Vũ Nho chủ trang
CÓ MỘT MA TRƯỜNG NGUYÊN CẦN
MẪN VIẾT PHÊ BÌNH
Qua ba tập Hiện
đại mà dân tộc, Trên cánh đồng chữ nghĩa và Các nhà văn nói về nghề *
Vũ Nho
Ma Trường Nguyên bắt đầu sáng tác bằng thơ, rồi sau
viết văn xuôi. Anh tâm sự rất hồn nhiên : “Cái
gì mà thơ không nói được thì tôi nói trong tiểu thuyết; và ngược lại, cái gì
không nói được trong tiểu thuyết thì tôi
nói trong thơ”. Chắc khi trả lời nhà giáo, bạn viết Đinh Văn Định ở ĐHSP
Việt Bắc, Ma Trường Nguyên không nghĩ rằng sẽ có ngày có tình huống này : Cái gì không
nói được trong thơ và trong tiểu thuyết thì sẽ nói… trong “tiểu luận- phê bình”
(!) Khi diễn ra cuộc hội thảo về sáng
tác của Ma Trường Nguyên năm 2009, anh có 10 tập văn xuôi trong đó có 7 tiểu
thuyết và 8 tập thơ (có 3 tập in chung). Dù đã viết tiểu luận và phê bình,
nhưng thời điểm ấy anh chưa có một tập nào in riêng. Chỉ từ 2010 đến năm 2013,
nhà văn Ma Trường Nguyên đã cho in liên tiếp ba tập phê bình tiểu luận. Thế là
trên cánh đồng chữ nghĩa đam mê và cực nhọc, anh đã kịp khai phá một góc mới
mẻ, góp thêm tiếng nói vào lĩnh vực ít người làm, nhất là các nhà văn người dân
tộc ít người. Ghi nhận công sức và thành tựu lao động của anh, Hội VHNT các dân
tộc thiểu số Việt Nam
đã tặng giải thưởng cho hai tập Hiện đại mà dân tộc ( 2010), Trên cánh đồng
chữ nghĩa (2012).
Bài viết này tôi muốn nói đến tiểu luận phê bình của nhà
văn Ma Trường Nguyên, một người viết đã có nhiều thành đạt trong sáng tác.
Đọc những bài viết của Ma Trường Nguyên, hầu hết đều
ghi ngày tháng ở phía dưới ( trừ mấy bài không ghi), có thể thấy nhà văn bắt đầu viết phê bình bài đầu tiên là năm
1981. Đó là bài viết về tập trường ca của Hữu Thỉnh, bạn cùng lớp viết văn khóa
I. Rồi bẵng đi đến năm 1996 cũng chỉ
viết có hai bài. Rồi sau đó mỗi năm một vài bài. Cho đến năm 2010 in tập tiểu
luận phê bình đầu tiên. Tổng cộng 11 bài dài ngắn. Nhưng chỉ hơn một năm sau,
anh đã có 12 bài trong tập thứ hai và chưa đầy một năm, lại có 14 bài trong tập
mới.
Có thể thấy Ma Trường Nguyên viết tiểu luận phê bình rất
cần mẫn. Cái khoản tiểu luận có vẻ như
là không phù hợp lắm với người chuyên về tư duy sáng tác như anh. Có phải vì
thế chăng mà khi đã cao niên, Ma Trường Nguyên mới bắt đầu thử bút? Điểm lại
các bài đã viết, thấy có một số ít bài bàn những vấn đề khái quát như Hiện đại mà không đánh mất mình, Vài ý nghĩ
về thơ và bản sắc dân tộc trong thơ, Thái Nguyên vùng văn hóa đặc sắc, Văn hóa
trong sự phát triển của kinh tế và xã hội. Tôi nghĩ rằng đấy là những bài
viết của anh trong cương vị học viên trường viết văn Nguyễn Du hoặc Phó giám
đốc sở văn hóa Thái Nguyên. Tuy ít, nhưng đó là những căn cứ quan trọng để anh
triển khai mảng phê bình tác phẩm. Bàn
về những vấn đề rộng đó hay viết phê bình một tác giả thơ miền núi, bao giờ nhà
phê bình Ma Trường Nguyên cũng đứng ở góc độ một nhà văn dân tộc Tày để đòi hỏi
sự kế tục truyền thống giữ gìn bản sắc văn hóa, sự cách tân và hiện đại. Đó là điểm nhất quán của anh. Điều
mà anh tâm niệm, cũng chính là điều anh đòi hỏi ở các bạn viết người dân tộc
anh em : “Người làm thơ dân tộc thiểu số
trước hết học để chắt lọc những di sản tinh túy của dân tộc mình để làm vốn.
Nhưng muốn sáng tác được những bài thơ thực sự của mình là phải biết thoát ra
để vươn lên, chứ không được lạm dụng hoặc lười biếng “ăn cắp tài sản” của cha ông
khoác áo của mình vào để có vẻ có màu sắc dân tộc” .
(
Hiện đại mà dân tộc, trang 14). Anh có viết về văn xuôi các dân tộc thiểu số trong mười năm đổi mới, về các tác
giả viết kí ở Thái Nguyên ( trong tập Hiện đại mà dân tộc), còn tất cả các bài
tiểu luận- phê bình khác, Ma Trường Nguyên đều dành cho các cây bút thơ ở Thái
Nguyên ( Không kể bài viết về trường ca “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh và
những bài thơ của Bác nhưng được viết ở an toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên). Là
người vừa làm thơ vừa viết văn xuôi có thành tựu ở miền núi, nhưng khi viết phê bình, anh chỉ chú trọng viết
về thơ của bạn bè. Dường như trong lĩnh vực này, anh thực sự
hứng thú và tìm được thế mạnh của mình nên viết khá chuyên tâm, cần mẫn.
Tất cả những nhà thơ quan trọng của Thái Nguyên đều
được nhà văn Ma Trường Nguyên động bút. Điều đáng quý là anh đã có điều kiện
theo dõi mỗi tác giả hàng mấy chục năm khi còn làm biên tập viên của Tạp chí
Văn Nghệ Việt Bắc. Với anh, viết về họ không chỉ là đơn thuần làm việc phê bình,
giới thiệu, mà đó còn như một hành động tri ân, cảm thông của một người viết
với một người bạn viết đã gắn bó với quê hương anh. Đó là khi anh viết về các
tác giả Khánh Kiểm, Đàm Thế Du, Thế Chính, Trần Văn An, Hữu Tiệp, Hồ Thủy
Giang,...
Một điều cần ghi nhận ở Ma Trường Nguyên là anh không
phân biệt người nổi tiếng hay chưa nổi tiếng, không phân biệt người thành phố
hay ở một trường học nông thôn, không phân biệt người dân tộc thiểu số hay
người Kinh, không phân biệt người có thương hiệu, hay chỉ là một bạn viết ở cấp
phường. Thơ của họ đều được nhà phê bình đọc, nâng niu, chi chút và gắng chắt
ra phần tinh túy còn khuất lấp sau những chô thô vụng, non ép. Có lẽ sự say
mê và trân trọng quá mức của nhà phê
bình đã làm cho anh nhiều khi sa đà vào việc trích dẫn thơ của người được anh
viết, dẫn đến tình trạng tràn lan những câu thơ “tầm tầm”, chỉ có tác dụng minh
họa cho ý của người viết, nhưng lại làm giảm sức hấp dẫn của bài viết. Tôi đồng
cảm với quan niệm chưa cần đọc bài phê bình, chỉ cần đọc những câu thơ được
trích, đủ biết sức của tác giả thơ và khả năng của người phê bình. Tất nhiên, tôi
không cực đoan nói về tất cả các bài viết của Ma Trường Nguyên đều có nhược
điểm này. Những bài viết về thơ Vân
Trung, Lưu Thị Bạch Liễu, Hữu Tiến, Hồ Thủy Giang là những bài viết vừa có cái
say, vừa có cái tinh, vừa có cái tình đọc
rất thú vị.
Bạn đọc sẽ thích cách phê bình thơ thủ thỉ, tâm tình,
không cao giọng hoặc dạy dỗ của Ma Trường Nguyên. Thật là thẳng thắn, khi anh
góp với bạn thơ Hữu Tiến ( người Tày) rằng “…thơ anh vẫn có sức lôi cuốn, những nét độc đáo riêng – đối với những
người ít hiểu văn hóa Tày, nhưng đối với những người Tày, khi đọc thơ anh, cảm
nhận chung thường thấy : dường như anh đang “phóng tác” chứ ít thấy sự sáng tạo
của riêng mình” ( Trên cánh đồng chữ nghĩa, trang 27). Anh phát hiện và vui mừng trước những câu thơ của Trần Văn An, một nhà
thơ miền xuôi, nhưng đã học cách nói của người miền núi :
Cái đợi/
Trong nhà/ Bật ra ngoài cửa
Một giờ/ Em
chửa đến/ cái đợi ra sân
Hai giờ/ Em
chẳng sang/ Cái đợi băn khoăn
Ba giờ/ Em
không lại/ Cái đợi ra ngoài ngõ/ Ngắm đất nhìn trời
Năm giờ/ Em
chẳng tới/ Cái đợi/ Vội lên đường
(
Các nhà văn nói về nghề, trang 72)
Trong khi viết phê bình ( thường là viết về cả một đời
thơ, hoặc viết về nhiều tập thơ của cùng một người viết), Ma Trường Nguyên cố
gắng chỉ ra những mặt mạnh nhất của người viết, đồng thời đánh giá về những đóng
góp riêng của tác giả. Với Thế Chính “hai
mảng sâu đậm nhất trong thơ anh là thơ viết về cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu
nước của các dân tộc và khát vọng yêu thương con người trong đời sống thường
nhật thời bình” ( Trên cánh đồng chữ nghĩa, trang 30). Đối với Nguyễn Ngọc
Minh “ đọc thơ anh ta luôn bắt gặp chất
trữ tình, chất lãng mạn với một giọng điệu trầm, dịu buồn, man mác, khơi gợi
trong ta một nỗi day dứt mà vẫn thanh thoát, nhẹ nhàng” ( Trên cánh đồng
chữ nghĩa, trang 51). Đỗ Dũng thì “ Anh
vừa giữ những nét truyền thống, lại vừa phóng túng bứt phá, cách tân trong cả
ngôn ngữ, cấu tứ, và cấu trúc thơ, dường như anh đang khám phá, phát triển để
dần ổn định một phong cách riêng” ( Trên cánh đồng chữ nghĩa, trang 82).
Với nhà thơ Lưu Thị Bạch Liễu : “ Thơ Lưu
Thị Bạch Liễu có giọng điệu trẻ trung, gợi mở, mờ tỏ, đa chiều; thường thiên về
triết lí nhưng vẫn thấm đẫm chất cảm xúc lãng mạn đời thường, giàu trí tuệ hiện
đại vẫn kết tinh từ văn hóa dân gian Việt Nam và văn hóa truyền thống các dân
tộc thiểu số ở miền núi” ( Các nhà văn nói về nghề, trang 44)… Viết những
dòng ngắn gọn về mỗi nhà thơ như vậy, người viết cũng phải đọc kĩ lắm, cân nhắc
lắm. Đó cũng chính là thể hiện sự trân
trọng và dụng công khám phá của Ma Trường Nguyên.
Cũng còn phải kể thêm một ưu điểm khác của tác giả là
anh chịu khó đặt nhan đề cho mỗi bài viết của mình. Nếu các nhà thơ thường lao
tâm, khổ tứ để đặt nhan đề cho bài thơ, cho tập thơ, thì Ma Trường Nguyên cũng
dụng công khi đặt tên các bài viết vừa giàu chất thơ, vừa gợi mở, hấp dẫn người
đọc. Khắc khoải “ Miền kí ức” trong thơ
Nguyễn Hữu Bài, Người “Bạn với cỏ cây” vẫn đau đáu tình đời ( Hiện đại mà
dân tộc); Gắt gao “ Chiều nắng ngược”, Man mác màu “Trăng nhuận”, “ Cải thì kết
hạt em quên chính mình”, Người đàn bà “
Giữ lửa”, Người đi tìm “ Hoa bất tử”
( Trên cánh đồng chữ nghĩa); Ba Luận cùng
“Lục bát vào xuân”, Người “bắc cầu giải yếm” – một đời dạy học và làm thơ,
Nguyễn Long“ Khi cầm bút hồn mình cần trong sáng”… ( Các nhà văn nói về
nghề).
Người ta đi mãi thì thành đường. Nhưng cái nghiệp viết
thì không thế. Anh có thể viết mãi mà vẫn không thành tác phẩm, không thành nhà
văn. Trường hợp Ma Trường Nguyên có
khác. Anh viết văn chỉ vì “tự ái” ( “Tôi
thấy có nhiều người coi thường người dân tộc thiểu số, cho là người dân tộc
thiểu số kém cỏi. Tôi thấy tự ái, chỉ nghĩ phải chứng minh rằng mình cũng làm
được, mình không thua kém. Nếu không hơn cũng phải cố mà bằng bạn, bằng người”
– Các nhà văn nói về nghề, trang 5). Không phải ai “tự ái” cũng có thể viết và
trở thành nhà văn. Ngoài sự “tự ái”, Ma Trường Nguyên còn có năng khiếu, cộng
thêm sự từng trải, vốn sống phong phú và
sự quyết tâm, cần mẫn. Anh đã thành nhà văn người Tày có tên tuổi trên văn đàn.
Và bây giờ, anh lại ghi tên mình vào lĩnh vực viết tiểu luận phê bình, một lĩnh
vực mà nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá “là
lĩnh vực khó nhất trong những lĩnh vực khó nhất”( Lí do của hy vọng, Hữu Thỉnh, nhà xuất bản Hội nhà văn 2010, trang
31).
Hà Nội 13/6/2014
----
*)
Ma Trường Nguyên : Hiện đại mà Dân tộc , nhà
xuất bản Văn hóa dân tộc, 2010
Ma
Trường Nguyên : Trên cánh đồng chữ nghĩa,
nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, 2012
Ma
Trường Nguyên : Các nhà văn nói về nghề, nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét