Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

HỌC TRÒ XUÂN ĐỈNH

                                                                         Đường Văn
HỌC TRÒ  XUÂN ĐỈNH
  
(Tản văn – Hồi ức)

Để kỷ niệm 50 năm
ngày ra trường
 (1966 – 2016)

Nhớ thời áo trắng,
Ngây thơ, nhiễu phiền,
 Ngợi khen, la mắng…
Năm tháng thần tiên!
Nhì ma, nhất quỷ!
Học trò thứ ba!

ĐƯỜNG VĂN


      Bài tản văn – hồi ức hơi bị dềnh dang một cách chủ ý này, tôi dự định, trước hết, sẽ dành để:
-                 Tặng các bạn đồng môn của tôi từng học ở trường cấp 3 (THPT) Xuân Đỉnh (tên dân dã là trường Cáo) khóa 1963 – 1966, nhân dịp kỷ niệm  tròn  50 năm ra trường (1966 – 2016) như một hoài niệm nhỏ ấm lòng;
-                  Kế đó, kính tặng các thầy cô giáo – những ân sư - đã từng giảng dạy, giáo dục chúng tôi trong những năm chiến tranh chống Mỹ gian nan, hào hùng ấy, với niềm kính trọng và biết ơn sâu nặng;
-                 Kính tặng ngôi trường ngoại thành Hà Nội thân yêu giữa cánh đồng quê và những mảnh vườn hồng xiêm xanh mướt, với bồng bềnh câu lục bát truyền ngôn một thuở, theo thời gian, cơ hồ đã thành sáo ngữ ngọt ngào:
Dù đi muôn nẻo xa xôi,
Nhớ về Xuân Đỉnh, ấm nôi mẹ hiền!
         -       Và cuối cùng, quý yêu, kỳ vọng dành tặng thế hệ thầy – trò Xuân Đỉnh hôm nay, những lớp đàn em, con cháu chúng tôi, đã và đang chung tay đưa con tàu giáo dục Xuân Đỉnh rẽ sóng vươn khơi tới những bờ bến mới trong nửa đầu thế kỷ 21.


                                                              1

Những ngày cuối hè năm 1963, sau khi thi tốt nghiệp cấp 2 (THCS, từ lớp 5 – 7, tương đương từ lớp 6 – 9 ngày nay), tại trường cấp 2 Đức Thắng (Đông Ngạc), chúng tôi chợt cảm thấy cái không gian rợp bóng hoàng lan, sấu, phượng, tại chân đê hữu Hồng, làng Vẽ (Đông Ngạc) bây giờ quá chật chội, tù túng. Một số anh, chị lớn tuổi đã nhanh chóng quyết định rẽ ngang: người xin đi làm công nhân nhà máy Bê tông đúc sẵn Trèm, người nhập ngũ, người quay về làm anh xã viên HTXNN tại quê làng… Mấy chị, mấy bạn xinh xinh thi vào trường SP sơ cấp, trung cấp Hà Nội, học nghề giáo viên cấp 1… Còn đa số bọn choai choai 14, 15 chúng tôi thì chỉ 1 con đường thi tuyển vào trường cấp 3 Xuân Đỉnh. Vượt khỏi lũy tre làng, trường làng, nay đã thành nhỏ bé, để vươn tới, học tại một trong những ngôi trường cấp 3 khang trang, hiện đại nhất của huyện Từ Liêm và các trường cấp 3 của ngoại thành Hà Nội. Mơ ước đó đã là lẽ sống, niềm vui, nỗi trăn trở duy nhất của chúng tôi trong thời gian ấy. Bởi thế, chúng tôi chia tay với trường Vẽ 1 cách nhẹ nhàng, hầu như chẳng đứa nào thấy lưu luyến, bịn rịn gì. Bởi hầu như tất cả tâm trí chúng tôi đang hướng tới mái trường tươi roi rói ngói son (Tố Hữu) ở phiá cuối cánh  đồng Cáo Đỉnh kia. Phải nhiều chục năm sau này, khi đã trở thành những trung niên, lão niên trải bao sự đời, trong những lần hội trường hiếm hoi, trở về thăm lại ngôi trường tuổi ấu thơ, thì tình cảm bồi hồi nhớ thương, buồn tiếc mới bắt đầu xuất hiện và lớn mạnh dần, da diết dần theo năm tháng chất chồng trên làn da, mái tóc… Có phải như thế, chúng tôi là lũ học trò sớm vô ơn, bạc nghĩa với trường xưa hay bởi quy luật tâm lý con người nói chung, là như vậy?!
Hồi ấy, tôi đã viết bài thơ tự do đầu tiên của mình: Xa Đức Thắng dài gần kín 3 trang giấy 5 hào 2, với những lời lẽ đao to búa lớn mà rỗng tuếch (bây giờ không còn nhớ nổi một câu nào!) đồng thời vĩnh biệt luôn mối tình đầu rất đỗi trẻ con với cô bé làng bên đã làm tôi mất ăn mất ngủ gần suốt năm học lớp 7, khi biết rõ em đã quyết đi học làm cô giáo và hình như trái tim đã hướng theo hình bóng 1 giáo viên cấp 2 tre trẻ, con nhà giàu ngoài phố. Buổi trưa cuối cùng, sau bữa liên hoan của lớp 7B, giữa trưa tháng sáu nắng rát, chếnh choáng vì mấy cốc bia Trúc Bạch, tôi cởi phăng cái khăn đỏ đút vào vội vào túi quần, mở 1 khuy áo ngực, nép mình vào dãy phố Vẽ, đủng đỉnh lần về nhà. Đầu bồng bềnh mà rỗng không, chỉ lởn vởn ý nghĩ duy nhất:
- Thế là xong! Là hết! là hết! … mà không hiểu xong, hết cái gì?
Theo quy chế tuyển sinh vào cấp 3 (THPT) năm ấy (1963), khối 7 (9), trường Đức Thắng chỉ có 1 HS được tuyển thẳng: đó là PQ, làng Vẽ. Học giỏi và học gạo số dách. Luôn 3 năm liền đạt danh hiệu HSG (A1), toàn 5 (theo thang điểm Liên Xô). Q thi tốt nghiệp cũng đạt kết quả rất cao. Tôi vừa khâm phục vừa ghen tỵ mỗi khi so sánh với sự học hành của mình. Còn lại, tất cả chúng tôi đều phải thi tuyển. Tôi không còn nhớ buổi thi vào lớp 8 (10) cấp 3 Xuân Đỉnh, tổ chức vào 1 ngày đầu tháng 8 – 1963 ấy diễn ra cụ thể như thế nào. Đầu bài Văn, Toán ra sao?... Chỉ mang máng là cũng không thấy khó lắm, nhưng cũng không có gì đặc biệt thú vị. Chỉ còn nhớ hình như sau đó tôi có làm 1 bài thơ thể 5 tiếng thuật - kể lại bằng văn vần: Bài thơ thi vào 8, mà trong đó có câu thơ ghi lại hình ảnh mùi hương hoa đại bên thành giếng cổ trước cổng trường cứ thoang thoảng, vấn vít trong suốt thời gian chúng tôi mê mải làm bài. Từ đó, mùi hương hoa đại vàng Xuân Đỉnh đã trở thành một trong những ấn tượng, ám ảnh lâu bền nhất trong trí nhớ tôi, mỗi khi nghĩ về, nhớ về cái thời là học trò trường Cáo.
Tôi thi tuyển xong, căn cứ vào đầu bài, tự tin rằng, chắc là đỗ thôi! Quả nhiên gần như 100%  số HS lớp 7 trường Vẽ đều trúng tuyển vào lớp 8A, trường Xuân Đỉnh do thầy Đoàn KK, giáo viên Sử làm chủ nhiệm; thầy PHB, bộ đội chuyển ngành dạy Toán, thầy đồ Nghệ Phan BT dạy Văn, thầy Đỗ H hói dạy Địa, thầy Vũ ĐN mắt lim dim dạy Sinh, thầy Phạm T hắc sì dầu dạy Hóa, thầy B chân tươi chân héo dạy Vật lý, thầy bí thư chi bộ Dương K. cán bộ miền Nam tập kết dạy ngoại ngữ tiếng Nga và thầy TH mặt đỏ, nguyên là giáo viên cấp 1 Đức Thắng đi học ĐHTDTT dạy môn Thể dục. Đội ngũ các thầy cô giáo mới trường cấp 3 XĐ so với các thầy cô giáo cấp 2 trường Vẽ, trong con mắt học trò xét nét và ngưỡng mộ ngây thơ của chúng tôi, thật khác nhau một đẳng cấp. Trẻ trung hơn, phong phú hơn, tài hoa hơn!... Nhất là thầy giáo chủ nhiệm dạy Sử và thầy giáo dạy Văn, 2 môn xã hội học mà tôi rất say mê và học vào loại khá - giỏi từ năm lớp 7.
Thế là, từ mùa thu năm 1963 ấy, chúng tôi đã vinh dự trở thành học sinh trường phổ thông cấp 3 Xuân Đỉnh, một trong 2 ngôi trường cấp 3 tiêu biểu của huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội và các trường cấp 3 toàn miền Bắc XHCN.
(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét