Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

BỖNG với lời bình

                                      
                                                                  Hoàng Dân

Bỗng
                    Việt Phương

Bỗng nhiên vũ trụ thuộc về ta
Khi căn phòng còn một mình hai đứa
Như tình cờ như hẹn hò như bất ngờ như lời hứa
Một phút một đời không biết nữa thời gian
Anh đứng sát bên em yên lành tan vỡ
Lạnh buốt như băng rực lửa nồng nàn

Anh muốn ôm em như đôi người yêu
choàng vai nhau khi bên hồ
sương khuya đã giá
Như người chồng sau ba mươi năm cách chia
trong đêm ghì lấy vợ
Như hai bạn gái thèm một cánh tay trai,
siết chặt nhau trong hang đá Trường Sơn

Đặt đôi môi anh lên trái tim tim xinh nhỏ tự mình son
Hút hơi em như ong hút nhuỵ
Hôn nhau cái hôn có con người ma quỉ với thần tiên
Và cứ thế anh lặng im đứng yên
lặng im đứng yên
Nâng niu một cái gì bùn đất thiêng liêng
mong manh vững bền giữ gìn lan toả
Em có nghe ngoài ngõ tiếng chim chuyền
Dưới chân thềm không cài then cửa mở
Anh ra đi phả buồn vui vào gió
Gửi êm đềm bão tố lại cho em

Mai về quê em thơm lên tóc mẹ
Cầm bàn tay chai xoa bàn chân nẻ
Cảm ơn người xa lạ thế đã sinh anh

Lời bình của Hoàng Dân
Tuy tác giả không ghi năm sáng tác nhưng tôi nghĩ có thể bài thơ ra đời trong khoảng thời gian đang diễn ra cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta. Nếu vậy thì cách mở đầu bài thơ được coi là khá lạ so với những bài thơ cùng thời:
Bỗng nhiên vũ trụ thuộc về ta
Khi căn phòng còn một mình hai đứa
Như tình cờ như hẹn hò như bất ngờ như lời hứa
Một phút một đời không biết nữa thời gian
Anh đứng sát bên em yên lành tan vỡ
Lạnh buốt như băng rực lửa nồng nàn

Bỗng nhiên vũ trụ thuộc về ta nghĩa là giờ đây chỉ có hai ta hiện hữu. Điều gây ấn tượng với người đọc là cụm từ “một mình hai đứa”. Thông thường đã “hai đứa” thì không thể là “một mình”, nhưng hình như cái “một mình” ở đây  nhằm đặc tả sự vồ vập, xoắn xuýt… giữa hai kẻ đang yêu. Với họ, đây không phải là cuộc gặp gỡ nơi trần thế, mà là cuộc gặp gỡ trong mơ: như tình cờ, như hẹn hò, như bất ngờ, như lời hứa… Trong thời bình thì lời hứa, lời hẹn… có thể có xác suất trở thành hiện thực tới 90% trở lên; còn trong thời chiến thì ngược lại, có tới 90% trở lên luôn có nguy cơ bị chiến tranh huỷ hoại. Thế cho nên, được gặp nhau lần này cũng có thể là lần cuối và do đó “Một phút một đời không biết nữa thời gian”. Một phút nén chặt cả một đời và một đời chỉ là một khoảnh khắc thời gian vụt qua trong cõi vô cùng. Hai câu cuối của khổ thơ chứa hai cặp tiểu đối:
 Anh đứng sát bên em yên lành / tan vỡ
 Lạnh buốt như băng / rực lửa nồng nàn
Ta đứng sát vào nhau tới mức không thể sát hơn được nữa để tận hưởng phút “yên lành” hiếm hoi và để bùng nổ sự tận hiến trong tình yêu. Ta đứng sát vào nhau để thảng thốt giật mình sợ hãi và để vỡ oà trong niềm hạnh phúc tuyệt vời của khoảnh khắc giao hoà âm dương. Đó là khoảnh khắc “rực lửa” đốt cháy mọi giáo điều của lí trí, chỉ còn sự cuồng nhiệt của một tình yêu trần thế thấm đẫm bản năng thiên phú nồng nàn.
Nhưng ngọn lửa tình yêu dù có nóng tới cả ngàn độ thì những kẻ đang yêu dường như vẫn cảm thấy chưa đủ, nó cần được “tăng nhiệt” tới vô cùng:
 Anh muốn ôm em như đôi người yêu
choàng vai nhau khi bên hồ
sương khuya đã giá
Như người chồng sau ba mươi năm cách chia
trong đêm ghì lấy vợ
Như hai bạn gái thèm một cánh tay trai,
siết chặt nhau trong hang đá Trường Sơn
Câu thơ “Như hai bạn gái thèm một cánh tay trai, siết chặt nhau trong hang đá Trường Sơn” vừa là một phép so sánh đặc tả sự triệt tiêu mọi khoảng cách giới tính trong tình yêu lứa đôi, vừa là một bằng chứng tố cáo sự phi nhân vô đạo của chiến tranh, bởi chính chiến tranh đã huỷ diệt một trong những đặc ân thiên phú lớn nhất của con người: TÌNH YÊU!
Đến khổ thơ thứ ba thì tác giả đã cụ thể hoá một cách sinh động những “thao tác” trong tình yêu, những “thao tác” ấy có vẻ phổ quát và mang tính điển hình; nhưng thú thật là không ít người đọc hình như vẫn cảm thấy “thèm muốn” được yêu như vậy:
Đặt đôi môi anh lên trái tim tim xinh nhỏ tự mình son
Hút hơi em như ong hút nhuỵ
Hôn nhau cái hôn có con người ma quỉ với thần tiên
Và cứ thế anh lặng im đứng yên
lặng im đứng yên
Nâng niu một cái gì bùn đất thiêng liêng
mong manh vững bền giữ gìn lan toả
Em có nghe ngoài ngõ tiếng chim chuyền
Dưới chân thềm không cài then cửa mở
Anh ra đi phả buồn vui vào gió
Gửi êm đềm bão tố lại cho em
Câu thơ “Hôn nhau cái hôn có con người ma quỉ với thần tiên” thoạt nghe có vẻ đơn giản như một câu nói thường ngày, nhưng khi nằm trong trường cảm xúc của bài thơ thì nó bỗng vụt sáng để trở thành một câu thơ hay. Hay bởi nó nói đúng bản chất của nụ hôn nói riêng, tình yêu nói chung. Sau này, ông Nguyễn Bảo Sinh đã “tường minh hoá” cái ý này thật tuyệt: “Trong mê tình chỉ là tình/Tỉnh ra mới biết trong tình có dâm/Trong mê dâm chỉ là dâm/Tỉnh ra mới biết trong dâm có tình”. Trong nụ hôn này có cả “con” và “người”, có cả ham muốn nhục dục và khát vọng tận hiến, có cả thực và mơ, có cả tầm thường và cao cả, có cả cái khả ái và cái ghê tởm… Tóm lại, đây là bộ mặt đích thực của tình yêu, bởi trong tình yêu có tình dục, tình dục là kết quả của tình yêu, không có tình dục thì tình yêu sẽ chết yểu; nhưng nếu chỉ có tình dục thì đó là hành vi thú vật. Có thể nói, hoan lạc trong một cuộc tình tận hiến không chỉ là hoan lạc, nó còn là sự thăng hoa của những xúc cảm tiềm tàng từng bị nén chặt, bị ức chế bởi những lí do khách quan hoặc chủ quan nào đó. Những xúc cảm lứa đôi được giải phóng sẽ tạo nên một nguồn năng lượng kì diệu giúp cho lòng ham sống, ham yêu, ham hành động hướng thiện của con người có sự phát triển đột biến, khó lường.
Những kẻ đang yêu có thể đứng chết lặng để chợt ngộ ra những điều thật giản dị của hạnh phúc:
Và cứ thế anh lặng im đứng yên
lặng im đứng yên
Nâng niu một cái gì bùn đất thiêng liêng
mong manh vững bền giữ gìn lan toả
Em có nghe ngoài ngõ tiếng chim chuyền
Dưới chân thềm không cài then cửa mở
Bởi tình yêu đích thực bao giờ cũng có cái vẻ hoang sơ để ta khám phá “Nâng niu một cái gì bùn đất thiêng liêng”, có cái rủi ro của hoàn cảnh và đức tin của lòng chung thuỷ “mong manh vững bền giữ gìn lan toả”.
Và cũng bởi tình yêu là sự giao hoà tuyệt đối giữa hồn người với thiên nhiên “Em có nghe ngoài ngõ tiếng chim chuyền”, là sự tin cậy tuyệt đối giữa con người với con người “Dưới chân thềm không cài then cửa mở”.
Một tình yêu chân chính, cao thượng còn có khả năng thanh lọc tâm hồn cho con người; loại bỏ mọi hoài nghi, cảnh giác, đề phòng. Ca dao nói: “Chửa quen đi lại cho quen/Tuy rằng cửa đóng nhưng then không cài”, còn Việt Phương thì: “Dưới chân thềm không cài then cửa mở”. Cái “kinh thành bỏ ngỏ” này của những kẻ đang yêu là gì, nếu không phải là những bước chân đầu tiên trên con đường hành thiện?
Nhưng trong tình yêu, nếu so sánh thời gian của mọi cuộc gặp gỡ với thời gian mà hai kẻ đang yêu phải xa cách nhau trong khắc khoải đợi chờ thì những cuộc gặp gỡ vẫn là quá ngắn; bởi thời gian mà những kẻ đang yêu phải chờ đợi là thời gian tâm lí chứ không còn là thời gian vật chất nữa.
Thế cho nên, lạnh lùng cắt ngang mọi đam mê cuồng nhiệt sẽ là những cuộc chia li:
Anh ra đi phả buồn vui vào gió
Gửi êm đềm bão tố lại cho em
Cái anh mang đi là niềm vui có em và nỗi buồn có thể mất em. Cái anh gửi lại có thể là những kỉ niệm “êm đềm” về tình yêu, nhưng cũng có thể là “bão tố” không chỉ đến từ bầu trời, mặt đất, mà là đến từ miệng thế, lòng người… Ôi chao là “mong manh”! Có “giữ gìn” được không?
Cái kết của bài thơ thật bất ngờ. Dường như mạch cảm xúc của tình yêu đã vận động “tới giới hạn” để “lượng đổi chất đổi”, tình yêu không chỉ còn là giá trị tự nó nữa, mà đã được vinh thăng thành lòng biết ơn các bậc sinh thành:
Mai về quê em thơm lên tóc mẹ
Cầm bàn tay chai xoa bàn chân nẻ
Cảm ơn người xa lạ thế đã sinh anh
Người mẹ giản dị, “thô sơ da thịt” (chữ của nhà thơ Y Phương dùng trong bài thơ “Nói với con”) với “bàn tay chai”, “bàn chân nẻ” vốn là “người xa lạ”; nhưng lại chính là người đã “sinh anh”. Trong niềm hạnh phúc trần thế ngất ngây này, xin cho anh được “thơm lên tóc mẹ” như một sự tri ân đối với người mẹ đã từng mang nặng đẻ đau để sinh ra cái đẹp, sinh ra tình yêu và sinh ra anh!
                                                                            Thạch Bàn, thứ bảy, 15.3.2014


1 nhận xét:

  1. Mai về quê em thơm lên tóc mẹ
    Cầm bàn tay chai xoa bàn chân nẻ
    Cảm ơn người xa lạ thế đã sinh anh
    Khổ thơ này cần được đọc kĩ. Ai thơm lên tóc mẹ? EM hay ANH? Em thơm lên tóc mẹ có lí hơn vì EM cảm ơn MẸ đã sinh ANH ( cho em). Phải chăng khi Hoàng Dân viết " xin cho ANH được "thơm lên tóc mẹ"... là có một sự NHẦM?

    Trả lờiXóa