Đường Văn
2
Tôi trúng tuyển kỳ
thi vào lớp 8 với kết quả cao. Đứng thứ nhì sau Lê T. (17 điểm) quê xứ Nghệ
(50 năm qua, chúng tôi không biết tin tức gì của gã!?) Riêng môn Làm văn, tôi đạt điểm cao nhất: 9 điểm. Toán: 7. Cộng 16 điểm. Điểm chuẩn vào
trường, đâu có 12 điểm. Lòng thầm tự
hào: ra mình thi cũng chẳng đến nỗi nào!
Lớp 8A chúng tôi năm ấy có khoảng gần 50
đứa, được chia làm 4 tổ. Tổ 1, 2 gồm học sinh ở Đông Ngạc – Vẽ - Liên Ngạc –
Bãi Hoa, tổ 3: gồm bọn ở Trèm – Thụy Phương – Liên Mạc, tổ 4: cư dân sở tại
Xuân Đỉnh (Giàn – Cáo). Lớp 8B tập hợp học sinh các xã Nhật Tân, Xuân La, Phú
Thượng, Bưởi… 8C gồm toàn bọn học trò 19 thôn, làng Noi, xã Cổ Nhuế.
Lớp
trưởng được tập thể bầu là Nguyễn Hữu B – người làng Mạc (Liên
Mạc). Gã hơn tôi độ 4, 5 tuổi. B. học thường nhưng tính tình vui vẻ, dễ dãi,
hòa mình với bạn bè. Chỉ năm sau, hắn bỏ học, đi bộ đội, thành lái xe, rồi
chuyển ngành, rồi phục viên, chuyển sang nghề mới hái ra tiền: nghề thầy cúng,
viết sớ thuê. Ít năm gần đây, trong 3 ngày lễ hội Đình Trèm, lại thấy B ta áo
the, khăn sếp, kéo nhị, gảy đàn súng sính, dẫn rượu đi giữa đội bát âm trong những cuộc rước nước, rước văn. Trong ngoài lục
thập thì B không may thất ngẫu! (Vợ B
vốn khỏe mạnh, xởi lởi. Vậy mà trời không cho thọ!). Vài năm sau, B tục huyền.
Cô vợ mới người mãi đâu tận Phú Diễn, Minh Khai, trẻ hơn chồng cả chục tuổi,
tính tình cũng nhanh nhẹn, vui vẻ, chiều chồng và hiếu khách, tỏ ra quý bạn
chồng. Ấy là cảm nhận đầu tiên về cô vợ mới của B, của mấy đứa chúng tôi, những
ĐV, Ng, H, KL, Kh, ChĐ, D… sau khi ăn cỗ cưới con trai đồng môn NVKh, nhận lời
mời của cựu lớp trưởng 8A thuở nào, vào nhà hắn chơi, uống nước mát cho rã
rượu. Hai vợ chồng hắn bây giờ ở riêng một nhà, bên cạnh là đất, nhà đã chia
hết cho các con. Mỗi đứa một mảnh. Hai ông bà già tha hồ rảnh rang mà chăm sóc,
tình tự bên nhau, ríu rít, ngọt ngào như đôi chim cu lão, tình tứ, duyên dáng
đáo để! Trong câu chuyện hàn huyên, chúng tôi vẫn nghe tiếng cười khơ khơ, như
là vô lo, vui vẻ, hào phóng của 1 U80 thi thoảng lại tự hào, liếc liếc sang bà
xã mới đang sẽ sàng ngồi bên cạnh! Tôi quay sang HNG và CHĐ:
- Các ông thấy hạnh phúc cuối chiều nó êm
ái thế nào chưa? Cứ đà này, ông cựu lớp trưởng của chúng ta có thể dễ dàng được
hưởng cảnh cửu niên, bách niên giai lão ấy chứ?!
Nghe được câu pha trò, B quay lại cười
cười, hai hàm răng của hắn vẫn hình như chưa khuyết cái nào, đều tăm tắp, sáng
bóng lên trong cái cười rộng mở: - Cảm ơn các ông có lòng tốt! Thôi thì trời
cho đến đâu, ta cứ hưởng đến đấy, phải không các bạn già của tôi? Hà hà!
Đúng vẫn là thằng B nửa thế kỷ trước! Thế
gian biến đổi, bản tính khó rời!...
Đó là đôi nét phác lại chân dung cựu lớp trưởng đầu tiên ở trường cấp 3 Xuân
Đỉnh: Nguyễn Hữu B. xưa và nay!
Lớp phó là Phạm Công, sinh năm 1946,
người thôn Đông (Cáo), một thằng cán bộ khá đặc sắc, mà tôi sẽ trở lại kể kỹ ở
những tiết sau.
Bí thư chi đoàn thanh niên là Phạm Minh,
gái ngõ Đông, làng Vẽ. Xinh xắn, duyên dáng một cách nghiêm nghị, gần như bà cụ
non. Chỉ một năm sau, hắn đã có chân trong BCH Đoàn Trường. Bạn học vừa nể vừa
ngán ngại về cô cán bộ Đoàn gặp thời, với bọn thảo dân như chúng tôi, không
khỏi có lúc tỏ ra xa cách, dè chừng…Ra trường, mụ làm tới Phó giám đốc một xí
nghiệp in ấn gì đó của Hà Nội. Đảm đang, tháo vát. Yêu và lấy Đinh Q học sau 1 năm, kém 1, 2 tuổi gì đó. Vợ chồng
hạnh phúc, con cái đề huề. Vậy mà, cho tới nay, tôi vẫn lấy làm khó hiểu, khi
được biết Phạm Minh vẫn không phải là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam quang
vinh!? Bây giờ, trong những buổi họp lớp hằng năm, mụ đến khá đều, vui vẻ và
nhũn nhặn, lại thêm chút hài hước, dí dỏm trong chuyện trò và cử chỉ với bạn bè
thân mật, hồn nhiên, khác hắn chị cán bộ Đoàn đạo mạo, ưu tú năm xưa.
Thực ra, lớp chúng tôi là khóa thứ 4 của nhà trường Xuân Đỉnh trẻ
trung này. Khóa đầu tiên (1959 – 1960), làng Trèm tôi đóng góp học sinh đẹp
trai Nguyễn văn Ph., sau này trở thành GSTS. chuyên gia đầu ngành địa chất.
Khóa 2 sinh ra anh hùng phi công Lê Thanh Đ. cũng người thôn Đông, Thụy Phương.
Tuổi học sinh 2 khóa đầu tiên này cũng xấp xỉ tuổi mấy thầy cô giáo trẻ mới ra
trường. Tôi nhớ mãi 1 buổi liên hoan văn nghệ mừng ngày 20 – 11- 1963 có tiết
mục song ca nam của 2 thầy trò Lê T và Phạm Gia T (làng Vẽ) bài Quà tháng năm dâng Bác. Như hai anh em,
hai người bạn sàn sàn bên nhau. Giọng trò trong như bạc rót đi bè cao với giọng thầy – nam trung ấm áp,
làm bè đệm, sao mà hòa quyện lạ lùng!
Lũ học trò vắt mũi chưa sạch vừa rời các
trường làng cấp 2, nhập tịch vào trường huyện, với bao niềm vui mới mẻ, ngỡ
ngàng ngắm khuôn viên trường cấp 3 Xuân Đỉnh 4 tuổi (1959 – 1963), so với các
trường cấp 2 Đức Thắng, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế, Nhật Tân, Tứ Liên…hiển nhiên, trong
mắt chúng tôi, trẻ tráng, mênh mông, đầy sức sống hơn nhiều.
Trước tiên, đó là lối vào trường uốn cong 1 con đường đất mịn, hai bờ trồng tóc tiên
mềm mướt, điểm xuyết hai hàng liễu rủ thướt tha. Lá liễu non tơ, xanh rờn,
buông dài như mái tóc những thiếu nữ 15 xõa dài trong gió sớm chiều, khi thầy
trò tới lớp thì mở ra, đi qua thì khép lại. Từ cổng trường nhìn vào, phiá tay
phải là 1 cái ao vuông vuông, lao xao tiếng cá quẫy. Dãy nhà cấp 4 bờ bên kia
là phòng Hội đồng giáo viên, Hiệu bộ nối liền với khu tập thể giáo viên. Đằng sau là một sân
gạch nhỏ, một nhà ăn tập thể xinh xắn, gọn gàng, một giếng thơi mới đào bên
cạnh cây dạ lan hương tỏa ngan ngát
mỗi đêm trăng lóng lánh. Cái trống tang gỗ bịt da trâu treo đung đưa ngay đầu
hồi phòng hội đồng, sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều lại tuần tự gióng giả
vang lên từng hồi vang ròn báo hiệu vào lớp hay hết tiết, hết buổi. Anh TR.
công nhân viên chuyên làm việc quan trọng này gắn bó trọn vẹn suốt 3 năm khóa
chúng tôi học hành và còn mấy khóa sau nữa.
Chúng tôi được ngồi học trong hai dãy nhà
cấp 4 mới xây. Mái lợp ngói móc đỏ
tươi, tường quét vôi vàng sáng, nền gạch cao tráo. Cửa sổ, cửa chớp, cửa kính,
cửa ra vào rộng rãi, sơn một màu xanh lá mạ. Dãy nhà phía đông, tính lần lượt
từ ngoài vào, gồm có các lớp 9B, 8A, 8B, 8C. Cách 1 sân cỏ rộng mênh mông nối
bằng một con đường đất nhỏ trông 2 hàng phi lao đang thời kỳ non mỡ, dãy nhà
bên tây cũng gồm 4 phòng, đầu là phòng
thí nghiệm san sát chai lọ, thấp thoáng áo blu trắng của thầy Phạm T. ra vào, hí húi chưng cất các phản ứng
hoá học từ những chai lọ lùn tịt và cái đèn cồn nhỏ, ngọn lửa xanh le, cháy xèo
xèo. Rồi đến 2 lớp khối 10 và lớp 9A. Trong từng lớp: Bảng gỗ đôi sơn màu xanh
lục, bóng loáng, kéo dài gần hết 1 mặt tường. Bốn dãy bàn - ghế - ghép liền
đôi, 2 chỗ, 2 ngăn bàn do nước bạn CHDC Đức viện trợ. Màu gỗ vàng nhạt, nhẵn
lỳ. Ngồi nghe, viết, cảm thấy yên tâm, chắc chắn và tiện lợi hơn hẳn so với
những bộ bàn ghế lim đen bóng, nặng nề, dài thườn thượt 5 chỗ ở trường cấp 2. Phía tường cao trên bảng
đen, treo trang trọng tấm ảnh chân dung Bác Hồ cười hiền từ, râu bạc phất phơ,
nhìn thầy trò chúng tôi qua làn kính mỏng. Kề dưới là dòng khẩu hiệu nền đỏ chữ
vàng bằng giấy màu, kéo dài thườn thượt:
Sống, chiến đấu, lao động và học
tập
theo gương Bác Hồ vĩ đại! Hai bên tường là 2 khẩu hiệu nữa, đại
loại: Học, học nữa, học mãi! (V. Lê nin) và Tất
cả vì học sinh thân yêu!
Khác với nền nếp quy định ở trường cấp 2,
lên cấp 3, học sinh không phải xếp hàng ra vào lớp (vì học sinh đa phần phân
tán và ở xa). Chỉ có buổi tập trung học sinh toàn trường sinh hoạt chào cờ dưới
sân trường vào lúc 7h sáng thứ hai hằng tuần. Chúng tôi mau mắn xếp thành hàng
dọc, mỗi lớp 4 hàng trước cột cờ. Lễ
chào cờ, hát Quốc ca diễn ra trang nghiêm, giản dị, dưới sự điều hành của thầy
(cô) giáo trực tuần. Tiếng hô lệnh dõng dạc, sang sảng. Tiếng đồng ca của HS
toàn trường không thật đều nhưng thành kính, âm vang. Sau đó, tuần nào cũng có
giáo viên trực tuần nhận xét thi đua của từng khối, từng lớp; thầy hiệu trưởng
Võ Nh. (cán bộ miền Nam tập kết) thấp đậm, kính trắng lấp lánh, giọng chọ chọe
rất khó nghe, lên phát động thi đua hoặc nói chuyện thời sự… Hoặc thầy Ư, tổ
trưởng tổ Văn, nói chuyện văn học, một đề tài gì đó về thơ Tố Hữu, hoặc hồi ký Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận… Đám đông
học sinh đứng dưới, mới đầu cũng chăm chú lắng nghe, nhưng chỉ được khoảng 15 –
20 phút đã cảm thấy mỏi chân, mỏi tai, bắt đầu nói chuyện riêng rì rầm. Thầy
đang hăng, không để ý, cứ nói. Gần hết tiết, kết chuyện; mới có lệnh các lớp
theo hàng vào lớp. Chúng tôi nối nhau ùa vào lớp mình như vừa được giải thoát
một gánh nặng vô hình.
Học trường xa, suốt 3 năm, khổ sở, vất vả
nhất là những buổi đi - về. Thuở ấy, hầu hết các gia đình chúng tôi đều nghèo
cực lắm. Bữa ăn độn ngô, khoai, sắn quanh năm. 99, 99% học sinh cuốc bộ tới
trường. Từ nhà tôi tới trường khoảng hơn 3km, đi nhanh cũng phải mất gần 1 giờ.
Học chiều còn đỡ, nhưng lượt về, trời lại tối thui, mới uể oải xách cặp bước
vào cổng, khi cả nhà đang ăn bữa tối. Còn học sáng thì chí ngại là phải dậy sớm
từ 5h, 5h15. Và xong lưng cơm nguội trộn muối vừng hay chập chuội vài củ khoai
sọ, khoai lang, quàng túi vải, rảo cẳng ra cổng. Trời mới chạng vạng. Mùa đông,
sương mù giăng đầy đất, đầy đồng, kín mặt đường. Chúng tôi cặm cụi, lắp nhắp
bước dưới ánh đèn điện vàng úa hắt ra từ nhà máy Bê tông đúc sẵn Trèm. Gió lay
bóng đèn làm ánh sáng chấp chới, đu đưa như ánh ma trơi trêu ghẹo mấy đứa học
trò yếu bóng vía. Có hôm đi trong gió bấc, mưa phùn. Đường đồng Giàn đất thịt
vắng heo, sáng mờ mờ, trơn như láng mỡ. Đứt, tụt quai dép cao su, vội cầm chặt
trong tay mà chân trần, chân dép, vừa đi vừa chạy đến đoạn đầu trường cấp 2
Xuân Đỉnh hoặc đầu vườn hồng xiêm các cụ thì trống tập trung đã gióng những
tiếng đầu tiên. Thế là nhắm mắt nhắm mũi, vừa thở vừa chạy. Lách vội qua cái
rào ken tre vầu nhọn hoắt, băng vào sân, lúp xúp đứng vào cuối hàng, trống ngực
thuỳnh thuỳnh, mồm, mũi thi nhau thở mà vẫn bị trực tuần - sao đỏ, điểm mặt, bêu tên ngay sau đó hoặc tuần sau một
cách không thương tiếc! 1 tuần 6 ngày học thì 4 – 5 ngày đi muộn! Không sao
khắc phục được vì bài tập, bài học ở nhà thầy
cô cho nặng, nhiều. Đêm nào cũng học khuya, lại đang sức ăn sức ngủ.
Buổi trưa tan học, nhìn đoạn đường từ trường về nhà, cảm thấy xa lăng lắc. Qua
cây đa thôn Nhang, qua cổng Giàn, đến cánh đồng lúa, ngô ngan ngát. Gió nam mơn
man càng khiến cái bụng lép kẹp thêm cồn cào. Nhìn chung quanh, đồng trưa vắng
tanh, không một bóng người, bóng tuần nông, vệ nông, ngoài lũ quỷ sứ ranh con
chúng tôi!...Thế là hò nhau, rẽ ngoặt, sà xuống ruộng bí đao, ruộng cà chua,
ngắt 1 quả bí xanh vừa phải cỡ bắp tay, hoặc vặt vội chục trái cà chua đỏ đỏ,
ương ương, lốc nhốc leo lên bãi cỏ gốc cây đa gò Giàn, ngồi xệp xuống, duỗi dài
chân, vừa hối hả gặm cho dịu cơn đói ngấu vừa chuyện trò râm ran, trên trời
dưới bể. Lưng lửng bụng, nhắc nhau vội phi tang vỏ, hạt rồi mới rảo chân bước
tiếp. Thường xuyên về đến nhà cũng đã gần 13h.
Hồi ấy, mỗi năm, mỗi lớp được tiêu chuẩn
phân phối 01 xe đạp thiếu nhi Liên Xô. Năm học đầu tiên ấy, lớp 8A chúng tôi
bình cho anh bạn Ngọc D. người xã LM, theo tiêu chuẩn con liệt sỹ, nhà xa. Nhìn
anh bạn cao kều, lom khom ngồi đạp cái xe thấp lùn, mặt ngẩng cao, hãnh diện,
rẽ ra khỏi cổng trường, chúng tôi không sao giấu nổi những tia thèm khát, mà
vẫn biết rằng, dù có học đến 5, 6 năm, thậm chí cả 10 năm nữa… cũng chẳng bao
giờ tới lượt mình! An tâm mà diễn xe căng
hải thôi!
Vào học lớp 8, với riêng tôi, càng lộ rõ
khuynh hướng thiên về các môn học xã
hội, nhất là 3 môn Văn, Sử và Chính trị
(Đạo đức, Giáo dục công dân sau này). Các môn học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa) càng
tỏ ra yếu kém. Ngoại ngữ tiếng Nga:
nghe, nói, đọc, viết đều chậm chạp. Dù đã cố gắng, chăm chỉ, nhưng kết quả vẫn
chỉ đạt trung bình hoặc trên trung bình một chút: 3 – 4. Hiếm hoi mới được 1
điểm 5. Điểm 2 không phải ít, nhất là môn Hóa
học. Tôi sợ nhất môn này, trong khi Lê H., Phạm T. học rất giỏi môn ấy.
Phải chăng, khi học sinh đã học khá - giỏi môn nào thì càng yêu thích, mê say
môn ấy? Hiển nhiên, đó là quy luật của nhận thức và tình cảm.
Thầy Phan Bá - đồ Nghệ càng ngày càng ưa, mến văn tôi. Các bài Luận (Tập làm văn nghị luận) của tôi hầu hết đạt điểm khá, giỏi (4 – 5), đỏ chói
những lời khen hào phóng. Rất tiếc, tôi không còn giữ được làm chứng tích 1 bài
nào! Lê T, Phan Q, NgH cũng không được
điểm 5 Làm văn đều như vậy. 2 năm lớp 8 – 9, có thể nói, tôi là một
trong những học sinh đứng đầu lớp 8A, 9A về 2 môn Văn, Sử. Môn Chính trị do
thầy Tiến T. lòng khòng dạy, (mấy năm sau, thầy chuyển sang làm chủ tịch công
đoàn giáo dục huyện Từ Liêm), với tôi, dễ học hơn nhiều. Chỉ cần thuộc ý chính,
ghép nối, đưa đẩy bằng những câu văn cho xuôi, có lập luận, lý lẽ… là ăn 5 như
bỡn. Môn Lịch Sử cũng thế. Thầy chủ
nhiệm Đoàn K. đã ưa tôi vì kiểu chữ viết và chữ ký bắt chước thầy giống như
đúc, lại càng mến cậu học trò này vì những câu trả lời ngắn gọn, trúng vấn đề
và có tính lý luận của tôi. Nhưng thành tích tốt gặt hái liên tục khiến tôi
sinh chủ quan, tự mãn. Bởi thế, tôi đã không sao chịu nổi, đã cảm thấy đau đớn,
hụt hẫng vô biên, khi lần đầu tiên trong năm học, bị thầy Phan hạ điểm 3 (trung bình) cho 1 bài Làm văn phân tích nhân vật mà thầy phê là lạc đề, nặng kể lan man!
Sau này, bình tâm đọc kỹ lại, thấy quả là không oan chút nào! Nhưng ngay mấy
hôm đó thì ức và khổ không sao chịu nổi!
Nhưng, vào cuối mùa xuân năm 1964 ấy, tôi
vẫn được thầy Phan B. cử đi thi HSG môn Văn, cấp thành phố (cùng với Nguyễn Đức
L. (thôn Đình) môn Toán).Năm lớp 10, SH, NH và tôi lại được thầy QS cử vào đội
thi HSG Văn toàn miền Bắc, những tôi bị đau mắt nặng, đành xin kiếu! SH và NH dự thi nhưng hình như đều không được
giải!) Chúng tôi lo lắng, khấp khởi cuốc bộ vào Bưởi, đi tàu điện ra trường Chu Văn An, ngủ nhờ tại nhà thầy Phạm Huy B
(giáo viên Toán) từ chiều tối hôm trước. Hai thằng choai choai làng Trèm, lần
đầu tiên trong đời, được cô H. vợ thầy B, mắc màn, dắt màn và chúc ngủ ngon, mai thi tốt! mà thấy lòng rưng rưng cảm động…
Đề
thi môn Văn HSG năm ấy, tôi còn nhớ:
Bình giảng đoạn thơ (khá dài) dưới đây
của Tố Hữu trong bài Đường sang nước bạn:
… Hôm
nay, tôi đi từ Hà Nội,
Nước
Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa…
Băng
đã tan trên dòng Trường Giang.
Nhanh chóng phác một cái dàn ý sơ lược
xong, tôi hăm hở viết. Bài viết khá dài, say sưa; với câu mở đầu đầy tính tụng
ca: Phía Bắc nước ta là nước CHND Trung
Hoa vĩ đại… Nhưng toàn bài chắc hời hợt, chung chung và đại ngôn nên kết
quả chẳng ăn giải gì! Nguyễn Đức L. giải Toán cũng chẳng may mắn hơn! (Cầu cho
hắn được mồ yên mả đẹp đã gần chục năm nay rồi!).
Thế mới biết: Ở nhà, nhất mẹ nhì con/Ra đường lắm kẻ còn ròn hơn ta. (Tục ngữ Việt)
và Thiên ngoại hữu thiên (Ngoài trời lại
có trời. (Tục ngữ Tàu). Đây chính là bài học thất bại và khiêm tốn đầu tiên
mà tôi được nhận.
Cuối năm ấy, tổ Văn nhà trường có tổ chức 1 cuộc thi viết truyện ngắn cho học sinh khối 8. Kết quả chung cuộc: Nguyễn H. giải nhất với truyện Bác tôi (nguyên mẫu là cụ Hộ Ng.). (Có
lẽ mầm mống năng khiếu viết truyện của gã nhà văn tương lai manh nha từ đây
chăng?!) Tôi ăn giải 3 với cái Nhật ký người chăn bò, bắt chước vụng về
kiểu viết của Lỗ Tấn (Nhật ký người điên),
nguyên mẫu là tôi và ông chú họ chủ
nhiệm HTX Ng. B. Thế mà, lạ, đến tận bây giờ Phan T. ở xóm Chùa, Đông Ngạc vẫn
nhớ tới cái mẩu truyện tập tọng này. Còn tôi, tác giả, cũng đã quên sạch những
gì mình từng viết! Lê T. giải nhì…với truyện gì… không nhớ! Phan Q., học sinh
giỏi toàn diện năm trước, vào cấp 3 học chìm hẳn đi, không đạt giải nào, không
hiểu vì sao?!
Thầy chủ nhiệm Đoàn K. là một thầy giáo
trẻ tài hoa, dạy học và sống gần như nghệ sỹ, đặc biệt rất thích kịch nói. Ông bỏ công biên dịch và đạo
diễn một hoạt cảnh hài kịch câm ngắn,
nhan đề: Câu cá trong tửu quán và
chọn tôi và Lê Ph. (thôn Đông) cùng tập.
Chúng tôi đã luyện tập rất say sưa theo từng chỉ dẫn sát sao của thầy.
Cuối học kỳ 1 và cuối năm, công diễn trong buổi liên hoan văn nghệ nhà trường,
được khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Lại đem lưu diễn ở 1 số nơi như sân khấu xã
Xuân Đỉnh, Đông Ngạc cùng với dàn hợp xướng không nhạc đệm Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận)
của toàn trường, do thầy Lê chỉ huy. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác hồi hộp,
phấn khích cao độ, khi giật mạnh cần câu
mà lưỡi câu sắc đã móc vào cái miệng đang ngoác rộng vì tham ăn của gã bạn câu
– thực khách Lê PH., trong tiếng vỗ tay rần rật cuả cả ngàn khán giả nhấp nhô
bên dưới. Và chúng tôi đã tự cho là mình hóa ra cũng có chút năng khiếu diễn
kịch, lại kịch câm nữa chứ!
Tôi
vốn yêu ca hát từ nhỏ. Có lần, dám xung phong đơn ca bài Tiếng hát người chăn bò (Hoàng Hưng – Thanh Phúc) trước tập thể lớp
và thầy giáo chủ nhiệm. Lớp 8B bên cạnh có Trịnh Xuân T. cũng thích hát, giọng
ấm, nhưng nhẹ, mỏng. Hắn hay ngâm nga Bài
ca chiến thắng (Trần Kiết Tường). Lớp 9B có gã Văn Ch. sứt răng cửa , làm
chủ giọng ca khỏe sáng, vang ròn. Hắn hát rất hay bài Lê Quang Vịnh người con quang vinh, một bài ca anh hùng cách mạng
rất phổ biến trong giai đoạn ấy. Nhưng tất cả đều thua xa giọng ca bạc Phạm Gia
T. lớp 10A với bài Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, trong vắt như nước
suối Cao Bằng và rất kỹ thuật. Hai năm sau, từ nội thành sơ tán về, mới xuất
hiện giọng ca nữ số 1 của Xuân Đỉnh: Cung Tố C.
Tốp ca nam nữ thì tập bài Không cho chúng nó thoát! (Hoàng Vân),
Kim L, cây hát chèo, lĩnh xướng; thầy chủ nhiệm K. đệm ghita phừng phừng, rất khí thế.
***
Nhưng, họa vô đơn chí, đời người có bao
giờ học hết chữ ngờ! Đến cuối học kỳ
2 năm ấy, tôi bị 3 vố đau liên tiếp. Có lẽ đây là những tai nạn đầu tiên trong
đời học trò của thằng tôi dại khờ mà nghịch ngợm, phải trả giá đích đáng.
1, là bị điểm 3 môn Văn, với lời phê nặng
nề của thầy Phan B. khiến tôi đau đớn, sững sờ. Kế đó là điểm tổng kết 2 (kém)
môn Hóa, dẫn đến điểm 3 trừ cả năm,
(còn may không phải thi lại!) khiến tôi tê tái cả người! Nhưng đau nhất, xấu hổ
nhất là chuyện tôi đột hứng vẽ bậy
trên giấy nháp rồi chuyền chơi xuống bàn dưới, trong tiết Địa, bị thầy Đỗ H.
bắt quả tang, nhân chứng vật chứng sờ sờ, không thể chối cãi hay thanh minh!
Khuyết điểm nặng nề, ghê gớm này khiến tôi bị thầy chủ nhiệm bắt viết kiểm điểm
nghiêm khắc. Ngay chiều hôm đó, ông lại lên tận làng Trèm, vào tận nhà, thông
báo cặn kẽ với bố tôi. Tôi xấu hổ, nhục nhã và ân hận không để đâu cho xiết,
lùi lũi dắt con bò sừng cán bèo đi chăn mà lòng khôn nguôi sợ hãi, thấp thỏm
không hình dung nổi cảnh tối về sẽ bị bố mắng, đánh cho 1 trận như thế nào?!
Nhưng, hóa ra cả thầy K, cả bố tôi đều là những người lớn rất độ lượng, bao
dung với con cái, với học trò. Tối hôm ấy, tôi chỉ bị bố mắng 1 trận rát rạt.
Lạ! không hiểu vì sao ông không rút roi tre hay nan dại, quất tôi một roi nào
cho bõ tức!? (tội tôi cũng đáng bị ăn đòn lắm!) Vậy mà cả người tôi cứ nhoi
nhói đau rát. Tôi cúi đầu, im thin thít chịu tội. Thỉnh thoảng ngẩng lên, thấy
nét mặt ông già khắc khổ, đen sạm, buồn se sắt, nhăn lại, càng tự ân hận vô
cùng. Có lẽ bởi thầy K. vẫn tiếc cái năng lực học Sử nên chỉ hạ hạnh kiểm học
kỳ 2 của tôi xuống bốn trừ (nếu bị
điểm 3 là sẽ bị đình chỉ học tập!) hạnh kiểm cả năm: 4, trượt học sinh tiên
tiến (A3) năm ấy! cho tôi còn cơ cơ hội mà đái tội lập công, sửa chữa sai lầm.
Như vậy, mùa thu năm 1963, tôi đã nhập
trường Xuân Đỉnh 3 một cách khá vẻ vang, như đoạn trên đã kể, và 9 tháng sau,
mùa hè năm 1964, kết thúc năm học đầu tiên (lớp 8 (10) 1 cách ảm đạm, đáng buồn
như vậy. Nguyên nhân cơ bản đều tại cái tính chủ quan, dại dột, nghịch ngợm
điên rồ của một thằng thiếu nhi ngây ngô, nhắng nhít ở thôn Đồng, làng Trèm,
một gã choai choai đang chưa vỡ bọng cứt
đã muốn đòi làm người lớn, muốn bay bổng vội vàng…là tôi…!
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét