Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA HÌNH TƯỢNG LÊNINGRAT


Những kỉ niệm về X.Exenhin
N.Vonpin
Vũ Nho dịch ( tiếp theo và hết)
NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA HÌNH TƯỢNG LÊNINGRAT
Năm hai mươi tư, tháng tư…Có tiếng gõ cửa. Vla-di-mia Ri-chot-ti bước vào (trước anh là người theo chủ nghĩa hình tượng dũng cảm). Anh bắt đầu ngượng ngập :
- Chúng ta sẽ đến nhà ăn. Chúng ta sẽ đọc thơ bây giờ … Thảo luận … E-xê-nhin phái tôi đến đón chị.
Tất cả ngồi vào chỗ. Bắt đầu đọc, sau đó phân tích. Người ta phê phán rụt rè, hời hợt. Phải chăng họ sợ đụng chạm lẫn nhau ? Tính dũng cảm của họ ở đâu ? Nhận xét của E-xê-nhin với những lời thật sống động và chắc chắn :
- Thơ ca không chịu nổi sự giả dối. Bao giờ nó cũng trả thù sự giả dối.
Còn gì lọt vào trí nhớ của tôi trong buổi trao đối ấy ? E-rơ-lích nói về “Thư gửi mẹ” mà tôi chưa được nghe. E-xê-nhin nói về bà, người đã nuôi anh khi lên hai tuổi thay cho mẹ anh Ta-chia-na Phê-đo-rôp-na E-xê-nhina. Về mẹ, về bà, nhà thơ kể với tình cảm sâu sắc. Chúng tôi sẽ nhớ cái tên đó : Na-ta-lia Evơ-chep-na Chi-tốp-va, một người phụ nữ, đem sự dịu dàng của mẹ sưởi ấm tuổi thơ côi cút của Xe-ri-ô-gia bé bỏng. Tôi cũng nhớ những lời của ông Chi-tốp nói với đứa cháu : “Không phải người sinh thành, mà người nuôi dưỡng mới là cha”. Tuy thế trong tất cả những năm tháng kết bạn và gần gũi với E-xê-nhin, tôi không bao giờ nghe một lời phàn nàn về cha.

Trái lại, anh còn thuyết phục tôi rằng : anh mang ơn cha về năng khiếu văn chương : cha anh thích thơ và tự mình sáng tác ca dao. Một lần E-xê-nhin đọc cho tôi nghe hai, ba bài trong số đó. Sau đó tôi rất tiếc là đã không cố gắng nhớ lại được ! Còn mẹ, theo lời anh, mẹ thích các bài hát dân gian, biết rất nhiều và hát hay. Và biết những điều vu thác từ mọi tại họa chỉ có thể trút xuống con người.

TRONG LÂU ĐÀI LACXAN
Mười bốn tháng tư năm hai mươi tư … Tôi ngồi vào bàn, theo đuổi đơn đặt hàng của Xmê-ta-nhit (Va-len-chin Xche-nhit) dịch Trec-che-tôn “Người đá sống”. Xuất bản dưới tên anh ấy, nhuận bút chia đôi. Vâng, hồi đó có lệ như thế của các nhà xuất bản văn học !
E-xê-nhin làm ngắt công việc của tôi. Anh bước vào, mời đi “với tất cả” (tức là với nhóm “những người hình tượng dũng cảm” Lê-nin-grat) đến dạ hội của anh ở lâu đài Lacxan. Tôi cũng thích đi. Còn anh ấy thì cứ “dứt khoát, dứt khoát” như là ra lệnh cho tôi.
Trên sân khấu một mình E-xê-nhin, đoàn tùy tùng của anh được bố trí ngồi vào một dãy ghế. Anh không bắt đầu ngay vào việc đọc thơ. Đầu tiên là nói chuyện với thính giả. Nói thật tình, cuộc đối thoại không gắn bó lắm. Anh nói đại để là : đất nước đang trên con đường mới, quyết định những điều lớn lao và chưa từng có, còn anh Xéc-gây E-xê-nhin thì ở ngã ba đường, không biết nghĩa vụ thơ ca đòi hỏi ở anh điều gì, đất nước chờ đợi gì ở người thi sĩ của anh. “Xin hãy hiểu cho tôi hoang mang, chính thế, hoang mang” Những lời về sự hoang mang vang lên không chỉ một, hai lần. Nhà hung biện dậm chân tại chỗ. Khi thì đứng lên, khi lại ngồi xuống cạnh bàn trên sân khấu nghiêng về thính giả. Mọi người không chịu nổi. “Thôi được rồi - họ kêu lên - hiểu cả rồi, tốt hơn là hãy đọc thơ”.
Đó chính là điều mà M. Rôi-dơ-man gọi là “phần đầu không thành công của dạ hội” trong cuốn sách cuối cùng của mình. Nhưng có thể sự mở đầu không thành công được xác định do sự thành công lớn của sự trình diễn : người ta nghe thơ E-xê-nhin với sự chăm chú khát khao và thích thú. Mây mù bị xua tan. Nhà thơ đọc đầy hưng phấn với sự chào đón nồng nhiệt của người nghe. Tôi không nhớ khi đó anh đọc cái gì - đối với tôi, mọi thứ đều quen thuộc, chắc là thế, nên tôi không nhớ kĩ. Tôi muốn lúc ấy hiểu ngay vì sao anh cố nài tôi đi. Phải chăng đơn giản vì tôi luôn nói “sự dịu dàng không chấm dứt”. Hay đó chỉ là sự quý trọng việc có mặt của mỗi một thính giả rộng lượng ? Anh tránh thủ pháp lạnh lung - những người Lêningrat nổi tiếng ở Mát-xcơ-va là những người đấu tranh nhiệt tình cho chủ nghĩa cổ điển … ) Nhưng những người “có ý định không tốt” nếu như anh cảm thấy thế, thì đã thích ngồi nhà hơn. Dù thế nào đi nữa thì đây là thắng lợi to lớn của nhà thơ. Anh rời khỏi sân khấu với ý thức rằng thành phố - Pê-téc-bua thời thanh niên của anh - đã bị chinh phục.
Chúng tôi quay về với gia đình thơ ca hòa thuận. Chúng tôi thuê tạm hai “xentaprơ” (tức là hai xe ngựa). Chúng tôi sửa soạn xuất phát, thì có một phụ nữ chen vào sát E-xê-nhin xin chữ kí - chị ta không cao, trạc bốn mươi tuổi, người xấu. Họ của chị ta : Brôc-gau-dơ.
- A … từ điển hả ? E-xê-nhin hỏi.
- Đấy là bác của tôi.
- Đi với chúng tôi đi ! Vôn-phơ Erơ-lích giục E-xê-nhin. ( Anh ấy cần quái gì cái đó).
Nhưng sự trả lời khá bất ngờ :
- Cậu biết đấy, dẫu sao thì … cháu gái của người soạn từ điển !
Câu chuyện đùa tếu chăng ? Đúng, tất cả cười ồ. Cả tôi cũng cười. Tôi cười và nghĩ phải chăng chuyện đùa này không thể hiện khát vọng vinh quang mãnh liệt có ở E-xê-nhin ? Khát vọng, không có nó anh đã không thành anh bây giờ.
Ngay lập tức tôi nhẩm tính trong đầu sự hấp dẫn của nhân cách anh tạo điều kiện thành công cho việc đọc thơ ở mức nào ? Rất lớn, ở mức rất lớn. Nhưng hiển nhiên là chuyện ngược lại : sự hấp dẫn của nhân cách trưởng thành và vững chắc dưới sự tác động của thơ E-xê-nhin, gần gũi với mỗi người, rõ ràng và rung động. Như ánh sáng không tắt của mùa hè phương Bắc.
Vũ Nho, dịch từ tiếng Nga
Tạp chí Tuổi trẻ. 10.1986


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét