sững sờ ngỡ được gặp tiên
          Giáng trần xuống ở cửa thiền nơi đây
          Khiến lòng du khách ngất ngây
                              Chiều Bích Động
Tất nhiên, các tác giả Ninh Bình sống và viết ở Ninh Bình, những con dân Ninh Bình sống ở nhiều miền đất nước viết lục bát về quê hương sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều điều khám phá lí thú về mảnh đất, con người Ninh Bình. Xin mọi người cùng tìm hiểu và thưởng thức.
Còn tôi, một người Ninh Bình sống ở Hà Nội, tôi muốn nhìn quê hương qua những vần lục bát bạn bè. Tôi muốn bày tỏ sự cảm mến với các tác giả đã lấy Ninh Bình làm quê hương : Nguyễn Mạnh Cường, Trần Duy Đới, Vũ Thu Hà, Lê Liêu,  Hoàng Lợi, Hoàng Phương Nhâm,  Trương Minh Phố,  Đỗ Huy Thảnh, Đặng Ái Thi,  Đặng Diệu Thoa, Mai Ngọc Uyển,  Trịnh Như Ý. Và vô cùng tri ân các nhà thơ không sống ở Ninh Bình, không là con dân Ninh Bình nhưng đã dành sự  mến  yêu, thân quý cho vùng đất này. Đó là các tác giả Phạm Ngọc Cảnh, Phan Xuân Hạt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Thị Mai, Trần Mạnh Hảo,  Phạm Trọng Thanh, Phạm Trường Thi, Giang Phong, Đỗ Phú Nhuận, Đào Vĩnh, Ngân Vịnh, Lê Chí Hường Lê Thái Tuyết Chinh. Điểm qua như thế để thấy rằng các bạn thơ lục bát đã dành nhiều ưu ái cho  quê hương chúng tôi. Và không chỉ lục bát, nhiều  tác giả với các thể loại thơ khác cũng đã viết về một  miền đất NINH BÌNH giàu đẹp với tình cảm đằm sâu, thương quý.
                                                          
                                                              Hà Nội, 26/5/2014
         
         




2 nhận xét:

  1. Bác Vũ Nho là một ông giáo lương thiện và hướng thiện! Bác đã thay cây cỏ hoa Lư tri ân tình người của các cây bút là người nơi khác đến thăm vùng Hoa Lư mà có nhân duyên làm nên thi tứ với đất này. Quý trọng thay! Thời gian cứ trôi...tình người còn mãi ...là vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn đồng hương đã ghé trang và để lại chia sẻ!

      Xóa