HỌC TRÒ XUÂN ĐỈNH ( tiếp)
Đường Văn
3
Năm học 1964 – 1965,
năm học thứ 2 ở trường cấp 3 Xuân Đỉnh, chúng tôi lên học lớp 9A, chuyển sang
đầu dãy nhà phía tây, vẫn thầy K. chủ nhiệm và dạy Sử, thầy Phan B. vẫn dạy
Văn, thầy Vũ dạy Sinh, Tiến T: Chính
trị. Các thầy cô mới là thầy Ch.
vui tính dạy Địa, cô Ph. gầy, dạy Lý, thầy H. tóc chải mượt, dạy Hóa và thầy
Th. cao kều, quê ngay Xuân La, dạy Thể dục… Nhưng nhân sự học sinh thì thay
đổi, xáo trộn khá nhiều. Nhóm học sinh
Liên Mạc: những B, Ba, Kh, Kha, Đư, QĐ… chuyển hết về học trường cấp 3 Minh
Khai. Một số đứa bỏ học, xin đi làm công nhân hoặc nhập ngũ: PGB, KQ, PHT, Đào
Đức Th. (Đông Ngạc), Đức L, Lê Ph. (Trèm). Vài đứa học yếu bị lưu ban: B. lang, T. ngoẹo, Ng. K, Ng T.
Lê H… đồng thời lớp nhận vào mấy anh chị lưu
ban từ lớp 9A năm ngoái: Xuân D, Phạm T, Lê B… Lớp trưởng B chuyển, lớp phó
Phạm Công lên thay. Càng rất chi năng nổ, tích cực. Hình như Phạm Minh - bí thư
Đoàn kiêm luôn lớp phó (?!) Lũ đầu đen -
phó thường dân chúng tôi chứng kiến sự chuyển đổi lãnh đạo và cư dân ấy một
cách thờ ơ, chẳng chút bận lòng. Chúng tôi thầm nghĩ: Đứa nào làm cán bộ chẳng
thế! Đứa này đi thì đứa kia lại tới. Đều là bọn thổi tù và hàng tổng cho các
thầy cô ấy mà! Đâu lại vào đấy cả thôi! Chúng tôi cứ suy nghĩ một cách tự thủ
bàng quan và yếm thế, vô tri vô trách, hồn nhiên như vậy!
Ngay trong tuần học chính trị và lao động
công ích đầu năm học, tôi đã lại gây ra 1 chuyện đau đầu bọn cán bộ lớp và thầy
chủ nhiệm. Ấy là chuyện tôi làm thơ đả kích gã cờ đỏ Hoàng Hữu Ch. (lớp 10B).
Một gã người làng Tàm Xá, bên Đông Anh, mặt đen sì trứng cá, giọng nói sin sít,
nguyên tắc cứng nhắc kinh khủng, rất hung hăng, xăng xái chặn bắt các bạn đi
muộn, chui rào vào trường mỗi buổi học… để báo cáo thành tích với các thầy cô.
Tôi và mấy đưá bạn đã từng bị hắn rượt đuổi chí mạng vài lần, ra tận khu nhà vệ
sinh sau trường! Uất ức, sợ hãi và coi thường thói Giave nịnh trên nạt dưới của hắn, tôi bỗng nổi hứng làm 1 bài
thơ thất ngôn bát cú chế giễu cay độc, học lỏm cụ Tế Xương. Đại khái còn nhớ
được vài câu:
Khen
cho thằng mọi giỏi chuyên cần/Nghiêm, nghỉ, đứng, ngồi… ậm ọe ngân/Ti toe báo
cáo rồi bá láo/Kiệt cùng đuổi bạn tận chuồng phân!/ Vội rượt, chân trần ăn cứt
chó/ Đáng kiếp thằng Ve, phận cù lần!
Đọc đi đọc lại, thấy tạm được và tạm hả
cái bụng tức, mới chuyền tay (lại lặp lại cái ngu hồi cuối năm lớp 8 !!!???)
cho mấy đứa ngồi bên cùng đọc, cùng cười rinh rích. Chuyện vỡ lở. Mảnh giấy ghi
bài thơ với bút tích rành rành của tôi nhanh chóng bị lớp trưởng thu, nộp lên
thầy giáo chủ nhiệm. Thế là tôi lại bị cảnh cáo trước toàn trường vì đã vô tổ
chức, vô kỷ luật lại còn lợi dụng thơ văn để đả kích cán bộ! !! Có đứa ghét
tôi, xì xầm: Thằng Đ. đánh chết, nết không chừa! Phen này rồi sẽ ăn bùn!
(Mãi nhiều năm sau, tôi mới hay, Hoàng
Hữu Ch. là người cùng làng với một anh bạn thân của tôi. Chưa học hết lớp 10,
hắn đã xung phong nhập ngũ, vào Nam
chiến đấu và hi sinh ở một mặt trận xa xôi nào trong đó. Cầu cho linh hồn anh
được yên nghỉ!)
Thầy Lê, một trong những giáo viên từng
rất khuyến khích, động viên và ngợi khen những bài thơ tập tọng xuất khẩu của
tôi hồi cuối năm ngoái, như bài Biển.
Thầy từng ngâm nga những câu mà thầy cho là được:
Từ
bé tới nay, tôi chưa bao giờ thấy biển/Tuổi thơ tôi chưa được ngắm thủy
triều/bãi biển dài, muôn đợt sóng xanh reo…Tôi chỉ biết ngụp lặn trên biển vàng
mênh mông sóng lúa quê tôi…Biển ơi, sao vẫn xa vời?!
Sau sự kiện lịch sử 5 – 8 – 1964, tôi hào hứng viết bài thơ Viếng hồn mẹ Tơm để chào
mừng thành tích quân - dân bảo vệ cửa biển Lạch
Trường (Thanh Hóa) bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Thầy L đọc, bảo: - Cậu viết hơi
khô nhưng ý rõ. Sau sự kiện anh hùng Nguyễn
Văn Trỗi hy sinh (10 – 1964), tôi viết bài Anh vẫn sống mãi. Bài thơ được thầy Lê và thầy K. chủ nhiệm khen được và kịp thời. Lệnh cho tôi tự
tay chép lại trên giấy crôki khổ lớn,
dán trong phòng truyền thống nhà trường. Thầy Lê cũng chính là người đầu tiên
gợi mở, khuyến khích tôi tìm đọc tập thơ Ánh
sáng và phù sa (Chế Lan Viên) nổi tiếng hồi ấy, khiến tôi được mở rộng tầm
mắt về thi ca Việt Nam hiện đại và sau đó, mấy năm liền hăng say, lố lỉnh bắt
chước, học đòi lối thơ suy nghĩ, triết lý của tác giả Điêu tàn!...
Vậy mà, sau lần tôi bị phê bình ấy, tình cờ
gặp tôi, thầy cười giễu cợt, nhìn xoáy vào mắt gã học trò ngang ngang, buông
một câu mỉa mai, rằng:
- Thơ
của Đ ấy à? Chỉ đáng đem dán ở chuồng
xí!
Rồi thầy khinh khỉnh quay đi! để lại sự
bẽ bàng, ê chề trong tim đứa học trò dại
dột là tôi, đứng như trời trồng, chịu trận… Câu mắng mỉa mai, tàn nhẫn, độc địa
ấy của thầy, tôi còn găm trong trí nhớ đến tận bây giờ! Và tôi vẫn không hiểu
sao thầy Lê lại có thể nói như vậy với một học sinh, trong hoàn cảnh nó đang
cùng lộ, đang rất cần một lời an ủi, cảm thông!? Phải chăng, khi ấy, thầy cũng
không tránh khỏi sự nhỏ nhen, tầm thường của 1 người đánh chó ngã xuống nước?!
Hay thầy cho là tôi thuộc loại học trò đã hết thuốc chữa?!...
Rút kinh nghiệm từ câu chuyện đáng buồn ấy,
trong mấy chục năm làm thầy, dạy nghề thầy, sau này, tôi chưa bao giờ xúc phạm
nhân cách các em học sinh, sinh viên mắc khuyết điểm, dù có trường hợp còn nặng
hơn thế nhiều, bằng những lời mỉa mai, nghiệt ngã…thỏn mỏn… như thế!
Lên lớp 9, thầy chủ nhiệm K nuôi ý định
lập 1 nhóm kịch của lớp, tiếp tục
phát huy thành quả vở kịch câm năm
ngoái. Thầy gọi Xuân D, cây hát chèo Kim L. (sau này là NSWT múa rối Trung L)
tôi, và Thanh T. răng khểnh, HS lớp 8B, tập thoại vở Bà mẹ và những đứa con (Xuân Trình). Chúng tôi luyện tập cũng phải
được tới dăm buổi rất nghiêm túc. Xuân D. đóng vai bà mẹ khá ngọt. Kim L. vào
vai ông bố xuề xòa, tôi và Thanh T. trong vai hai đứa con: anh trai - em gái
ríu rít, cãi nhau suốt ngày, nhưng đều sợ bố, thương mẹ. Đang hào hứng tập diễn
thì bỗng thầy bảo thôi, tạm dừng, không hiểu vì lý do gì?! Ngẩn ngơ tiếc đến cả
tháng sau! Nhóm kịch tự động giải tán cái rụp,
không kèn không trống!
Gần cuối học kỳ 1, tôi được thầy Phan B.
cho mượn cuốn tiểu thuyết Vỡ bờ, tập
1 (Nguyễn Đình Thi) dày cộp, với yêu
cầu: đọc kỹ, tóm tắt nội dung cốt truyện chi tiết và viết lời giới thiệu thành
1 báo cáo, sang tuần sau, trình bày trước tập thể lớp trong tiết ngoại khóa
Văn. Tôi nhận lời trong niềm xúc động và lo lắng, vì lần đầu tiên được/bị làm
một công việc khó khăn dường ấy. Tôi chăm chú đọc thật kỹ. Đọc hết chương nào
viết ngay đoạn tóm tắt nội dung chương ấy (bắt chước kiểu tóm tắt từng chương
của nhóm dịch tiểu thuyết Chiến tranh và
hòa bình, Sông Đông êm đềm). Cứ
thế, lần lượt cho đến hết cuốn sách. Lại viết đoạn tổng thuật chung thành một
bản báo cáo dài độ hơn 5, 6 trang. Đọc đi đọc lại gần thuộc lòng. 2 tiết văn
tuần tới, tôi bước lên bục, rụt rè trình bày trước toàn lớp 9A. Thấy các bạn
chăm chú lắng nghe, tán thưởng. Thầy Phan B. khen tiết ngoại khóa thành công.
Hôm sau, thầy lại bảo tôi: cứ thế, sang trình bày ở 2 lớp B, C. Tôi cứ bổn cũ
diễn lại, trơn tru hơn và lại được các bạn bên các lớp bạn vỗ tay khen ngợi. Tự
nhủ: - À, thì ra thằng cu Đ. lớp 9A nói năng cũng tạm được! Tôi thầm phổng mũi!
Cảm ơn thầy Phan biết chọn mặt gửi vàng!
Thầy Phan B. quê tận Thanh Chương, Nghệ
An. Người tầm thước, dáng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ. Trong những câu chuyện
liên hệ mở rộng khi giảng bài trên lớp, thầy thường nói liền một tràng dài, đều
đều, rồi kết thúc bằng một câu vút lên cao đột ngột như giọng giả thanh. Đôi mắt một mí liếc liếc sang
hai bên một cách tinh quái. Học trò nghe, thấy vừa buồn cười vừa có duyên đáo
để! Bài giảng của thầy Phan thường chen vào những câu chuyện tâm tình, tâm sự
về văn, về đời, cứ rủ rỉ rù rì, thấm thía; nhưng đôi khi cũng rề rà đến sốt
ruột. Khi ấy, tôi cứ phải vờ chăm chú nghe,
nhưng mắt thì ngó mông ra cánh đồng xanh và đầu thì nghĩ ngợi vẩn vơ
sang chuyện khác. Thằng Ng. H ngồi trước mặt tôi (sau này thành nhà báo, nhà
văn chuyên nghiệp), thỉnh thoảng quay xuống, nhay nháy con mắt: ra ý chia sẻ
cái tiết giảng buồn như chấu cắn mà sao mãi không hết…!
Thầy Phan B. được nhà trường xếp ở chung
phòng với thầy Phan V, quê đâu bên Yên Viên, cũng dạy Văn, giọng ồm ồm, nhiều
lời và không dí dỏm, sâu, hóm như thầy Phan B. Cặp giáo viên văn, chung một
phòng; cặp giáo viên toán (thầy Lê và thầy Hoàng), ở phòng bên cạnh. Các phòng
được ngăn cách bằng tấm cót sơ sài. Phòng tập thể giáo viên hẹp đến thế là
cùng! chỉ kê đủ 2 cái giường một, một cái bàn làm việc chung, ở giữa là 1 lối
đi chung vừa vặn kê ngang cái bàn ấy. Vậy mà các thầy vẫn sống với nhau vui vẻ,
hòa thuận và chung tay làm việc hiệu quả.
Những chiều muộn hoặc tối sáng trăng,
thầy Lê thích bắc ghế ra sân, ngồi kéo đàn
gió (ắccoocđêông). Hộp đàn bằng da
cuộn mở, uốn cong cong, rồi từ từ thu, ép lại từng nhịp gấp. Tiếng đàn phập
phồng, du dương, lúc dồn dập, khi êm đềm chuyển từ Sibônê qua Du kích sông Thao
một cách diệu nghệ. Thầy K. ở phòng đằng trước thì chơi ghita. Tôi đã nghe thầy độc tấu bài Paloma (Bồ câu trắng) nhạc Cuba rất điêu luyện. Tay gẩy, vỗ nhịp nhàng, hòa quyện với tay chạy gam thoăn thoắt. Thầy Phan B. thì chỉ
thích đọc sách, ngâm thơ nho nhỏ, thầm thì theo kiểu riêng của mình. Buổi trưa
nào đó có việc phải ở lại trường, tôi la cà đến phòng thư viện, đã thấy thầy
trải chiếc chiếu một, nằm vắt chân chữ ngũ, đầu gối lên ba quyển sách, tay cầm
1 quyển Thơ chữ Hán Nguyễn Du, ngâm nga theo giọng Nghệ, rất mùi!
Gia đình thầy Phan B. nghèo, nông dân xứ
Nghệ nhiều đời. Tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội, được phân về Xuân Đỉnh dạy học, thầy
vẫn chưa biết đi xe đạp. Cuối năm ấy, thầy mới được công đoàn trường cho mua
phân phối 1 chiếc xe đạp Thống nhất
nữ. Thế là, chiều chiều và sáng chủ nhật, thầy dắt con xe loáng bóng ra sân vận
động trường, hì hụi ngồi lên, tập đi. Vậy mà, hơn 1 tuần sau, thầy đã dám
thử 1 mình đạp xe ra Sở GDHN họp chuyên
môn rồi.
Hoa
hậu học trò tự phong của lớp tôi
những năm đó, là Phan L. Phải nói cô gái làng Vẽ này rất xinh. Mắt đen dài,
lóng lánh. Lông mi cong vút. Cổ cao ba ngấn. Da trắng nõn nà. Dáng thon thả, eo
óc, hay diện đồ xẫm và đen để càng tôn vẻ kiêu sa, đài các. L. rất ý thức về
nhan sắc hơn người của mình; nhưng được cái cũng không tỏ ra xa lánh, coi
thường bạn bè. Không kể mấy chàng xoay tít mù, trồng cây si quanh nàng như Phan
T. Đức L, Vi L…, Phan Q, không biết mèo nào cắn mỉu nào… Nhưng hình như cảm
tình của nàng Phan hướng lên các thầy, tuy cũng không ổn định?! Dạo thì nghiêng
về thầy giáo chủ nhiệm đa tình, đẹp trai, dạo xem ra lại ngả qua phía thầy dạy
văn Phan B. đồ Nghệ! Chẳng biết đằng nào mà lần! Nhưng rồi những mối tình thầy
- trò xưa như trái đất ấy, , không biết nhuốm bao nhiêu % thực dụng?, kết cuộc,
cũng chẳng đi đến đâu! Thầy K, sau này kết duyên với cô Tr. dạy văn cấp 2
trường bên cạnh.
Phan L. xinh đẹp tốt nghiệp phổ thông,
được goị vào học ĐHSP Hà Nội, khoa Lý, (Hóa (?!). Ra dạy ở Hà Tây (cũ), lấy
chồng, hình cũng là 1 đồng nghiệp. Về hưu trước tuổi. Suốt 25, 26 lần hội
trường, hội lớp, nàng chỉ tham gia đúng… 1 lần?!
Còn thầy Phan B. thì cứ sống củ rủ cù rù,
miên man, khảng tảng, một mình như thế. Thầy chỉ dạy chúng tôi 2 năm lớp 8, 9.
Mấy năm sau, tôi cưới vợ ở quê, trân trọng kính mời thầy. Thầy là một trong
những thầy giáo Xuân Đỉnh cấp 3 hiếm hoi, lên tận Trèm dự đám cưới đứa học trò
cũ của mình. Nhìn cái dáng khiêm nhường, đủng đỉnh dắt xe vào cổng, với nụ cười
hiền hiền, ngượng nghịu của thầy, vẫn làm tôi xúc động, nhoi nhói… cho đến tận
ngày nay.
Sau giải phóng (1975), thầy Phan B. được
điều vào dạy tại trường cấp 3 Thủ Đức (TPHCM). Thầy cứ mải mốt, củ mỉ cù mì làm
việc ở tận cuối trời Nam
như thế, sống lẻ loi như thế… cho tới ngày nghỉ hưu. Khoảng đầu những năm 2000,
nghe thầy K kể lại, thầy có ra Hà Nội thăm lại bạn bè, đồng nghiệp và học trò
thân thiết. Thật tiếc, tôi chưa kịp tới thăm thầy thì thầy đã lại về Nam
(chứ không về quê Nghệ?!). Nghe đâu, một, hai năm sau, thầy lặng lẽ qua đời,
cũng ở ngôi trường miền Nam
xa xôi ấy…
Hỡi ôi!
cũng trọn một kiếp người! Long đong, vất vả, cô đơn một đời! Thầy ơi!
Năm lớp 9, tôi học các môn tự nhiên đỡ bi
bét, trong khi học các môn xã hội vẫn dễ dàng, hứng thú và vượt trội hơn. Trong
sinh hoạt, tôi tỏ ra không mấy chan hòa cùng các bạn, nhất là các bạn cùng
làng, không thích và e ngại gần gũi, thân thiết. Những Hi, Hí, Hị, Hà, B, Q…
cũng tỏ ra xa lánh, lạnh lùng, không muốn chơi với thằng Đ - tôi. - Nó cứ làm
ra vẻ cô độc, khinh khỉnh thế nào! Tôi nổi tự ái, cũng không muốn làm thân, làm
lành, chuyển sang chơi với mấy đứa làng Vẽ, làng Cáo… Tôi tự an ủi: Cũng có sao
đâu! cần gì!... Ấy! cái tuổi trẻ con tập làm người lớn cứ ngây ngây, dở dở,
khùng khùng một cách dại dột như thế đấy!
Thời gian trôi, cứ trôi,… chẳng mấy chốc
đã hết năm học lớp 9 (11). Hình như tôi cũng đạt danh hiệu HSG (A2), với bảng
điểm tổng kết không đến nỗi tồi: văn 5, sử 5, chính trị 5, sinh 5, toán, lý,
hóa, tiếng Nga 4… hạnh kiểm 5, …Nhưng đến hết năm học vẫn chưa được kết nạp vào
Đoàn TNLĐVN, chỉ vì BCH chi đoàn 9A nhận xét phẩm hạnh của bạn NĐ, đại khái:
Tác phong thiếu tính quần chúng, tinh thần tập thể thiếu chan hòa! Học tốt
nhưng chủ quan và có phần tự kiêu. Vì vậy, bạn NĐ. cần được thử thách thêm một
thời gian nữa!
Một nhận xét về bạn bè, quần chúng như
thế, liệu có nặng nề, nghiêm khắc quá hay không? Tự tôi hay do chúng nó, những
cán bộ, đoàn viên cũ và mới, khôn ngoan và tròn trĩnh… ai đã tạo ra cái ranh
giới giả tạo mà có thật ấy? Chao ôi! cái huy hiệu và tấm thẻ đoàn viên của một
thời chiến tranh – bao cấp mới cao quý mà xa vời làm sao!
Từ độ ấy, trong tôi bắt đầu cảm thấy tâm
trạng cô đơn ngày càng ứ đầy, sâu sắc! Nỗi buồn - cô đơn không đáng có cứ chầm
chậm gặm nhấm tâm hồn cậu thanh niên vừa sang tuổi 16, cái tuổi đáng lẽ phải
tràn đầy mộng mơ, dù cao thượng hay viển vông! Và hay tự ái ngầm! Nhiều bạn bảo
tôi già trước tuổi! Mấy thằng H, H… thì bảo nó cố giả vờ làm ra như thế! Tôi
biết, nhưng mặc kệ! Càng trong hoàn cảnh sống và học hành không bình thường như
thế, tôi càng cố thu mình vào thế giới bên trong của mình, tìm cách giải tỏa
tâm tình bằng những vần thơ tập tọng, được viết ra liên tiếp, ào ạt, miên man
ngẫm ngợi sự đời một lối tư biện, tủn mủn, vẩn vơ … Và thi thoảng, trong cái đầu
óc hỗn độn, đa cảm đa sầu của tôi, lại mơ hồ, nuối tiếc hình ảnh một, hai người
bạn gái xa xôi thầm mến trộm thương hồi cuối cấp 2,… Bây giờ, không biết các
nàng ấy đang dạy học, hay làm ăn công việc gì, ở đâu?!
(Còn tiếp)
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét