Tích cực “đổi mới căn bản,
toàn diện”,
nhưng chưa thể đòi hỏi
quá cao
Đăng Bẩy thực hiện
PGS, TS Vũ Nho nguyên là giảng viên Đại học
sư phạm Việt Bắc, Nghiên cứu sinh tại Đại học sư phạm Leningrat (Liên xô cũ),
chuyên viên Vụ THPT và là cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục thuộc Bộ
GD-ĐT. Nhân dịp năm học mới 2014-2015, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng
PGS, TS Vũ Nho về một số vấn đề liên quan đến công tác giáo dục-đào tạo hiện
nay.
PGS, TS Vũ Nho cho biết:
- Từ những năm đầu của công cuộc đổi mới, Đảng
và Nhà nước ta đã xác định “Giáo dục-Đào tạo là quốc sách hàng đầu” và đã có
nhiều chủ trương, chính sách để thực thi quan điểm trên đây. Thế nhưng, thực tế
nền giáo dục nước ta vẫn ngày càng bộc bộ nhiều bất cập, hạn chế… Điều đó đã được
các nhà quản lí nói, các nhà báo nói, các vị phụ huynh nói, các giáo viên nói,
cả học sinh đôi khi cũng nói như “chuyện thường ngày” trên các diễn đàn và
phương tiện truyền thông…
Đi
tìm nguyên nhân cho điều này thì cũng chẳng mấy khó khăn. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và
đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng
XHCN và hội nhập quốc tế đã chỉ ra nguyên nhân rồi, tôi không nhắc lại. Chỉ nói
thêm một chút. Ví dụ : lương của giáo
viên, đội ngũ chủ lực của giáo dục vẫn thấp hơn rất nhiều so với các ngành nghề
khác. Một khi người giáo viên phải làm thêm đủ mọi việc trái ngành, hoặc dạy thêm (trong
khuôn khổ cho phép chứ không tràn lan), mà cũng chỉ tạm đủ sống với tình hình mọi
thứ như điện, nước, xăng, gạo, thực phẩm… đều tăng thì làm sao đòi hỏi họ tận tụy
hết mình, dạy chất lượng cao được? Trong quân sự có câu “ thực túc, binh cường”,
tức là ăn đủ thì quân mạnh. Quân mạnh thì trăm trận trăm thắng. Quân của ngành
giáo dục hiện nay ăn chưa đủ no như thế, làm sao có sức chiến đấu cao?
Nhưng
nói đi như vậy, cũng cần nói lại. Các cụ ngày xưa dạy: “Tiền nào vải nấy”. Với
tình hình kinh tế xã hội của nước ta những năm gần đây, việc giáo dục còn có chỗ
này chỗ kia bất cập, nhưng như thế cũng đã là tốt so với các lĩnh vực khác. Nguồn
lực đầu tư như thế, kinh tế xã hội như thế, không thể đòi hỏi ở giáo dục quá
cao.
* Thưa
ông, trong khi chúng ta đang hết sức bức xúc với những bất cập, hạn chế của một
nền giáo dục “tụt hậu” so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, thì Việt
Nam vẫn là một trong số những “cường quốc” trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc
tế và khu vực. Ông lý giải hiện tượng có vẻ “trái ngược” này như thế nào?
- Nhìn bề ngoài thì có vẻ như trái ngược.
Nhưng nếu xem xét bằng con mắt chuyên môn thì cũng không có gì là đặc biệt đáng
ngạc nhiên. Bởi vì một nền giáo dục tiên tiến là xem xét trên phương diện dành
cho số đông học sinh được hưởng lợi, chứ không phải một số ít, thậm chí rất ít.
Kết
quả thi học sinh giỏi trong các kì thi
quốc tế của chúng ta về các môn khá cao. Ngoài các môn truyền thống như Toán,
Lí, Hóa, Sinh… gần đây các môn như Tin học, Khoa học, Văn (trong cuộc thi viết
thư quốc tế UPU), Việt Nam đều có giải cao, xếp vào tốp 5 tốp 10, tốp 20… quốc
gia. Điều này chứng tỏ các em học sinh giỏi của chúng ta về mặt trí tuệ không
thua kém các nước. Nhưng cách làm thi của chúng ta khác với các nước. Một số nước
họ chọn một cách tự nhiên những em có kết quả học giỏi đi thi. Còn chúng ta thì
thi tuyển nhiều vòng. Tuyển xong lại miễn thi tốt nghiệp để các em chuyên chú
vào học tập, rèn luyện với các giáo viên và chuyên gia giỏi nhất. Đội tuyển tập
huấn dài ngày mà một số thầy gọi theo
cách dân dã là “luyện gà chọi”. Với tư chất thông minh của người Việt Nam, lại
được đầu tư như thế thì giành huy chương vàng, huy chương bạc… cũng chẳng phải
là điều gì đáng ngạc nhiên.
Tuy vậy, không phải mọi chuyện đều suôn sẻ.
Tôi có xem thống kê về thành tích học sinh giỏi quốc tế môn Toán thì cũng trồi
sụt, vất vả thăng giáng thất thường, có lúc tụt dốc thẳng đứng, xếp thứ 31 chứ
không đơn giản. Thành tích của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam ở khu vực và quốc
tế là đáng tự hào. Nhưng chúng ta không thể lấy đó làm thước đo sự thành công của
nền giáo dục cho mọi người!
* Như
vậy, theo ông hạn chế của giáo dục chúng ta hiện nay là ở mô hình-phương pháp,
hay ở nội dung-chương trình?
- Theo tôi được biết thì trong hệ thống giáo dục
của chúng ta, khâu yếu hơn cả là giáo dục đại học. Đại học của chúng ta không
được xếp hạng vào danh sách các trường tốt của khu vực, tất nhiên càng khó để lọt
vào các trường danh tiếng thế giới. Gần đây nhất, trong số 500 trường Đại học
danh tiếng của thế giới do Đại học giao thông Thượng Hải công bố, không có trường
nào của Việt Nam. Chất lượng đào tạo đại học của chúng ta chưa cao, nên số sinh
viên tốt nghiệp không có việc làm khá nhiều, vì không đáp ứng được yêu cầu tuyển
chọn của doanh nghiệp trong nước, chứ chưa nói đến doanh nghiệp nước ngoài. Ở
đây có vấn đề của cơ sở vật chất, có vấn đề của đội ngũ giáo viên, có vấn đề của
chất lượng đầu vào và cả nội dung, phương pháp đào tạo nữa… Trong một số năm gần
đây, một loạt các trường đại học cộng đồng của địa phương được thành lập, trên
cơ sở nâng cấp các trường cao đẳng. Giảng viên thiếu, cơ sở vật chất không mạnh;
để có sinh viên thì chất lượng đầu vào phải nới lỏng, vì thế mà chất lượng đào
tạo không cao.
Với giáo dục phổ thông, vấn đề quan trọng nhất là xác định
kiến thức phổ thông bao nhiêu là vừa và đủ để cho học sinh có thể vào đời trực
tiếp hoặc học lên cao hơn. Kiến thức khoa học ngày càng nhiều, thời gian học ở
nhà trường không thể kéo dài. Việc xác định
chính xác nội dung học tập và chuẩn tối
thiểu để phân hóa trong giáo dục luôn là thách thức đối với mọi nền giáo dục.
* Có ý kiến
cho rằng, trong lĩnh vực cải tiến sách giáo khoa phổ thông, thì chỉ tập trung
biên soạn lại SGK các môn khoa học xã hội; còn đối với các bộ môn khoa học tự
nhiên, chúng ta nên “mua bản quyền” SGK của một số nước có nền giáo dục tiên tiến.
Vì đó là những bộ sách đã đạt “chuẩn” của giáo dục phổ thông. Trên thế giới, đã
có nhiều nước kém phát triển làm như vậy và hiện nay họ đã “hóa rồng, hóa hổ”.
Quan điểm của ông về ý kiến trên đây?
- Tôi cho rằng đó là ý kiến chủ quan, không
đáng tin cậy. Tôi không biết được nước nào
đã mua bản quyền sách giáo khoa tự nhiên của nước nào mà thành “rồng”, thành “hổ”.
Còn các nước tôi biết như Đức, Úc, Nga, Mỹ… thì họ biên soạn chương trình cho
riêng mình, phù hợp với học sinh và điều kiện giáo dục của nước họ. Một số nước
Bắc Âu mà tôi có dịp được giới thiệu về chương trình Toán phổ thông của họ thì
tôi thấy cũng không có nước nào giống hệt nước nào, mặc dù chương trình ấy biên
soạn theo nguyên tắc chung là phát triển năng lực học sinh. Mỗi nước có một điều
kiện địa lí, kinh tế, văn hóa và truyền thống giáo dục riêng, vì thế chương
trình và sách giáo khoa do các nhà sư phạm từng nước soạn là cần thiết. Việt
Nam chúng ta trước đây có dựa vào chương trình của Pháp, của Nga, nhưng không
“bê nguyên xi”. Các nhà khoa học sư phạm Việt Nam đủ sức soạn chương trình và
sách giáo khoa tất cả các môn cho nước mình. Trong điều kiện giao lưu và hội nhập,
chúng ta có thể chọn lọc và tiếp thu tất
cả những ưu điểm của sách giáo khoa nhiều nước. Mua bản quyền sách của một nước
nào đó, dù là tiên tiến nhất, sẽ là lợi bất cập hại!
* Mới đây, trên một số
diễn đàn chính thức có nêu lên vấn đề “cơ cấu” lại số năm học ở các các bậc học
phổ thông; trong đó có ý kiến nên tăng số năm học bậc trung học cơ sở theo hướng
“hoàn chỉnh phổ thông” và giảm bậc trung học phổ thông xuống còn 2 năm theo hướng
đây là bậc “dự bị đại học”. Theo ông, nên giữ nguyên thời lượng các bậc học phổ
thông như hiện nay, hay nên thay đổi theo các xu hướng vừa nêu, vì sao?
- Đây là một vấn đề khó.
Chúng ta đã từng thay đổi, cơ cấu lại số năm học ở các cấp học. Tôi nhớ khi
chúng tôi đi học thì lớp vỡ lòng được tách riêng, cấp 1 từ lớp 1 đến lớp 4, cấp
2 gồm 3 lớp 5, 6 và 7. Cấp 3 gồm 3 lớp 8, 9 và 10. Sau khi thống nhất đất nước,
chúng ta có số năm học ở các bậc học như ngày nay (hệ 12 năm), gồm: Tiểu học 5
năm, Trung học cơ sở 4 năm và Trung học phổ thông là 3 năm. Đề nghị trên nêu ra không thay đổi số năm của giáo dục
phổ thông, mà chỉ “cắt” 1 năm của cấp này chuyển xuống cấp kia. Theo tôi thì
chưa có cơ sở thuyết phục. Khi mà hơn 80% học sinh tốt nghiệp THCS vẫn vào học
THPT, liệu có khả năng khi chia lại cấp
học, số học sinh này sẽ vào đời ngay, chỉ còn số ít học lên 2 năm cuối hay
không? Chưa có gì chắc chắn. Hơn nữa, hiện nay, bằng tốt nghiệp THCS hầu như rất
ít trường nghề chấp nhận, bởi vì các trường nghề vẫn tuyển học sinh tốt nghiệp
THPT không vào được Đại học và Cao đẳng. Số này khá nhiều vì chỉ tiêu Đại học
và Cao đẳng có hạn. Vậy thì cấp THCS 10 năm có đáp ứng được nguyện vọng học tập
của toàn xã hội hay không? Hơn nữa, trong
Nghị quyết trung ương 8 khóa XI đã nêu: “Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt
trình độ giáo dục Trung học phổ thông và tương đương”. Vậy chuyển cơ cấu như vậy có hợp lí không? Có trái tinh
thần chỉ đạo không?
Tôi
cho rằng để có thể quyết định được điều này, cần những con số thống kê chi tiết và phân tích, cân nhắc rất thận trọng, chứ
không thể nhìn nhận theo chủ quan, duy ý chí
và “làm đại” đi là được!
* Còn nhớ cách nay chừng nửa thế kỷ, Nhà nước
ta có chủ trương thực hiện “nghĩa vụ sư phạm”. Theo đó, sinh viên sư phạm sau
khi tốt nghiệp được phân công lên công tác ở miền núi, biên giới, hải đảo… Sau
một thời gian họ sẽ được điều động về đồng bằng, về thành phố… và được hưởng một
số độ ưu tiên, nhất là tạo điều kiện cho họ tiếp tục học tập và thăng tiến. Nhiều
sinh viên “nghĩa vụ sư phạm” thời ấy, về sau đã trở thành những nhà giáo,
chuyên gia, văn nghệ sĩ, nhà quản lý… nổi tiếng. Theo ông, hiện nay Nhà nước có
nên tiếp tục chính sách như trên và nếu tiếp tục thì cần có những cải tiến gì
cho phù hợp với tình hình mới?
- Quả thật là ở miền Bắc
nước ta đã từng có thời kì như vậy. Chính nhờ có chủ trương đó mà các em học
sinh miền núi cũng được học những thầy giỏi từ miền xuôi, từ Thủ đô lên. Nhưng
sau này, chủ trương trên không được tiếp tục vì nhiều lí do, trong đó có việc
điều chuyển giáo viên. Những người lên miền núi hết hạn “nghĩa vụ sư phạm”
nhưng không được về đành “bén rễ xanh cây” ở đó. Những người khác thấy gương
các thầy cô đi trước mình như vậy nên tìm mọi cách “chạy” để ở thành phố hay ít
nhất thì cũng ở đồng bằng. Không điều được
giáo viên miền xuôi hay thành phố lên, Nhà nước có sáng kiến đào tạo theo hướng
cử tuyển. Cử tuyển có cái hay là người được cử đi sẽ phục vụ lâu dài ở địa
phương. Nhưng đã cử tuyển thì chất lượng đầu vào chênh lệch, đa số các thầy cô
“cử tuyển” không có trình độ bằng các thầy cô “thi tuyển”. Việc tiếp tục chính
sách này hiện nay là rất khó; nhất là chuyện tiêu cực trong việc chuyển vùng,
chuyển trường… Bên y tế có chuyện điều cán bộ xuống tăng cường cho tuyến địa
phương. Tôi nghĩ, trong giáo dục, có thể ổn định cho giáo viên miền xuôi vẫn được
ở đồng bằng, thành phố. Sau đó biệt phái họ lên miền ngược với các chính sách
ưu tiên, ưu đãi thỏa đáng. Chẳng hạn: Biên chế và hộ khẩu vẫn ở trường cũ… Có
như thế thì các em học sinh miền núi mới có thể được học những thầy cô giỏi.
* Được biết,
PGS, TS Vũ Nho hôm nay cũng từng là một thầy giáo “nghĩa vụ sư phạm” ngày ấy.
Xin chúc mừng ông và trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ thẳng thắn, bổ ích trên
đây!
PGS, TS Vũ Nho phát biểu tại Hội nghị Lý luận-Phê bình văn học
toàn quốc năm 2013. Ảnh: Bùi Minh
Báo Quân Đội Nhân Dân cuối tuần, số 976, ngày 14/9/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét