THI
THOẠI ĐẦU HẠ
(Tiếp theo và hết)
ĐƯỜNG VĂN
4.
BÊN CHÂN THÁP
CHÙA HÀM LONG
Chiều chủ nhật đầu tháng năm Giáp Ngọ (6 – 2014), tứ tử giáo hưu làng Trèm (mới lên
phường!) chúng tôi lại hẹn nhau thăm tháp
Hàm Long Tự (chùa Trèm), tòa tháp 12 tầng tráng lệ, nguy nga được khánh
thành trọng thể mùa xuân năm 2012. Bảo tháp ban ngày: huy hoàng, lung linh trong nắng mộng; còn ban đêm, thì lấp lánh lối vào Hàm Long.
Ngồi thưởng trà ngay dưới gốc bồ đề mơn mởn tuổi đương thì, lá – gió reo xanh, do vợ chồng anh
hùng người làng họ Lê cung tiến, ngắm
tòa tháp trắng hồng, duyên dáng, vươn cao chạm mây chiều lảng bảng, Bắc Lê vui
vẻ mở đầu:
-
Tôi nghĩ, cho đến
nay, thơ tụng ca Tháp chùa Trèm cũng
đã có dăm bài, nhưng bài của Đường Văn là khá hơn cả. Cụ Mãn thôn Đông Sen đánh
giá nó hay nhất tuyển tập Lá nhặt cuối
chiều! Cụ Đình Lê cũng khen lắm! Tôi chưa hoàn toàn đồng ý với 2 ý kiến
này; vì tôi chỉ thích 4 câu đầu bài ấy. Những hình ảnh thơ rất lung linh, mộng
– thực nhập hòa một cách tự nhiên, nhịp nhàng trong thể thơ song thất lục bát
vừa nghiêm trang vừa mềm mại:
Tháp huy
hoàng, lung linh nắng mộng,
Liên hoa đài
lồng lộng mây cao.
Mười hai tầng
lắng trăng sao,
Đêm đêm lấp
lánh lối vào Hàm Long!
Nguyễn Đăng sôi nổi:
-
Không phải ngẫu
nhiên mà tôi chọn chuyển điệu dân ca,
phổ cho bài thơ này và đã tự thể hiện
trong buổi lễ khánh thành Tháp năm kia, trước đông đảo khán giả làng – phường
và khách thập phương. Sau khi cô T thôn Đình đã ngâm trước một lần.
Nga Lê rề rà:
-
Tôi cũng chỉ
thích 1 khổ của bài ấy. Nhưng là khổ cuối.
Khổ đầu, tôi cho là thiên về tả cảnh bên ngoài mà ít nội tâm, dù cách tả nuột và hoạt. Khổ cuối kết hợp được giữa tả
cảnh bảng lảng dần xa xăm, dần lên cao của áng mây xanh (thanh vân) được phóng sinh từ
đỉnh tháp, hay chính là tấm lòng thanh thản, tan hết tạp niệm trần của con nhang
đệ tử, sau khi được quét tháp, chiêm bái, thắp hương tháp Phật Hàm Long Tự:
Phật tử, dưới
trời mai, ngắm tháp,
Lòng con
nhang tan tạp niệm trần.
Thênh thênh
như áng thanh vân,
Phóng sinh từ
đỉnh tháp dần… vời xa…
-
Rất cảm ơn sự
chia sẻ và ngợi khen rộng rãi của các anh! Đường Văn tỏ vẻ ngượng nghịu. –
Người viết cũng chỉ dám xem đó là tấc lòng nông cạn, vụng về nhưng chân thành
của mình trước 1 công trình văn hóa - tâm linh – tôn giáo mới xuất hiện ở quê
mình mà thôi! Riêng tôi, tôi lại chủ tâm vào 2 khổ giữa. Tôi cố tả cho được nét riêng của tòa tháp thập nhị tầng:
Trăm Bồ tát tỏa trăm ánh ngọc/Trăm cửa
Thiền hồng thắm trời sen.
Thật ra, chỉ có 88 vị Bồ tát tạc bằng đá
ngọc trắng tọa trên tòa sen đặt nơi thành ngang 6 cửa sổ trông ra 6 phương
trời. Tôi đã làm tròn thành số một trăm (bách), ngụ ý nói lên ước mơ
viên mãn để viết tiếp sự ngưỡng mộ của Phật tử và khách thập phương với Bảo tháp chùa Trèm:
Thập
phương kính ngưỡng chùa Trèm/Quét tháp, lễ Phật, một niềm: Nam mô!/Tâm hướng thiện vô bờ hoan
hỉ/Adiđà…, bền bỉ nguyện cầu/Niết bàn, cực lạc tìm đâu?/ Từ bi cứu khổ, nhiệm
màu Như Lai.
…
Nhưng này,… các anh có biết vì sao, cứ
trước khi lễ Phật, thậm chí lễ Thánh ngoài Đình hoặc lễ Tổ tiên trước ban thờ
trong nhà mình, người khấn lễ đều mở đầu bằng câu: Nam mô (vô) Adiđà Phật! không?
Bắc Lê mủm mỉm, tinh quái nhìn Nguyễn
Đăng và Nga Lê:
-
Hai anh có biết
vì sao Đường Văn đố câu này không?
-
?!
-
Câu trả lời thú
vị nằm trong tạp chí Hồn Việt vừa mới
ra đó!
-
Thì nói luôn đi!
Sốt cả ruột!
-
Theo PGSTS. Lê Huy Tiêu, trong bài viết: Giải đáp về Phật giáo (Hồn Việt, số 82, tháng 6 – 2014; tr. 60):
Các tăng, ni khi gặp ai đều chắp tay,
nói: Adiđà Phật! Trên tường các chuà
đều viết 6 chữ to: Nam vô
(mô) Adiđà Phật!…Thiện nam, tín nữ trèo non Yên Tử, Hương Tích, Tây
Thiên…vừa đi vừa niệm Nam vô (mô) Adiđà Phật!…
Đây là người Trung Quốc dịch âm tiếng Ấn Độ cổ.
Phật
thuyết cho rằng, trước khi thành Phật Vô lượng thọ (Adiđà), ngài là quốc
vương. Con ngài cũng tu đạo và trở thành Bồ
tát Quan Thế Âm.
Theo kinh Phật: Ai thành tâm tụng niệm Adiđà Phật! sẽ được siêu thoát. Phương
pháp này đơn giản, dễ làm. Chỉ cần niệm 6 tiếng ấy là được! Vì vậy, mọi tín đồ
nhà Phật đều theo. Thế là câu: Nam vô (mô) Adiđà Phật! trở thành câu nói
quen thuộc của mọi người.
…
-
Thật lý thú! Thế
còn chuyện tác giả bài Chú đi tuần,
Đường Văn đã tìm ra manh mối gì chưa? Đăng Phúc lái chuyện.
-
À! Tôi đã tra cứu
trên Google. Được biết đại khái: Đại tá Trần Ngọc, sinh năm 1930, không
rõ quê quán?! Nguyên Trưởng phòng Kinh tế, báo Quân đội nhân dân, Tổng biên tập báo Cựu chiến binh. Hiện vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ viết bài Chú đi tuần năm 1956, khi đang là chính trị viên đại đội bộ đội làm
nhiệm vụ bảo vệ thành phố Hải Phòng sau hòa bình (1954). Trường học sinh miền Nam
tập kết là trường Tiểu học số 4. Bài
thơ đăng lần đầu trên tập chí Văn nghệ
quân đội, năm 1957, với nhan đề Đêm
nay đi tuần. Được các nhà soạn SGK Tiểu học phổ thông chọn vào làm bài tập đọc lớp 3 từ năm học 1957 – 1958
(đổi nhan đề là Chú đi tuần (cho phù
hợp với tâm lý lứa tuổi và giáo dục HS Tiểu học). (Chính cụ Ngọc lại không được
biết chuyện này!). Trong những lần cải cách giáo dục sau đó, Chú đi tuần bị đưa ra khỏi SGK Tiểu học. Mãi tới lần thay sách năm
2001, Chú đi tuần mới được đưa trở
lại SGK Tiếng Việt, lớp 5, tập 2. Tác
giả Trần Ngọc được trả nhuận bút 100.
000 đ.
-
Ra thế! Cảm ơn Google, người thầy, người bạn thông
minh, vô tư của chúng ta! Tôi nghĩ, đến đây, câu chuyện về bài thơ Chú đi tuần đã có thể khép lại được rồi! Ta chuyển sang thi thoại khác không kém phần thú vị.
Các anh có tán thành?
-
Nhưng bài gì mới
được? Nguyễn Đăng, Lê Nga và Bắc Lê cùng hỏi, ra vẻ tò mò.
-
…
-
Chính là bài thơ
dài khuyết danh, có lẽ là bài thơ đầu
tiên của người nơi khác mến cảnh, mến người viết về làng Trèm, xã (Thụy Phương)
ta. Bài thơ đã được đăng trên tập tuyển thơ ca Hương Chèm (2012 – 2013)
của CLBTV chúng ta ấy.
-
Tôi đã đọc kỹ văn
bản chưa đầy đủ mà Đường Văn đã trích tuyển trong phần Thơ Khách – Bạn cùng với những chú
thích xuất xứ và lời bình khái
quát của người biên tập. Phải nói là vào thời điểm những năm 59 – 60 – 61 thế
kỷ trước, một sinh viên trường Trung cấp Nông lâm hoặc sinh viên Đại học Sư
phạm Hà Nội trẻ măng mà đã viết được một bài tụng ca dài, cụ thể, giàu vần điệu, hay và dễ nhớ, dễ thuộc như
vậy; đủ biết tình cảm của tác giả đối với quê Trèm ta nhiệt thành và sâu sắc
như thế nào!
-
Nhưng hình như nhan đề bài thơ là do Đường Văn đặt tạm?
-
Đúng thế! Vì toàn
nghe truyền miệng trong dân làng chứ
đã bao giờ được nhìn thấy văn bản viết hay bản in đâu!? Tôi đành lấy câu thơ
cuối cùng còn nhớ được: Gửi Thụy Phương
mối tình lưu luyến! tạm làm nhan đề
vậy!
-
Mỗi lần đọc lại
bài thơ, tôi lại thấy thêm tự hào và yêu mến làng Trèm quê mình, (làng quê nội
tôi cũng ở bên kia sông Hồng… Bắc Lê thoáng xa xôi…). Tôi thích nhất bốn câu:
Nhớ buổi đầu,
ngày nào mới đến,
Lạ đường đi,
lạ bến, lạ sông!
Gặp trên đê,
cô gái sông Hồng,
Chào niềm nở
như từng quen biết!
Có phải các cô gái làng Trèm mình thật đáng yêu, thật
cởi mở và hiếu khách không nào?!
-
Và chính vì thế
mà anh mới nhanh, sớm trở thành dê cỏn
(con rể) làng tôi chứ gì?! Một
trong những truyền thống tốt đẹp của làng Trèm là hiếu khách, có duyên đãi ngoại, nhất là con gái, phụ nữ
Trèm. Có nhẽ vì dân ở đây quanh năm ăn nước sông Hồng, từ Cầu Sông đến bến Ngự
chăng? Chỉ biết đất lành chim đậu. Đến
đây thì ở lại đây/Bao giờ bén rễ, xanh cây,
… chẳng về! (Ca dao). Tôi đã phân tích đặc điểm này khá kỹ trong bài Người Trèm (tập tản văn Hồn Trèm, 2013), chắc các anh đã đọc?
Nga Lê từ nãy, chỉ im nghe, bỗng mở lời:
-
Tôi không thích
hẳn một câu nào, đoạn nào, nhưng lại rất ấn tượng cái không khí, khí thế vui
tươi, hoan hỉ, náo nức trong cuộc sống sinh hoạt và làm ăn sản xuất tập thể hồi
ấy được tác giả tái hiện và ngợi ca. Từ
cảnh chị xã viên tay gặt, miệng
cười ở cánh đồng Tranh xa thẳm, đến tiếng búa đe của HTX Rèn vang tận công trường xây dựng nhà máy Bê tông đúc sẵn,
20 chiếc máy khâu, may nhận hàng gia công
mậu dịch xành xạch từ tinh mơ đến tận xế chiều. Rồi cảnh thanh bình, ấm no,
hạnh phúc giản dị của vợ chồng nhà thuyền chài trong HTX đánh cá Hồng Phương (Tân Lập):
Vợ bưng cá nhìn chồng âu yếm!
Tả hệt và giỏi không? Tôi nghĩ, có thể
coi đây là 1 ký sự bằng thơ về làng
Trèm – Thụy Phương đầu những năm 60.
Nguyễn Đăng bỗng hoa tay, nhưng ánh mắt
lại mơ màng:
-
Hình như hồn thơ
Nguyễn Bính vẫn đang phảng phất trong 2 câu:
Rời Thụy Phương, nhìn ao, nhớ giếng,
Nhớ tiếng người,
nhớ tiếng cười ai…
Tôi nhớ các cô P thôn Hồng, cô T thôn
Đồng, cô L thôn Đông… quả là những cô gái Trèm ngày nao, xinh đẹp, duyên dáng,
lại có tiếng cười đầy quyến rũ, ám ảnh, không thể nào quên!
-
Còn Bắc Lê tôi,
không hiểu sao lại lưu luyến với hai câu thật thà kể - tả:
Cầu Liên Mạc, cái tên quen thuộc,
Cống năm ô
đưa nước sông Đào!
Phải chăng vì nhà tôi ở phía hạ lưu Cầu Sông, ngày đêm nào mà chẳng thấy
cống Liên Mạc chênh chếch sau nhà?!
Đường Văn chỉ tay vào hai dãy nhà giải vũ mới trùng tu, giãi bày hồi
ức cùng ba bạn:
-
Nơi đây, các anh
còn nhớ không? Hơn nửa thế kỷ trước, hính là xưởng dệt HTX Phương Thành
mở ngay chốn cửa Thiền. Có lẽ cũng chỉ ở miền Bắc nước ta, trong giai đoạn đặc
biệt ấy, mới có quang cảnh đặc biệt này:
Chùa Hàm Long rầm khua tiếng mõ,
Giọng nicô nho nhỏ tụng kinh
Sống cuộc đời
khổ ải tu hành,
Ngày lao động, với ngành dệt cửi.
Sư cụ Đàm
H. – vị nicô nho nhỏ, chị xã viên
HTX dệt trắng xinh, răng đen nhưng nhức đã gắng làm tròn cả sự đạo, việc đời,
cũng từ lâu yên nghỉ trong tháp mộ rêu phong kia. Bây giờ trụ trì chùa Hàm Long
quê ta là sư thầy Thích Đàm M. nổi
tiếng tháo vát, lại gặp thời.
Đường Văn vẫn băn khoăn:
-
Cho đến nay, tôi
đã tìm nhiều cách, hỏi nhiều người trong, ngoài làng, nhất là những cụ, ông
U80, U70… nhưng vẫn chưa ra manh mối nào tên tuổi tác giả bài thơ đầu tiên về
làng Trèm một thuở ấy. Anh là ai? Hiện giờ còn sống hay đã đi xa? Và ở đâu?...
-
Nếu may có cơ
duyên, không chóng thì chầy những câu hỏi ấy sẽ được giải đáp. Chúng ta hãy cứ
tạm coi người khách – bạn thơ rất yêu
làng Trèm, vẫn đâu đó quanh đây, trò chuyện cùng chúng ta, ngay cả trong buổi thi thoại chiều nay.
-
Phải! Phải! vì
khi chia tay, anh sinh viên ấy chẳng đã gửi
lại nhau mối tình lưu luyến, đó sao?!...
Sáng 7 – 8 – 6 - 2014. ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét