CÓ MỘT NGÀY
NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Có một ngày em không yêu anh
Em đi thật xa
Và mặc chiếc áo
Anh chưa từng thấy
bao giờ
Em sẽ có cái cười
Bằng ánh sáng của cái
hôn khác
Có nỗi buồn
Bằng màu mưa
khác
Những buồn vui anh
không có được bao giờ...
Có một ngày
Em tràn đầy hạnh phúc
Ngày em không yêu anh
Ngày em rời xa mái
nhà xưa cũ ấy
Và chiếc áo sờn vai
ấy
Anh từng hôn lên nỗi
khó nhọc hàng ngày
Em xoá mình đi
Bằng chiếc khăn màu
thơm ngát
Cái ngày đó
Anh sẽ bắt đầu
Với anh
Bằng bước chân ngày
đón em
Anh một chàng trai
Với màu tóc khác
Riêng năm tháng cuộc đời
Thì vẫn như xưa...
Lời bình của Vũ Nho
Tôi xếp bài thơ Có một ngày vào nhóm những bài thơ tình
viết về vợ, cho vợ. Những bài thơ được viết ra sau những tháng năm bồng bột,
sôi nôi và mãnh liệt của tình cảm, vào lúc mà chữ "tình" nặng sang
phần chữ "nghĩa" và chữ "yêu" dễ bị nhoà trong chữ
"thương". Ở thời điểm ấy làm được thơ đã khó, làm được thơ hay càng
khó.
Một ngày trong cuộc đời dài dặc
là khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi, nó chỉ là một khoảng khắc so với triền
miên ba vạn sáu ngàn ngày. Nhưng một ngày cũng là thời gian rất đáng kể đối với
một đời, bởi vì trong tình yêu đã tưng không có ít người tính cả đời bằng...
một ngày :
Ta hiểu rằng mỗi một ngày
Cũng bằng cả một cuộc
đời ròng rã
Alêchxăng Ghêrốp (BunGari)
Và có khi cả đời bằng một...
phút
Lòng em một phút yêu anh đó
Cũng thể yêu anh
suốt một đời
Thỏi Can
Tác giả "Có một ngày..." không khai thác
khía cạch ý nghĩa một ngày đối với tình yêu về giá trị thời gian. Bài thơ tính
cái ngày, nói đến cái ngày mà người ta ít nói tới. Đó là "Ngày em không
yêu anh". Một "Ngày em không yêu anh" đặt trong tương quan với
"những ngày em yêu anh".
Có một ngày em không
yêu anh
Em đi thật xa
Vậy là những ngày em không yêu
anh, em không đi được thật xa.
Và mặc chiếc áo
Anh chưa từng thấy
bao giờ
Vậy là khi không yêu anh, em
mặc áo mới quá, lạ quá. Rồi hãy nói đến chuyện đẹp hơn, hay xấu hơn ; nhưng chỉ
biết là "chưa từng thấy" - một sự thay đổi chưa từng có về hình thức
bên ngoài.
Thế còn đời sống tâm hồn thì
sao ?
Em sẽ có cái cười
Bằng ánh sáng của cái
hôn khác
Có nỗi buồn
Bằng màu mưa khác
Em không chỉ có toàn niềm vui
bộc lộ trong cái cười, mà cũng có thể có nỗi buồn trong màu mưa. Có điều là cái
cười ấy nở trong ánh sáng của cái hôn khác ; nở nhờ ánh sang của cái hôn khác.
Chữ "bằng" ở đây dùng thật là đắc địa. Ánh sáng cho nụ cười, màu mưa
cho nỗi buồn. Nghĩa là em không yêu anh, em có thể sướng hơn hoặc khổ hơn về
tinh thần, điều đó chưa biết chắc chắn. Nhưng một điều biết mười mươi là tất cả
những buồn vui đó độc lập với anh, ở bên ngoài anh, chưa từng có trong anh :
Những buồn vui anh không có được bao giờ
Đến khổ thơ thứ ba thì có một
khẳng định vô cùng quan trọng :
Có một ngày
Em tràn đầy hạnh phúc
Ngày em không yêu anh
Vậy là trước đây em yêu anh, em không tràn đầy hạnh phúc. Vậy là trước
đây ta yêu nhau, em có thể đã có hạnh phúc, nhưng hạnh phúc chẳng tràn đầy !
(Đã có mấy người chồng nhìn ra được cái sự thật này, và mấy ai thừa nhận nó ?).
Với anh, em chỉ có "mái
nhà xưa cũ ấy". Với anh, em chỉ có "chiếc áo sờn vai ấy". Và
chiếc áo em mặc nhắc ở khổ thơ trên, ngày em không yêu anh : bây giờ mới rõ
chiếc áo đẹp hơn, mới hơn. Nó đồng bộ với "chiếc khăn màu thơm ngát".
Xoá đi hình ảnh tần tảo vất vả của em.
Em xoá mình đi
Bằng chiếc khăn màu
thơm ngát
Vậy là với anh, khi em yêu anh,
em chỉ có mái nhà xưa cũ, chiếc áo sờn vai, nỗi vất vả hàng ngày, tấm khăn
không màu, hay đã bạc màu vì nắng mưa tàn tảo. Và có anh.
Người con trai trong bài thơ là
người khiêm tốn. Anh biết rằng mình không phải là người có thể đem đến mọi niềm
vui sướng, hạnh phúc cho vợ mình. Anh tỉnh táo và dám tỉnh táo nghĩ rằng một
ngày vợ không yêu mình, một ngày rời bỏ mình đi, người vợ ấy sẽ "tràn đầy
hạnh phúc", sẽ sống một cuộc đời mới tốt đẹp hơn. Anh biết và không hề
ghen, không hề tức tối, chỉ biết do đó mà càng thương vợ hơn, càng sống hết
mình.
Anh từng hôn lên nỗi khó nhọc hàng ngày.
Chỉ một câu thơ này, cũng đủ thấy nhân cách tốt đep của người chồng. Phụ
nữ Việt Nam vốn rất cao thượng và rộng lượng. Họ dám hy sinh cho chồng con
"Năm nắng mười mưa dám quản công". Nhưng chị em đòi hỏi người chồng
phải biết cảm thông, phải hiểu được nỗi vất vả ấy. Người chồng trong bài thơ
này là người có tấm lòng. Hơn nữa, anh không phải là người "may mắn"
có được người vợ tốt rồi cứ bám chặt vào đấy mà lợi dụng, dùng mọi biện pháp mà
trói buộc, gò bó vợ. Anh còn đáng kính trọng bởi anh thấy ngày vợ không yêu
mình, ngày cô ấy đi thật xa, anh không cố giữ, cố níu kéo. Và anh cũng không
gục đổ xuống như một kẻ chỉ biết nương vào vợ.
Cái ngày đó
Anh sẽ bắt đầu
Với anh
Bằng bước chân ngày đón em
Mấy câu thơ trúc trắc, gập gềnh
như sự chếnh choáng của con người trong cơn bão táp của đời sống tình cảm.
Nhưng rồi thăng bằng đã trở lại trong nhịp thơ cân đối :
Anh một chàng trai
Với màu tóc khác
Anh bắt đầu cái ngày biến cố
đó, ngày mất mát đó không phải bằng sự thở than hay tuyệt vọng, càng không phải
là sự gục ngã. Anh vẫn có thể làm lại cuộc đời khác, anh vẫn có thể hăm hở, hồi
hộp đón nhận một hạnh phúc khác mới mẻ (Như anh đã từng đón em) có điều là một
tổn thất, một mất mát không thể nào che dấu được, khi anh không còn yêu em. Vẫn
là chàng trai đấy, nhưng tóc đã khác màu rồi. Cái màu tóc mất đi ấy chính là
gắn với những gì anh bị mất cùng em.
Trước khi nói về hai câu thơ ngắn ngủi kết thúc bài thơ, cần phải nói về
một chữ quan trọng nhất, nó làm xương cốt, làm rường cột cho cả bài. Là cái chữ
vô cùng quan trọng như vậy, nhưng nó chỉ xuất hiện vẻn vẹn có hai lần, và lại ở
vị trí hết sức khiêm tốn nên người đọc đễ không để ý. Nó chính là chữ
"sẽ"
- Em sẽ
có cái cười
Bằng ánh sáng của cái hôn khác
Cái ngày đó
Anh sẽ bắt đầu
E rằng bài thơ không có chữ sẽ,
thì chẳng có gì đáng phải bình, nếu bỏ quên chữ này bài thơ có nguy cơ bị hiểu
sai lệch. Chữ sẽ làm cho ta hiểu đây là giả tưởng của người viết.
Thì ra đây không phải là việc
đã xảy ra. Thì ra đây chỉ là suy nghĩ, là giả định của người chồng. Người vợ đã
không xoá mình đi, không đánh đổi tất cả những gì đã có để lấy hạnh phúc mới ;
vì rằng có một người chồng như vậy đó chẳng phải là một hạnh phúc tràn đầy hay
sao ?
Người chồng tất nhiên anh không bao giờ có ý nghĩ xoá bỏ. Và do đó hai
câu thơ kết có thể gợi ra nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng theo cái logic tất
yếu ấy thì chỉ có một cách hiểu.
Riêng năm tháng cuộc
đời
Thì vẫn như xưa…
Có một ngày… Nhưng cái ngày ấy chỉ là ngày giả định. Với con trai ấy, người con gái
nào lại nỡ bỏ đi. Tôi vẫn muốn tin là bây giờ dưới mái nhà xưa cũ ấy. Họ
"vẫn như xưa" yêu nhau, với tất cả sự vui buồn, vất vả, gieo neo và
cả nỗi nghèo khó của đời thường.
Hà
Nội, XII. 1987
Đi giữa miền
thơ, nxb Văn học, H.,1999.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét