Đường Văn
LẠI NGHĨ VỀ THẰNG BỜM
VỚI TÂM LÝ
BỜM & TRIẾT
LÝ BỜM
ĐƯỜNG VĂN
Trong
kho tàng ca dao phong phú của dân tộc ta, Thằng
Bờm là một trong những bài phổ biến và nổi tiếng nhất. Ai đọc cũng thấy thú
vị, tâm đắc. Đã có bộ phim truyện nhựa mà kịch bản điện ảnh được xây dựng và
phát triển từ bài ca dao Thằng Bờm.
Nhưng cảm nhận, phân tích, lý giải thì cho đến nay, vẫn chưa thống nhất.
Có ý kiến hết lời khen Bờm thông tuệ,
bình tĩnh, đa mưu, thực tiễn, độc đáo vô song
và tượng trưng cho lẽ phải. Còn Phú ông là tay con buôn lèo lá, ma cô,
vốn quen ve vãn lừa người… Ý kiến khác hình dung và chê Bờm tóc tài bờm xờm,
quần áo nhếch nhác, nghĩ suy hạn hẹp, tầm nhìn thực dụng, kết quả của lối sống
buông tuồng, bất hạnh, khó bó khôn; còn Phú ông là thương lái nhạy bén, kiên
nhẫn, nắm vững tâm lý khách hàng nên vào
cầu, trúng quả. Phú ông không ngu dốt, ti tiện như Nghị Quế (Tắt Đèn, Ngô Tất Tố), cũng không hách
dịch, hiểm ác như Bá Kiến (Chí Phèo, Nam Cao)*.
Có người cho rằng, sở dĩ có sự bất
đồng ấy là bởi sự hiểu khác nhau 2 tiếng Bờm
cười. Nụ cười biểu hiện sự đồng ý, đồng tình hay chối từ khinh bỉ? Cuối
cùng, Bờm ưng thuận, không giấu diếm, giữ kẽ, bộc lộ bằng nụ cười hồn nhiên,
chân thực*. Lại có ý kiến khác: Bờm không đổi vì tuy nghèo đến mức có thể chết
vì đói, nhưng để bảo vệ danh dự và phẩm giá của mình, Bờm sẵn sàng chịu đựng
tất cả, thậm chí coi thường cả cái chết!* Có tác giả sách Hướng dẫn giáo viên THCS lớp 7, tập
2, nhấn mạnh: Đây là bài ca dao vui.
Nhưng nói đến đấu tranh giai cấp. Bờm đại diện cho nông dân. Phú ông đại diện cho địa chủ. Nhà thơ Võ Thanh
An suy ngẫm về Thằng Bờm cũng bằng một bài thơ lục bát sắc sảo:
Sống trong thế thái nhân tình
Con người lạ nhất là anh chàng Bờm!
Gọi thằng , là để yêu hơn,
Chứ con người đó sống ngàn năm nay!
Gia tài mo quạt cầm tay,
Làm nên gió mát xưa nay có Bờm!...
Sống cùng tiếng hát dân gian,
Mặc ai chê dại, trách gàn, chẳng lo!*
Thật rôm rả! Điều đó càng chứng tỏ sức
sống, chiều sâu tư tưởng – nghệ thuật, tính hình tượng đa nghĩa của Thằng Bờm. Đó cũng chính là những tác
nhân gây nên bao ý kiến bất đồng trên.
Bên cạnh một vài cách hiểu cực đoan,
hiện đại hóa Thằng Bờm, vẫn có những
suy nghĩ nghiêm túc, sâu sắc, gợi mở những phương hướng tiếp cận, phân tích
mới. Người viết bài này muốn thử tiếp xúc, tìm hiểu Thằng Bờm từ góc độ tâm lý
học lứa tuổi và xã hội, từ triết lý
dân gian Việt Nam.
Trước hết, cần đặt bài ca dao vào thời
điểm xuất hiện của nó, đúng với đặc trưng thể loại của nó.
Đó là một bài đồng dao (ca dao cho nhi đồng, về nhi đồng, thiếu nhi) cổ. Tất nhiên, chỉ có thể, trên nét lớn
đoán định được hoàn cảnh ra đời của nó. Nhưng chắc có lẽ không dưới vài trăm,
thậm chí cả ngàn năm trước đây. Là một bài ca cho thiếu nhi chăn trâu, nên nó
mang cái vui tươi, dí dỏm, hồn nhiên đùa cợt vui nhộn là chủ yếu. Nhưng tất
nhiên, người bình dân cũng đồng thời gửi gắm vào đó tâm lý, triết lý nghiêm
túc, sâu xa, độc đáo riêng của mình, của thời đại mình.
Có người kỳ công khảo cứu cái tên
riêng Bờm. Từ bờm vốn bắt nguồn từ bần
(nghèo) hoặc bờm xơm, bờm bợp mà ra.
* Cũng có thể như vậy. Nhưng có lẽ nguồn cội của từ đó dung dị hơn nhiều. Đó là
phong tục đặt tên con một cách rất
nôm na (cho lành, lấy may) của các gia đình nông dân Việt Nam xưa (và cả nay).
Những thằng cu, thàng bòi, cò, còm, cái
hĩm, cái tý, thằng sửu (sinh năm tý, năm sửu)… Bờm là cái chỏm tóc, cái cun
cút trên đỉnh thóp đầu của đứa
trẻ (cả nam cả nữ) để lại tóc, còn tất cả tóc trên đầu đều được cạo sạch cho
mát. Để bờm tóc, để tóc cun cút vì
chỗ da đầu ấy mỏng hơn, cần được tóc bảo vệ. Từ đó gọi luôn thành tên: gọi thằng Bờm! Vậy thôi!
10 câu đồng dao, như một cuộc chuyện trò vui vẻ, tào lao, một màn
hài kịch nhỏ có nhân vật trung tâm là Bờm, 2 nhân vật
chính là Phú ông và cái quạt mo. Thằng
Bờm hiện lên như 1 nhi đồng thông minh, ngây thơ và ngộ nghĩnh (quãng từ 6
– 10 tuổi). 5 lần đổi chác lòng vòng chủ yếu diễn ra bằng lời đối thoại và mới chỉ là những điều kiện giả định. Chỉ có cái quạt mo là hoàn toàn có thật khẳng định với sở hữu là của riêng
thằng Bờm.
Bạn hãy thử hình dung một chiều hè oi
ả hay mát mẻ nơi làng quê nào đó, dưới gốc đa cổ thụ đầu làng, có một đứa trẻ
con nhà ai đó với cái bờm tóc đen nhánh, phất phơ, đang vừa ngắm nghía vừa phe
phẩy cái quạt mo cau, chơi tha thẩn một mình. Chợt có Phú ông lững thững đi
hóng mát qua, chợt thấy thằng bé hay hay, bỗng nảy ý đùa vui, bèn dừng lại hỏi
han, chuyện trò. Và cuộc đối thoại, hỏi đáp, đổi chác, mặc cả, cò kè kì lạ ấy
đã diễn ra như một trò đùa của một
ông nhà giàu quý trẻ mà thôi! Có lẽ hiểu như vậy mới giải thích được những vật
đổi vô lý, lộn xộn mà Phú ông tung ra liên tiếp để trêu, để thử thằng bé bướng bỉnh xem kết cục nó như thế nào?
Đúng là tâm lý thích khoe đều có cả ở 2
người. Trẻ con vốn rất thích khoe khoang. Người già cũng vậy. Đó là một
trong những đặc tính tâm lý giống nhau của cả 2 lứa tuổi. Nhưng nếu cho rằng
Bờm khoe một cách tự nhiên, hồn nhiên, còn Phú ông khoe một cách kệch cỡm, thô
bỉ thì e lại đã có phần thiên nghiêng về
tính giai cấp của nhân vật mà coi nhẹ hoặc quên mất tâm lý lứa tuổi ở họ. Ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, bè gỗ lim,
chim đồi mồi… chẳng qua chỉ là những hình ảnh sự vật chợt nảy ra trong đầu
Phú ông sau mỗi lần từ chối quả quyết (có thể kèm theo cử chỉ lắc đầu, cong
môi, vênh mặt phụng phịu kèm theo những tiếng ứ ừ! không! Không đâu! Nũng nịu, ngây thơ của đứa trẻ bị trêu già!
Đến khi Phú ông xin đổi đến nắm xôi
thì cả 2 ông cháu cùng cười, nụ cười vui vẻ, sảng khoái, kết thúc cuộc gặp gỡ
tình cờ, thú vị. Có thể cái cười của Bờm chứng tỏ Bờm bằng lòng đổi hoặc ngược
lại: từ chối khéo. Nhưng điều cần lưu ý hơn là nắm xôi (hoặc hòn xôi) ấy vẫn cũng chỉ là giả định, vẫn nằm trong trò chơi của Phú
ông bày ra, nghĩ ra. Nếu câu chuyện còn tiếp, thì có thể sẽ là câu hỏi của Bờm:
- Vậy xôi của ông đâu? Phú ông: - Ông để ở nhà. Để ông về lấy nhé, hoặc mai ông
mang ra đổi nhé!... Bờm: - A! Phú ông nói dối!.v.v…Chỉ có nụ cười và cái quạt
mo là có thật!
Không nên hiện đại hóa thằng Bờm, người
lớn hóa Bờm, cho rằng Bờm thông minh đến mức biết đổi vật ngang giá với tỉ giá thích đáng.* Ngược lại, cho Bờm là đứa
trẻ ngu hèn, chỉ tham ăn tục uống, thực dụng, cũng là gọt chân cho vừa giầy
nốt!
Rõ ràng, bài đồng dao ở đây đã thể hiện một cách rất tự nhiên, tinh tế những nét tâm lý tiêu biểu của một nhi đồng nông dân nghèo Việt Nam xưa.
Đó là bản tính ngây thơ, hồn nhiên, tự nhiên, nằng nặc, cương quyết khi chưa
vừa ý. Nhưng khi trúng ý, hài lòng thì lập tức nở nụ cười rất đỗi trẻ con. Rõ
ràng Bờm ta rất quý cái quạt mo be bé xinh xinh, rất chi là tiện dụng (chắc bố
mới làm cho!) nên Bờm không màng đánh đổi lấy những vật xa lạ, khó hiểu ngoài
tầm nhìn, tầm nghĩ, tầm tưởng tượng của 1 đứa bé nhà quê. Còn ai mà chẳng thích
ăn no, ăn ngon. Trẻ con càng như vậy. Nhất
(dĩ) thực vi tiên! Vậy, Bờm cười vì ngạc nhiên, thích thú vì vật đổi Phú
ông chợt đưa ra khi chú chàng đang ngót
dạ? Hay Bờm chẳng thèm, chẳng để ý vì bụng Bờm vẫn còn no?… thì cũng đều biểu
hiện rất đúng, rất phù hợp với tâm lý trẻ con ở lứa tuổi này, trong hoàn cảnh này. Cũng không nên vì thế mà đánh giá
Bờm hèn kém, thực dụng, tham ăn, tầm nhìn
không quá nắm xôi! Đó lại là những cách nhìn thiên kiến, định kiến, lối suy
diễn máy móc, thô thiển một chiều, quan trọng hóa, phức tạp hóa vấn đề mà thôi!
Nhưng nếu đúng như vậy thì triết lý Bờm ở đâu?
Cũng có thể đó là tiếng lòng của những cảm xúc chưa rạch ròi về mình và ước mong sửa sang cho cách sống, cách nghĩ
hạn hẹp của đương thời và hậu thế*. Thằng
Bờm tỏa ánh sáng hóm hỉnh, thông minh, một phương pháp ứng xử thực tế sắc sảo
mà gốc rễ là sự công bằng.* Hoặc nghiêm khắc hơn: Đối với nhân dân lao động
nghèo khổ, trong quan hệ với những kẻ quyền thế, giàu có, cần phải cảnh giác,
khôn khéo và thông minh.*..
Riêng tôi, tôi nghiêng về cái triết lý lạc quan, vô tư, hồn hậu, thực tế
cứ ảnh tỏa ngời ngợi trên từng câu chữ giản dị của bài đồng dao.
Trẻ con là trẻ con! Các em hoàn toàn
không phải là những phiên bản của người lớn vụng về, gò gượng thu nhỏ lại. Xin
hãy tạo những điều kiện tốt đẹp nhất để các em được sống, vui chơi, ăn, ngủ,
học hành, lao động và mơ ước một cách hồn nhiên, tự nhiên và phù hợp với tâm
sinh lý lứa tuổi thần tiên của các em. (Đương nhiên cần phải định hướng giáo
dục, tổ chức chu đáo và an toàn). Yêu quý, tôn trọng trẻ em thực sự chứ không phải
là giả dối lấy lòng, mua chuộc, ép buộc trẻ theo ý người lớn… Đó mới là phương
pháp giáo dục trẻ em khoa học và hiệu quả.
Từ thằng
Bờm có cái quạt mo trong bài đồng
dao Việt cổ đến những biến thể của thằng
Bờm hiện đại không chỉ phản ánh sức sống bền dai, ý nghĩa triết lý nhân
sinh thâm thúy và thời sự mà còn chứng tỏ cái tâm lý Bờm, triết lý Bờm trong phần hạt nhân nhân bản, lạc quan,
tươi vui, mạnh khỏe của nó. Đó chính là một trong những đặc trưng cơ bản của
trẻ em Việt Nam, con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử, từ quá khứ đến
hiện tại và vươn tới tương lai./.
·
Báo Người Hà Nội, ra ngày 27 – 1 và 24 – 3
– 1991.
·
Hoàng Tiến
Tựu: Bình giảng ca dao (NXBGD, 1992)
·
Phan Văn
Hoàn: Suy nghĩ về nhân vật Bờm qua
truyện dân gian (Tạp chí Văn học, số 21, năm 1993).
·
Sách Hướng dẫn giáo viên môn Văn học lớp 7,
năm 1987.
·
Báo Văn Nghệ, ra ngày 7 – 5 – 1988.
·
Đã in tập
san Tài hoa trẻ, số 12, tháng 12 –
1996; (tr. 22, 23, 24) và Thông báo Khoa
học của ĐHQG Hà Nội, số 2- 1997.
Đọc lại, có sửa chữa, bổ sung, 7 – 11 –
2013. ĐV
Lý giải thuyết phục người đọc.
Trả lờiXóaCám ơn bạn Trang Hy đã ghé và chia sẻ!
Xóa