Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

SA HÀNH ĐOẢN CA

                       

Cảm nhận về bài thơ: “Sa hành đoản ca” của Cao Bá Quát
                                                    Nguyễn Thanh Mai

Chúng ta từng biết đến Cao Bá Quát (1809?- 1855), một con người nổi tiếng về tài năng, lừng danh về khí phách; đã từng vào đời bằng tuyên ngôn đầy ắp sự trẻ trung:
Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mắt trần toan đạp cửa phù đồ
 Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay tạo rắp xoay cơn khí số”.
Và cho đến phút cuối cùng của đời mình, đã ngã xuống giữa trận tiền và hi sinh trong tư thế chiến đấu.
Nhưng, bên cạnh một hình ảnh Cao Bá Quát với sức sống mãnh liệt, giàu nghị lực, giàu niềm tin, sẵn sàng hy sinh để xoay đổi lại số mệnh, còn có một  Cao Bá Quát – con người của những đêm không ngủ. Đến với các bài thơ: Dạ toạ, Độc dạ cảm hoài; Độc dạ tức sự; Độc dạ khiển hoài, Hàn dạ ngâm, Thu dạ độc toạ tức sự, Tự vũ chung dạ cảm tác …, ta luôn thấy chứa chất một bầu tâm sự day dứt, những băn khoăn nhức nhối, những nỗi đau đời được diễn tả bằng những hỡnh ảnh thơ có sức lay động, ám ảnh, mang một tầm khái quát hiện thực sâu sắc hơn.
 “Sa hành đoản ca” là một ví dụ.
                                                          *
                                                       *     *
      Hiện nay, có hai giả thiết về hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Nếu cho rằng bài thơ được hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi Hội, qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị thì có thể thấy, chất hiện thực tươi ròng của đời sống đã ùa vào trang viết, và đây là điểm rất đáng chú ý của ngòi bút ít nhiều đã thoát khỏi tính qui phạm trong việc lựa chọn ngôn ngữ, hình ảnh.
 Còn nếu bài thơ được thành hình trong những năm Cao Bá Quát đã làm quan cho nhà Nguyễn, có thể thấy sức khái quát ghê gớm của hình tượng, nỗi ám ảnh về con đường danh lợi đã khiến ông trăn trở, nhức nhối đến tận đáy tâm can.
Dù hiểu theo cách nào thì bài thơ cũng là tiếng lòng phẫn uất của kẻ sĩ đang loay hoay, bế tắc giữa sa mạc mênh mông bỏng rát của cuộc đời.
Bài thơ viết theo thể hành – một thể thơ cổ, có tính chất tự do phóng khoáng, không gò bó về số câu, độ dài của câu, niêm luật, bằng trắc, vần điệu. 16 câu dài ngắn khác nhau (6 câu 5 chữ; 9 câu 7 chữ; 1 câu 8 chữ); sử dụng nhiều vần – cả vần bằng, vần trắc; nhạc điệu tiết tấu biến hoá linh hoạt – bản thân hình thức ấy đã ít nhiều diễn đạt được sự gập ghềnh trúc trắc của những bước đi trên cát – và khúc tâm trạng với nhiều xung đột, biến tấu của nhân vật trữ tình.
Nếu được so sánh bản phiên âm với bản dịch nghĩa, dịch thơ, ta thấy bản dịch thơ của Tố Hữu (Sách giáo khoa Ngữ văn 11- NXB Giáo dục, Hà Nội, 2009, trang ) về cơ bản đã trung thành với nguyên tác, có chỗ diễn tả thần thái cảm xúc của nhân vật trữ tình khá sâu sắc. Ví như câu 11: Bãi cát dài, bãi cát dài ơi! Thêm một tiếng ơi câu thơ là lời than, là tiếng gọi tha thiết. Bãi cát dài – con đường công danh gập ghềnh với ta là con đường ghê sợ; nhưng dù sao nó cũng là bạn đường của ta, cùng ta gắn bó với bao buồn vui, được mất ở đời. Lời thơ dịch làm tăng thêm sắc thái biểu cảm của nhân vật.
Tuy nhiên có một vài chỗ xin được lưu ý như sau.
Thứ nhất: bản phiên âm có 16 câu; bản dịch bị dôi ra thành 17 câu. Trong nguyên tác, ý đối chọi tương phản: thản lộ mang mang / uý lộ đa  “nhốt” trong 1 câu 12 tạo nên ấn tượng gay gắt, giọng điệu u uất, bi phẫn. Khi dịch thành hai câu 12, 13:  “Tính sao đây? đường bằng mờ mịt/ Đường ghê sợ còn nhiều đâu ít”, hơi thơ đuối hẳn.
Thứ hai: bốn câu đầu trong bản phiên âm viết theo thể ngũ ngôn với nhiều thanh trắc chuyển sang thất ngôn ở phần thơ dịch, ấn tượng về sự khó nhọc bị suy giảm. Trong bản dịch trích từ cuốn “Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX của Đặng Thanh Lê – Hoàng Hữu Yên – Phạm Luận (Nhà xuất bản Giáo Dục 1990 ):                                                  Bãi cát lại bãi cát!
Một bước lại thụt lùi
Trời lặn đi chưa thôi
Hành khách luống sụt sùi …
Bãi cát! Bãi cát! ngao ngán lòng
Đường nguy hiểm: lắm, đường bằng phẳng mịt mùng!
Hãy nghe ta hát bài ca cùng đường
Phía Bắc núi Bắc núi muôn lớp
Phía Nam bể Nam sóng muôn cấp
Sao một mình ta trên bãi cát ?
 những nhược điểm trên đã được khắc phục     
                                                          *
                                                       *     *

“ Sa hành đoản ca” – chỉ bốn chữ mà mở ra một không gian mênh mang của những con đường đi trên cát, và bài ca – tiếng hát của nhân vật trữ tình như còn ẩn chứa những uẩn ức không dễ tỏ bầy, những điều không thể nói hết.
Dễ nhận thấy cả bài thơ xoay quanh hai trục hình tượng : cát và tiếng hát – tiếng lòng của người đi trên cát.
Trường sa phục trường sa/ Nhất bộ nhất hồi khước”
( Bãi cát dài lại bãi cát dài/ Đi một bước như lùi một bước)
     1. Hình tượng cát
       Ai đã từng qua dải đất miền Trung khắc nghiệt, quanh năm chỉ có gió Lào và cát trắng, sẽ hiểu cảm giác ngun ngút cô đơn của khách bộ hành khi trước mặt chỉ có cát và cát! Cát trải mênh mang giữa cái nắng chang chang; cát bay mịt mù trong những chiều trở gió. Đặt trong bối cảnh thời gian: “Mặt trời đã lặn” con đường cát càng trở nên thăm thẳm mịt mùng, không biết đâu là chốn dừng, không biết đâu là bờ là bến.
Đến phần kết bài thơ, con đường ấy còn như bị vây bọc bởi phía Bắc núi tiếp núi, phía Nam sóng muôn đợt. Lối điệp ngữ, đối ngữ “Bắc sơn chi Bắc”/ “Nam sơn chi Nam”; “Sơn vạn điệp”/ “Ba vạn cấp”  như dựng lên cái thế trùng điệp của những bức tường thành đã chặn đứng con đường đi của người lữ thứ.
Ấn tượng nhất có lẽ là cảm giác: “Nhất bộ nhất hồi khước” (đi một bước như lùi một bước) càng dấn bước càng như lún xuống. Dường như không còn ý niệm về sự tiến triển.
Nếu ở câu thơ đầu, tác giả dùng 4/5 thanh bằng, và sự lặp lại tiếp nối của hai chữ Trường sa…trường sa như mở ra một không gian vô tận, thì ở ba câu tiếp, tác giả lại sử dụng mỗi câu 4/5 thanh trắc: “ Nhất bộ nhất hồi khước/ Nhật nhập hành vị dĩ/ Khách tử lệ giao lạc”;  tiết tấu của câu thứ hai buộc ta phải đọc rời: Nhất bộ / nhất/ hồi khước ( 2 – 1 - 2)  cảm giác như nghe được cả bước chân nhọc nhằn và hơi thở đứt nhịp của khách bộ hành trên mỗi bước của dặm đường thiên lý.
Ta biết, hình ảnh con đường và hình tượng người đi đường vốn không xa lạ gì trong văn chương kim cổ. Từ “Thục đạo nan” (Lý Bạch) đến con đường trong phần kết “Cố hương” (Lỗ Tấn); từ “đường thế đồ gót rõ kì khu” (Nguyễn Gia Thiều) đến hình ảnh “cùng đồ” trong thơ chữ Hán Nguyễn Du; làm trong những năm phiêu bạt; t Puskin trong “con đường mùa đông” đến Leptônxtôi trong “Hai tâm trạng” ta đã gặp hình tượng những con người đi tìm lý tưởng, tìm đường đi trên đường đời. Vì vậy, không khó để nhận ra rằng , khi nhà thơ nhắc đến chuyện “Đăng sơn thiệp thuỷ” (Lội nước trèo non) hay “ thản lộ”; “uý lộ” Đường bằng phẳng; đường ghê sợ) rồi “Bôn tẩu lộ đồ trung” (tất tả trên đường) thì hình ảnh con đường đã trở thành biểu tượng cho đường công danh nhọc nhằn; con đường đời mờ mịt mà tác giả và bao trí thức đương thời phải đi.
Nét sáng tạo mới mẻ ở đây là con đường ấy là đường đi trên cát. Thơ xưa thường nói đến cát gắn liền với vẻ hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên (“Chử thanh sa bạch, điểu phi hồi” – “Đăng cao” – Đỗ Phủ) hay vẻ hoang tàn nơi chiến địa (Chinh Phụ Ngâm) – ở đây, cát lại hiện lên như cái hoang mạc cô liêu của cuộc đời, và đường đi trên cát “Đi một bước như lùi một bước” trắc trở gian truân là đường công danh của kẻ sĩ. Hình ảnh thơ đã rũ bỏ khuôn sáo ước lệ để đem lại cho người đọc ấn tượng mới mẻ, cụ thể đến gai gợn, rùng mình của thứ ngôn ngữ được sinh ra từ mồ hôi nước mắt trầy trật của cuộc đời! Đến đây, phải chăng, hình ảnh con đường đời xuất hiện giữa lúc mặt trời đã lặn còn gợi liên tưởng đến con đường đầy hiểm họa, tai ương, bất trắc đối với kẻ tài hoa đang dầm chân trong bóng đêm của chế độ phong kiến sắp suy tàn.
Cả bài thơ đặt trong ràng rịt những mối quan hệ, những mâu thuẫn: bài ca thì ngắn >< bãi cát thì dài; mặt trời đã lặn >< khách chưa dừng đựơc. Mọi người đua chen nơi quán rượu >< mình ta bước lấy bước thụt trên đường đời; người tỉnh thì ít >< người say thì nhiều; bước đường cùng rồi >< mình ta trên cát … Ở mười câu đầu của bài thơ, không gian mịt mùng nhưng vẫn là không gian động – vì khách bộ hành vẫn mải mê dấn bước. Dù mặt trời của thiên nhiên đã lặn, nhưng mặt trời lí tưởng trong lòng anh ta vẫn hối thúc. Đến mười câu sau, khách đã dừng, không gian như bị đóng sập bởi núi chắn phía Bắc, biển động phía Nam. Hình tượng con người hiện ra thật cô độc nhỏ nhoi, mỗi bước đi là nước mắt rơi lã chã, nhưng vẫn quả quyết và mạnh mẽ. Bởi người ấy đã đi, xuyên qua đêm tối, trầy trật qua những trảng cát, chỉ đến khi “tuyệt lộ cùng đường” không còn chỗ để đi, anh ta mới chịu dừng.
Vậy người đi đường ơi, anh là ai?
2. Người đi đường
 Ở bốn câu đầu, hình tượng con người được đặt trong thế đối lập với không gian, thời gian để ấn tượng về nỗi cô đơn hiện lên càng thăm thẳm. Đến sáu câu tiếp theo, hình ảnh con người lại đối lập với chính con người (“khách bộ hành”- kẻ phàm trần- đối lập với “tiên ông” -  người có phép lạ; khách bộ hành nhọc nhằn “đi một bước như lùi một bước” - đối lập với những kẻ tất tả đua chen say theo mồi vinh hoa nơi “ phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu”) và cuối cùng: “Quân hồ vi hồ sa thượng lập” – chỉ còn nỗi hoang mang đến cùng cực, tâm trạng đau đớn đến bế tắc trong câu hỏi nhức nhối – “ Anh đứng làm gì?” – có phải anh đang tự mâu thuẫn với chính mình không? Một loạt câu hỏi: “nại cừ hà?” (biết tính sao đây?) “Quân hồ vi hồ sa thượng lập” ( anh đứng làm chi trên bãi cát) đến 200 năm sau còn vang lên thống thiết.
Những câu hỏi riết róng, bức bối đến nao lòng.
Một hình tượng thơ thật lay thức và ám ảnh.
Nếu biết rằng đến giữa thế kỷ XIX, nhu cầu đổi mới, canh tân đất nước đã được đặt ra khắc khoải, khẩn thiết; người Việt Nam nói chung và Cao Bá Quát  nói riêng đã tiếp xúc với nền văn hoá phương Tây; và Cao Bá Quát  - con người mẫn cảm- đã có cảm nhận bước đầu về sự cần thiết của đổi mới  giáo dục qua cái nhìn chán ghét với lối học cũ (giật mình khi ở xó nhà - văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi) – mới thấy sức chứa, sức gợi mở của hình tượng. Cao Bá Quát  - con người từng nổi tiếng thần đồng, tiếng tăm lẫy lừng khắp Kinh Bắc và Long Thành – 14 tuổi đứng đầu xứ trong kì thi khảo hạch ; chín năm, sau bốn lần đi thi mới đỗ Cử nhân (1831); đỗ thứ Nhì ở trường thi thì bị Bộ Lễ đánh tụt xuống chót bảng; rồi chín năm sau nữa, ba lần thi Hội tiếp, đều bị đánh hỏng; mười năm sống trong cảnh bần bách, đến 1841, chế độ phong kiến tự thấy không dùng ông thì không có lợi mới giao cho một chân thơ lại nhỏ mọn ở Huế thì liên tục bị cách chức, bị tù đày, có lúc phải chịu những nhục hình man rợ… mới hiểu vì sao, đường công danh là con đường ghê sợ – mỗi bước đi, một nóng bỏng; mỗi bước là nước mắt tuôn rơi ( Khách tử lệ giao lạc!). Bài thơ kết thúc trong hình ảnh: mặt trời đã lặn, đường đã hết nhưng âm hưởng của tiếng sóng vang động, dào dạt hay bão tố của cõi lòng còn vang lên thổn thức giữa nhân gian. Tuyệt vọng, cùng đường mà bi tráng.
Mà trước mắt ông, giai cấp thống trị từ vua quan đến lý dịch cường hào đều một phường ác bá. Trong thư gửi bạn Lê Hi Vĩnh, Cao Bá Quát đã viết:
Và báo cho bạn cũ tôi là Lê Hi Vĩnh biết
Rằng tôi còn khoẻ, không chết chỉ mắc chứng điên mà thôi!”
***
Ở bài thơ, hình tượng người đi trên bãi cát được tác giả thể hiện không đơn nhất mà đa chiều – khi thì được miêu tả như một khách thể (nhà thơ tự tách mình ra để ngắm mình “ Khách tử lệ giao lạc”; khi xuất hiện như một người đối thoại ( “Quân bất học tiêu gia mĩ thuỵ ông” ; “Quân hồ vi hồ sa thượng lập”); có lúc lại được miêu tả như một chủ thể ẩn đi sau câu hỏi  trăn trở suy tư (“nại cừ hà?”). Như vậy, cái tôi trữ tình như được  đặt trên một bàn xoay – khẽ xoay chiều này – ta gặp con đường cô đơn; khẽ xoay chiều kia – ta gặp con người oán hờn, khẽ xoay khẽ xoay – ta gặp con người trong nỗi đớn đau, phẫn uất … những cảnh huống, những tâm trạng, những nỗi lòng, vì thế mà không nguôi trăn trở …
Đến đây, có thể ai đó sẽ hỏi rằng: Con đường danh lợi chông gai nhọc nhằn như vậy, họ đi để làm gì? Rồi vừa đi vừa kêu khổ?
Bi kịch là ở chỗ ấy. Biết là gian truân mà ta đâu dễ gì chối bỏ! (cũng như tình yêu, biết là đau khổ mà có mấy ai từ chối nó bao giờ!) Dù đã sớm nhìn ra bộ mặt nhếch nhác của bọn kẻ sĩ… “Nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn” … mỏi gối quì mòn sân trướng phủ” (Tài tử đa cùng phú). Nhưng người thanh niên họ Cao vẫn phải dùi mài nghiên bút, đi học, đi thi. Bởi muốn thực hiện chí khí và hoài bão “trí quân trạch dân”, người trí thức xưa không còn con đường nào khác. Có chăng, cái khác giữa Cao Bá Quát và phường danh lợi là ở sự nhận thức, đánh giá, lựa chọn cách sống. Dù thất bại chồng chất trong trường thi cũng như trên hoạn đồ, nhưng chưa bao giờ, Cao Bá Quát chịu đánh đổi phẩm chất của mình để kiếm tìm công danh phú quí. Chính vì thế, sau này, ông đứng lên chống lại triều đình và phải chịu lưỡi gươm oan nghiệt cùng cái án tru di tam tộc bi thảm. Nhưng giữa cuộc đời và trong những trang văn – Cao Bá Quát vẫn là một hình tượng thơ toả sáng.                                                                   *
*   *
             “Sa hành đoản ca”- tiếng hát ngay từ đầu đã hoá thành tiếng khóc. Một tiếng khóc u uất và bi tráng chứa đựng sự phản kháng âm thầm với trật tự xã hội hiện hành và cảnh báo một sự thay đổi tất yếu trong tương lai.
Và, giữa cuộc sống còn quá nhiều điều ngổn ngang phức tạp như ngày hôm nay, có lúc nào bạn biết băn khoăn, trăn trở, dừng lại để nhận mình, nhìn lại mình, nhìn lại con đường mà những kẻ sĩ chân chính trong thời đại mới phải đi?
Đâu phải, chỉ có những con đường “thêng thang tám thước” để ta hăm hở quả quyết “thẳng lưng mà bước ngẩng đầu mà bay”? Thế hệ trẻ chúng ta cũng phải loay hoay tìm đường để dân tộc mình không phải dầm chân trong nghèo nàn lạc hậu, đó là điều chúng ta có thể nhận được từ bài thơ của Cao Bá Quát ra đời cách chúng ta đã mấy trăm năm...

                                                                       Thái Nguyên, rạng sáng 12/ 9/ 2013
Nguyễn Thanh Mai

4 nhận xét:

  1. ***
    Bài viết sâu sắc, tinh tế, có những khám phá riêng khá thú vị . Cách
    diễn đạt giàu cảm xúc, đồng cảm và chia sẻ tri âm (chẳng hạn đoạn cái
    bàn xoay, xoay phái này, hiện ra, xoay phía kia lại hiện ra...Chỉ tiếc
    đoạn cuối có mấy lỗi phông chữ. Không biết bạn có phải là cô giáo
    chuyên dạy văn học trung đại của ĐH Thái Nguyên? Chúc mừng cô bạn trẻ.
    Đường Văn (Hà Nội).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Đường Văn. Bạn đã không ngại viết riêng một COM gửi chủ trang. Cói lẽ đã đến lúc ĐV nên học cách còm trực tiếp!
      Tôi xin lỗi vì văn bản gốc có trục trặc, nên khi chuyển từ FONT sang FONT mới để đăng Blog có một vài lỗi vi tính ở cuối bài. Đã sửa lại theo nhận xét của Đường Văn!
      Cô Thanh mai là GV của trường THPT Gang Thép Thái Nguyên, là GV giỏi cấp tỉnh và là Hội viên, cộng tác viên Văn Nghệ Thái Nguyên và một số baod Trung ương.

      Xóa