Đường Văn ( bìa trái) và Nguyễn Hiếu
NGUYỄN HIẾU HÀI
TRONG CHÙM 3 TRUYỆN NGẮN:
KHI
TRĂNG NON LẶN, KHÔNG PHẢI CỦA MÌNH THÌ ĐỪNG SINH
CHUYỆN! & ĐIỀU NGỠ NGÀNG CỦA TÔI.
(Tuyển
tập truyện ngắn Nguyễn Hiếu, tập 1, NXB Hà Nội, 2010; tr. 427 –
453)
ĐƯỜNG VĂN
Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến truyện
ngắn hài của Nguyễn Hiếu gây được tiếng cười, hấp dẫn người đọc,
chỉnh là bởi, ở đó, ông đã sáng tạo được những mâu thuẫn hài, biểu
hiện trong những tình huống gây cười bất ngờ, thú vị, dù đã có ít
nhiều cường điệu, phóng đại, nhưng hồn cốt của chúng vẫn bắt nguồn
từ hiện thực cuộc sống muôn mặt đời thường mà nhà văn đã nhạy bén
thâu nhận và khái quát, hư cấu. Có thể nói, mỗi truyện ngắn thuộc
thể loại này của nhà văn làng Triện tựa một lát cắt sắc lẻm,
tinh quái mà nhân hậu về cuộc sống và con người, lấp lánh những
mảnh đời vụn vặt khác nhau, thường gặp quanh ta, nơi làng quê, chốn
thị thành, hoặc tại các cơ quan, trường học Việt Nam mấy chục năm
qua.
Chùm 3 truyện ngắn hài mà tôi tình
cờ đọc liền một hơi rồi ngẫu hứng lẩy ra ghi vụn, bình luận sơ lược
bước đầu, đều tập trung phản ánh và biểu hiện một hiện thực có vẻ
cũ càng mà hầu luôn mới mẻ của cuộc sống con người mọi nơi, mọi
thời: Tình yêu, hôn nhân và gia đình,
trước và sau khi cưới. Bằng
cái nhìn sắc nhọn và hài hước, Nguyễn Hiếu đã lật trái mặt nạ các nhân vật chính của mình (đều là các
chàng trai tốt mã giẻ cùi, những gã con cháu họ Mã, họ Sở, họ
Thúc… hiện đại) để cười cợt, chế giễu, phê phán trúng như điểm huyệt
qua sự đối sánh tương phản với 3 nhân vật nữ – đối cực, trong những
tình huống gây cười, chứa đựng mâu thuẫn hài khá gay gắt. Truyện
thường kết nhanh gọn, khá đột ngột, bất ngờ mà chính là phải thế,
nên thế, chắc thế, như những tất yếu. Nhưng mỗi truyện lại có nét
cười riêng, tạo ra sức cuốn hút riêng.
1. Khi trăng non lặn (7- 1974)
Tôi hơi bị ngạc nhiên vì hóa
ra truyện ngắn này đã ngót nghét 40 tuổi, được viết khi Nguyễn Hiếu
mới thập thững vào nghề, khi tuổi đời chưa đầy ba chục. Vậy mà cây
bút trẻ đã tự tạo cho mình một giọng điệu hóm hỉnh, già giặn, lõi
đời đến thế. Kết cấu truyện ngắn hài này khá đơn giản, cách kể
chuyện có phần cổ điển. Cốt truyện tự cắt thành 2 đoạn đối lập mà
cái ranh giới sừng sững là đám cưới
của cặp người yêu đẹp đôi như vẽ: Kỹ sư kinh tế 28 tuổi Hừng
và cô giáo mầm non Nụ (chắc trẻ hơn Hừng dăm tuổi?). Nếu trong giai
đoạn tán tỉnh, chinh phục, Hừng càng tỏ ra khéo léo, tế nhị, dịu
dàng, ga lăng chiều nịnh ý trung nhân (cốt cho xong việc lớn!) bao
nhiêu, thì không đợi đến khi thành vợ thành chồng, mà ngay trong những
nét chân dung hài thoáng vẽ (hai lỗ
mũi hẹp khìn khịt, tai trái mỏng tanh hơi vênh, đỏ hắt mạng tia máu) trong lời nói, cử chỉ và hành động
hết sức hào hoa, lịch lãm của chàng trí thức đầy tự tin và kiêu
hãnh, vẫn cứ lộ ra sự đóng kịch, vờ vĩnh, giả dối, không chỉ trong
mấy lời tâm tình với bạn thân (điểm huyệt vào cụm từ ngã giá mối tình này, rất phù
hợp với đức tính của người quen tính toán trong đời) mà ngay cả với Nụ – con bồ câu xinh đẹp của anh, cái bật cười và hơi hơi lắc
đầu không tán thành đã khiến Nụ hiểu lầm theo hướng tốt đẹp và
cả 2 tiếng vắn cộc, có vẻ dễ dãi, thoáng kẻ cả: Được thôi! đáp lời Nụ xin nghỉ cưới 3 hôm, đâu phải vì cảm
động trước tình yêu nghề, yêu trẻ của người yêu mà chỉ vì 1 lý do
rất thực dụng và keo kiệt, tầm thường: nghỉ thêm sẽ không có
lương!
Nhưng nếu chỉ có vậy, thì
trong mắt Nụ, Hừng vẫn là một thần tượng vô cùng đáng yêu, đáng
kính. Chỉ đến khi đám cưới bắt đầu, sự thật đắng chát mới nhanh
chóng bị phơi bày, từng việc, tuần tự, dồn dập, càng lúc càng tăng,
càng hăng, bản chất tính cách độc đoán, tính toán, gia trưởng, chỉ
yêu mình, ích kỷ, tàn nhẫn, thô bạo của Hừng càng tỏa ánh sáng
lạnh lùng, ghê rợn. Chi tiết dùng
vận trù học để tìm ra đường tắt đón dâu qua lớp mẫu giáo của Nụ
là 1 mũi tên bắn trúng nhiều đích: thể hiện sự tính toán chặt chẽ,
nhỏ nhen của Hừng, tình yêu cô – trò – trò - cô nồng nàn của Nụ và
học sinh, tính thô bạo, lạnh lùng của chú rể, ứng xử nhạy bén,
thông minh của cô giáo tinh thông chuyên môn nghiệp vụ, lại rất tâm lý,
tình cảm trong cách giải quyết tình huống đột xuất này. Không ít chi tiết nho nhỏ được miêu
tả thật gần vừa ngộ nghĩnh, đáng yêu vừa tức cười. Từ tiếng mấy chục đứa trẻ thét thất
thanh đồng thanh đòi trả cô giáo thoắt chuyển thành tiếng sụt sịt cố chào to, rồi lại
nắm áo nhau vừa ra cửa vừa hát bài đồng ca quen thuộc vì đứa
nào cũng muốn được khen bé ngoan! Trong khi hai họ cười nói râm ran
tán thưởng cô dâu xinh đẹp lại thông minh, nhanh nhạy và hết sức yêu
nghề, mến trẻ thì chỉ 1 mình chú rể im lặng, lạnh lùng trao lại bó hoa cưới cho cô dâu.
Nhưng đỉnh điểm của mâu thuẫn lại thực sự xảy ra trong đêm tân
hôn đẫm nước mắt, khi trăng non lặn. Lời qua tiếng lại, càng lúc
càng căng thẳng, gay gắt. Từ cách xưng hô (tôi – cô) chẳng chút tình cảm, âu yếm đến hàng loạt những
cử chỉ, lời nói cáu gắt, mắng
mỏ, nhục mạ hết sức khó chịu. Và cuối cùng, không thể kìm nổi cơn
giận dữ trào sôi như bão giông cuồng nộ, Hừng lập tức dùng mệnh
lệnh bắt buộc người vợ trong và sau đêm tân hôn, đang lẽ phải ngập
tràn hạnh phúc, phải lập tức bỏ nghề. Anh ta mắng mỏ, làm nhục nhân
cách vợ, coi khinh vợ ngu dốt, lười biếng, coi nghề dạy học mẫu giáo
là quỷ quái…Những lời ấy cứ xa
xả trút lên đầu, vào tai Nụ như những trận mưa rào a xít, hay chất
bẩn bỏng rẫy, nồng nặc. Lẽ tất
yếu, một cô gái xinh đẹp, thông minh, đầy tự trọng như Nụ, chỉ vì chưa
hiểu Hừng, mới vội vàng nhận lời cưới, trong cái đêm thiêng liêng
tuyệt vời ấy, từ chỗ ngạc nhiên, đến kinh hoàng, sợ hãi, giận dữ,
khinh bỉ tột cùng, phản ứng cũng mạnh mẽ, quyết liệt không kém: bỗng đứng phắt dậy, mắt tròn xoe, long lanh phẫn nộ, cảnh cáo
Hừng 1 chỉ 1 câu: Anh dám ăn nói thế
à? Và dứt khoát bước nhanh ra khỏi
phòng trong sự kinh ngạc của anh chồng vũ phu, vô học.
