Bài thơ “Con Cóc”
CAO NGỌC THẮNG
“Con cóc
trong hang,
Con cóc nhảy ra.
Con cóc nhảy ra,
Con cóc ngồi đấy.
Con cóc ngồi đấy,
Con cóc nhảy đi...”
Con cóc nhảy ra.
Con cóc nhảy ra,
Con cóc ngồi đấy.
Con cóc ngồi đấy,
Con cóc nhảy đi...”
Phải
chăng, bài thơ chỉ đơn giản mô tả hành động của một con cóc từ trong hang nhảy
ra, ngồi đó rồi lại nhảy đi. Nếu chỉ có vậy, bài thơ này rất… luẩn quẩn, bế
tắc. Nhưng, nếu chỉ có thế thì bài thơ này sao lại sống dai như vậy.
Ngay cả đến vua Lê Thánh Tôn cũng phải hạ bút vịnh con cóc, vừa để tỏ rõ khí
phách của bậc chính nhân quân tử, mà lại khiêm nhường và gần dân, vừa nói chính
xác vị thế thưc-hư của cóc:
“Bác mẹ sinh ra mặc áo sồi
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
Chép miệng nuốt ba con kiến gió
Nghiến răng chuyển động bốn phương
trời”
Không
phải vô cớ mà tiền nhân gửi lại cho hậu thế chỉ vài chữ bâng quơ để thiên hạ
mua vui.
Xưa,
người Việt tôn con cóc bé nhỏ, xấu xí lên ngôi “Cậu ông Trời”, quả là hiếm có! Trong
thiên nhiên có rất nhiều loài, động vật và thực vật, có khả năng dự báo thời
tiết. Nhưng, cóc lại có vị trí độc tôn, bởi nó rất gần gụi với người. Nó ở đâu
đó ngoài vườn, mép ao, trong xó nhà, thậm chí dưới gậm giường. Nó ho lụ
khụ. Nó nghiến răng kèn kẹt. Đó là những báo hiệu thời tiết sắp sửa thay
đổi, tức là đất trời có chuyển động, từ trạng thái này sang trạng thái khác,
liên quan tới sức khỏe con người, tới mùa vụ trồng trọt, chăn nuôi. Nhà nông
tin cóc và coi cóc là bạn. Quan hệ giữa người và cóc là quan hệ bình đẳng.
Người có thể dùng nhiều loài động vật làm thức ăn, nhưng với cóc thật hãn hữu,
chỉ khi nào trong nhà có trẻ con sài đẹn, còi cọc chậm lớn, người mới dùng cóc
làm thang, làm thuốc trị bệnh. Truyện “Cóc kiện Trời” và cóc trở thành “cậu ông
Trời”, người đã cấp cho cóc một địa vị và trao một sứ mạng cao cả, đến
mức “Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho”. Chẳng thế mà có câu: “người định không
bằng giời định” hay “ người đánh không bằng trời đánh”!
Ở bài
thơ “Con Cóc”, sứ mạng của cóc còn cao hơn nữa. Cóc không chỉ là hàn thử
biểu đo “độ co dãn” của thời tiết, mà vận động của nó, qua từng trạng thái
chuyển đông, hàm chứa vận động của thời thế tuân theo quy luật tương sinh tương
hỗ. Thật vậy!
Bài thơ
có 6 dòng, mỗi dòng 4 chữ, tổng số có 24 lượt chữ trên 9 chữ khác nhau. Chia
đều (chứ không chi ly) 24 lượt chữ cho 9 chữ, mỗi chữ 2 lượt, dư 6. Con số dư
và số dòng của bài thơ đều là 6. Dấu hiệu đầu tiên của chiếc chìa khóa cần tìm
đã lờ mờ hiện ra.
Xét
tiếp, ta thấy trạng thái vận động của cóc trong bài thơ chỉ có 2 dạng: ngồi và
nhảy, tức là tĩnh và động. Tĩnh ở câu 1 và lặp lại ở 2 câu
4-5. Động lặp lại ở câu 2-3 và độc lập ở câu 6.
Sự lặp
lại trạng thái vận động của chủ thể (con cóc) thành 2 cặp câu đăng đối 2-3 và
4-5 (động-động/tĩnh-tĩnh) và câu 1 và câu 6 (tĩnh/động) độc lập đăng đối, đã
gợi cho một thao tác tiếp theo. Tĩnh là âm (vạch đứt), động là dương
(vạch liền), ta dựng được sơ đồ, lần lượt từ câu 1 đến câu 6 như sau:
Âm-Dương-Dương-Âm-Âm-Dương, đủ 6 hào của một quẻ trong Kinh Dịch.
Đó là quẻ Cổ. Thật thú vị!
Sách
“Kinh Dịch” – trọn bộ, do Ngô Tất Tố dịch và chú giải (Nxb Văn hóa Thông tin,
2011), từ trang 267 đến 276, đã giải thích rất cặn kẽ ý nghĩa của quẻ Cổ và 6
hào của nó trong thế biến dịch. Quẻ Cổ do 2 quẻ: Cấn (Âm-Dương-Dương) và Tốn
(Âm-Âm-Dương), tạo nên tượng quẻ - dưới núi có gió. Dưới núi có gió, gió
gặp núi mà lộn lại, các vật xung quanh xáo loạn. Tượng đó là có việc.
Trị việc ấy, cũng là việc. Vậy, Cổ tức là việc. Nghĩa toàn quẻ
nói rằng, mọi sự trong nhân thế luôn luôn chuyển động, trị ắt nhân cuộc loạn,
cuộc loạn thì mở ra cuộc trị, là lẽ tự nhiên. Do vậy, cách trị cuộc trong quẻ Cổ
là cần xem xét thấu đáo nguyên nhân dẫn đến sự xáo loạn, để có cách phòng bị và
hành động. Truyện của Trình Di nói: “Khéo sửa chữa thì tệ trước có thể cải
cách; khéo phòng bị thì lợi sau có thể lâu dài”. Bản nghĩa của Chu Hy nói: “Việc
trước đã quá mức giữa mà sắp hỏng thì có thể tự làm mới ra, để làm manh mối cho
việc sau mà không đến hỏng quá; việc sau đương bắt đầu mà hãy còn mới, thì nên
hết ý đinh ninh, để chừa cái lỗi của việc trước mà không để cho đến nỗi chóng
hỏng. Lời răn của thánh nhân sâu lắm”. Do cứng đi lên (Cấn), mềm đi xuống (Tốn),
tức là dưới nhún mà trên đậu, cho nên lấy đạo nhún thuận mà trị cuộc cổ
sẽ cả hanh. Lời răn này, trước tiên dành cho người quân tử, song
cũng dành cho những người hiểu-biết trong thiên hạ.
Tượng
và nghĩa của quẻ Cổ - dưới núi có gió sinh việc, trị việc cần nghiêm
cẩn, tính trước suy sau, lấy đạo nhún thuận trị cuộc, sẽ có kết quả, cho người
đời sau thấy hoàn cảnh ra đời bài thơ của người đời trước để lại. Hoàn cảnh ấy
là cụ thể, và nằm trong quy luật tuần hoàn của thời cuộc.
Trong
bài thơ “Con Cóc”, trạng thái tĩnh (“ngồi”) và động (“nhảy”) đều được láy 3
lần, song mỗi lần láy là một lần thay đổi sắc thái của vận động. Điều đó nói
rằng, thủ pháp láy là không nhìn thấy được, mà phải cảm, phải hình dung sắc thái của mỗi thế
“ngồi” và mỗi thế “nhảy” của chủ thể (con cóc). Cóc ngồi trong hang
không giống với hai thế cóc ngồi sau cú nhảy. Thế ngồi lần hai (câu 4) là bị
động, khác với thế chủ động lần ba (câu 5). Cú nhảy ra khỏi hang (câu 2) cũng
là thế bị động, khác với thế nhảy chủ động ở câu 3. Cú “nhảy đi” (câu 6), khác
với cú “nhảy ra” (câu 2 và 3), lại là một ẩn số của bài thơ.
Hình
thức và nội hàm của bài thơ “Con Cóc” ẩn chứa bản chất sâu xa của “câu chuyện”
mà người xưa gửi cho người sau. Trong tâm thức người đọc đã nhận ra hàm ý đó,
song chưa thực rõ căn nguyên nên quy cho bài thơ sự luẩn quẩn, bế tắc hoặc để
mua vui, mặc dù đó cũng là ý, là hình thức mà lời thơ, ý thơ đề cập. Bởi, khách
quan mà nói, ý đó, hình thức đó khiến đông đảo nhân quần nhớ, lưu truyền, bài
thơ không bị mai một trong muôn vàn hiện tượng khắc đến rồi khắc đi. Xem đó,
“tác giả” bài thơ, dù là một hay hai trở lên, phải là người tri túc, hiểu và
vận dụng Kinh Dịch một cách sáng tạo: nói đấy mà không nói, nghiêm túc đấy mà
hài hước cũng đấy.
Nếu,
không tiếp tục giải nghĩa cú “nhảy đi” của cóc (câu 6) thì chưa thấu triệt hàm
ý thông điệp của bài thơ “Con Cóc”. Con cóc sẽ nhảy đi đâu, về đâu? Nó không
thể nhảy mãi trong vô định như thế!
Tuân
theo thủ pháp và nhịp điệu, có thể viết tiếp bài thơ “Con Cóc” như sau:
Con
cóc nhảy đi (Dương)
Con cóc ngồi đấy (Âm)
Con cóc ngồi đấy (Âm)
Con cóc nhảy vô (Dương)
Con cóc nhảy vô (Dương)
Con cóc trong hang (Âm)
6 câu viết tiếp này biến thành quẻ khác – quẻ Tùy,
do hai quẻ đơn là Đoái (đẹp lòng) và Chấn (động) tạo nên. Vậy, tượng của quẻ
Tùy là theo. Mà theo theo nghĩa: mình và người theo nhau thì hanh
thông; ngược lại, việc theo ấy không chính đáng sẽ có lỗi. Theo cũng có
nghĩa là tùy thời. Quẻ Tùy răn rằng: lấy nhún thuận làm căn cốt cho hành động.
Khi xuất
hiện 6 câu thơ tiếp theo bài “Con Cóc”, nảy sinh hai vấn đề.
Thứ
nhất. Bài thơ “Con Cóc” kéo dài (12 câu) là một bài đồng dao đích thực. Nhưng, “đạt”sự
trọn vẹn bài thơ sẽ thành một “cái tủ”, khi khóa tủ lại và vứt chìa khóa đi thì
không thể “mở” ra được nữa, có nghĩa thông điệp của bài thơ không còn giá trị;
và, bài thơ không thể tiếp cận với Kinh Dịch để mở ra một trường thẩm mỹ có
chiều sâu và bề rộng của sự biến dịch. Đây có thể cũng là một chủ đích của “tác
giả” bài thơ, của tiền nhân gửi lại hậu thế.
Thứ hai. Theo Kinh Dịch, quẻ Cổ nối quẻ Tùy,
khi biến nó sẽ sang quẻ Lâm. Nhưng, trong trường hợp này, quẻ Cổ lại biến
trở lại quẻ Tùy, nơi xuất phát đến nó. Đó là sự trở biến, nghịch. Sự
luẩn quẩn, bế tắc xuất hiện phải chăng ở chỗ này. Song, cái sự ấy không
rơi vào cá nhân hay giai tầng xác định, mà là của thời thế, là của hành động
không phù hợp, làm mất đi cơ hội, từ việc cương nhu không theo phép nhún
thuận. Do đó, từ Tùy sang Cổ, rồi từ Cổ lại trở về Tùy, có biến mà
không dịch được. Sự trở biến được “tác giả” giấu đi, khiến cho câu chữ
của bài thơ “loay hoay” đến nực cười, thông điệp bị hiểu sai. Thực ra, sự trở
biến ấy cấp cho ta những thông tin về
hoàn cảnh ra đời bài thơ “Con Cóc” đầy đủ hơn, về tâm lý của người sáng
tác chân thực hơn; và, vì vậy thông điệp bài thơ có giá trị hơn.
Từ cảm
đến nhận thức và quy chiếu, cho thấy bài thơ “Con Cóc”, và những di sản thuộc
kho tàng dân gian Việt Nam ,
chứa đựng những điều thâm thúy của triết lý, của nhân sinh. Điều đó lý giải vì
sao những di sản đó trường tồn và phần nhiều ăn sâu vào tâm thức con người, vừa
tích cực vừa xen cài những thói quen tiêu cực khó gột rửa.
Liên
quan với bài thơ “Con Cóc”, ta có thể so sánh về tinh thần của nó với
thơ Haikư Nhật Bản chẳng hạn. Bở bớt những rườm rà, thì bài thơ “Con Cóc” rất…
thiền, một trong những đặc điểm cơ bản của haikư. Đó là luân hồi, là tương sinh
tương hỗ. Kiệm chữ mà dụ liên tưởng sâu và xa. “Nói” hình ảnh nhìn thấy được để
ngẫm suy ra sự vật và hiện tượng vận động nằm trong trí nhớ hoặc trong trí
tưởng tượng. Động trở thành và ẩn trong tĩnh; và, ngược lại, tĩnh đã tàng trữ
năng lượng cho động, nên không tĩnh. Mọi việc đều ở trạng thái tương đối, luôn
luôn chuyển dịch và biến từ dạng này sang dạng khác.
Như
trên, có thể “kéo” dài bài thơ “Con Cóc” thêm 6 câu để có một bài thơ đồng dao
đích thực. thì cũng có thể “co” nó lại theo “kiểu” thơ haikư của Nhật Bản:
Con
cóc trong hang
Con cóc nhảy ra – ngồi đấy
Con cóc nhảy đi
mà vẫn giữ được hình thái và hồn thơ Việt.
Vậy nó sẽ tiếp tục nhảy đi đâu, về đâu?
Đây là chìa khóa để mở ra thông điệp của bài thơ xinh xắn này!
Nội hàm bài thơ mang tính ngụ ngôn thâm
thúy, luôn nhắc người ta nhớ đến vị thế “Cậu Ông Trời” của con cóc. Vua là con
trời.
Qua thăm anh đọc bài viết rất hy, chúc anh chiều t7 an vui
Trả lờiXóaCám ơn bạn ghé trang!
XóaChúc nhiều niềm vui khi chia sẻ với bạn bè!
Trân trọng!