Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

QUÊ CHỒNG






Quê chồng

                                       ( Tưởng nhớ trận lụt kinh hoàng ở ven Sông Lam                                                                                                      năm 1978)


                                        Nguyễn Thị Ngọc Hà                                      



                  Bến sông năm ấy tôi về
                  nước lên ngập trắng con đê quê nghèo
                  câu hò lỡ tuột dây neo
                  để cho lạnh cả mái chèo qua sông

                  nửa quen, nửa lạ quê chồng
                  đường thôn lầy lội chiều không bóng người
                  tìm đâu khói rạ tháng mười
                  khoai ngon chợ Rô một thời ngày xưa (*)

                  chỉ còn mẹ đẫm dưới mưa
                  dầm bùn đi đón dâu vừa về thăm
                  rầu lòng... muôn nỗi khó khăn
                  mừng con mà những nếp nhăn cũng cười

                  nước sông tràn mắt mẹ tôi
                  tràn về tôi một dòng đời gian nan
                  Sông Lam chịu lũ bao lần
                  áo cơm nhàu nát...sóng vần mà đau

                  cánh cò phiêu bạt nơi đâu
                  đồng xanh ngập nước bạc màu gió hoang

                  năm sau tôi trở về làng
                  mẹ tôi cánh hạc đã mang về trời
                  căn nhà quạnh quẽ đơn côi
                  giàn trầu héo úa ...đâu người sớm hôm.

                 --------------------------------------


                 * Chợ Rộ Ở xã Võ Liệt huyện Thanh Chương







Lời bình của Vũ Nho

          Khi người phụ nữ yêu chồng  thì họ thường yêu tất cả những gì mà người chồng gắn bó. Nữ sĩ Anh Thơ đã từng làm cả một tập thơ “Quê chồng” viết về quê hương miền Nam của bác sĩ Bùi Viên Dinh chồng bà. Nhà thơ Xuân Quỳnh viết về mẹ chồng bài thơ Mẹ của anh thật sâu sắc và cảm động. Nói thế để thấy rằng bài thơ Quê chồng  không phải là một bài cá biệt về mối quan hệ này. Đáng lưu ý là mỗi nhà thơ nữ có một cách cảm nhận và thể hiện riêng. Trong bài thơ Quê chồng, Ngọc Hà  viết về miền quê đã sinh thành và nuôi dưỡng chồng mình, và tiêu biểu nhất cho hình ảnh quê ấy, là hình ảnh người mẹ chồng rất mực thương con dâu, vượt lên bao đau thương, mất mát của trận lũ lụt kinh hoàng  để cho con đừng lo lắng:

          Chỉ còn mẹ đẫm dưới mưa

          Dầm bùn đi đón dâu vừa về thăm

          Rầu lòng…muôn nỗi khó khăn

          Mừng con mà những nếp nhăn cũng cười.

Chuyến về thăm quê chồng của người con dâu khác thường ở chỗ có lẽ đây là lần đầu về quê ( thấy quê nửa quen nửa lạ). Thế nhưng cái lần đầu ấy, quê  vừa phải trải qua trận lụt kinh hoàng. Quê đã nghèo, lại trải qua lụt lội, mất mát nhiều thứ của cải được gom góp bằng nước mắt, mồ hôi:

          -Nước  lên ngập trắng con đê quê nghèo

          -Nước sông tràn mắt mẹ tôi


Đúng như các cụ xưa đã tổng kết bốn cái họa lớn của xã hội là thủy hỏa đạo tặc. Trân lụt ấy đã làm cho quê nghèo lại càng thêm tiêu điều, xơ xác:

          Đường thôn lầy lội chiều đông vắng người

          Tìm đâu khói rạ tháng mười

          Khoai ngon chợ Rộ một thời ngày xưa

Con dâu vì thương mẹ mà lặn lội mưa gió về thăm. Mẹ chồng vì thương con dâu mà đội mưa, dầm bùn đi đón. Trong chiến tranh, những bà mẹ đào hầm, chèo đò, phát rừng đánh giặc ( Thơ Dương Hương Ly, Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm). Trong hòa bình, vì tình thương con cháu mà mẹ dầm bùn, đội mưa đi  đón con dâu. Hình ảnh người mẹ chồng ở ven sông Lam, Nghệ An này chúng ta có thể gặp bất cứ nơi đâu:

          Rầu lòng muôn nỗi khó khăn

          Mừng con mà những nếp nhăn cũng cười

Mẹ đã cố nén muôn nỗi lo âu, buồn khổ để mà mừng cho con. Những nếp nhăn hằn sâu vất vả trên gương mặt mẹ như cũng vui, cũng cười khi gia đình sum họp, đoàn tụ. Tấm lòng của mẹ thật  nhân hậu, bao dung. Chính tấm lòng ấy đã làm cho người con dâu cảm thông sâu sắc với đời mẹ, với quê chồng, cảm thấy quê chồng cũng là quê mình, mẹ chồng cũng là mẹ mình.

Cho nên người về quê mới có nỗi đau:

Sông Lam chịu lũ bao lần

Áo cơm nhàu nát sóng vần mà đau

Bài thơ viết về một miền quê nghèo với những thiên tai khắc nghiệt. Nhưng hình như đất càng nghèo, thiên nhiên càng khắc nghiệt thì tình người lại càng  chan chứa, lắng sâu. Người mẹ chồng lần đầu gặp mặt đã để lại ấn tượng và tình cảm thật sâu đậm trong lòng người con dâu – tác giả bài thơ.  Viết về quê chồng, mẹ chồng nhưng không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ chỉ viết là Mẹ, chứ không viết  khác. Bởi vì khi đã kính yêu, đồng cảm thì mẹ là mẹ  cả, quê là quê chung; mẹ đẻ hay mẹ chồng cũng đều là Mẹ mà thôi.

          Mẹ tôi cánh hạc đã mang về trời

Biết bao nhiêu là cảm thương, trìu mến, thân thiết dành cho người mẹ trong hai tiếng “mẹ tôi”.

Sau này, tác giả còn có những bài thơ như Về Rộ, Ớt chỉ thiên nhắc đến những kỉ niệm rưng rưng về quê chồng, về mẹ, về trận lụt:

          Lối xưa nay rộng nẻo quê

          Còn đau vệt sóng tràn đê ngày nào

          Chân nhang nén thấp nén cao

          Gió lay day dứt nghẹn ngào mẹ ơi

                                      Về Rộ

Quê chồng là một bài thơ giản dị mà  cảm động. Tình cảm với  quê, với người mẹ quê sâu nặng  cảm thông và gắn bó đã làm cho bài thơ có vị trí trong những bài thơ hay viết về mẹ chồng nói riêng và về mẹ nói chung.

                                                          Hà Nội, 14/7/2009

         




2 nhận xét:

  1. Chân thành cám ơn cả hai tác giả - Bài thơ, bài bình rất hay
    GV

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn GV đã đọc và chia sẻ!
    Chủ trang VNNB

    Trả lờiXóa