NHỮNG KỈ NIỆM VỀ
X. E-XÊ-NHIN
Nadejda Vonpin
Vũ Nho dịch từ tiếng Nga
Nadejda
Vonpin sinh năm 1900. Năm 1919 tham gia Hiệp hội các nhà thơ Nga. Nhưng sự
nghiệp chính của bà là dịch thuật. Bà dịch thơ của Ovidia, Horaxơ, Gớt, Huygo,
Bairon ra tiếng Nga. Các tác phẩm của Kupơ, Oantơ Xcot, Merime, Henrich
Man…cũng đến tay bạn đọc Nga qua bản dịch của bà.
Khi tham gia Hiệp hội các nhà thơ, bà là
người gần gũi với X. E-xê-nhin. Những trang hồi ức của bà là tư liệu quý báu vì
người cùng thời với E-xê-nhin còn lại rất hiếm hoi. (Chú thích của Tạp chí Tuổi
trẻ số 10 năm 1986)
LẦN QUEN BIẾT ĐẦU
TIÊN
Trong trụ sở Hiệp
hội các nhà thơ (Những năm đó ở 18, Tơ-ver-xcai-a, quán cà phê “Domino” cũ) tổ
chức kỉ niệm hai năm Cách mạng tháng Mười. Có nhiều phát biểu. Các tên tuổi
diễn giả hầu như không được nổi lắm. Có ai đó trong số những người điều khiển
đi xuống cạnh bàn E-xê-nhin ngồi :
- Xéc-gây, phát biểu chứ ?
- Ấy không, không đâu…
- Không tốt đâu nhé ! Tên cậu có trong áp phích !
- Nhưng mà người ta chẳng hỏi gì tôi… Kiểu ấy thì có
thể đưa cả Puskin vào chương trình.
Tôi lấy can đảm đi
đến bên con người tóc sáng mà mình chưa quen nhưng lại là khách thường xuyên
của “Domino” ( Đó là tên tôi gọi đùa quán cà phê của các nhà thơ). Tôi ấp úng :
- Tự tôi yêu cầu…và thay mặt các bạn bè nữa. Chúng tôi
chưa lần nào được nghe anh. Nhưng chúng tôi đã đọc, đã biết anh thuộc lòng…
Nhà thơ đứng lên,
nghiêng mình nhã nhặn :
- Đối với các bạn – xin sẵn lòng ! – Và anh bước lên
diễn đàn.
Ở đây, cần giải
thích một chút. Trước đó hai tuần, khi tôi được tham gia vào Hiệp hội các nhà
thơ, cũng ở diễn đàn này, tôi đã đọc thơ của mình. Và sau này người ta kể cho
tôi hay rằng E-xê-nhin và Ma-rien-gov cùng với mọi người nghe tôi khen ngợi
nồng nhiệt. E-xê-nhin năm 1919 được biết khá rộng rãi nhưng còn chưa nổi tiếng.
Lúc đó anh đã đọc
rút từ tập “ Trinh bạch Gioocđani” : “Mẹ - tổ quốc tôi”, “Tôi –
người bonsevic”, sau đó là “Bài ca về con chó”.
Tôi không thường
xuyên ghé vào “Domino”. Ở đấy, điều thú vị nhất bắt đầu khoảng suýt soát nửa
đêm. Mà tôi thì sống ở một căn phòng người ta quy định những điều kiện đặc
biệt. Họ không giao cho tôi chìa khóa căn hộ. “ - Hãy bấm chuông, gõ cửa.
Agasa sẽ mở”. Chỉ có vào ban ngày, lúc đó tôi mới tới ăn trưa ở chỗ Hội liên
hiệp các nhà thơ. Ở chỗ này, trong “Phòng các nhà thơ”, lần nào cũng thấy
E-xê-nhin. Nhưng tôi không tin chắc rằng anh nhớ
ra tôi. Không phải là không vượt qua được – nhưng tôi không dám chào !
Tôi hình dung anh chìm đắm trong tư lự, trong những ý tưởng và cảm xúc riêng
tư… Trong khi đó, chính bản thân anh có lần nhìn tôi chằm chằm từ xa, dường như
anh trách cứ…- Dù thế nào đi nữa thì tôi cũng không là người đầu
tiên chào hỏi chứ ? – Tôi cảm thấy thế.
… Tôi ngồi bàn hai
với bạn trai từ thời thơ ấu Xa-nhia K. và chúng tôi ăn trưa. Còn từ một cái bàn
xa E-xê-nhin nhìn vào chúng tôi. Xa-nhia về trước tôi. Khi đó, E-xê-nhin lại
gần bàn :
- Chị có nhận ra không nhỉ ? Hình như chúng ta quen
nhau. Và anh hỏi “Cái người trẻ tuổi đẹp giai vừa ngồi với chị” là ai vậy ?
- Nhà thơ trẻ - Người anh em cùng vú
nuôi với tôi.
- Cùng vú nuôi à ? Các cô gái thường hay trả lời “lấp
lửng” cho sự tò mò không cố ý. Còn chị thì là “cùng vú nuôi” !
Câu chuyện bắt đầu
nhen nhóm.
- Vì sao khi chị đi vào, chị không là người chào đầu
tiên ?
- Nhưng vì chính anh cũng chẳng lần nào chào hỏi…
- Tôi thì không có quy
định. Chẳng lẽ bà của chị không dạy cho chị rằng người phải chào đầu tiên là
phụ nữ, còn đàn ông thì không nên : để không làm cho người phụ nữ ngượng nếu
như chị ta không tiện thú nhận sự quen biết trước mọi người.
Tôi mỉm cười :
- Không phải bà, không phải mẹ, mà là người anh lớn dạy
tôi giọng nói tốt. Những chữ quan trọng hàng đầu là : Đừng nhát gan ! Đừng hớt
lẻo !
Từ ngày hôm ấy,
tôi thường xuyên chuyện trò với E-xê-nhin trong các buổi gặp gỡ.
Mùa xuân 1920.
Hiệp hội các nhà thơ có bầu cử. Trời nóng khổ sở. Bỏ phiếu kín. Tôi mang tấm
phiếu của mình vào căn phòng hoàn toàn nhỏ xíu của Ban chấp hành. Khi đó
E-xê-nhin theo sau tôi.
- Tám ba phải không ? – Anh hỏi.
- Không. Tất cả mười. Bảy vào Ban chấp hành, còn…
- Ôi ! Thế là anh cười phá lên vui vẻ ! – Tôi không nói
về bầu cử, mà về đường hẻm Vxe-vo-lo-dơ-xki, thế số nhà ?
Ô, nằng nặc đòi
đến thăm nhà ! Cho đến lúc này, khi có chuyện E-xê-nhin tiễn tôi, chúng tôi đều
chia tay trước khi đến nhà – Tôi không muốn để anh biết tôi phải gọi cửa Agasa
khổ sở như thế nào. Anh sẽ nghĩ gì khi ấy ?
( Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét