Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Sự thật hay chỉ là... Ước mơ?


Sự thật hay chỉ là... Ước mơ?

Hoàng Dân

Có một bài ca dao về phúc phận vợ chồng có lẽ sẽ còn mới tới muôn đời:
       Đàn ông lấy được vợ hiền
Như cầm đồng tiền mua được của ngon
       Đàn bà lấy được chồng khôn
Khác gì cá vượt vũ môn hóa rồng
Đàn ông lấy vợ và đàn bà lấy chồng thì đó là việc bình thường đến mức chẳng có gì đáng nói! Nhưng nếu người ba đấng của ba loài; đừng thấy đầu đen mà tưởng là người, đừng vội thấy đỏ mà ngỡ là chín... thì vợ cũng có ba bảy loại và chồng cũng có ngũ lục hạng khác nhau! Có loại vợ dâu dữ mất họ hàng, chó dữ mất láng giềng! Có loại chồng:
                                                   - Chồng người đi ngược về xuôi
Chồng em ngồi bếp để sờ đuôi con mèo
   - Chồng người vác giáo săn beo
Chồng em cầm đũa đuổi mèo quanh mâm
Những loại vợ và chồng như thế đã gây nên một tấn bi kịch tinh thần thật đáng sợ:
- Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu nặng mình
                                                -  Ba năm ở với người đần
                                           Chẳng bằng một lúc ghé gần người khôn
Vậy vợ hiền là vợ như thế nào? Trước hết, đó là người vợ có hiểu biết, luôn ý thức một cách sâu sắc rằng:

-         Thuyền theo lái, gái theo chồng
-         Con gái xuất giá theo chồng hưởng lộc nhà chồng
-         Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người
-         Chàng ơi cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
-         Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo
...
Thương yêu, quí trọng chồng và qua đó tôn trọng họ hàng nhà chồng, bạn bè của chồng. Người chồng (tất nhiên cũng phải là người có hiểu biết) dần dần sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc do người vợ đem lại, thầm biết ơn người vợ, tự hào về người vợ và sẽ có ý thức tự giác thực thi bổn phận của mình. Tóm lại, vợ hiền là người vợ hết lòng vì chồng; coi buồn vui, vinh nhục của người chồng chính là buồn vui, vinh nhục của mình; luôn là chỗ dựa tâm lí và tình cảm cho chồng, tạo cho người chồng một trạng thái thăng bằng giữa cuộc đời đầy rẫy những bất trắc đảo điên. Không phải ngẫu nhiên mà người ta bảo vợ là người bạn đời của chồng. Đó là người bạn giúp cho chồng có thể sống thêm một cuộc đời nữa (vốn sống, kinh nghiệm của người vợ) và suốt đời gắn bó với chồng như một cái giá đỡ tinh thần vô điều kiện và cực kì hiệu quả.
Khi so sánh vợ hiền như cầm đồng tiền mua được của ngon hẳn là nhân dân ta muốn nhấn mạnh đến yếu tố lựa chọn? Tuy tiền nào của nấy thật, nhưng chắc gì những thứ đắt tiền đã là của ngon? Đồng tiền còn bị chi phối bởi yếu tố chủ quan của người sử dụng nó. Có cái chủ quan phù hợp với thực tế và cũng có cái chủ quan mù quáng. Nhiều tiền mà vẫn có khi rước phải của ôi, của giả tưởng cũng không phải chuyện lạ. Nó cũng giống như việc đàn ông được quyền kén chọn vợ, nhưng có người tỉnh táo sáng suốt và cũng không ít kẻ u mê nhu nhược. Kẻ sáng suốt thì được hưởng quả phúc như lời dạy trong câu tục ngữ: Giàu vì bạn, sang vì vợ và kẻ u mê sẽ bị trừng phạt theo luật chó dữ mất láng giềng! Người ta bảo, lấy được vợ hiền không chỉ có người chồng được tôn vinh, mà là ba đời nhà chồng trong ấm ngoài êm, đó là: cha mẹ chồng được kính trọng, bản thân người chồng được kính trọng và những đứa con được giáo dục chu đáo. Tuy nhiên, ngay cả khi đã quyết định lấy ai làm vợ rồi, người chồng vẫn phải tâm niệm:
Dạy con từ thuở còn thơ
                                            Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về
Trong thực tế, có những người đàn bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình nền nếp, có giáo dục thì tự họ đã có tư chất để trở thành vợ hiền; còn lại phần nhiều là do người chồng tác động, uốn nắn. Nói dạy vợ là nói theo nghĩa rộng và trong mối quan hệ ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, trong đó người chồng vừa là một tấm gương, vừa phải đóng vai một vị trọng tài công minh. Xử lí hài hòa mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, mẹ đẻ – con trai, chồng – vợ vốn là chuyện vô cùng khó khăn và cực kì tế nhị của muôn đời, mà trong đó người chồng bao giờ cũng là một cái gạch nối giữa mẹ chồng và nàng dâu.
Ngược lại, với người đàn bà thì:
   Đàn bà lấy được chồng khôn  
Khác gì cá vượt vũ môn hóa rồng
Chồng khôn là chồng như thế nào? Tất nhiên, trước hết phải là một người chồng có trí tuệ, lịch lãm, từng trải. Nếu chỉ theo cái tiêu chuẩn chữ nghĩa thì:
         Đêm nằm nghĩ lại mà coi
Lấy chồng hay chữ như soi gương vàng
Người vợ thường rất hãnh diện về người chồng giỏi giang, quan hệ rộng, được mọi người tôn trọng. Nhờ các mối quan hệ và vị thế của người chồng mà người vợ cũng có điều kiện để khẳng định mình và khẳng định vai trò của mình đối với chồng, với nhà chồng, với bạn bè của chồng. Người chồng sẽ trở thành điểm tựa vững chắc cho người vợ và cả con cái. Đàn bà có chồng lấy con làm lãi. Con cái là niềm hạnh phúc bằng xương bằng thịt của những người vợ, người mẹ. Ngoài yếu tố giáo dục ra thì cái đầu của người chồng có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nên tư chất của những đứa con. Đầu óc của người cha sáng láng thì những đứa con cũng được thừa hưởng và ngược lại, nếu đầu óc của người cha tăm tối thì... những đứa con cũng khó mà... đột biến! Lấy được chồng khôn, người vợ không chỉ được chồng, mà còn được con. Có lẽ việc được sống trọn đời với một người chồng tử tế và nhìn thấy những đứa con ngoan trưởng thành mới chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của những người vợ; còn công danh chức tước, tiền bạc... vốn không phải là những thứ mà những người vợ thông minh ham hố một cách mù quáng. Vì vậy, nhiều người vợ có thể cắn răng chịu khổ, chịu nhục; kiên trì cảm hóa chồng, giáo dục con cái để bảo vệ mái ấm hạnh phúc bình dị của mình trước bao hiểm họa của cuộc đời. Trong mối quan hệ tương tác chồng – vợ, người chồng có vai trò là một tác nhân giúp người vợ bộc lộ tất cả những phẩm chất tốt đẹp của mình. Khi người vợ đã có đủ tư chất để hóa rồng thì người chồng khôn sẽ là một cái bệ phóng kích thích người vợ thăng hoa ngoạn mục như một giấc mơ:
         Đôi ta làm bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng
Tuy nhiên, hình như bài ca dao trên chỉ là ước mơ về một cặp vợ chồng lí tưởng, còn trong thực tế lại có một chân lí khá phũ phàng:
- Thế gian được vợ hỏng chồng
Có phải như rồng mà được cả đôi
                                             - Chồng gì anh, vợ gì tôi
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây!
                                               Mỗi người một nợ cầm tay
Đời xưa nợ vợ, đời nay nợ chồng
Tuy nhiên, cũng còn một cách hiểu khác về bài ca dao này. Khi nói “Đàn ông lấy được vợ hiền/Như cầm đồng tiền mua được của ngon” thì theo nghĩa đen là sử dụng hết công suất của đồng tiền, nghĩa bóng là “lựa chọn cái ít xấu nhất trong những cái xấu nói chung”. Còn “Đàn bà lấy được chồng khôn/Khác gì cá vượt vũ môn hoá rồng” thì theo nghĩa đen là may mắn, nghĩa bóng là “thay đổi về đẳng cấp” từ “cá” lên “rồng”, tức là một sự thay đổi thân phận tuyệt đối.
                                                                                        Núi Bò-Hà Nội
                                                                                                22.9.2001


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét