Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

GẶP NGƯỜI TỪ MỘT MIỀN QUÊ




GẶP NGƯỜI TỪ MỘT MIỀN QUÊ
Đọc tập Phóng sự, bút kí Trở về những làng quê của Bùi Nhật Lai, nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 2013

                                             Vũ Nho

Khi là chàng trai 18 tuổi, tôi đã sống cuộc đời sinh viên khoa Văn gắn liền với làng bản  trong xóm Na Ri, xã Đức Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Rồi khi trở thành giảng viên khoa Ngữ Văn, một lần nữa tôi lại cùng các thầy các bạn sinh viên sơ tán về làng Lân, xã Phấn Mễ huyện Phú Lương. Mĩ đánh ác liệt, tôi cùng lớp sinh viên và một số thầy giáo lại  chạy lên tận Trung Lương, huyện Định Hóa. Ở đấy, tôi đã từng cùng các đồng nghiệp và các bạn sinh viên cứu kho thóc Quán Vuông bị cháy do bom Mĩ. Cho đến khi rời về Hà Nội, tôi đã có 20 năm gắn bó với mảnh đất  “thủ đô gió ngàn” Thái Nguyên sâu nặng ân tình.
 Đó là lí do vì sao nhận được tập sách Trở về những làng quê của Bùi Nhật Lai, tôi hào hứng đọc ngay. Vì tác giả viết chủ yếu về những làng quê ở Phú Lương, nơi tôi đã từng sống. Và  một điều càng thêm thú vị  bởi tác giả lại là người làng Lân, cái làng mà tôi cùng các  thầy khoa Văn như Nguyễn Văn Túc, Phan Thanh Lương,  Đoàn Hồng, Lộc Phương Thủy, Bàn Tiến Tân, Nguyễn Huy Quát…một thời  được dân làng cưu mang, đùm bọc.

Theo bước chân  và ngòi bút của tác giả, tôi  trở về Đu, tới Khuôn Lân, Ba Họ, Phấn Mễ, Động Đạt, Tức Tranh, Núi Chúa,… toàn là những địa danh quen thuộc mà mình đã từng sống, từng gặp gỡ, từng trải nghiệm. Hoặc ít nhất thì cũng đã từng nghe nói hồi sống ở Phú Lương… Thì ra cái huyện Phú Lương không lớn lắm mà cũng có bao nhiêu điều đáng nói về những làng quê, những con người. Tác giả quả là người chịu đi, chịu hỏi, chịu nghĩ và…chịu viết. Và nhờ tác giả, bạn đọc chúng tôi mới biết được những thay đổi đáng phấn chấn, tự hào về những ngôi làng như Khuôn Lân, Ba Họ,…Cái làng Khuôn Lân hóa ra là một địa danh rất đáng tự hào : “ là nơi diễn ra đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất ( 1/5/1952), đồng thời đây cũng là nơi thành lập Trung đoàn Công binh đầu tiên của quân đội ta, Trung đoàn 151 là tiền thân của lữ đoàn Công binh 229 ngày nay, đây cũng là nơi ở của Trường Đại học Y Hà Nội trong suốt thời kì kháng chiến” ( trang 8). Làng càng đáng nói hơn khi đã có những con người như anh Dũng, anh Hưởng, anh Hồ, vừa làm giàu cho mình, vừa làm giàu cho làng, cho xã.
Bùi Nhật Lai nói về những làng quê, nhưng chủ yếu các bài viết tập trung vào những người quê. Không rõ có phải vốn xuất thân là nhà giáo hay không mà tác giả dành ưu ái  nhiều cho những trang viết về những người làm giáo dục. Đó là  “Người thầy và những năm tháng không quên” viết về thầy Nguyễn Văn Túc, một người con của đất Thái Nguyên từng là người đầu tiên  trong số những thầy giáo khai sinh ra trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Đó là thầy giáo Phạm Đình Hồng, người thanh niên học trò cấp 3 Phú Lương “xếp bút nghiên” lên đường đánh Mĩ, rồi trở về làm nhà giáo “ Giống như người trồng cây, anh cứ âm thầm, cần mẫn, lặng lẽ tháng ngày ươm những chồi non, lộc biếc làm nên mùa xuân cuộc đời” ( tr.54). Chúng ta có thể gặp  một cô giáo trẻ làm nhiệm vụ khiêm tốn ở trường THCS Phấn Mễ  ( Người đệm đàn cho những bài ca) hoặc vợ chồng nhà giáo “Chuân Chuyên” thoát nghèo và làm giàu bằng cách vừa nuôi ong, vừa nuôi rắn độc ( Ước mơ ông giáo làng). Có thể biết về các thầy cô ở trường THPT Phú Lương trong dịp kỉ niệm 45 năm thành lập trường với biết bao tên tuổi  cùng những tháng ngày buồn vui nghề giáo ( Nhớ lắm các thầy cô). Chúng ta có thể theo bước chân các thầy cô của trường THCS Phấn Mễ 2 đến với những học sinh nghèo “ những phận đời đáng thương” để hiểu và cảm thông với các em học sinh,  chứng kiến tấm lòng các giáo viên có kế hoạch giúp các em khắc phục khó khăn, tiếp tục học tập (  Chung tay giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó).
Không chỉ viết về những ngôi trường, những người cùng làm nghề dạy học, ngòi bút của Bùi Nhật Lai còn hướng tới những người tốt, những tấm gương khác của Phú Lương. Người cựu chiến binh Khương Đức Vinh với bí quyết “đa canh” không có nguồn nào thu lớn, nhưng cộng các khoản thu vẫn không thua kém ai, “ một vài trăm triệu  ấy mà!” ( Người cựu chiến binh gương mẫu). Hoặc một thương binh  khác trong cuộc chiến tranh chống Tàu năm 1979, anh Hoàng Thế Hùng,  thương tật 2/4   nhưng quyết tâm khai phá đất hoang, tạo một cơ ngơi khang trang với ruộng bậc thang, ao cá, đồi cây trên núi Chúa ( Người thương binh sống bên núi Chúa). Một người thầy thuốc  đông y tên Nguyễn Đức Thuận với phương châm “ cứu người” “ làm phúc giúp đời” ( Tôi chữa bệnh cứu người, không phải để làm giàu). Câu chuyện một người mẹ giàu nghị lực của những đứa con học giỏi  ( Người mẹ và những đứa con)  và chuyện của một người năng động tổ chức “dịch vụ phục vụ đám cưới” Ngô Văn Lợi ( Để có những niềm vui tròn đầy) cho người đọc biết thêm về những con người  giàu nghị lực, năng động, đáng kính trọng của một miền quê.
Tất nhiên, không chỉ có ngợi ca những gương người tốt, những việc tốt. Tác giả còn trăn trở với những chuyện buồn, những mặt trái của nông thôn, làng quê khi bước vào kinh tế thị trường mở cửa.  Chuyện những “tiểu xảo”, những lừa gạt nơi phố chợ. Chuyện bỏ nhà  ra phố mưu sinh. Kể cả chuyện đi xuất khẩu lao động làm giàu ở Đài Loan thì vẫn có hai mặt sáng tối đan xen, buồn vui trộn lẫn. ( Xe ca du kí, Những chuyện buồn ở chốn chợ quê, Đài Loan – Ước mơ lớn của những cuộc đời bé, Nhọc nhằn mưu sinh trên phố).
Ở trên đã nói tới việc chịu đi, chịu nghĩ, chịu viết của Bùi Nhật Lai. Tuy nhiên, cảm giác sự thành công của các bài viết không thật đều. Ghi chép có khi mới đơn giản thấy tên người và sự kiện, phóng sự thì  đôi lúc chưa đi sâu vào những chi tiết số phận, những trắc trở, éo le. Các nhân vật chủ yếu vẫn quẩn quanh địa bàn Phú Lương. Bảo là thâm canh miền quê  (nếu muốn bênh vực), bảo là quanh quẩn (nếu muốn đòi hỏi cao), đều được. Tôi ấn tượng và ngạc nhiên với bài viết Người thổi hồn cho đá. Một bài viết trội nhất của tập. Phải chăng khi vượt ra ngoài địa phận huyện nhà, khi vượt ra khỏi vai trò anh giáo viên trường làng, vượt ra khỏi khuôn khổ công dân thị trấn Đu, với tư cách hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đi dự trại viết Đà Lạt, Bùi Nhật Lai thăng hoa và viết ra một tác phẩm chẳng kém cạnh một cây bút gạo cội nào.
Xem danh sách những tác phẩm đã in của Bùi Nhật Lai ở bìa bốn, thấy anh đã có tám tập vừa tản văn, truyện ngắn, bút kí phóng sự. Hình như anh thiên về bút kí.  Dù có  một vài nhược điểm như đã nói, nhưng nhìn chung đây là một tập  bút kí phóng sự ấn tượng về những làng quê, những con người Phú Lương của mảnh đất Thái Nguyên nặng tình giàu nghĩa.  
Sau tám tập sách đã in, bây giờ Bùi Nhật Lai đang vào độ chín của ngòi bút. Bạn đọc có quyền hi vọng vào những tác phẩm mới đang thai nghén của anh.
                                                   

                                                  Hà Nội, tháng 8/2014

2 nhận xét:

  1. Đọc lời bình mà thèm có một cuốn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Như vậy là người viết phê bình thành công rồi!
      Cám ơn TNX đã ghé trang!

      Xóa