Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

PHƯƠNG PHÁP TẤM GƯƠNG VÀ BỨC CHÂN DUNG KHÓ VẼ






 Vũ Nho chủ trang
 
PHƯƠNG PHÁP TẤM GƯƠNG VÀ
BỨC CHÂN DUNG KHÓ VẼ

Vũ Nho

        1. Có phải bút pháp Nguyễn Du "không hiện đại " ?
        Chúng ta không xem bút pháp Nguyễn Du trong Truyện Kiều là bút pháp hiện đại, điều ấy thì đã hẳn. Nhưng không phải cái gì không hiện đại đều có nhược điểm. Mỗi thời đại có những đặc trưng riêng về thi pháp. Tuy thế, có những cách thức mà thời nào cũng dùng, không nhất thiết thời sau phải mới hơn thời trước, ưu việt hơn thời trước. Đơn cử phương pháp tấm gương để miêu tả nhân vật. Trong Iliát, Hômerơ đã sử dụng phương pháp này để miêu tả sắc đẹp nàng Hêlen. Khi cô xuất hiện trước hội đồng bô lão thành Tờ-roa, tất cả các cụ già đáng kính đã nói với nhau:
        "Không, không thể nào kết tội những người con của Tờ-roa và Ác-gốt đã phải chịu đựng chiến trận và tai hoạ lâu dài vì một phụ nữ như thế. Cô ta đẹp như một thiên thần".
        Sự trầm trồ thán phục của các cụ già lạnh lùng rằng cô ta đáng để nổ ra một cuộc chiến đẫm máu và nước mắt chứng tỏ HêLen cực đẹp.
        A.Puskin cũng đã sử dụng phương pháp ấy khi tả vẻ đẹp của nữ hoàng Samakhan (Truyện cổ tích về con gà trống vàng)
Nhà vua lặng lẽ nhìn vào mắt nàng
Và trước nàng nhà vua quên bẵng
Cái chết của hai người con trai
        Lép Tônxtôi cũng không hề từ chối phương pháp này khi miêu tả sắc đẹp của Natasa:
        "Khi Anđơrây ôm lấy thân hình mảnh dẻ và linh lợi, nàng lung linh chuyển động sát cạnh chàng, mỉm cười gần sát chàng đến mức chất men của sự kiều diễm làm chàng choáng váng: chàng cảm thấy mình hồi sinh và trẻ lại "
        Létxinh đã tổng kết phương pháp tấm gương như là một kiểu phản ánh "hãy miêu tả sự hài lòng, sự quyến rũ, tình yêu và sự sung sướng mà cái đẹp gợi lên ở chúng tôi, như vậy là các anh đã mô tả chính cái đẹp".
        Nguyễn Du trong "Truyện Kiều" sử dụng phương pháp tấm gương khá nhiều. Để tả sắc đẹp của nàng Kiều, ngoài những miêu tả trực tiếp, Nguyễn Du còn miêu tả thông qua sự say mê của Kim Trọng, sự tính toán mua bán của Mã Giám Sinh, sự khen ngợi của mụ mối, sự đam mê đến liều lĩnh của Thúc Sinh, sự xiêu lòng của Từ Hải, thái độ ngây vì tình của Hồ Tôn Hiến..v.v…
        Sau Nguyễn Du, Phan Bội Châu cũng sử dụng phương pháp này trong tiểu thuyết "Trùng Quang tâm sử". Để tả sắc đẹp của cô Chí: Phan Bội Châu thông qua lời bình phẩm của dân chúng thành Nghệ An, sự say mê của Thừa Tuyên Sử, và nhất là nhân vật Phấn. Con người bình sinh chỉ tôn thờ anh hùng và đàn bà đẹp, thế mà gặp Chí, Phấn thú nhận "Khi ấy tinh thần tôi rất là luống cuống".
        Phương pháp tấm gương không phải là hiện đại, nhưng rõ ràng nó không phải là nhược điểm. Việc miêu tả trực tiếp và miêu tả gián tiếp (phương pháp tấm gương) làm tăng khả năng miêu tả của các nhà văn ở các mức độ khác nhau. Sự thành công của nhà văn, theo tôi, không phụ thuộc lắm vào việc nhà văn ấy sử dụng bút pháp nào, mà chủ yếu vào tài năng của nhà văn ấy đến đâu.
2.     Vì sao khó vẽ nàng Kiều?

        Cùng một bút pháp của Nguyễn Du, nhưng tại sao nàng Kiều lại khó vẽ hơn so với Thuý Vân?  Chúng ta hãy xem Nguyễn Du miêu tả hai người:

Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
        Bảo rằng ước lệ thì đúng là ước lệ. Song dù ước lệ vẫn có những nét dễ hình dung: -mặt tròn, mày cong, tóc xanh hơn mây, da trắng hơn tuyết, miệng tươi như hoa, phong thái chung: trang trọng, đoan trang. Cho rằng đã có thể vẽ được chân dung nàng Vân. Nhiệm vụ của hoạ sĩ là "hoàn thiện thêm" tất cả các nét, ta sẽ có chân dung nàng Kiều! Vấn đề không giản đơn như vậy, vì Thuý Kiều không đẹp vẻ đẹp của Thuý Vân. "Mỗi người một vẻ" kia mà! Nếu Thuý Vân "mười phân vẹn mười" của vẻ đẹp phúc hậu đoan trang thì Thuý Kiều "mười phân vẹn mười" của vẻ đẹp sắc sảo mặn mà. Chúng ta hình dung Thuý Kiều như thế nào qua những câu thơ này:
Làn thu thuỷ nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Gương mặt: không rõ, đường nét lông mày: không rõ, màu tóc: không rõ, miệng: không rõ. Nếu so với nàng Vân, Nguyễn Du có tả kĩ hơn một chút về mắt nàng Kiều (Làn thu thuỷ, nét xuân sơn) nhưng các yếu tố khác đều không rõ, không cụ thể. Hoa ghen thua thắm, sắc thắm ấy là của làn môi, của đôi má, hay là của vẻ duyên dáng đằm thắm? Liễu hờn kém xanh, màu xanh ấy của mắt xanh, tóc xanh, hay của tuổi xanh "hải đường mơn mởn cành tơ"?
        Đến đây thì đã quá rõ vì sao vẽ Thuý Kiều khó hơn nhiều so với Thuý Vân. Hơn thế nữa, ta có thể có ý niệm về vẻ đẹp mê hồn làm"nghiêng nước nghiêng thành" nhưng vẻ đẹp ấy "vẽ" ra làm sao được? Lại còn làm thế nào để "vẽ " được tài đàn, tài nhạc, tài thơ trên gương mặt nàng?
        Nguyễn Du đã rất khôn ngoan khi ông chỉ tả nàng Kiều với những ấn tượng tổng quát, với biện pháp tấm gương. Trong "Truyện Kiều" ít nhất có khoảng gần 40 lần Nguyễn Du nói đến gương mặt của nàng, nhưng đều là "mặt" không định ngữ (Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu…) hoặc là gương mặt ẩn dụ không rõ đường nét (ủ dột thu ba, đào hoen quẹn má…) Nguyễn Du đã không vẽ Kiều rõ ràng bằng ngôn ngữ làm sao các hoạ sĩ lại có thể "phiên bản" thành công được?
        Nhân nói về vẽ chân dung, tôi nhớ đến chuyện A. Puskin miêu tả hai chị em Ônga và Tachiana trong "Épghênhi Ônhêghin". Một điều trung hợp khá lí thú là cô em Ônga cũng có khuôn mặt tròn như Thuý Vân, cuộc sống nội tâm cũng đơn giản như Thuý Vân (Ta nhớ lại Thuý Vân cười khi chị khóc trước mộ Đạm Tiên, Thuý Vân ngủ say trong đêm gia biến…). Giáo sư V.G. Maransman cho biết các hoạ sĩ Nga dễ dàng vẽ chân dung Ônga. Với cô chị Tachiana thì khó hơn nhiều. Không bao giờ các hoạ sĩ vẽ nàng rõ mặt. Bao giờ khuôn mặt nàng cũng được thể hiện chìm trong "ánh hoàng hôn, ánh nến, ánh trăng hay
trong ánh lò sưởi". Có lẽ đây là một gợi ý giải pháp cho các hoạ sĩ khi vẽ Thuý Kiều chăng?

Bài in trong “ Vũ Nho – Đi giữa miền thơ”. Nxb Văn hóa Thông tin, 2001, trang 18.







6 nhận xét:

  1. Lời bình của trang chủ thật sắc xảo. Hình như ít giáo viên dạy văn bình giảng điều này. Rất cám ơn trang chủ

    GV

    Trả lờiXóa
  2. Em thích câu Kiều, xưa mẹ ru:
    Bóng trăng đã xế, hoa lê lại gần
    Trong văn học, cặp chị em yêu mến, với "Con đường đau khổ", hai chị em Katya và Đasa trải qua những lầm lạc đau khổ, nhưng nhờ những khát vọng chân thành và..
    “Năm tháng sẽ qua đi, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, chỉ còn lại không phôi pha tình em, nhẫn nại, dịu dàng, và chan chứa yêu thương”.
    .
    Những yêu thương và nhẫn nại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác VANPHAM!
      Bác có những ấn tượng sâu về tác phẩm văn học!
      Chủ trang VNNB

      Xóa
  3. xưa mua sách khó, báo mạng chưa có, dạy văn ít đọc thêm. Bác viết tiếp các bài đang dạy bây giờ cho lớp trẻ thích học văn hơn đi nhà PB ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn nhà thơ BKA!
      Thế là đã CÒM thành công rồi!
      Chúc mừng!
      VN se cố gắng. nhưng vừa làm vừa chơi mà CHƠI là chính thôi!

      Xóa