Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

TRƯỚC GẢNH ĐÌNH TRÈM




THI THOẠI, ĐẦU HẠ

ĐƯỜNG VĂN
3.

TRƯỚC  GẢNH ĐÌNH TRÈM


              Lại sắp đến Lễ Hội Đình Trèm thường niên  năm nay (14 – 15 - 16 tháng năm Giáp Ngọ). Tôi với Bắc Lê và Nguyễn Đăng rủ nhau ra đình thăm Hiểu Lê - một ông bạn thủ từ ở đó cũng đã được vài  ba năm nay. Bên ấm nụ nước vối mới pha, tỏa một mùi hương đặc biệt thanh mát, thức uống ưa thích của hai cụ từ, chúng tôi hỏi thăm Hiểu Lê xem năm nay chương trình lễ hội ba làng có gì đặc biệt mới mẻ so với năm ngoái không. Tôi nhắc ông bạn gìa cái lỗi chính tả đáng tiếc của văn bản khắc trên tấm bia đá ngay trước Gảnh Đình. Hiểu Lê thoáng nhíu mày, rồi kéo tay hai đứa tôi cùng đứng dậy:
-         Ta cùng ra ngoài đó kiểm chứng lại lần nữa cho chắc!
     Thế là, trước Gảnh Đình Trèm, sau khi đã một lần nữa mục sở thị sự sơ sót của người kiểm tra thợ khắc đá còn lưu dấu sai lỗi chính tả từ (trấn (giữ, thủ, trị) và chấn (oai, phấn). Lỗi cần được sửa chữa trong một dịp gần nhất. Xong việc, chúng tôi lại thong thả cùng thưởng ly café sáng trong quán Cây đa cạnh đó, đứng tựa lan can xi măng, ngóng ra mặt sông, nhìn sang bờ Bắc mà bàn luận tiếp chuyện thơ phú văn chương. Mé tay phải, gần sát bờ nước, một chiếc xà lan lặc lè cát vàng đang áp mạn. Chiếc máy cần cẩu – gầu xúc cỡ đại đang cần mẫn ngoạm từng gầu cát lớn từ xà lan chuyển lên thùng xe tải ben cũng cỡ đại, đậu sát phía trên. Ngoài luồng nước giữa sông, lại một chiếc xà lan khác chở than nặng mấp mé mớn nước đang rì rì ngược dòng lên phiá Việt Trì. Sông Cái năm nay bắt đầu vào mùa nước lên mà vẫn có vẻ êm ả lạ!?
                                                          ***
     Đăng Nguyễn bỗng phấn chấn nhìn tôi và Bắc Lê:

-         Này, hai ông! Câu chuyện bài thơ Chú đi tuần, có lẽ hôm nay mới đi vào hồi kết thú vị, mà tôi, không, hai ông cháu tôi đã góp phần làm nên thi thoại mở đầu buổi sớm mai đó.
-         Là sao? Hôm qua ông đã chẳng đọc cho tôi toàn văn bài thơ theo trí nhớ tuyệt vời của ông và tôi đã chép nguyên văn với độ tin tưởng cao, rồi đưa vào phần đầu thi thoại Bên bờ Ao Sen đó thôi. Còn gì nữa mới nữa?!
-         Này đây! Xem kỹ đi! Đăng bỗng rút trong túi ra muốn cuốn sách dày vừa phải mà thoáng nhìn, tôi đã nhận ra ngay cuốn SGK Tiếng Việt lớp 5, tập 2, Tiểu học do GSTS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, NXBGD, tái bản năm 2013).
     Tôi và Bắc Lê ngạc nhiên, chưa kịp giở; Nguyễn Đăng lại hối hả nhắc:
 -  Giở ngay tới trang 51 – 52!
     Tôi vội mau mắn lật sách. Thì ra bài thơ Chú đi tuần là một bài Tập đọc được in ở đó. Đọc kỹ hơn, lần lượt từ trên xuống dưới: thấy tranh minh họa màu xanh nhạt, nét đen, vẽ mấy anh chiến sỹ Vệ quốc quân áo trấn thủ, ô quả trám, mũ lưới đính sao vàng, đang đi tuần trên đường phố. So với bức minh họa hồi tôi học lớp 3 trong sách Tập đọc xưa thì bức này không đẹp bằng! Văn bản bài thơ dừng ở câu:
Cháu ơi! ngủ nhé cho say!
     Như vậy,  so với văn bản dựa vào trí nhớ của Nguyễn Đăng thì thừa câu cuối: Cháu ngoan của chú giờ này, biết không?
     Dưới ghi tác giả: Trần Ngọc (?!). Tiếp theo là 2 chú thích: giải thích các cụm từ: học sinh miền Namđi tuần. Cuối cùng là 4 câu hỏi hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài.
     Đọc qua một lượt, tôi và Bắc Lê cùng trông sang Đăng Nguyễn:
-         Vì sao anh lại biết trong sách này có bài thơ ấy?
-         Thì cũng tình cờ thôi! Con cháu tôi nó vừa học xong lớp 5 mà lại! Nghe lỏm ông nội đọc đi đọc lại mấy câu thơ Chú đi tuần, thế là nó reo lên:
- Cháu cũng thuộc!... Rồi nó đọc 1 lèo cả bài thơ mà tôi đang cố gắng loay hoay phục hồi văn bản. Tôi mừng quá, và ngạc nhiên nữa, hỏi luôn:
- Vì sao cháu thuộc được bài thơ này?
- Thì bài học thuộc lòng của chúng cháu năm vừa rồi mà!
- À ra thế! Vậy, đưa ông xem lại cuốn SGK Tiếng Việt của cháu nào!
Và tôi mở sách tìm, nhanh chóng thấy Chú đi tuần đây rồi! Hóa ra tác giả của nó là Trần Ngọc. Mấy ông có biết gì về ông này?
-         Thế là mối nghi vấn về tác giả đã được giải đáp. Còn Trần Ngọc là ai, thi nghiệp, sự nghiệp thế nào thì lại phải nhờ đến google, may ra…
-         Thật hay và khá bất ngờ! Cảm ơn ông cháu ông! Nhưng tôi hỏi hai ông: So sánh 2 văn bản, thấy văn bản sách Tiếng Việt, bớt 1 câu cuối cùng. Chẳng lẽ ông Đăng nhớ sai?
-         Không bao giờ! Đăng Nguyễn thoáng đỏ mặt, khẳng định chắc nịch.
Tôi trầm ngâm phán đoán:
-         Tôi biết: Ông Đăng nhớ đúng và nhớ rất giỏi! Vì sau gần 60 năm mà không sai 1 chữ. Đảm bảo độ chính xác tới 100%! Còn bản trong sách GK hiện hành thiếu 1 câu cuối, tôi cho đó là kết quả của người biên soạn, biên tập. Tôi thấy, bỏ đi như thế là phải, vừa gọn vừa gợi mở hơn. Bởi câu thơ cuối cùng: Cháu ngoan của chú giờ này, biết không? là 1 câu hỏi không lời đáp, chỉ nói thêm 1 chút nỗi lòng, tâm trạng của chú chiến sỹ. Các cháu đang ngủ say, làm sao có thể biết được ngoài cửa sổ có các chú đang đi tuần qua, đang nhìn các cháu say sưa giấc nồng?
     Đó là  việc làm của 1 soạn giả, biên tập hiểu biết, có nghề và tinh thông nghiệp vụ.
-         Ông Văn bàn có lý! - Bắc Lê tiếp – Nhưng tôi lại băn khoăn điều này: Nếu sự cắt đó là của người soạn sách, hay nhà biên tập, thì liệu họ có hỏi ý kiến tác giả Trần Ngọc không nhỉ? Hoặc giả dụ như tác giả đã qua đời rồi, thì sao?
Nguyễn Đăng chen ngang:
-         Muốn biết, ông có thể điện hỏi ông Nguyễn Minh Thuyết chủ biên là ra ngay thôi mà! Tôi nghe ông Lê có quen với vị GSTS. khá nổi tiếng ấy, có thể gọi điện hỏi xem sao?
-         Bắc Lê chậm rãi:
-         Để tôi xem xem đã! Nhưng tôi muốn nhấn mạnh với các ông một điều quan trọng hơn chuyện sửa văn bản ấy, rằng: Các ông có thấy lạ không? Bài Chú đi tuần này có thể sánh với các bài Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ) Lượm (Tố Hữu), Ông lão đánh cá và con cá vàng (Truyện cổ tích  của A. Puskin). Đó là những văn bản văn, thơ rất hiếm hoi có tuổi thọ cao nhất, đã và đang tồn tại trong SGK Ngữ văn phổ thông Việt Nam từ ngày hòa bình lập lại đến nay. 2 bài kia, tôi biết từ lâu. Đến hôm nay, mới biết thêm Chú đi tuần! Thật thú vị: tính đến nay, đã có 3 thế hệ, 3 đời học sinh nối tiếp nhau học tập những áng văn chương đó. Mà như thế thì, tôi dự đoán: cái chương trình SGK đổi mới năm 2015 tới đây, 3 bài ấy vẫn có mặt, tiếp tục làm bạn, làm thầy thế hệ học sinh Việt Nam OX. Các ông thấy có hay không?
-         Nói chung là hay! Vì tìm được những văn bản mới thay thế, hội đủ các điều kiện đâu có dễ! Nhưng, chẳng lẽ cứ học mãi mấy bài đó sao?
-         Đó không phải là việc của ông lo mà là việc của các vị chuyên gia chương trình và viết sách GK năm 2015. Liệu ông Văn có được mời tham gia một chân như hồi năm 2004?
-         Chắc là không! Vì mình hưu đã lâu. Thiếu gì anh tài trẻ tráng! Chuyện ấy tôi chẳng bận tâm! Nhưng tôi cứ nghĩ ngợi thêm nữa về bài Chú đi tuần nói riêng và mấy bài văn thơ có tuổi thọ cao trong các SGK của chúng ta. Tôi cho rằng, thời gian và bạn đọc (học sinh, giáo viên, phụ huynh…) sẽ là người thẩm định công minh và tình - lý nhất. Tôi cho rằng, Chú đi tuần, xét riêng về mặt nghệ thuật, thì chưa thật xuất sắc, nhưng nhìn chung tổng thể trong mối quan hệ với các yêu cầu tư tưởng, giáo dục, tâm lý lứa tuổi… thì lại chứng tỏ sự thỏa mãn tối ưu của nó. Thực tiễn đã chứng minh rằng từ đời ông bà, qua cha mẹ đến đời các cháu chúng ta đều đã được học và đều yêu thích nó, đều nhanh chóng thuộc lòng nó, lưu giữ nó bền lâu trong bộ nhớ của mình. Có được một văn bản hiếm quý như thế, hà cớ chi phải nghĩ đến chuyện thay mới? Bởi Chú đi tuần đã trở thành cổ điển, mẫu mực làm bài học giáo dục nhân văn, giáo dục xã hội tốt cho các thế hệ trẻ được chứng nghiệm từ hơn nửa thế kỷ qua. Mặc dù câu chuyện về trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng đã từ lâu trở thành lịch sử.
-         Tôi thấy ông Văn vẫn còn máu nghề nghiệp lắm! Chỉ một bài thơ nhỏ Chú đi tuần cũng khiến chúng ta có thể vui vẻ bỏ ra 3 buổi để luận bàn thi thoại rồi! Vậy ông Lê lúc nào tiện, cứ tìm hiểu thêm qua ông Thuyết về tác giả Trần Ngọc, về cách thức biên soạn, biên tập SGK. Ông Văn thì tra mạng. Có khi, ta lại biết được thêm nhiều điều lý thú khác, làm chủ đề cho cuộc thi thoại thứ tư chăng?...
-        
-          Còn bây giờ, tôi muốn chuyển chủ đề cho nó cởi mở, tươi mát hơn một chút… Các ông có thích thơ tình của Nguyễn Đình Thi? Thích nhất bài nào, và vì sao?
-         Tôi không thích lắm mấy bài thơ không vần của cụ Thi viết hồi kháng chiến chống Pháp; nhưng lại rất yêu bài nhớ mà cụ viết tặng M. (người yêu cụ: cụ Mađơlen Ripphô (Pháp). Nhớ được nhạc sỹ Hoàng Vân phổ nguyên văn thành ca khúc Nhớ. Giọng nam trung số 1 của Việt Nam hồi ấy,cố nghệ sỹ ND Qúy Dương từng thể hiện rất thành công.
-         Tôi cũng rất thích bài ấy, nhưng chủ yếu là thích qua bài hát, qua giọng hát Quý Dương. Phải công nhận, âm nhạc, giai điệu phù hợp có sức chắp cánh và nâng cao giá trị của lời thơ lên rất nhiều. Cái duyên thơ – nhạc - nhạc – thơ mới kỳ diệu làm sao! Nguyễn Đình Thi vào nửa cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước còn có 1 bài thơ nổi tiếng rồi cũng được phổ thành bài hát nổi tiếng nữa: Lá đỏ. Nhạc Hoàng Hiệp. Quý Dương, rồi sau đó NSND Quang Thọ hát. Tất nhiên, mỗi bài hay 1 cách; nhưng hình như trong thơ tình của cụ Thi có điểm chung là sự khắc khoải trong đối lập: vất vả đau thương, tươi thắm vô ngần! Nét đặc biệt nhất là sự hòa quyện tự nhiên, ngọt ngào, không hề tỏ ra cộm vướng, gợn sự lên gân, gò gượng giữa tình cảm riêng và tình cảm chung, tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước, nhân dân, lý tưởng.
-         Tôi tán thành ý kiến ông. Nhưng nếu bây giờ còn có ai đó viết thơ tình, kiểu:
Anh yêu em như anh yêu đất nước
           hoặc:
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người!
     Thì nhất định sẽ bị chê là sáo, giả dối, hô khẩu hiệu, nói từ cổ họng …! Nhưng đặt vào thời điểm sáng tác của Nguyễn Đình Thi thì lại thấy sao mà chân thành, tha thiết, đáng yêu và mới mẻ, tầm vóc đến thế!
-         Tôi yêu suốt mấy chục năm qua những câu thơ tình cực kỳ mộc mạc mà không kém phần sang trọng này:
      Anh nhớ em, mỗi bước đường anh bước,
Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn.
     Viết giản dị, chân thành mà nên thơ như thế, ngay cả chính Nguyễn Đình Thi, cũng chỉ làm được … một lần!
-         Tôi lại thích hai hình ảnh lãng mạn tuyệt vời trong bài thơ: Ngôi sao lấp lánh trên đỉnh đèo Mâyngọn lửa rừng bập bùng trong đêm lạnh. Vừa hiện thực vừa tượng trưng vừa tả cảnh vừa tả tình vừa triết lý.
     Ngôi sao trên đỉnh đèo Mây soi đường cho chiến sỹ hành quân cũng là ngôi sao xa, ngôi sao em ở tận phía trời Âu, cũng là ngôi sao mờ, sao tỏ trong ca dao trữ tình giao duyên của ông bà, cha mẹ, lại cũng là ngôi sao lý tưởng cách mạng đang ngời ngợi dẫn đường tuổi trẻ Việt Nam. Thật gần, thật xa; chiến tranh và hòa bình, hiện tại và tương lai. Ngôi sao trong tim, ngôi sao trên mũ, ngôi sao đỉnh trời… thảy đều sáng lên, vẫy gọi. Không bao giờ tắt! Nhưng rốt cuộc là ngôi sao xa vời vợi, khắc khoải, tiếc nuối mà không với được! Hạnh phúc là ước mơ. Chia ly mới là hiện hữu.
     Còn ngọn lửa tình yêu em và tình yêu đất nước, nhân dân, lý tưởng luôn cháy trong trái tim chiến sỹ. Ấm áp và tỏa sáng. Cũng không bao giờ lụi tàn! Đó cũng là hiện thực, ước mơ và niềm an ủi một tình yêu nhỏ không thành. Vì một tình yêu lớn mà chấp nhận hy sinh.
     Một bài thơ chỉ có 3 khổ, 12 câu mà mang chở được những tư tưởng, tình cảm lớn lao, sâu sắc như thế, lại được biểu hiện bằng những hình ảnh chói lọi, rực rỡ, quen mà lạ như vậy, không xứng là 1 trong những bài thơ tình mới mẻ, đặc sắc và độc đáo, của thơ tình cách mạng Việt Nam vừa mới thoát khỏi cái bóng khổng lồ của thơ tình lãng mạn thời Thơ Mới đó sao?!
-         Tôi cho rằng bài thơ Nhớ hay ở tính lý tưởng cách mạng của nó. Tôi nghĩ nếu có một cuốn Tuyển tập thơ tình thế kỷ 20 của Việt Nam hay châu Á chẳng hạn, có lẽ phải có mặt bài này.
-         Chưa chắc! Vì cái ấy còn phải tùy thuộc quan điểm của người tuyển chọn. Tôi chỉ biết rằng Nhớ đã có 1 thời vẻ vang của nó. Với ai, tôi không biết, nhưng riêng tôi, đó là bài tình ca mà tôi vẫn thích ngâm nga, bên cạnh những Tình ca của Hoàng Việt, Tình em của Huy Du, Tình em, biển cả  của Hồng Đăng, Anh đến thăm em một chiều mưa của Tô Vũ… gần đây là Tình ca của Phạm Duy…Những bài ca đi cùng năm tháng, những giai điệu tự hào
-        
-         Ồ! hay quá, vậy ngay bây giờ, đề nghị Nguyễn Đăng cho nghe lại Nhớ của Nguyễn Đình Thi!
-         Sẵn lòng! Nhưng không có đàn thì làm thế nào? Từ lâu tôi đã quen hát cùng tiếng ghita đệm của Đường Văn.
-         Riêng hôm nay, thì ông hãy lấy tạm sóng Nhĩ Hà và tiếng vỗ tay của chúng tôi làm nhạc đệm vậy! OK?
-         …OK!

Chiều 30 – 5 – 2014. ĐV




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét