Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Vĩnh biệt nhà văn TÔ HOÀI!


VĨNH BIỆT NHÀ VĂN TÔ HOÀI!

Theo thông báo của Hội nhà văn Việt Nam, tang lễ nhà văn Tô Hoài được tổ chức hôm nay, 17 tháng 7 năm 2014 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. 
Xin chia buồn với gia đình nhà văn!
Cầu chúc cho linh hồn nhà văn siêu thoát miền Cực Lạc!

vunhonb đăng bài viết của TS Nguyễn Văn Đường ( Đường Văn) như một nén nhang tiễn biệt nhà văn.

5 GIAI ĐOẠN

ĐỌC DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ

(Tản văn – Hồi ức)
Kính viếng vong linh
 nhà văn Tô Hoài!
 (1920 – 6 – 7 – 2014)

ĐƯỜNG VĂN

ThếTô Hoài – cụ Dế Mèn – đã ung dung, thanh thản hạc giá tiên du, sau 95 năm nặng nợ với cuộc đời trần ai cát bụi *. Dù biết đó là hợp với quy luật: Sinh – lão – bệnh – tử, nhưng lòng tôi sao vẫn bàng hoàng, hẫng hụt, nhớ tiếc một bậc kỳ lão văn chương, mà sự nghiệp đặc biệt đồ sộ, phong phú của cụ đã in dấu ấn rất đậm đà trong trí, hồn các thế hệ bạn đọc Việt Nam và thế giới gần một thế kỷ qua, nhất là với lớp lớp thiếu niên, nhi đồng học sinh và các thầy cô giáo, cho đến nay, ít nhất đã trải ba, bốn đời: Ông, bố, con, cháu… đều từng qua một thời say sưa đọc, học, thưởng thức kiệt tác Dế mèn phiêu lưu ký. Rất hiếm nhà văn được bạn đọc vô cùng quý yêu và ngưỡng mộ đến mức không gọi tên riêng mà gọi, chào tác giả bằng tên nhân vật hoặc tên tác phẩm lừng danh: Đó là những Ông Dế Mèn, ông Số Đỏ (Vũ Trọng Phụng), ông Bỉ Vỏ (Nguyên Hồng), ông Hai (Kim Lân)... Tô Hoài là một trong những nhà văn có được niềm vinh dự, tự hào chân chính ấy.

... Ngồi ngó mông ra ngoài trời đang vần vũ trận mưa rào buổi sáng mà miên man nhớ, mà thương, mà tiếc cụ nhà văn cùng quê huyện Từ Liêm (cũ); (Tô Hoài sinh ở làng Bưởi, xã (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy hiện nay),… trong tôi bỗng hiển hiện trở lại 5 giai đoạn đọc cái truyện đồng thoại đầu tay của cụ Tô Hoài, của bản thân, từ hồi ấu thơ cho đến hôm nay.

Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký, tác giả Tô Hoài, bìa nền đỏ sậm, minh họa một chàng dế thẳng đuỗn, đầu to, râu dài, cong vút, chân bước khuệnh khoạng, rất ngang tàng khí thế và… ngộ nghĩnh… là ở trong quán sách phố Vẽ (Đông Ngạc) cạnh làng tôi, năm tôi học lớp 3 hay lớp 4 gì đó. Vốn thích đọc sách, truyện từ năm lớp 2, sẵn có mấy hào lẻ, bà nội cho để ăn quà sáng, tôi dốc túi, mua ngay, không một phút chần chừ! Về nhà, quẳng cặp sách, lùa vội vài bát cơm trưa, xong, nhảo đến nhà Hiêu, một thằng bạn thân cũng thích đọc sách như tôi (sau này hắn thành nhà báo, nhà văn có hạng, nổi tiếng cả nước vì bút lực dồi dào!) để khoe và cùng nhau ngốn ngấu. Trong tâm trí non nớt, ngây thơ của chúng tôi hồi ấy, cuốn sách mỏng đã mở ra 1 thế giới vừa quen thuộc vừa kì ảo, lung linh, sống động và hấp dẫn, cuốn hút lạ lùng. Chúng tôi như cũng đang bị anh Dế Mèn rủ đi phiêu lưu, chuyến phiêu du mới, lần thứ tư với mấy đứa trẻ làng Trèm: vượt Ao Sen sang cánh đồng bên kia, xuống Vẽ (Đông Ngạc), vào Noi Cổ Nhuế), sang Cáo (Xuân Đỉnh), ra tận chợ Bưởi… quê Dế Mèn, rồi cứ đi nữa, đi mãi,… thoả thích tang bồng chí trai. .. Hai đứa tôi cùng dán mắt vào cuốn sách mỏng manh đọc mê mải, suốt chiều đến sâm sẩm… thì xong. Đặt sách, xuống bàn, mặt thừ ra nhìn nhau, rồi cùng tắc lưỡi xuýt xoa: - Tuyệt thật! Sao mà hay thế! Tài thế! Mặc dù khi ấy, chúng tôi mới chỉ cảm nhận lờ mờ cái hay, sự hấp dẫn của cuốn truyện một cách hoàn toàn cảm tính, ngây thơ, chủ yếu vì cốt truyện lạ lùng, mới mẻ, nhân vật thật gần gũi, đáng yêu, đáng noi gương, học tập…Trong giấc mơ tuổi thơ của tôi và Hiêu dạo ấy, không ít lần hai đứa từng mơ được tham gia vào đoàn tuổi trẻ phiêu lưu, đi vòng quanh thế giới để tuyên truyền Hòa bình và Nhân loại Đại đồng đoàn kết muôn loài cùng xây Hạnh phúc…, do Dế Mèn và Dế Trũi dẫn đầu. Hiêu bảo tôi: - Cậu mang về đọc kỹ lại lần nữa đi, rồi cho tớ muợn, đọc lại nhé! Tớ muốn đọc nhâm nhi ít nhất một, hai lần nữa, mới đã! Tôi lẳng lặng gật đầu.
Quả thật, Dế Mèn phiêu lưu là một trong những cuốn sách tôi đã đọc đi đọc lại, đọc lại đọc đi không biết bao nhiêu lần trong cuộc đời, từ tuổi nhi đồng cho đến hôm nay, khi đã tròm trèm thất thập. Mỗi lần đọc lại, vẫn cứ thấy khoan khoái, thích thú, không chỉ vì cốt truyện ly kỳ, hay mà vì cả lời văn, câu thoại sinh động lạ lùng. Nhiều câu, nhiều đoạn, tôi đã thuộc nằm lòng  từ thuở học trò nhi đồng cho tới bây giờ vẫn có thể đọc lại vanh vách! Sau này, tôi mới ngộ ra rằng: Những cuốn sách hay, tuyệt hay, được xếp vào loại cổ điển, kinh điển, mẫu mực, dù thời nào, của ai và ở đâu, có lẽ đều như vậy.
Phải chăng, có thể xem Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài là truyện đồng thoại xuất sắc nhất của Việt Nam ta thế kỷ 20 và là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của thế giới viết về loài vật, viết cho thiếu nhi. Tôi ngờ rằng đến nay, và còn lâu về sau, Dế Mèn… vẫn chưa có đối thủ ngang tầm!

Hai năm sau (lớp 5, cấp 2 (lớp 6 THCS ngày nay), chúng tôi mới được chính thức học bài Giảng văn đoạn đấu võ tranh hùng giữa Dế Mèn và Bọ Ngựa; trích Dế Mèn phiêu lưu ký. Tôi và Hiêu cứ háo hức chờ đợi xem thầy giáo dạy Văn sẽ giảng bài này như thế nào; bởi truyện thì hai thằng đã thuộc từ lâu! Nhưng, hình như ông thầy dạy môn Văn lớp chúng tôi năm ấy (thầy XĐ, tính trầm trầm, giọng trầm trầm, chậm chạp và điềm đạm) có vẻ không thích lắm truyện này nên giờ dạy cứ rời rạc, chủng chà chủng chẳng thế nào…?! Chỉ còn nhớ tiếng thầy đọc văn chậm rãi, đều đều… Còn lời thầy giảng giải, cắt nghĩa những gì thì… quên sạch!...
Đó là giai đoạn đầu tiên tôi đọc Dế Mèn…, với tư cách là một chú bé thiếu niên, học sinh hồn nhiên, yêu văn, ham đọc, lần đầu tiên đã bị Dế Mèn hoàn toàn thu hết cả hồn vía!

10 năm sau, vào nửa cuối những năm 60 thế kỷ trước, tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm (10 + 2) của Thủ đô, tôi trở thành một giáo viên dạy Ngữ văn – Lịch sử ở 1 trường PT cấp 2 bên kia sông Hồng. Tôi lại được (phải) đọc kỹ  Dế Mèn phiêu lưu ký, với tư cách người thầy giáo để giảng dạy học sinh trên lớp. (Trong trường SP, chúng tôi không được học 1 tiết nào về tác giả Tô Hoài cũng như tác phẩm Dế Mèn…?!). Thế là, tôi không chỉ phải thật tập trung đọc chậm, đọc kỹ lại toàn truyện nhiều lần, nhất là đọc sâu vào đoạn trích giảng; đọc thêm các giáo trình, tài liệu hướng dẫn giảng dạy, … để soạn giáo án. Cố nhiên, so với  giai đoạn đầu, bây giờ tôi đã hiểu về tác giả và tác phẩm sâu rộng hơn, khoa học hơn, nhưng quả thật, khi lên lớp, vì vốn kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm sư phạm còn ít ỏi nên chủ yếu mới chỉ hấp dẫn học sinh bằng mấy kỹ năng râu ria, hời hợt bên ngoài: tóm tắt truyện, kể chuyện, đọc diễn cảm một cách biểu cảm theo lối đóng vai… Còn việc phân tích, bình giảng giá trị nội dung, nghệ thuât đoạn truyện, trọng tâm của tiết Giảng văn, thì vẫn không tránh khỏi nông cạn, sơ sài, xã hội học dung tục và nhìn chung… rất lúng túng! Dạy xong, tôi tự thấy thất vọng với chính mình và xấu hổ với chàng Dế Mèn đầy kiêu hãnh, với nhà văn. Qua những năm học sau, nhờ rút kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ nghiêm túc, học hỏi thêm đồng nghiệp, tất nhiên tình hình dạy hoc truyện Dế Mèn… của tôi cũng có được cải thiện hơn; nhưng thú thật, tiến bộ cũng không đáng kể là bao nhiêu...
Ấy là giai đoạn thứ hai, tôi đọc Dế Mèn.., với tư cách một thầy giáo trẻ cấp 2 phổ thông: đọc để dạy.

Giai đoạn thứ 3 run rủi cho tôi có điều kiện đọc lại Dế Mèn… là vào đầu những năm 80 thế kỷ trước, khi đang là sinh viên du học tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Cuban (KGU) thuộc nước CH Liên bang Nga (Liên Xô cũ).  Tôi mua được cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký (NXB Kim Đồng, Hà Nội, năm 1980) trong hiệu sách Hữu nghị, thành phố Kraxnođa, tại ngăn sách Việt Nam. Cầm cuốn sách in thời bao cấp sau chiến tranh, xuất bản ra nước ngoài ấy, sao thấy bùi ngùi và chạnh  lòng xấu hổ?! Giấy dày, cứng như mo nang, màu xám đen, chữ in nhòe nhoẹt, dày sít, bìa mỏng tang, màu sắc lem nhem, nhợt nhạt…! đặt bên cạnh những cuốn sách Nga trắng muốt, bìa cứng sáng sủa, bóng loáng, sang trọng…! Đành tự an ủi: vì đó là sách của một đất nước nghèo, lại vừa ra khỏi cuộc chiến tranh gian khổ triền miên những 30 năm … mà lại!
Lần này, tôi lại vô cùng say mê, hứng thú đọc lại tác phẩm đầu tay của cụ Tô Hoài trong ÔP: khu nhà tập thể dành cho sinh viên nước ngoài cao vút (9 tầng), thênh thang, hiện đại, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Ngoài trời, tuyết bay ràn rạt như mưa hoa trắng xóa, trời lạnh tới +3 độ. Trong căn phòng ấm áp, tôi lại thả hồn về đất nước quê hương, đọc lại, học lại bài học đường đời đầu tiên mà Dế Mèn kiêu căng song hèn nhát, nhận từ Dế Choắt yểu mệnh mà can trường… Nhìn trời tuyết rơi, tôi cứ băn khoăn liên tưởng rằng, liệu trong chuyến phiêu lưu lần thứ ba ấy, liệu Dế mèn và Dế Trũi có nắm tay nhau tới xứ sở Bạch Dương xa xôi này.?... Chắc có! Vì trong đợt đi thực tập sư phạm ở trường tiểu học Nga, có dịp trò chuyện với các em thiếu nhi học sinh Nga, tôi mới mục sở thị và nghe tận tai rằng: - Thưa thầy! Chúng em cũng đã đọc truyện Dế Mèn của bác Tô Hoài ở Việt Nam (đã được dịch ra tiếng Nga). Chúng em rất thích và kính trọng anh Dế Mèn!
Mới hay sức sống và giá trị nhân văn lan tỏa rộng rãi nhường nào từ tác phẩm của Tô Hoài! Có em bé lớp 4: tóc vàng, mắt xanh biếc da trời, má phấn hồng hồng như trái táo đầu thu, còn thỏ thẻ với tôi: - Thưa thầy giáo Việt Nam! Em nhờ thầy, nếu năm nay thầy về phép, thầy nhớ mang sang tặng em 1 anh Dế Mèn nhé! Em thích chơi với anh ấy lắm! (Tất nhiên, em và tôi nói chuyện bằng tiếng Nga).
Tôi cười cười, gật gật đầu, cảm động mà lòng thầm áy náy. Vì trong thực tế, chỉ 3 tháng nữa là tôi đã thi tốt nghiệp, và về nước hẳn. Biết bao giờ mới có dịp thăm lại nước Nga, thăm lại ngôi trường thực tập thân thương này?!...
Cuộc đời, cứ như là ngẫu nhiên run rủi hay đã được tạo hóa an bài từ trước? không rõ! Riêng với tôi, hóa ra vẫn chưa xong duyên nợ với nhà văn sông Tô, phủ Hoài và tác phẩm Dế Mèn… trứ danh.

Giai đoạn thứ 4, đọc Dế Mèn…, diễn ra trong khoảng thời gian ngót hai chục năm: thập kỷ cuối cùng thế kỷ trước và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, khi tôi được giao nhiệm vụ giảng dạy bộ môn Phương pháp dạy học Văn tại tổ Văn,  khoa Xã hội, trường CĐSP Hà Nội. Để hướng dẫn sinh viên các lớp Văn về các phương pháp, biện pháp soạn bài và tổ chức dạy học đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên (2 tiết), trích chương 1, Dế Mèn phiêu lưu ký) ở đầu học kỳ 2, lớp 6 THCS. Tôi lại nhiều lần nữa phải gia công đọc lại, nghiên cứu lại nhà văn hiện đại Tô Hoài và truyện Dế Mèn
 Ở giai đoạn công tác này, để dạy tốt chuyên môn, nghiệp vụ cho sinh viên, nhằm vào 1 bài cụ thể, tôi phải đọc rộng ra, từ GS. Nguyễn Đăng Mạnh đến Phạm Xuân Nguyên và các tác giả nghiên cứu phê bình văn học khác viết về chân dung Tô Hoài - nhà văn của cuộc sống đời thường, đến các bài nghiên cứu, phê bình mảng truyện thiếu nhi của Tô Hoài nói chung, tác phẩm Dế Mèn, nói riêng..., để xác định nhận thức mới và vận dụng các phương pháp dạy học tác giả, tác phẩm và đoạn trích. Khó khăn, phức tạp hơn trước nhiều! Nhưng cũng hứng thú hơn trước nhiều vì sự mới mẻ của yêu cầu và tính chất công việc. Tập trung hết nội lực: suy nghĩ, phân tích, lý giải, bóc tách từng lớp nghĩa, từ ngoài vào trong, nông đến sâu, hẹp đến rộng, cắt nghĩa, bình luận, từ cụ thể đến khái quát… Chẳng hạn, đoạn lời nói cuối cùng của Dế Choắt, trước khi chết, cảnh báo và nhắn nhủ Dế Mèn đã mang chở và thấm đẫm triết lý nhân sinh, cần được hiểu và khai thác như thế nào? và làm thế nào để học sinh lớp 6 cảm nhận đúng và sâu? Tôi gợi mở vấn đề. Sinh viên hào hứng thảo luận. Trong những tiết xêmina sôi nổi ấy, tôi có cảm tưởng như chính Dế Mèn, chính cụ Tô làng Bưởi thâm trầm mà hóm hỉnh một cách đầy thông tuệ, lịch lãm… đã giúp chúng tôi những câu trả lời đích đáng, thuyết phục, những bài học nghề thầy giáo dạy Văn sâu sắc.
Mỗi năm, một vài lần như thế. Rồi nhiều buổi, tôi xuống trường PT dự giờ tập dạy Bài học đường đời đầu tiên… của sinh viên, rút kinh nghiệm giảng dạy theo hướng Tích hợp và Tích cực cùng giáo viên phổ thông…
Với thầy trò chúng tôi, Dế Mèn càng trở nên thân thiết, gắn bó, gần gũi hơn nhiều…và không bao giờ cũ! Và tôi có cảm tưởng: cụ Tô Hoài, trong những buổi trao đổi chuyên môn nghiệp vụ vui vẻ, nghiêm túc mà bổ ích ấy, hình như cũng đang ngồi dưh, lắng nghe, mủm mỉm nụ cười hóm hỉnh, khích lệ, động viên thầy trò chúng tôi.

Thuận theo thời gian mây trôi nước chảy, tôi về hưu cũng đã dăm năm.
Bước vào giai đoạn thứ 5, hẳn là giai đoạn cuối cùng, tôi, trong vai trò ông nội, lại được/phải đọc lại Dế Mèn… để làm một trong những sứ mệnh nặng nề và vinh quang của người già: dạy đàn cháu dại của mình. Tôi có 5 cháu nội, nên công việc này sẽ kéo dài ít nhất khoảng chục năm nữa (nếu trời cho tôi hưu tới đó!). Đọc lại Dế Mèn… lần này, một cách chăm chú, thanh thản, ung dung, chậm rãi, hoàn toàn không bị thúc bách bởi thời gian, rồi nhẩn nha, tha hồ kể cho bầy cháu nghe, rồi lắng nghe chúng ê a đọc lại, kể lại, lõm bõm chỗ được, chỗ không, lắng nghe những câu hỏi ngộ nghĩnh, ngây thơ, tức cười của cháu, kiểu như:
- Tại sao mẹ dế lại đặt tên dế là Mèn? – Ông ơi! Ông có biết: anh cả, anh hai của Mèn tên là gì? – Ông ơi! Mẹ Mèn mất năm bà bao nhiêu tuổi? - Tại sao cụ Tô Hoài không tả bố Mèn? – Ông ơi! Hồi thanh niên, Mèn cao mét mấy? nặng bao nhiêu ky lô?... Ông ơi!... anh Dế Mèn sau này có lấy vợ không?!...
Nhiều ông ơi đến… sốt cả ruột! Có những câu hỏi cắc quái, hiểm hóc một cách ngớ ngẩn khiến lắm khi ông nội cả đời dạy học cũng phải ngây ra, lúng túng, không biết trả lời ra sao! Có khi, tôi đành phải khất lũ cháu bằng câu đáp cửa miệng vụng về, ngượng nghịu:
 - Tốt nhất, bao giờ cháu lớn, cháu tự đến gặp, hỏi cụ Tô Hoài, sẽ rõ!
Hỡi ôi! Bây giờ và từ nay trở đi, các cháu tôi còn tìm đâu được cụ Tô Hoài nữa mà hỏi!!!

Tô Hoài là một trong những nhà văn Việt Nam hiếm hoi mà tác phẩm của mình thủy chung và có sức sống bền lâu trong sách giáo khoa môn Ngữ văn, trong nhà trường, từ phổ thông đến đaị học đến thế! Từ Dế Mèn, qua Cụ Sóng vò lúa, Phong cảnh làng mạc ngày mùa, Mưa rào mùa hạ… đến Vợ chồng A Phủ (lớp 10/12)*,… văn chương Tô Hoài như dòng suối trong, róc rách, lấp lánh, tỏa hương thanh lịch Tràng An - Hà Nội. Văn Tô Hoài hấp dẫn cả thầy lẫn trò, cả người già lẫn trẻ em. Mỗi lứa tuổi đọc Dế Mèn… với cảm nhận riêng và thú vị riêng của mình…
Với riêng tôi, một đời mà số phận dành cho tới 5 giai đoạn, 5 cái duyên may, 5 cơ hội được đọc hiểu Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài. Như vậy, chẳng đã khá đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa hay sao?

Nhớ lại chuyện này, tôi muốn thắp 5 nén tâm nhang, vọng viếng hồn linh cụ Dế Mèn – cụ Tô Hoài.
Cháu thành tâm và kính cẩn chúc cụ phiêu bồng, thích thảng trong chuyến phiêu du vĩnh viễn nơi miền Cực lạc - Vô biên.
- Trong thế kỷ 21, thế kỷ của Tri thức này, liệu ở nước Việt Nam mình có thể xuất hiện một Tô Hoài thứ hai? Một Dế Mèn… thứ hai?!
Câu hỏi kết bài bỗng vang lên trong tôi như một ước mơ vừa thiết tha vừa ngớ ngẩn!./.

* Nhan đề những tác phẩm và đoạn trích tác phẩm của Tô Hoài được chọn dạy học trong chương trình và SGK Ngữ Văn phổ thông hiện nay.


Trèm – phường Thụy Phương,
quận Bắc từ Liêm,
chiều  8 – 7 – 2014.
ĐV




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét