Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

LỜI THẾ LÁ SEN - KHÚC KINH THI VIỆT

LỜI THẾ LÁ SEN -  KHÚC KINH THI VIỆT






Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận
(Năm viết Lời thề lá sen )
  Nguyễn Đăng Luận làm bài thơ : “ Lời thề lá sen “ tại Sơn Tây năm 1987 . Hai năm sau được đăng báo Văn Nghệ Hội nhà văn Việt Nam số 16 ra ngày 22 tháng 4 năm 1989 . Sau đó Lời thề lá sen được đăng lại trên nhiều tờ báo , tạp chí ,được tuyển in trong nhiều tập thơ : THƠ TÌNH BUỔI BAN ĐẦU , 210 BÀI THƠ TÌNH HAY ...Lời thề lá sen được giới thiệu trên sóng Đài truyền hình Hà Nội ( Vào Google : Nguyễn Đăng Luận đi giữa miền thơ ) ,  VTV1 Đài truyền hình  Việt Nam ( Vào Google : Gặp gỡ Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận ) 
  Lời thề lá sen đăng trên nhiều Web , Blog  trong nước và nước ngoài ( Vào Google : Lời thề lá sen ) . Năm 2011 chủ trang Hải Đăng nhận được 8 câu lục bát : 

Lá sen chưa kịp đi tu
Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng
Yêu em mua cốm làng Vòng
Nâng niu anh gói trong lòng lá sen
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa
Không ngờ anh thật không ngờ
Lá sen rách . Cốm bây giờ thơm đâu ! ?


  Chủ trang thích , tự rút tít : " Hương cốm lá sen " đăng khuyết danh lên trang Blog Hải Đăng  , ngay sau khi đăng có hơn 50 comment và bài họa 8 câu lục bát này ( Vào Google : Hương cốm lá sen - Hải đăng đôi mắt của đêm )  
  Tháng 12 năm 2013 Trang  CLB thơ  biển - thơ Anh Việt đăng bài thơ Lời thề lá sen của Nguyễn Đăng Luận kèm theo 64 bài HỌA - Lời thề lá sen có 8 câu lục bát , 64 bài họa , mỗi bài cũng có 8 câu ( 8 x 64 = 512 câu ) Tháng 3 năm 2014 trang  trannhuong.com đăng nguyên văn nội dung này với tít : " " Bài thơ Lời thề lá sen có nhiều bài họa kỷ lục " , tiếp đó còn có nhiều trang đăng  theo ( Vào Google Lời thề lá sen và 64 bài họa )  Có điều lý thú là tác giả của 64 bài họa này ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước và Nguyễn Đăng Luận chưa gặp một ai bao giờ , Cả 64 bài họa đều chuẩn luật lục bát và đều rất hay .
  Lời thề lá sen được nhiều nhà thơ , nhà phê bình , giáo viên dạy văn phổ thông bình đăng tải trên báo giấy báo mạng  Nhà thơ Ngô Quân Miện viết bài : " Lời thề lá sen như bài dân ca xinh xắn " đăng báo Giao thông vận tải và Bưu điện số đặc biệt Chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8 - 3 năm 1992 Từ khi có Internet bài này được đăng trên nhiều trang mạng , trang Diễn đàn bình thơ . Bài : “ Lời thề lá sen như bài dân ca xinh xắn.”  nhiều năm nay luôn trong top 10 bài đọc nhiều trên trang : Tôn vinh văn hóa đọc . vn . . Tính đến tháng 6 năm 2014 riêng trang Tôn vinh văn hóa đọc .vn  Lời thề lá sen ... đã có hơn hai vạn lượt người truy cập .
  Bài thơ Lời thề lá sen  được nhà nhiếp ảnh Phan Ngọc Quang dựng , chụp ảnh đăng trên báo Người Xứ Nghệ Kiev Ucraina , được nhạc sí Dân Huyền phổ nhạc thành bài hát " Lời thề lá sen " in trên bìa 4 Tân Văn - số 4 - NXB Hội nhà văn 12 - 2013  .
   Nhà thơ Nguyễn Khôi khi bình Lời thề lá sen đã viện dẫn thơ của Phủ Thúc Hoành và Bạch Cư Dị để so sánh Nguyễn Khôi gọi Lời thề lá sen là " Khúc kinh thi Việt "  ( Vào Google Lời thề lá sen Nguyễn Khôi bình ) 
  
  Tân Văn trân trọng giới thiệu nguyên văn Lời bình của Nhà thơ Ngô Quân Miện , Nhà thơ Nguyễn Khôi  và lời bình của cô giáo dạy văn ở Trà Vinh Ngô Hồng Nhung :: 

 

Lời thề lá sen" như bài dân ca xinh xắn






























 
 








 






TVVHĐ - Lời thề lá sen,như một bài dân ca xinh xắn , nói về một tình yêu thất vọng.Nó chiếm được tình cảm của người đọc vì cái cốt hồn nhiên chân thật của hương đồng gió nội mà vẫn có cái duyên dáng thanh lịch: 

 

Lời thề lá sen
Lá sen chưa kịp đi tu
Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng
Yêu em mua cốm làng Vòng
Nâng niu anh gói trong lòng lá sen
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa
Không ngờ anh thật không ngờ
Lá sen rách.Cốm bây giờ thơm đâu!?
Nguyễn Đăng Luận

 Lời bình của nhà thơ Ngô Quân Miện:
Lời thề lá sen,như một bài dân ca xinh xắn , nói về một tình yêu thất vọng. Nó chiếm được tình cảm của người đọc vì cái cốt hồn nhiên chân thật của hương đồng gió nội mà vẫn có cái duyên dáng thanh lịch:
"Lá sen chưa kịp đi tu"
Hai chữ "Đi tu" nghe thì quê kiểng nhưng ý nhị lắm. Ngày xưa những cô gái thất tình thường hay thề thốt "cắt tóc đi tu" nếu không lấy được người mình phải lòng đắm say thì thà xa lánh trần duyên còn hơn gánh cả đời trần duyên oan trái .Cũng ngày xưa con trẻ nhà quê nghịch ngợm thường bắt bướm vặt bỏ hết chân không cho đậu vào hoa nữa như thế gọi là bắt con bướm đó "đi tu ".Nguyễn Đăng Luận dùng trong câu mở đầu bài thơ có sức gợi. Anh đã khéo tìm được tứ thơ hay để góp vào những hình ảnh và từ ngữ dân gian:
"Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa"
Tứ thơ này là một tứ thơ độc đáo đáng yêu.Cũng phải hiểu rằng : Sự bắt được tứ thơ mới trong thơ không phải là ngẫu nhiên, trời cho mà là sự tích đọng tiềm tàng khi gặp thuận thì ngẫu hứng nảy bật lên. Nếu không có được cái tứ "chủ bài" ấy thì không thể có được cái tình huống bất ngờ lý thú đầy kịch tính sau:
Không ngờ anh thật không ngờ Lá sen rách . Cốm bây giờ thơm đâu?Lời thề yêu thương được gói trong chiếc lá sen tơ thì đẹp quá thơm quá thi vị quá .Ai ngờ đâu lại gặp phải cái lá sen rách. Sự hóm hỉnh ở đây cũng chính là một nét truyền thống của thơ ca dân gian Có duyên cũng chính là ở chỗ đó.
        Ngô Quân Miện

Lượt xem: 21066
Lời bình bài thơ : Lời Thề Lá Sen của nhà thơ Nguyễn Khôi

Nhà thơ Nguyễn Khôi
Quê Đình Bảng Bắc Ninh




Tháng 7, Thi nhân về quê, tới Ao Sen đầu làng...vừa mùa Sen nở lục biếc chen hồng, lòng bật lên một "Ý Xưa" (cổ ý) :

Sen lá như dù biếc
Sen hoa tựa má đào
Nhớ ai chưa gặp mặt
Thơ thẩn mãi bên ao.
 - Phù Thúc Hoành

 "Ý Xưa" là lối thơ tả tình theo tứ thơ cổ, nên thường gọi "cổ ý".  Gặp cảnh sinh tình nảy ra ý thơ...với cái thói đa tình của Thi nhân xưa nay đều thế. Ở Phù Thúc Hoành (Đại Việt-đời Lê) thấy Sen trên ao mà người thì chưa thấy vẫn đẻ ra một tứ thơ lạ "nhớ ai chưa gặp mặt" rất phi lý nhưng lại thật là thơ để Thi sĩ có cái cớ "thơ thẩn mãi bên ao"...
    Còn xưa hơn nữa, ở Bạch Cư Dị (702-846) đời Đường bên Trung Hoa, thì với "Trên ao" (Trì thượng) :
Cô em bơi chiếc thuyền con
Bẻ hoa Sen trắng lon xon trốn về
Ngây thơ chẳng biết giấu che
Mặt bèo còn rẽ lối đi rành rành...
    Cái "Ý" (cái cớ, cái "cửa mở" vào thơ ) ở đây là "thâu thái bạch liên hồi"(câu 2) là Ý mới tạo ra Tứ lạ " bất giải tàng tung tích "(câu 3)...
    Và hôm nay, với Nguyễn Đăng Luận về quê Sơn Tây, đến đầu làng gặp Ao Sen...thì cả một trời thơ hoài niệm- "Ý cũ" (hồi tưởng lại cả cái duyên xưa cũ càng), rồi bật lên một "khúc Kinh thi xứ Đoài - tân biên" đọc lên rõ sướng:
LỜI THỀ LÁ SEN
Lá Sen chưa kịp đi tu
Mà hoa Cúc đã nhuộm thu  óng vàng
Yêu em mua cốm làng Vòng
Nâng niu anh gói trong lòng lá Sen
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương Sen giữa mùa
Không ngờ, anh thật không ngờ
Lá Sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu !?
(Văn Nghệ số 16 ra ngày 22/4/1989 )
        Đúng, với giọng điệu ngôn từ của "Lời thề lá Sen" thật như là một khúc 'Kinh thi Việt" thuần túy, chất liệu thơ là Ca dao lục bát thuần Việt.
    Bài thơ có đủ "Tình- Cảnh -Sự" : Tình chan chứa, cảnh nhà quê rất thơ khi "hoa Cúc nhuộm thu óng vàng"; "Sự" ở đây là có sự cố, (có vấn đề) để gây vết thương lòng...
    "Lá Sen đi tu" là sáng tạo độc đáo của Thi sĩ , đã nhân cách hóa cái Lá Sen (ám chỉ cái Cô Nàng) ẩn dụ như 'Lá Diêu Bông" của Thi sĩ Hoàng Cầm...Cái bi kịch là "chớm xuân mà đã thu rồi"- Lời thề của Nàng "thơm" như gió nội hương đồng nên nó bay đi (lời thề gió bay) để Chàng thật không ngờ...?
    Ở trên là "Lá Sen...đi tu" (mở), kết là "Lá Sen rách" - trên "tu"/ dưới "rách" đối chọi nhau, coi như 2 "chữ mắt" (nhãn tự) được Nhà thơ đặt ở vị trí (đầu/ cuối) rất đắc địa làm tỏa sáng cả câu thơ, gây âm vang trong lòng người đọc...
    Câu 5+6 tạo ra một tứ thơ khá đắt -  mà tứ thơ là cái ĐẸP toát ra từ chữ nghĩa, ý tưởng và nhạc điệu- Nó hàm ẩn đủ tư tưởng (sợi chỉ đỏ),ngôn ngữ cùng "thi trung hữu nhạc". Nó là hình tượng thơ diễn đạt được một ý trọn vẹn. Ý đẻ ra Tứ...Đây chính là đặc sản của tâm hồn Thi nhân với một "Thi cách" riêng là thế. Nó là rường cột kết cấu nên bài thơ, làm nổi bật chủ đề của bài thơ (chứa đựng triết lý sâu sắc, nội dung có tầm bao quát lớn), cốt lõi (thành tựu) của bài thơ chốt ở 2 câu :
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa
đã tạo ra một Tứ thơ ĐẸP để đi đến cái "kết" hẫng hụt...bây giờ
thơm đâu ? Đau/ mất mát , nhưng không bi lụy- tâm hồn vẫn trong sáng thanh thỏa như hồn chàng Thi sĩ chốn chân quê, kiểu "hôm qua em đi tỉnh về..."
KẾT: bài thơ Hay thật, nhưng chưa toàn bích ! phải chăng do Nhà thơ quen làm theo lối tự do, không câu nệ niêm luật nên chưa chú ý về phép luyện chữ, ghép vần của thơ lục bát truyền thống do đó việc chọn "từ" (chữ) chưa thật vần, còn lặp từ như vàng/ vòng, câu 4 đã "Sen" xuống câu 6 lại "Sen"...?
    Tuy vậy, điều nổi bật là bài thơ này có "Thi cách Nhà quê" (đạt); "Ý" tuy không mới nhưng lại tạo được Tứ lạ...đó là bữa tiệc tâm hồn của riêng Nguyễn Đăng Luận. Cái làm nên bài thơ HAY ở đây là khởi từ một ý thơ sâu sắc (dù là Cổ Ý) nhưng với tâm hồn thơ sung mãn, đang độ chín, Nguyễn Đăng Luận gặp cảnh (cũ) sinh  tình (nhớ Nàng xưa) đã bật ra một Tứ thơ để bạn bè nhớ mãi khó quên.
                                                                                 Góc Thành Nam - Hà Nội 10-10-2011
                                                                                     Nguyễn Khôi- cẩn bút...

GV dạy văn : Ngô Hồng Nhung Trà Vinh
LỜI BÌNH CỦA NHÀ GIÁO DẠY VĂN PHỔ THÔNG NGÔ HỒNG NHUNG

Bằng sự tinh tế và nhạy cảm, nhà thơ đã phát hiện và khẳng định những nét đẹp hiện hữu trong những sự vật bình thường của đời sống: lá sen, hoa cúc, cốm Làng Vòng,…Tất cả những sự vật đời thường ấy được tác giả xâu chuỗi lại mà nên thơ, giàu chất thơ, chất trữ tình hiện đại.





Sao mỗi lần đọc đến thơ Nguyễn Đăng Luận là tôi cứ thấy thương cho cái hồn thơ yêu đời, yêu người lắm mà hình như chưa bao giờ tác giả được đáp lại, được trân trọng cái tình chân thật, đầy hoài mong và cũng đầy khắc khoải ấy! Mà biết đâu đó chính là cái ý đồ nghệ thuật, cái nét riêng bình dị đáng quý của tác giả? Dù với dụng ý nào thì trong thơ Nguyễn Đăng Luận ta không thể phủ nhận thi chất của người nghệ sĩ. Thơ ông có sự kết hợp hài hòa những cảm thức thẩm mỹ giống lối thơ cổ của Nhật Bản- không quên bản ngã và cái đẹp được song hành.
Đối với Nguyễn Đăng Luận, thơ với đời, đời với thiên nhiên là một, trong sự gắn kết mật thiết. Khi đánh giá thơ ông, tôi không quá chú trọng đến thể thức, vần, nhịp điệu vì trong hai bài bình : “ Lời thề lá sen “ của Nhà thơ Ngô Quân Miện, nhà thơ Nguyễn Khôi đã nói rất rõ ràng rồi. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là không cần thiết bởi thơ là sự sáng tạo độc đáo bằng trí tưởng tượng bay bổng của người nghệ sĩ nên thơ phải có được tính thơ, tính nhạc và tính họa thì nó mới có được sự cân đối chỉnh thể về nội dung và hình thức. Điều này, nhà thơ đã làm được nhưng với sự cách điệu rất riêng không thể cưỡng ép, một phong cách riêng của Nguyễn Đăng Luận!
Bằng sự tinh tế và nhạy cảm, nhà thơ đã phát hiện và khẳng định những nét đẹp hiện hữu trong những sự vật bình thường của đời sống: lá sen, hoa cúc, cốm Làng Vòng,…Tất cả những sự vật đời thường ấy được tác giả xâu chuỗi lại mà nên thơ, giàu chất thơ, chất trữ tình hiện đại.

Đến với bài thơ Lời thề lá sen, ta bắt gặp chính những điều tôi vừa nêu ở trên đó là tác giả đã khéo léo mượn vật, mượn cảnh để ngụ tình. Nghệ thuật miêu tả mà tác giả vận dụng đó là mượn“ Không gian mùa” để thể hiện ý và tình của mình nên tôi thiên về cảm nhận hơn là sự phân tích câu chữ trong bài thơ.
Không gian trong thơ Nguyễn Đăng Luận luôn có sự vận động và phát triển song song với sự vận động và phát triển của thời gian. Nói đến Sen là ta ngầm hiểu mùa xuân, điều này ai cũng biết nhưng đó không phải là điều tác giả muốn nói. Cách nói “Lá sen chưa kịp đi tu” là cách nói, cách hiểu mới mẻ và trừu tượng bởi tác giả đã mượn tính Thiền tông của nhà phật làm cho cách nói ấy đã trở nên vô ngại, tự nhiên. Cái điều tác giả bâng khuâng vẫn là sự trôi nhanh của thời gian và sự biến đổi của không gian mùa ( từ xuân đã vội vàng qua hạ đến thu ) khiến cho con người chỉ kịp thốt lên một lời tiếc nuối “chưa kịp” “ mà…đã” và nhân vật trữ tình “ lá sen” – một hình tượng ẩn dụ khiến ta liên tưởng đến hình ảnh một người con gái đang ở độ tuổi xuân thì tươi đẹp đã vội vàng chớm nhạt, chớm phai trước sự tác động của ngoại cảnh “ Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng”. Phải chăng sơi tơ rung của thời gian đã tạo nên một khúc ngân vào không gian bao la của vũ trụ để con người bắt gặp chính mình. Có lẽ thế nên bài thơ đã thắp sáng tâm hồn, cảm  xúc của tác giả qua sự bày tỏ và trân trọng “ Yêu em mua cốm làng Vòng, Nâng niu anh gói trong lòng lá sen”. Bây giờ không phải e dè nữa mà là “ Yêu” là “ Nâng niu” bằng cả tấm lòng, bằng cả cảm xúc đam mê, lãng mạn và chân thành của nhân vật trữ tình trong tình yêu.
Trong cuộc sống thường nhật, con người luôn bị cuốn hút vào vòng danh lợi nên không phải ai cũng có thể phát hiện từ trong cái bình thường, đơn sơ, mộc mạc, e ấp mà lại chứa đựng ý nghĩa nhân sinh cao thượng đó là tình cảm đẹp, trong sáng và hoàn hảo đến mức ta nghĩ sẽ không bao giờ tan vỡ bởi “ Lời thề hôm ấy của em, Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa”.Tác giả nhìn cuộc đời bằng cả niềm tin yêu vô hạn và cũng vô khuyết. Tác giả cứ hòa mình và lặng lẽ  dâng tặng cho đời cả trái tim yêu nồng nàn, tha thiết. Mọi khoảnh khắc kỷ niệm điều được tác giả đón nhận và khắc ghi vào tâm trí như chính tình yêu của tác giả cũng rất thắm thiết, nồng nàn và vô hạn.
Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng giống ta mong đợi “ Không ngờ anh thật không ngờ, Lá sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu”. “ Lời thề” ấy của “ lá sen” đã bị lãng quên rồi, dầu có cầu mong tha thiết như tác giả Hà Huyền Chi trong bài thơ Thì Như Sông Cạn cũng có ai hiểu được:
Xin đừng quên tôi
Hoa van tình người 
Mai tàn hương sắc 
Vui còn thoáng vui

Em là hoa sen
Hương bay màu thiền
Tôi là con ếch 
Trong hồ lãng quyên

Xin đừng lãng quên
Van chi tình người
Thì như lá chết
Mang theo ngậm ngùi  . . .

Có thể Nguyễn Đăng Luận cần sự lãng quên nhưng những vần thơ nuối tiếc đến “ Không ngờ” thì cứ vang vọng mãi trong lòng người đọc.
Đến giờ ta có thể nói bài thơ lục bát đã có sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc, âm điệu, sự chọn lọc hình tượng và sự phối hơp giữa cảnh với tình thể hiện được cái tài thơ và tình thơ của tác giả. Chính cái cảm giác bỡ ngỡ, lạ lùng, hụt hẫng… đã tạo nên những vần thơ đong đầy những cảm xúc sâu sắc, tế nhị và tình cảm thánh thiện trong hồn thơ Nguyễn Đăng Luận.
    

 Ngô Hồng Nhung ( GV văn - Trà Vinh )

5 nhận xét:

  1. Nhờ duyên của bác Vũ Nho em được biết "nhà thơ tình Nguyễn Đăng Luận" là ở vì có bài thơ" LỜI THỀ LÁ SEN". Như "Tân Văn trân trọng giới thiệu nguyên văn Lời bình của Nhà thơ Ngô Quân Miện , Nhà thơ Nguyễn Khôi và lời bình của cô giáo dạy văn ở Trà Vinh Ngô Hồng Nhung " thì em thấy cúng đáng quý thật. Âu cũng là một phần thưởng cho người làm thơ đã có nhiều người chia sẻ và yêu mến sáng tạo của mình. Em cũng thèm những niềm vui như thế biết chừng nào. Tuy nhiên, đọc các bài giới thiệu, cảm nhận rôi bình phẩm của cô giáo Hồng Nhung... em cứ băn khoăn tự hỏi: Hình tượng "lá sen" kia thuộc về cô gái có lời thề hay thuộc về anh chàng thất tình kia? Cứ như em hiểu thì hình tượng thơ chính là sự ẩn dụ một trạng thái tình cảm của một đối tương (Chủ hay Khách thể) trong tác phẩm. Thế mà trong bài thơ này, hai cầu đầu rất vu vơ nói về lá sen chen vào hoa cúc. Giữa việc chưa đi tu với sắc vàng mùa thu... Sau đó không có giãn cách ước lệ nào nữa, anh chàng si tình nọ dùng lá sen ướp cốm thơm như lời thề của cô gái "lẳng lơ" nào đó. Lá sen gói cốm kia rách muốn ví như cô gái đó tháo cũi sổ lồng, phản bội lời thề hay anh chàng kia là cái lá sen rách không ôm nổi cô gái ví như cốm và hương đã được anh ta bao bọc giữ gìn; để cốm và hương mất tong đẩu đâu rồi? Bài thơ này, nếu thưởng thức theo phương cách: "Làm sao cũng chẳng làm sao; Dẫu chẳng thế nào cũng chẳng làm chi/ làm chi cũng chẳng làm ch/ Dẫu có thế gì cũng chẳng làm sao " thì có thể được coi là hay thật. Nhưng như thiển nghĩ của em thì nó "hay" nhờ nó luẩn quẩn, vòng vo tam quốc; rất hợp cho sự hiếu kỳ! Thật tình, em thấy tình hình văn chương của ta hiện nay rất buồn. Những tâm hồn lớn chưa gặp gió thời đại chăng? Hay vì em " thiểu năng trí tuệ " nên cảm nhận không nổi những vĩ đại như bài "Lời thề lá sen"?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm thụ văn chương là cảm thụ cá nhân! Tôi tôn trọng mọi sự khác biệt. Nhưng có lẽ cũng không nên rạch ròi quá ai là Lá sen, ai là Cốm. Chỉ biết rằng sen và cốm không đi với nhau là biểu tượng của sợ đổ vỡ, sự chia lìa!

      Xóa
  2. Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận, chủ biên TÂN VĂN, đến nay phát hành được 5 số. Ông là người tâm huyết với văn chương nước nhà đầu thế kỷ 21, Xin chúc nhà thơ mạnh khỏe để làm nốt những gì đang ấp ủ!

    Trả lờiXóa
  3. Phú Cương c3 Nho Quanlúc 07:39 20 tháng 7, 2014

    Cảm ơn ban Vũ Nho, bài thơ hay quá, mà lời bình cũng thấu tình đạt lý, lại nhớ cảnh các nàng đua nhau lên chụp ảnh sen trên Hồ Tây....

    Trả lờiXóa