Hình ảnh trăng non đã lặn kết truyện mang tính biểu trưng nhiều hơn nghĩa tả thực, được dùng làm nhan đề truyện đã chuyển hướng truyện ngắn hài này sang chút bi nhưng vẫn rất sáng trong và lành
mạnh. Tôi cho rằng đó cũng là một sáng tạo về giọng điệu, cảm hứng
thể loại mà ngay từ những truyện hài đầu tay, Nguyễn Hiếu đã thử
nghiệm, thử sức. Điều đó khiến truyện
ngắn hài của ông không chỉ vui
cười nhẹ nhõm mà lại trữ tình lắng đọng, khỏe khoắn, lạc quan.
Một mặt, chế giễu, cười cợt, phê phán sự thảm bại nhục nhã rền rĩ, hai tay ôm đầu ngồi thụp xuống
của Hừng, với tư cách một người yêu, chú rể, người chồng hoàn toàn
không xứng đáng với Nụ, đồng thời mặt khác, chia sẻ, ngợi ca vẻ đẹp
nhân cách và bản lĩnh của các cô gái Việt trong mối tình đầu, trong
cuộc hôn nhân đầu tiên vì vội vàng, không may mắn, phải trả giá, của
đời mình.
Tuy còn giản đơn trong cấu
trúc, hơi gượng và cứng trong cách kể và ngôn từ kể, đối thoại,
nhưng tính đa giọng điệu, cái kết truyện
mạnh mà vẫn có mức độ, mở, đã là những yếu tố quan trọng làm nên giá trị nghệ thuật đáng ghi
nhận của Khi trăng non lặn.
2. Không phải của mình thì đừng sinh chuyện! (1980)
Ra đời
6 năm sau Khi trăng non lặn, nhưng Không phải của mình thì đừng sinh
chuyện! vẫn tiếp tục khai thác chủ
đề cũ, sử dụng thể loại cũ với
một vài biến thể nhỏ, mới. Theo
tôi, điều ấy đã đem lại hiệu quả nghệ thuật nhất định.
Mâu thuẫn hài lần này xoay quanh sự áp sát và đụng độ
giữa Duy, chàng trai hậu duệ họ Sở, xảo quyệt lừa tình, đào mỏ, đã
thành công và sẽ thất bại, đến cuối truyện vẫn giương giương tự đắc
vì chiến tích của mình với đối tượng: Xanh, cô gái xấp xỉ 30, không
xinh lắm, sống hơi duy cảm, lãng
mạn, tế nhị, yêu văn chương và đầy ước vọng. Nhưng khác với Khi trăng non…, người kể chuyện giấu
mình, để câu chuyện như là khách quan chảy theo dòng chảy tự nhiên
của nó; ở Không phải của mình,… người kể chuyện nhập vào nhân vật nữ chính mà kể,
tả và biểu cảm, nhận xét, luận bàn sự đời, con người. Nhưng chớ
vội đồng nhất tác giả và nhân vật là một. Rõ ràng giữa họ vẫn có
ranh giới, khoảng cách, tuy về cơ bản người kể chuyện – tác giả đứng về phe nước mắt (Dương Tường),
vẫn lộ rõ nụ cười lo lắng, bao dung, đồng cảm và thở phào khi cuối
cùng, nhờ tình cờ, ngẫu nhĩ mà
âm mưu, thủ đoạn, rồi từ đó, bản chất xấu xa, hèn hạ của anh chủ
phòng ngoài mới được trình diễn thật đến từng xăngtimét trước 1
khán giả duy nhất đang trùm chăn
để buộc/rất cần theo dõi câu
chuyện ở phòng trong. Duy cứ bô bô, hồn nhiên khoe khoang với anh bạn
cánh hẩu toàn bộ sự bỉ ổi, tính toán thủ đoạn lừa tình lấy nhà,
quyết thực hiện thành công mỹ mãn cú lừa ngoạn mục bằng những xảo
thuật cưa gái bài bản, điêu luyện, cao thủ:
- Phải từ
từ, từng bước một, phải bịa ra 1 lý do nào đấy để cô ta tự lìa
mình, Xong thôi, dứt khoát xong! Mình đã tóm đằng chuôi, nàng đã 30,
lửa gần rơm lâu ngày cũng bén…Cứ “gam” ấy mà chơi, hi vọng cô ả sẽ
rụng và lúc đó thì…
Tôi
nghĩ, nếu không có sự cố tình cờ (đầy dụng ý dàn xếp, bố trí của
tác giả), hẳn Xanh sẽ dễ dàng yêu Duy say đắm, sẵn sàng chuyển chủ
sở hữu căn phòng 24 m2 của cô cho anh
chàng đáng mến, tế nhị tuy đã
cô đã lờ mờ nhận thấy 1 cái gì gần như giả dối sau những lời nói
ngọt ngào, đầy quyến rũ. Hoặc truyện vẫn có thể phát triển và giải quyết theo hướng
khác, căng thẳng, đau khổ hơn, bi kịch hơn. Chẳng hạn, họ thành vợ
chồng. Duy hoàn toàn là chủ của cô gái 30 và 2 căn phòng liền kề
đầy đủ tiện nghi rồi giở mặt như giở bàn tay. Hoặc mau mắn hơn, lừa
được chắc chắn quyền sở hữu căn phòng trong tay, Duy lập tức đánh
bài quất mã truy phong, bỏ lại nạn nhân mất cả chì lẫn chài, đắm
chìm trong đau khổ. Không! và không! Nguyễn Hiếu quái, hóm chọn giải
pháp hài nhẹ nhàng nhưng không kém phần trữ tình thấm thía như ta đã
thấy. Đã hơn một lần vô tình bộc lộ chân tướng trước Xanh, mà lúc ra
đi, Duy vẫn vô cùng hể hả, cười lục cục với niềm tin nhất
định sẽ lại thêm một lần chiến thắng vẻ vang, cả trong lần cuộc cá với tay bạn cùng hội cùng thuyền. Hắn hoàn toàn không
ngờ đã tự lột trần mặt nạ, tự chuốc lấy sự khinh bỉ của cô gái
mà hắn cho là mồi thơm trước mũi mèo già. Hắn không chỉ giết chết
tình cảm mới chớm, giập tắt ngấm tia hi vọng mới le lói trong Xanh
mà còn khiến cô gái rùng mình
vì kinh sợ và ghê tởm, rồi phải
nghiến hai hàm răng lại và bất ngờ bật dậy rồi cố ý ngồi yên như
thể nhìn ra ngoài trời như cảm ơn và ân hận một điều gì.
Ngòi bút hài Nguyễn Hiếu còn
chứng tỏ khả năng miêu tả và phân
tích diễn biến tâm lý nhân vật nữ
khá tinh vi ở chỗ này. (Điều ít thấy và có vẻ trái ngược với
đặc điểm của truyện hài: ít miêu tả, phân tích trực tiếp, kỹ, sâu
tâm lý, tâm trạng các nhân vật). Cô không chỉ tột độ kinh ngạc và sợ
hãi ngoài sức tưởng tượng trước sự trắng trợn, đểu giả, thực dụng
và thủ đoạn ghê gớm của Duy, mà Xanh cảm
ơn trời đất, số phận đã giúp cô tình cờ sớm biết sự thật,
tránh được nanh vuốt của gã o mèo, lại ân hận tự trách mình quá ư cả tin, nhẹ dạ, suýt nữa mắc
bẫy cò ke, khó thoát. Trạng thái tâm lý cuối cùng trước khi đóng
truyện được người viết dựng bằng 1 câu văn từ tốn, nhẹ nhàng, thanh
thản như chính tâm trạng của Xanh: Xanh
từ từ ngả mình xuống đống gối
với cảm giác thanh thản. Ý vị của nụ cười thoát hiểm trong gang
tấc chưa kịp lâng lâng vị trữ tình thì đã lại ngả sang giọng hài
nhẹ khi dòng cảm thán của tác giả đột ngột tách ra, chen vào: Có lẽ từ khi biết đọc sách, lần đầu
tiên cô thấy nhân vật của Ban zắc bước vào đời và đóng vai trò láng
giềng của cô.
Hình ảnh thiên nhiên (mấy ngôi sao lóng lánh) kết nối
với hình ảnh đồ vật sinh hoạt (lỗ
thủng tấm khăn màu sẫm) kèm 1 so sánh giản dị: như đùa cô. là nét bút duyên dáng như nụ cười cảm thông,
chia sẻ của nhà văn với cô gái muộn chồng.
Không biết sau chuyện này, Xanh
có còn xanh như tên cô, hay sẽ bắt đầu ương ương hơn!? Không biết cô có
còn tiếp tục lãng mạn, mộng mơ tìm người yêu lý tưởng như trong sách
hay bắt đầu thực tế hơn, lý trí, tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn
bạn đời?! Khó ai đoán trước được! Trên bình diện khác, sau vụ thảm
bại này, tay học trò xuất sắc của Sở Khanh ấy có thay tâm đổi tính
được ly lai nào chăng? Hay hắn chỉ càng thêm cay cú, hậm hực, thua keo
này ta bày keo khác, đi tìm con mồi mới để bắn hạ? Cũng không ai
đoán trước được! Bởi vì đó là chuyện đời thường, chuyện tình cảm
và nhân cách con người, rắc rối, phức tạp muôn vẻ, có khi đầy cạm
bẫy chông gai…Người ba, bảy đấng, của chín, mười loài! Lại
nữa, thế sự dễ đổi, bản tính khó rời! Nhưng chính vì thế kết truyện của Nguyễn Hiếu mang độ mở cao. Tùy người đọc muốn
nghĩ thế nào, theo chiều hướng nào… thì nghĩ!
Tôi cho rằng tính biểu cảm
của truyện hài Nguyễn Hiếu thể hiện dồn đậm ở đoạn kết. Vì vậy
tiếng cười, cái hài trong truyện của ông lúc đầu thường cởi mở, vang
to, ròn rã, nhưng càng về cuối, người viết truyện càng có xu hướng
thích ngả sang ngẫm ngợi, có khi buồn chát, có khi bâng khuâng, suy tư kín
mà lộ, lộ mà kín…
Phải chăng, đó cũng là nét phong cách riêng trong nghệ
thuật dựng truyện ngắn hài của nhà văn làng Triện?
3.
Nếu anh ấy
luôn luôn nói thật!
Khác với 2 truyện trên, Nếu anh ấy… chọn cách kể ngôi thứ nhất đặt vào miệng nhân
vật chính – cô Thúy, một cô gái xinh xắn, đặc biệt có mái tóc đen
bài tuyệt vời nhưng vô ý vô tứ và
vụng về đã đến với mối tình đầu của mình như thế nào. Thú thật,
đọc đoạn 1, đến chi tiết cô gái đểnh đoảng hắt bừa chậu nước gội
đầu ra đường, tình cờ trúng phải Quang Lân – nạn nhân đẹp trai, dịu
dàng, tế nhị hiếm có. Không những Lân không hề bực giận, mắng mỏ,
chê trách hay bắt đền, mà ngược lại, đã bị mũi tên thần tình ái
bắn trúng tim trong tiếng sét ái tình, lại vừa lau tóc, lau áo vừa nhắc lại 2 lần từ “cảm ơn” một cách chân thành, tội nghiệp khiến cô gái,
người gây ra sự cố, cũng phải bật cười và ngạc nhiên, kỳ lạ: người có lỗi lầm rành rành lại thành kẻ ban ơn.Và
từ lúng túng, sợ hãi chuyển nhanh thành ngạc nhiên, thích thú vì sự
tế nhị hay ga lăng quá đáng của chàng trai, đã khéo léo biến một tình
trạng căng thẳng thành sự dịu êm đáng yêu. Quan sát tình huống
hài đầu tiên này, tôi bỗng liên tưởng đến tình huống tương tự trong Thủy hử truyện (khi Phan Kim Liên
giả vờ đánh rơi chiếc gậy chống cửa lên đầu Tây Môn Khánh). Nhưng nếu
trong truyên Thi Nại Am, tình huống này là khởi đầu của 1 âm mưu và
kết thúc một cách bi đát, thê thảm bằng cái chết đáng đời của cả
cặp gian phu, dâm phụ thì trong truyện của Nguyễn Hiếu, chỉ là khởi
đầu cho 1 mối tình, khởi đầu và kết thúc cũng khá nhẹ nhàng, tuy
cũng bất ngờ, ít nhất về phía cô gái (còn với Quang Lân, chắc cũng
phải sốc nặng một thời gian!?) . Nhưng một đằng là sự cố ý sắp xếp
theo cao mưu của mụ già hám lợi họ Vương (Vương Bà) mà cả Kim Liên và
tài chủ họ Tây Môn kia chỉ như những quân cờ, vì ham sắc dục nên đã
liều lĩnh, tự nguyện làm theo. Còn trong Nếu anh ấy…, với cả 2 nhân vật, đều hoàn toàn vô tình,
ngẫu nhiên như trời định. Thú vị, bật ra tiếng cười nhẹ là ở đó.
Đoạn 2 xuất hiện thêm hình
ảnh Lâm – một anh chàng Thúy đang để ý – với một vài lời nói, cử
chỉ và cách ứng dụng tâm đối sánh
trái ngược với Quang Lân. Tác giả muốn qua Lâm, giải thích cảm tình
của Thúy ngày càng tăng, càng nghiêng về phía anh này bởi tính cách
tế nhị, lịch lãm, chiều bạn gái hết ý, như hoàn toàn rút lui mọi
chủ kiến trong mọi chuyện, mọi việc hoàn toàn chiều lòng, chiều ý
người yêu. Tính ưa phỉnh nịnh của cô gái được chiều nịnh vô lối, đã
tạo điều kiện làm cho cái tính đểnh đoảng, vô tư và ích kỷ của
Thúy ngày càng phát triển tự do, trở thành 1 thói quen dễ chịu.
Đoạn cuối câu chuyện nhỏ diễn
ra khá bất ngờ với người đọc. Nguyễn Hiếu đã sử dụng thủ pháp hài
dân gian quen thuộc: lặp lại và tăng
cấp. Ông tạo ra một tình huống ngẫu nhiên mới để, 1 lần nữa, lỗi
lầm vô tư của Thúy lại diễn ra. Và tức cười thay, nạn nhân khốn khổ
của nó, lại vẫn là chàng Quang Lân đỏm dáng đang trên đường đến rủ
người yêu đi dự sinh nhật bạn mình. Tình huống này, theo tôi, hoàn
toàn là do người viết bịa ra nhưng không gây cảm giác giả, cộm bởi
ông cũng đã công phu chuẩn bị cho sự có lý của nó, ở hàng loạt những chi tiết dẫn dắt,
phục bút ở đoạn trên và đầu đoạn 3 này (chẳng hạn, trong lúc
chờ Quang Lân, trời lại đổ mưa, Thúy mới giở bút viết bưu thiếp quà
tặng, bút tắc, phải rửa. Rửa xong, đổ nước thừa ra cửa như thói quen
đã thành nếp. Tình cờ Lân bước vào đúng lúc ấy, nên đã nhận đủ gáo nước thừa như chậu nước gội đầu hôm nao! Đến
đây thì sự bất ngờ lại rẽ sang ngả khác, không theo lô gich
thông thường của người đọc. Đó là Lân lại 1 lần nữa nhận lỗi về
mình, không 1 lời trách móc, bực giận người yêu vô ý?! Hơn thế, anh ta
còn tìm mọi cách nịnh đầm, vẫn tìm ra câu nói phù hợp chiều nịnh
làm theo quyết định độc đoán của Thúy. Khi bị các bạn cô gái cười,
Thúy cũng phì cười vì vết mực
loang trên áo thì, thật đang kinh ngạc, anh lại liếc về tôi với ánh
mắt của người đầy tớ trung thành! Coi như là 1 kỷ niệm đẹp!!!
Viết truyện ngắn hài này,
lấy đề tài tình yêu khởi phát rồi nứt rạn, tất sẽ đổ vỡ, nhưng
Nguyễn Hiếu lại nhằm vào 1 cái đích sâu xa hơn, khái quát hơn. Đó là
chế giễu, lên án bằng tiếng cười nhẹ nhàng, thâm thúy thói nịnh hót,
hèn hạ của con người trong cuộc sống. Người mang tính cách đáng
khinh, đáng ghê tởm này, gần như đánh mất hoàn toàn lòng tự trọng,
nhân cách. Trong trương hợp cụ thể này, Lân có vẻ đáng yêu rồi trở nên đáng cười, đáng chán ngán,
đáng khinh, thảm hại trong mắt người anh yêu. Người ngu thích nịnh,
người thường, người bản lĩnh, trung thực rát ghét nịnh. Thúy thuộc
lại người nào? Tôi nghĩ, ở 2 đoạn
đầu, cô mang không ít đặc điểm của loại đầu nhưng ở đoạn cuối thì cũng vẫn chưa
thông minh, cao quý hay nhân ái gì hơn, chưa vượt lên hẳn tầm loại
người sau. Phải chăng Nguyễn Hiếu
còn muốn bày tỏ cái ý ngầm, rằng, ít người thoát khỏi căn bệnh
phổ biến này. Và để đấu tranh khăc phục, loại trừ nó, không hề đơn
giản, nhẹ nhàng, ngày 1 ngày 2.
***
Tóm lại, qua chùm 3 truyện
ngắn hài này, bước đầu có thể rút ra vài đặc điểm, mặt mạnh cũng
như hạn chế, của bút pháp truyện ngắn hài Nguyễn Hiếu:
-
Sử dụng thành thạo, khéo léo một số biện
pháp hài truyền thống với những biến thể, sáng tạo riêng (tạo tình huống hài, kết bất ngờ mà hợp lý,
ngôn ngữ nhân vật, người kể mang tính hài, cường điệu - phóng đại có
mức độ, giọng điệu tưng tửng, nhẹ nhõm, không chát chúa, gay gắt…).
-
Kết hợp bút pháp gây cười với bút pháp tự sự
– trữ tình khiến tiếng cười trở
nên nhẹ nhàng, thâm thúy, đa dạng hơn.
-
Về dung lượng, độ dài câu chữ, so với
truyện ngắn không hài (tạm phân biệt như vậy!), truyện ngắn hài càng
cần phải cô đọng, ngắn gọn, lời chật, ý rộng. Mỗi truyện tiếu lâm
dân gian chỉ bằng bàn tay (khoảng 1 trang giấy) nhưng đọc đến đâu thích
thú và có thể cười vỡ bụng, đến đấy. Nhìn chung, truyện hài Nguyễn Hiếu
vẫn dài. Không ít câu từ, chi tiết thừa, hoàn toàn có thể lược
bỏ, chẳng những chẳng ảnh hưởng gì đến cốt truyện hay mâu thuẫn mà
chỉ càng làm cho chúng sắc nhọn,
trong sáng hơn. (một số đoạn lời
kể, tả ề à, đối thoại thể hiện
tình huống, mâu thuẫn chưa thực gọn, nét).
-
Biện pháp cường điệu – phóng đại, một trong
những biện pháp nghệ thuật cốt lõi của truyện hài, chưa được sử dụng mạnh tay và hiệu
quả. Hình như Nguyễn Hiếu còn rụt rè hay e ngại điều gì đó nên
chưa dám hoặc chưa muốn vận dụng thường xuyên các thủ pháp hài: thổi
phồng bơm to, vật hóa, đồ vật hóa, lạ hóa… (để tô đậm, khăc họa rõ
nét đậm sắc hơn bản chất của sự vật, đối tượng hài, tình huống và
nhân vật hài trong truyện hài của mình.
So truyện ngắn hài Nguyễn
Hiếu với truyện hài dân gian Việt Nam hay nước ngoài, rõ ràng còn 1
khoảng cách không nhỏ. Nhưng những gì mà tác giả làm được đã rất
đáng quý. Bởi lẽ, viết được 1 truyện ngắn hay đâu có dễ! Có được
một truyện ngắn hài hay, còn khó gấp bội! Chính Nguyễn Hiếu, nhà
văn được nhiều đồng nghiệp và bạn
đọc xem là cây bút chuyên nghiệp có năng
khiếu hài khá nổi trội, cũng không chuyên thật sâu thể loại này,
ngoại trừ tập truyện hài sắc sảo đầu tay Cái vòi nước (1973?)./.
chiều
12 – đêm 15 - 4 – 2012. ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét