Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Cuộc chia li màu đỏ


              Hoàng Dân

Cuộc chia li màu đỏ
                                                                                 Nguyễn Mỹ

Đó là cuộc chia li chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ:
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia li
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang bừng trên nét mặt
- Một rạng đông với màu hồng ngọc
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Đã toả sáng những tâm hồn cao đẹp
Nắng vẫn còn ngời trên những lá cây si
Và người chồng ấy đã ra đi…
Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…”

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét…
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia li…

Lời bình của Hoàng Dân
Bài thơ này thì chắc chắn ra đời trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ với hàng vạn những cuộc chia li, mà một trong những cuộc chia li ấy đã được hình tượng hoá trong bài thơ “Cuộc chia li màu đỏ” của Nguyễn Mỹ.
Câu thơ mở đầu thật ấn tượng: “Đó là cuộc chia li chói ngời sắc đỏ”!

Ở góc độ liên kết văn bản, câu thơ này được gọi là “kết ngôn”, nó phải đi sau một câu là “chủ ngôn”, chẳng hạn: “Ở công viên X có diễn ra một cuộc chia li” hoặc “Có một người vợ tiễn đưa người chồng ra trận”…; nhưng tác giả đã lược bỏ “chủ ngôn” để tránh việc phải kể lể dài dòng và quan trọng hơn, để tập trung bút lực vào việc điển hình hoá một cuộc chia li từ hàng vạn cuộc chia li trong hoàn cảnh chiến tranh bấy giờ.
Cũng ngay ở câu thơ mở đầu, biểu tượng của bài thơ đã được xác lập: màu đỏ. Và màu đỏ sẽ là hình tượng xuyên suốt bài thơ với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Đó là màu đỏ của thị giác:
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Nghĩa là, có “cuộc chia li chói ngời sắc đỏ” bởi trước hết, cô gái (người vợ) mặc một chiếc áo đỏ để tiễn đưa chồng ra trận. Nhưng tại sao cô gái lại mặc chiếc áo màu đỏ chứ không phải là một màu khác?
Bởi cái màu đỏ thị giác ấy chính là tín hiệu cho một màu đỏ tâm trạng đau xót, nghẹn ngào:
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia li
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời
Màu đỏ trở thành ngọn lửa “Cháy không nguôi trước cảnh chia li”, ngọn lửa ấy dường như muốn đốt cháy cả “Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia”… Nỗi đau li biệt tưởng đã là tột cùng; nhưng rồi, ngay trong những giọt nước mắt thổn thức của cô gái, người đọc còn thấy ánh lên cả niềm tự hào:
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời
Và hình như chính tác giả cũng không thể kiềm chế được cảm xúc của mình, cho nên đã kín đáo chia sẻ với họ thông qua một phép nhân hoá:
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai
Ngày mai tức là tương lai, mà với tương lai thì người ta chỉ có thể đoán định chứ không thể khẳng định.  Người chồng có thể trở về và cũng có thể không bao giờ trở về. Chiến tranh mà! Nếu bài thơ tiếp tục khơi sâu vào mạch cảm xúc này thì sẽ rất buồn, thậm chí là bi luỵ; mặc dù nó rất thực.
Nhưng tác giả đã xử lí rất tài tình khi bẻ cái “màu đỏ” sang một hướng liên tưởng khác, mang tầm tư tưởng của thời đại:
Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét…
Hai câu đầu đoạn thơ kết có kiểu điệp từ ngữ khá lạ:
Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như màu đỏ ấy
Từ màu đỏ của thị giác (cái màu đỏ ấy) đến màu đỏ của tâm trạng (cái màu đỏ) và màu đỏ bao trùm cả không gian thời gian (như màu đỏ ấy) như một gam màu chủ đạo của thời đại. Đó là màu đỏ của thiên nhiên (hoa chuối) trên đường hành quân vào chiến trường, màu đỏ của cuộc đời (trên bếp một làng xa)… Thủ pháp điệp từ ngữ như muốn nhấn mạnh: trong những tháng năm này, ở đâu trên mảnh đất của Tổ quốc Việt Nam đau thương và anh dũng cũng có màu đỏ của những cuộc chia li và màu đỏ của máu những người lính đã ngã xuống chiến hào.
Hai câu kết thúc bài thơ có âm hưởng của một khúc tráng ca: 
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia li…
Sự thực là đã có một cuộc “sinh li tử biệt”, nhưng đó chỉ là một trong hàng vạn cuộc chia li đang diễn ra hằng ngày hằng giờ trên mọi nẻo đường, mọi làng quê, mọi phố thị… của đất nước ta trong những tháng năm bom đạn ấy. Những nỗi đau được đồng cảm sâu sắc và chia sẻ chân thành sẽ trở thành nguồn động viên an ủi và sự khích lệ giúp cho con người luôn ngẩng cao đầu, ngay cả khi, lẽ ra là có thể gục xuống…
                                                                                    Tối thứ hai, 17.3.2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét