Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Có những buổi chiều…


Có những buổi chiều…
                                                                                   Hoàng Dân

Chiều chiều ra ngõ em trông
Thấy người hàng xóm mà không thấy chàng
Buổi chiều là thời khắc tàn lụi của một ngày, là khi con chim về tổ, con gà lên chuồng và nhà nhà sum họp sau một ngày bươn chải nhọc nhằn. Cái mệt mỏi sau một ngày quần quật bán mặt cho đất bán lưng cho trời phần nào được đền bù bằng những giây phút thả lỏng nhẹ nhõm hiếm hoi. Thế là hết một ngày, xong hoặc chưa xong một việc, nhưng chẳng sao bởi còn có cả ngày mai, ngày kia để ta làm nốt những gì còn dở dang... Một bữa tối, dù no dù đói, nhưng vẫn đỏ lửa quây quần trong những niềm vui nho nhỏ, ấm cúng. Đó là cái khung cảnh nói chung, còn đằng sau lũy tre làng hẳn là không chỉ có thế? Sẽ có không ít những cặp vợ chồng, những lứa đôi, vì một lí do nào đó, đang thấp thỏm ngóng đợi những buổi chiều đoàn tụ. Một người chồng làm thợ nề, thợ mộc lang thang kiếm cơm thiên hạ. Một chàng trai nghèo tha hương gom góp chút vốn liếng giắt lưng ngõ hầu đủ tiền cheo cưới...

Chiều chiều có nghĩa là đã có rất nhiều buổi chiều ngóng đợi, không thể nào nhớ hết. Chiều chiều cũng có nghĩa là các buổi chiều cứ nối nhau lặp đi lặp lại trong phấp phỏng âu lo... Những buổi chiều ấy, em không thể ngồi yên trong nhà bởi không thể chịu đựng nổi cảm giác cô đơn lẻ loi, đó là những buổi chiều bồn chồn nơm nớp. Thế là ra ngõ em trông! Nếu các buổi chiều cứ lặp đi lặp lại thì việc ra ngõ của em cũng như vậy. Nó lặp lại đến nhàm chán vô nghĩa, nhưng em vẫn cứ phải hành động như cái máy. Vì sao vậy? Bởi vì dù sao em cũng còn được đi đi lại lại, được hít thở một bầu không khí đỡ ngột ngạt hơn như khi phải ngồi bó gối ở trong nhà. Bởi vì em còn được phóng tầm mắt vào cái khoảng không mênh mông trước mặt để hi vọng được nhìn thấy một bóng người quen thuộc.
Nhưng em chỉ:
                               Thấy người hàng xóm mà không thấy chàng.
Người hàng xóm ở đây có thể là một người, cũng có thể là nhiều người. Nếu là một người quen mặt thường gặp vào những buổi chiều như vậy thì chưa chắc đã là chuyện tình cờ! Có thể đó là một chàng trai đang kiên nhẫn theo đuổi em với hi vọng nhất cự li nhì cường độ! Dù em vẫn một lòng chờ đợi anh, nhưng biết đâu mọi sự chờ đợi đều có giới hạn, biết đâu đàn bà con gái vốn nhẹ dạ, cả nể... lỡ em không giữ được mình trong những phút cô đơn, yếu đuối?! Trời ơi, em lo sợ quá chừng!
Người hàng xóm cũng có thể là một đám đông vô danh, nhạt nhòa. Họ chỉ là đám đầu đen vô nghĩa đối với em. Nhưng tại sao họ lại đông đúc thế? Vậy mà chỉ thiếu có một người là chàng! Cảm giác cô đơn giữa đồng loại thật đáng sợ, nó khiến cho cô gái dường như rơi vào một trạng thái khủng hoảng tuyệt vọng: mà không thấy chàng! Trong tâm tưởng của cô gái, chàng trai đã trở thành một giá trị không thể thay thế. Vì vậy các buổi chiều thiếu chàng càng trở nên hoang vắng hơn trong cái ngõ quê ngoằn ngoèo hun hút...
Những buổi chiều trong ca dao thật buồn:
-          Chiều chiều ra đứng bờ sông
Ngóng về quê mẹ mà không có đò
- Chiều chiều ra đứng ngõ sau

                         Nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều

-          Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người đẫy gấm, khăn điều vắt vai
-          Chiều chiều mây phủ ải Vân
Chim kêu ghềnh đá, ngẫm thân thêm buồn
...
Trong nỗi buồn rợn ngợp giữa những buổi chiều tàn, có nỗi buồn của người con gái đi lấy chồng xa quê, có nỗi buồn của thân phận đàn bà nổi nênh và có nỗi buồn nhớ vô vọng về một tình yêu mong manh, trắc trở, đầy những hồi hộp, âu lo, khắc khoải đợi chờ... Đó là những buổi chiều buồn lắm chàng ơi!...
                                                                                                                                                                 Núi Bò-Hà Nội, 28.10.1997





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét