Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Câu chuyện giản dị và cảm động của “Người con gái Việt Nam”

                                                                     Tác giả Trần Duy Phương
Câu chuyện giản dị  và cảm động của “Người con gái Việt Nam
Đọc “ Tôi nghe tôi hát”- Tự truyện của Trần Duy Phương, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2013

                                             Vũ Nho

1. Tháng 12 năm 1958 có một người con gái  quê Gò Nổi đã trở thành biểu tượng của người con gái kiên trung bất khuất, người con gái Việt Nam anh hùng trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Điện giật dùi đâm, dao cắt lửa nung
Không giết được em người con gái anh hùng.
Đó là chị Trần Thị Nhâm , còn có tên khác là Trần Thị Lý.
Năm 2013, chúng ta lại gặp một người con gái họ Trần khác, cũng ở Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nhưng qua tác phẩm văn xuôi tự truyện. Chị cũng họ Trần, cũng có hai tên là Trần Duy Phương và Trần Thị Mai. Một sự trùng hợp lạ lùng, nhưng cũng  là bình thường, vì những người phụ nữ Việt Nam kiên trung ở vùng miền nào cũng có.

2. Cuốn tự truyện được kể bằng giọng giản dị, mộc mạc không hề lên gân hay tô vẽ. Người con gái của một gia đình có truyền thống Cách mạng giàu nghị lực, xinh đẹp,  học giỏi,  hát hay, chân tình với mọi người.  Cô được mọi người yêu quý và giúp đỡ.
Tính tôi khi đã quen thân với ai thì hết lòng với bạn, dù đó là bạn trai hay gái. Tôi luôn ân cần và quan tâm giúp đỡ mọi người trong phạm vi và khả năng của mình” ( trang 69). Vì thế mà Duy Phương được mọi người yêu mến, từ trẻ đến già, nhất là những người con trai, có khi  gây hiểu lầm.


3. Trong các phần của cuốn tự truyện này, phần 4 Thương tật và những ngày tù ngục là phần cảm động nhất, gây cho người đọc sự ngưỡng mộ, khâm phục tinh thần quả cảm của người thiếu nữ trẻ tuổi mà chín chắn, sâu sắc, điềm tĩnh trước kẻ thù. Từ thái độ quyết chết : “- Các người hãy bắn tôi đi, đừng hỏi nhiều nữa, tôi sẽ không trả lời đâu”. Chị đã lật người khỏi băng ca, lết ra cửa máy bay và sẵn sàng rớt xuống. Bọn địch đã  kịp kéo lại. Nhưng chị cũng  đã kịp xé nát tờ giấy ghim trên ngực và vứt qua cửa máy bay. Rồi sau đó là những  đấu tranh căng thẳng trong khi bản thân bị thương tật không đi lại được.
          Quyết chết, hủy tài liệu ghim ở ngực để khai là dân thường. Rồi sau đó lại khai lại để từ dân thường, trở thành tù binh đã khiến chị “vắt óc suy nghĩ”. Tuyệt thực  hay không tuyệt thực, tuyệt thực như thế nào để đấu tranh thắng lợi? Làm thế nào để gặp được Phái đoàn Hồng thập tự quốc tế?Vì sao kiên quyết không kí giấy chiêu hồi để được trả tự do? Vượt qua thương tật, bệnh tật ( sỏi bàng quang) mổ lại ở bệnh viện 67 của Mĩ. Đấu tranh kiên quyết để được vào trại 2. Sống chung với những “hồi chánh viên” tay sai đắc lực của địch ở phòng C2 như thế nào? Viết  vài vở kịch và ca cảnh ra sao? Anh chị em diễn kịch trong tù thế nào? Cả việc ăn nói với địch ra sao? “ Ăn nói với địch cũng đòi hỏi phải lựa lời, buộc chúng phải tâm phục, khẩu phục” ( trang 149). Tất cả đều được kể lại bằng giọng kể dung dị, chi tiết và đầy sức thuyết phục. Không phải Duy Phương là thần thánh “xương sắt da đồng”. Đây là ít dòng ngắn ngủi tác giả viết về sự dày vò của bệnh tật “Bị thương cột sống thường kéo theo các cơn đau thần kinh xuống hai chân, cảm giác như có con gì đang rúc rỉa thịt trong đó. Cứ mỗi lần bị đau là tôi phải quằn quại, ôm chân mà khóc đến sưng húp cả mắt. Mỗi cơn đau thường kéo dài ít nhất một ngày. Không phương pháp nào có thể làm giảm đau, ngoài uống thuốc. Thường tôi cắn răng chịu đựng chứ không dùng thuốc vì sợ phát sinh thêm bệnh dạ dày” ( Trang 166).
Hai người bạn tù đã đánh giá Duy Phương với những lời chân thành, cảm mến nhất. “ Đó là một cô gái xinh đẹp với cặp mắt to đen nhánh luôn tươi cười thật hồn nhiên và hiền hòa, cô gái giàu nghị lực đã dũng cảm, trung kiên vượt qua số phận nghiệt ngã của một thương binh nặng để sống và chiến đấu ngay trong tù ngục của kẻ thù. Bất kể thương tật nặng, bất kể những đàn áp tra tấn dã man của địch, Phương đã giữ vững niềm tin lí tưởng Cộng sản cho đến ngày chiến thắng trở về với cách mạng” ( Nguyễn Thị Nghĩa, trang 207). “ Có lẽ dòng máu truyền thống của gia đình đã thấm sâu vào mọi ngõ ngách trong con người Trần Duy Phương, đã tạo cho Phương bản lĩnh cách mạng kiên cường trong mọi hoàn cảnh” ( Nguyễn Xuân Sang, trang 212).
          Biết bao nhiêu những con người đáng kính trọng đã hiện lên trong kí ức sâu thẳm, mạch lạc. Người mẹ của Duy Phương chèo chống để nuôi cả gia đình, thà bị tù, nhất định không cho con trai về đi lính ngụy.
          Những người tù binh cứng cỏi, can trường có  chị Ngọc, vượt ngục, bị bắn trọng thương rồi qua đời ( trang 130);  Chị Bé ( Hạnh), thăm Duy Phương ở C2 bị đánh hội đồng “thừa sống thiếu chết”; Sáu Nhồng ( Sáu Hường) cùng đi với Bé thì “bị đánh tới tấp, bị đá, bị đạp” ( trang 132). Chị Tám Khuya kiên quyết không chịu chào kiểu nhà binh bị đánh ngất xỉu, bị vặn ba răng cửa ( trang 138). Chị Đỗ Thị Liên hai lần vượt ngục dù không thành ( trang 147);  Bên cạnh đó là những người nam giới như anh Minh quê Hải Phòng sắp chết vẫn hát ( trang 98), chú Xuân mổ dạ dày không có thuốc gây mê; anh Bình bệnh  rất nặng vẫn yêu cô Sáng ( tr.184),...
          Cuốn sách nói về  nhiều thế hệ phụ nữ miền Nam hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
          Ngoài những trang viết về ác bạn tù, những dòng ngắn ngủi viết về người cha nuôi, về anh Đỗ Nguyên Phương, nhà thơ Đỗ Nam Cao, họa sĩ Phạm Đỗ Đồng,… đều cho thấy tấm lòng chân thành, tình cảm hồn nhiên của người viết.
          Cuốn tự truyện có nhan đề “ Tôi nghe tôi hát”. Quả thật Duy Phương là người có năng khiếu hát, được tuyển văn công nhưng không đi. Nhiều trang nói về tiếng hát có sức mạnh an ủi, động viên mình và mọi người; kể cả cảm hóa  những người ở bên kia chiến tuyến. Các trang 88, 97, 122, 155, 159, 178,…có nhắc những lần hát riêng và hát cùng đồng đội.
          Chị Nghĩa đã nói đúng :  Đây là  “tiếng hát của niềm tin, của lòng yêu nước và ý chí quật cường, kiên trung của một thế hệ lớn lên trong xiềng xích nô lệ và bom đạn chiến tranh” ( trang 209). Tôi muốn liên hệ tới hai tác phẩm nổi tiếng thế giới viết về nghệ thuật. Một của L. Tôn xtôi : Luyxernơ viết về tiếng hát của nghệ sĩ và một của O’Hen ri : Chiếc lá cuối cùng, viết về nghệ thuật hội họa. Cả hai tác phẩm đều viết về sức mạnh kì diệu của nghệ thuật với con người. Và Trần Duy Phương với “Tôi nghe tôi hát” cũng ca ngợi sức mạnh của nghệ thuật âm nhạc. Tiếng hát thể hiện niềm lạc quan, hi vọng, có một sức mạnh  phi thường nâng đỡ tâm hồn con người. Nó là một phần quan trọng làm nên chiến thắng của  Duy Phương, người con gái Việt Nam, của  cả dân tộc Việt Nam yêu ca hát và hòa bình.
          Một cuốn sách dung dị, tuyệt vời về người con gái Việt Nam.

                                                   Hà Nội,  tháng 7/2014


2 nhận xét:

  1. Tri ân cảm tạ tấm lòng
    Đọc -"Người con gái..."đục - trong rõ ràng
    Chúc cho thịnh vượng an khang
    Xóa Mê hướng Ngộ sang trang Cõi Trần!

    Trả lờiXóa