Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

ĐỌC BẮC CUNG HOÀNG HẬU – TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA NGUYỄN VŨ TIỀM*


ĐỌC  BẮC CUNG HOÀNG HẬU

TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ

CỦA NGUYỄN VŨ TIỀM*
                                                                                    ĐƯỜNG VĂN

          Tôi vừa đọc một mạch cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay của  nhà giáo - nhà thơ – nhà báo Nguyễn Vũ Tiềm (TPHCM). Càng đọc, càng bị hấp dẫn, cuốn hút, đến mức đêm mưa cuối xuân đã khuya lắm mà không thể rời sách. Càng đọc, càng thấy khâm phục tâm huyết, công phu, nhiệt hứng và tài năng viết tiểu thuyết lịch sử cùng tấm lòng chân thành của anh đối với quê hương làng Nành (Phù Ninh), xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội và lịch sử đất nước chúng ta.
          Bắc cung Hoàng hậu, về phương diện văn học, theo tôi, là một thành công đáng ghi nhận trong thể loại tiểu thuyết lịch sử ở nước ta. Có thể đặt Bắc cung Hoàng hậu của Nguyễn Vũ Tiềm với những đóng góp riêng về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật thể hiện, bên cạnh những Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Tây Sơn bi hùng truyện (Lê Thanh Danh), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), 2 bộ tiểu thuyết triều Lý, Trần (Hoàng Quốc Hải), Hội thề (Nguyễn Quang Thân)… những cuốn, bộ tiểu thuyết lịch sử được xuất bản ở Việt Nam cuối thế kỷ 20 và thập kỷ đầu thế kỷ 21.
                                                               ***
                                                                          Đường Văn
          Dưới đây, tôi ghi lại những cảm luận đầu tiên của mình về tác phẩm này với tư cách là một bạn đọc bình thường: vô cùng kính yêu và ngưỡng mộ nhân vật lịch sử: công chúa Lê Ngọc Hân; luôn yêu mến, tự hào về làng quê Ninh Hiệp với chợ Nành - chợ vải nổi tiếng cả nước; tự hào về giai đoạn lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 18, thế kỷ bão táp khởi nghĩa nông dân và chiến thắng ngoại xâm, một trong những giai đoạn lịch sử đầy bi tráng và hào hùng của đất nước và dân tộc chúng ta.

          Bắc cung Hoàng hậu là một tiểu thuyết lịch sử cỡ trung bình, dày 239 trang, gồm 20 chương. Nhà văn chọn công chúa Lê Ngọc Hân (1771 – 1799) làm nhân vật trung tâm, lấy bối cảnh lịch sử - xã hội – văn hóa Đại Việt tập trung ở làng Phù Ninh (Nành), xã Ninh Hiệp, huyện Gia lâm, Hà Nội ngày nay) và kinh đô Thăng Long trong khoảng 2 thập kỷ 70 – 80 thế kỷ 18 làm không gian – thời gian nghệ thuật.
          Từ gần 30 năm sưu tầm, tham bác, nghiền ngẫm các tài liệu chính sử và truyền thuyết dân gian vẫn đang lưu truyền ở địa phương (nơi tọa lạc đền thờ Bắc cung Hoàng hậu); đặc biệt là nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử chương hồi nổi tiếng bằng chữ Hán Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia Văn phái). Tác phẩm này thường được tác giả chú giải từng đoạn dài trong và sau mỗi chương sách như những dẫn liệu thành văn để minh chứng, đối sánh với nội dung chương truyện của mình. Theo tôi, đây là một thủ pháp hình thức riêng, khá độc đáo).
          Người viết mạnh dạn sử dụng hư cấu, sáng tạo nghệ thuật, qua thể loại tiểu thuyết lịch sử,  tái hiện và dựng lại chân dung một nhân vật lịch sử danh tiếng, từ một người con gái tài sắc vẹn toàn, đặc biệt được di truyền từ người mẹ đặc tính tỏa mồ hôi thơm như hương hoa huệ, từ một công chúa nhà Lê lá ngọc cành vàng, trở thành Bắc cung Hoàng hậu, vợ yêu của hoàng đế Quang Trung, trước và trong cuộc đại chiến và đại thắng quân xâm lược nhà Thanh. Nhận vật Ngọc Hân được tác giả xây dựng một cách cẩn trọng, công phu, chân thực, đầy tâm huyết, nhưng không kém phần sáng tạo, bằng tưởng tượng bay bổng của nhà thơ viết văn trên cơ sở sự thực lịch sử và huyền thoại dân gian vùng Kinh Bắc – Thăng Long. Không chỉ mô tả dung nhan diễm lệ, thần tiên, vẻ đẹp quý phái, thanh nhã mà tự nhiên, tác giả còn tìm nhiều cách khắc họa tài năng, tính cách, đặc biệt là phẩm chất đạo đức trong sáng, cao quý của nàng trong những thời điểm quan trọng cuả cuộc đời: thời ấu thơ về quê ngoại (Phù Ninh) học tập, thời hoa niên (16 – 18 tuổi), sớm trở thành ý trung nhân của nguyên soái, Dực quốc Công Bắc Bình vương rồi Bắc cung Hoàng hậu của Quang Trung Nguyễn Huệ. Thông minh, tài hoa, lễ phép, hiếu nghĩa, tinh tế trong ứng xử, Ngọc Hân đã không chỉ là niềm tự hào của vua cha, của các thầy Cống Hải, Thanh Tâm và Ôn Như Hầu mà còn là người vợ yêu thương, tri kỷ, người giúp việc quân cơ, chính sự bện cạnh Bắc Bình Vương; người phụ nữ thân thiết được nhà vua tham khảo ý kiến trong những trường hợp đại sự: khi cần chọn người nối ngôi vua Lê, khi Lê Hiển tông băng hà hoặc lúc đưa ra sáng kiến chính trị nhạy bén: đề nghị Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế trước khi bắc chinh đuổi giặc nước.
          Về chi tiết thứ nhất, phần nào thể hiện sự lầm lẫn, quá thiên về tình cảm chủ quan của cả Ngọc Hân và Nguyễn Huệ (vì thương vợ, nể vợ mà nghe lời). Với Ngọc Hân, đó là tâm lý cầu bình an, hướng về dòng họ Lê của mình … đều là những biểu hiện tâm lý thông thường, dễ hiểu của con người.
          Nhưng với chi tiết thứ hai, tác giả để Ngọc Hân bất ngờ nêu ra ý kiến mới mẻ, lạ mà quen, ý kiến rất táo bạo, đột xuất mà cả 3 người đàn ông (trong đó có cả Nguyễn Huệ phi thường) cũng không nghĩ ra được! nhằm ca ngợi trí thông minh tuyệt vời và nhạy bén chính trị sắc sảo của Ngọc Hân, mặc dù đã được dày công chuẩn bị từ những chương đầu, viện tới cả lời tiên tri đượm vẻ thần linh của sư thầy Thanh Tâm, sau đó lại được chính Ngọc Hân giải thích nguyên do vì sao nghĩ ra ý ấy… xem ra vẫn có cái gì đó khiên cưỡng, khó phù hợp với tài năng, trí tuệ và hoàn cảnh của một cô công chúa chưa đầy 18 tuổi, trước nay vẫn chỉ nép mình trong cung thẳm với cuộc sống lụa là, nhàn tản. Không biết tác giả dựa vào nguồn sử liệu hay văn liệu nào, (không thấy chú thích) hoặc do nhà văn hoàn toàn sáng tạo (bịa) ra?
          Dù có dựng được một vài tình tiết lý thú như thế, trong truyện, nhìn chung, vai trò trung tâm tiểu thuyết của nhân vật Ngọc Hân chưa thật sự nổi bật, sâu đậm, chưa gây ấn tượng sâu sắc, mạnh mẽ đối với người đọc.
          Hai thầy giáo làng quê Phù Ninh: Cống Hải và sư Thanh Tâm, những nhân vật hoàn toàn hư cấu, được xây dựng thành công hơn, đậm nét hơn trong lời ăn tiếng nói, công việc dạy học, tâm tư trước thời cuộc. Quan niệm và hành vi sư phạm của hai ông rất tiến bộ, biểu hiện trong quá trình dạy chị em công chuá, có phần mang màu sắc hiện đại hóa, thực ra không phù hợp với thực tế lịch sử. Đó cũng là kết quả của tưởng tượng đầy thiện chí theo hướng tôn vinh những trí thức tài hoa của quê hương Phù Ninh, Ninh Hiệp.
          Nhân vật lịch sử và văn học Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều với kiệt tác Cung oán ngâm khúc hiện ra trong tiểu thuyết khá mới mẻ, sinh động và chân thực.
          Các nhân vật lịch sử như Nguyễn Huệ, vua Lê Hiển tông, hầu như chẳng khác mấy nếu so với những nhân vật này trong Hoàng lê nhất thống chí.
          Duy có nhân vật Tổng đốc Tôn Sỹ Nghị hiện ra trong một tình tiết khá mới mẻ (hư cấu dựa theo 1 nguồn sử liệu): Tôn về thăm (thực chất là thăm dò, điều tra) Phù Ninh và được Cống Hải tặng thơ – thư pháp, khiến Tôn thêm chủ quan, lơ là, không phòng bị, dẫn tới bị thất bại nhục nhã trước cuộc tấn công thần tốc, sấm sét của quân tướng Tây Sơn…Các nhân vật nữ khác như bà Chiêu Nghi, bà Bùi Thị Hậu, cô hàng vải Cúc Hoa,… tuy chỉ thấp thoáng điểm xuyết, nhưng cũng đủ để lại những ấn tượng đẹp đẽ, cảm động về hình ảnh người phụ nữ tài hoa, nhân hậu đất Phù Ninh, Kinh Bắc.
          Tuy nhiên, riêng về phương diện miêu tả và phân tích tính cách nhân vật qua thế giới nội tâm (một trong những đặc trưng cơ bản của thi pháp tiểu thuyết hiện đại), thì diễn biến tâm lý, tâm trạng của hầu hết các nhân vật trong truyện đều chưa được chú ý đúng mức. Cho nên, nhìn chung các nhân vật, kể cả nhân vật chính, nhân vật trung tâm, thế giới nội tâm của họ còn nghèo nàn, đơn giản. Chiều sâu tâm lý nhân vật chưa được khai thác tận cùng, triệt để trong những tình huống có mâu thuẫn. Nhân vật vẫn còn mang ít nhiều dáng dấp của nhân vật truyện kể chứ chưa thực sự là những nhân vật tâm lý – tính cách, những nhân vật điển hình, tính cách điển hình trong tiểu thuyết hiện đại (chẳng hạn như Chiến tranh và Hòa bình (L. Tônxtôi); Pie đệ nhất hay Con đường đau khổ (A. Tônxtôi); Sống mãi với Thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng)… Phải chăng đó là một hạn chế về nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả?
          Về cốt truyện, thật ra không có gì mới, vì tác giả chủ yếu dựa vào và nương theo các sự kiện lớn trong một giai đọan lịch sử  đã được ghi lại rõ ràng trong chính sử, đặc biệt đã được cụ thể hóa, hình tượng hóa, tiểu thuyết hóa trong tác phẩm cổ điển Hoàng Lê nhất thống chí. Tác giả chỉ mới gia công thêm thắt ở những chi tiết phụ, những bức tranh miêu tả cảnh vật, con người. Cách kể, tả mạch lạc, gọn rõ, tiết chế vừa đủ, nhìn chung vẫn theo lối biên niên. Chuyện xảy ra vào ngày… tháng…năm... … Ấy là ngày… tháng … năm
          Mở đầu mỗi chương là 4 câu thơ (lục bát, song thất lục bát, năm tiếng, bảy tiếng…) với mục đích tóm tắt các sự kiện, sự việc chính trong chương, giúp người đọc dễ theo dõi, dễ nhớ. Cách làm này cũng không hoàn toàn mới. Nó có nguồn gốc xa từ cách đặt nhan đề các hồi trong tiểu thuyết chương hồi cổ điển Trung Hoa, Việt Nam; gần hơn như Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Chiến sỹ (Nguyễn Khải)… Điểm mới của Vũ Tiềm là ở chỗ chuyển chúng thành những bài thơ 4 câu khá nhịp nhàng, hoàn chỉnh; để có thể chỉ cần đọc liên tục trong mục lục cũng đã đủ tóm tắt nội dung toàn truyện. Có lẽ đó là lợi thế của nhà thơ khi chuyển sang viết truyện chăng?
          Về lời văn kể chuyệnđối thoại: nhìn chung linh  hoạt, lợi khẩu, có những đoạn thấp thoáng chất tùy bút, chất thơ. Nhưng lời thoại chưa làm rõ cá tính nhân vật; thi thoảng vẫn còn để sót những cách dùng từ, đặt câu, lối diễn đạt của văn xuôi hoặc đối thoại của người hiện đại thế kỷ 21. Hình như con người Đại Việt thế kỷ 18 không nói, không nghĩ như thế! (chẳng hạn các trang 15, 82, 83…). Một số bài thơ, câu thơ trích dẫn trong truyện cần được chú thích xuất xứ cụ thể. Ngôn ngữ và cách miêu tả chân dung ngoại hình nhân vật vẫn nặng lối ước lệ khuôn sáo, từ chân dung Ngọc Hân, Ngọc Bình, Nguyễn Huệ đến  vua Lê, tướng Nguyễn Hữu Chỉnh… Nhìn chung là miêu tả còn sơ sài, chưa gợi hình, gợi cảm. Tôi nghĩ tác giả nên mạnh dạn phóng bút mà tưởng tượng dồi dào hơn nữa khi vẽ những bức chân dung nhân vật bằng ngôn từ văn chương hiện đại.
          Mở đầu câu chuyện là cảnh vật ở làng Phù Ninh, kết truyện cũng lại quay về nơi ấy. Rõ ràng, đấy là một dụng ý nghệ thuật trong kết cấu tiểu thuyết của tác giả. Nhưng vì đây là câu chuyện về Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân với hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, ca ngợi mối nhân duyên đậm màu sắc chính trị nhưng cũng là một mối tình lý tưởng trai anh hùng - gái thuyền quyên hi hữu,. trong lịch sử Đại Việt, mối tình được cả triều đình và thần linh ủng hộ.
          Bởi vậy, tôi cứ thấy tiếc, tiếc thay Nguyễn Vũ Tiềm không một lần sử dụng chi tiết quen thuộc nổi tiếng, đã được phần nào dân gian hóa: sau đại thắng, Quang Trung sai người (có lẽ lại là người cháu, đô đốc Nguyễn Văn Tuyết?) mang 1 cành đào Nhật Tân, Thăng Long thật đẹp về kinh đô Phú Xuân (Huế) tặng người vợ yêu quý của mình, thay cho cánh thư hồng báo tiệp. Một cái kết như thế có lẽ sẽ làm đậm đà thêm ý vị văn hóa, trữ tình của truyện biết bao nhiêu!
                                                                   ***
          Trên mặt bằng tiểu thuyết nói chung, tiểu thuyết lịch sử nói riêng ở nước ta hiện nay, tôi cho rằng Bắc cung Hoàng hậu là một trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử hay, hấp dẫn, đáng đọc.
                        
                                  Xin chúc mừng anh – nhà văn Nguyễn Vũ Tiềm!

* Nhà xuất bản Hội Nhà văn; Hà Nội, 1 – 2014.

Trèm, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đêm 12 – 4 – 2014
ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét