Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Ngày 2 tháng 9 năm 1946 ở Hà Nội trong một bài thơ

                                                            Vũ Nho chủ trang
Ngày 2 tháng 9  năm 1946 ở Hà Nội trong một bài thơ
                                       Vũ Nho
          Dân ta, những ai có thể chứng kiến và ghi nhớ hình ảnh ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 ở Hà Nội thì bây giờ đã thuộc loại cổ lai hy. Đại đa số người Việt trong số gần 90 triệu dân  hôm nay ( Năm 1945, chúng ta mới có 20 triệu) chỉ có thể biết về ngày tháng hào hùng đó qua phim ảnh, qua các tài liệu. Đây là một trong số nhiều tài liệu  của người được tận mắt chứng kiến mà chúng ta có thể đọc:
“Ngày 2 tháng 9 năm 1945 là ngày hội lớn đầu tiên của đất nước. Hà Nội bát ngát cờ hoa. Các phố chăng đầy biểu ngữ đủ các thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga với nội dung: “Độc lập hay là chết”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”.
Đội ngũ tham dự mít tinh gồm đủ mọi thành phần, mọi tầng lớp xã hội: công nhân quần xanh áo trắng, dân quân ngoại thành áo nâu thắt lưng chẽn, tay cầm côn, kiếm, mã tấu, phụ nữ nông thôn áo tứ thân, thắt lưng hoa lý, phụ nữ thủ đô lộng lẫy trong tà áo dài, thanh niên gọn gàng áo sơ mi cộc, quần ngắn, thiếu nhi bước đều theo nhịp trống ếch, các cụ phụ lão, các nhà sư, các cố đạo đều có mặt trong các đoàn biểu tình.
Đội danh dự xếp thành hàng ngũ chỉnh tề quanh lễ đài gồm các chiến sĩ Giải phóng quân từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, sát cánh cùng đội ngũ tự vệ công nhân, thanh niên và lao động thủ đô bảo vệ lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời.
Chiều mùng 2 tháng 9, nắng thu vàng rực rỡ.”
                    nguồn http://www.qdnd.vn/QDNDSite/ Trung Tướng Hồng Cư : Vang mãi lời thề Độc lập.
Còn đây là không khí ngày 2 tháng 9 ở Hà Nội một năm sau trong một bài thơ, bài VUI BẤT TUYỆT của nhà thơ Tố Hữu.

          Vui quá đêm nay
          Ta nhảy ta bay
          Trong lòng Hà Nội
          Biển sống trào lên thành đại hội
          Muôn màu vũ trụ kết hoa đăng
          Xôn xao mặt đất, trăng là trăng
          Chảy xiết ngân hà, muôn sao vàng rực
          Mặt trời đỏ huyền kì mọc lên ôi náo nức
          Nhạc nhân gian cuồn cuộn bốc hồng trần!
          Ta đi đây, là trăm vạn thiên thần
          Chiều chiến thắng phá tan quân quỷ sứ
          Ta đi dưới bốn nghìn năm lịch sử
          Đêm nay tràn hoa đỏ nhụy vàng tươi
          Ta đi đây, với thế kỉ hai mươi
          Mạch suối trẻ trong lòng người vô địch!
          Ta đi tới, biết đâu là tuyệt đích?
          Người cuốn lôi ta, ta cuốn lôi người
          Đi đi hoài, đi mãi, anh em ơi
          Đây cuối đất hay đầu trời chẳng biết!
          Ta hát suốt đêm nay vui bất tuyệt
          Trống rung tim ta đập nhịp bồn chồn
          Đầu ta qua lớp lớp khải hoàn môn
          Hồn ta chạy sáng ngời trên ngọn đuốc
          Lòng ta múa lồng lên theo đám rước
          Ta xông lên trời với pháo thăng thiên
          Bay bay lên, hỡi đôi cánh thần tiên
          Đôi cánh mở của đất trời giải phóng!
                             Kỉ niệm 2 tháng 9 năm 1946
Nhà thơ đã ghi lại hình ảnh Thủ đô Hà Nội chào mừng ngày Quốc khánh một năm sau ngày  Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Một không khí tràn ngập niềm vui.  Vui quá, vui bất tuyệt. Con người náo nức, nhảy, bay, hát, thậm chí “xông lên trời với pháo thăng thiên”! Bởi vì  những con người khi đó có “đôi cánh thần tiên”, có không gian rộng vô biên là “đất trời giải phóng”! Từ những người nô lệ hôm nào, hôm nay những người đó là  người tự do, là chủ nhân của đất nước. Họ ý thức được vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình:
          Ta đi đây, là trăm vạn thiên thần
          Chiều chiến thắng phá tan quân quỷ sứ
          Ta đi dưới bốn nghìn năm lịch sử
          Đêm nay tràn hoa đỏ nhụy vàng tươi
          Ta đi đây, với thế kỉ hai mươi
          Mạch suối trẻ trong lòng người vô địch!
Một trời màu sắc huyền ảo, lung linh “Muôn màu vũ trụ kết hoa đăng” . Trăng, sao, cờ đỏ, sao vàng, bầu trời, mặt đất, tất cả đều “cuồn cuộn”, “náo nức” trong tiếng nhạc nhân gian, trong tiếng  hát, tiếng trống,  tiếng đám rước, tiếng pháo thăng thiên. Không phải một người, mà là một đạo quân “ trăm vạn thiên thần”! Không phải là một cá nhân, một cái “tôi” cô đơn, nhỏ bé, mà là một  cộng đồng, một cái “TA”  của tập thể, của số đông đầy kiêu hãnh, tự hào.
          Khi viết bài thơ này Tố Hữu 26 tuổi, một tuổi trẻ căng đầy sức sống và khát vọng lãng mạn. Không khí náo nức này cũng chính là không khí của một năm trước Tố Hữu đã thể hiện trong bài thơ  “Huế Tháng Tám”:
          Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy
          Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
          Nước mắt ta trào húp mí, tràn môi!
Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!
Gió gió ơi! Hãy làm giông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc
Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!
Hai bài thơ Huế tháng Tám về Cách mạng tháng Tám ở Huế và Vui bất tuyệt kỉ niệm 2 tháng 9 năm 1946 ở Hà Nội, cùng với các bài thơ khác như Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Việt Bắc, Bài ca mùa xuân 61, Toàn thắng về ta,… đã ghi tên Tố Hữu vào danh sách nhà thơ trữ tình chính trị phản ánh kịp thời, sâu sắc những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước bằng thơ.
                                                
                                                    Hà Nội, 1988
                                                Bổ sung năm 2010
Đăng QĐND cuối tuần, số 974 ngày 31/8/2014


1 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác Vũ Nho đã giới thiệu bài thơ hay của Tố Hữu. Bây giờ nhớ lại ngày ấy thật tuyệt vời, cái cảm giác độc lập, tự do, tháo cũi sổ lồng, và bay lên cùng ánh sáng...

    Trả lờiXóa