Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

NHẤP CHÚT MEN QUÊ






NHẤP CHÚT MEN QUÊ

          Trong tiếng Việt, "QUÊ" gợi thương gợi nhớ mỗi người, cũng thiêng liêng và thương mến như tiếng "MẸ", tiếng "CHA". Quê là một khái niệm vừa hẹp lại vừa rộng. Căn cứ vào những yếu tố ghép trước nó : thôn quê, làng quê, vùng quê, miền quê. Quê lại cũng có thể  ghép với các yếu tố sau nó để xác định tính chất quê mà người ta muốn tới : quê nội, quê ngoại, quê nhà, quê mình, quê mẹ, quê cha, quê hương, quê kiểng...Dầu là rộng hay hẹp, dầu là quê nào thì vẫn là nơi chứa đầy dịu dàng, trìu mến, thân thương.
          Tập thơ Bóng quê, quê mà nhà thơ muốn nói đến  là quê như thế.
          Chúng ta sẽ bắt gặp ở đây thấp thoáng cổng làng, đến bến đò, cây đa, bóng phà Yên Lệnh,  Làng Mòi, Thổ Hoàng, Quán Cháo, Phố Nối, Phố Hiến, Hưng Yên, rồi cả một chút mộng mơ Đà Lạt. Bóng quê ấy ôm trùm những kỉ niệm ấu thơ thả diều bắt bướm, cắt cỏ chăn trâu, từ lời ru của mẹ, từ cổ tích, ca dao cho đến vị ngọt nhãn lồng, vị thơm men quê, vị bùi củ khoai quà chợ mẹ về. Và đặc biệt cái vị ngon khó mà diễn tả của một bữa ăn đạm bạc
"Canh rau mẹ đợi, cơm quê mẹ phần". Bóng quê ấy trải theo triền đê, bay theo cánh diều, thấp thoáng giữa cánh đồng chiêm "nổi chìm nhánh lúa"...

          Người viết đã diễn tả tất cả niềm yêu quê, thương quê, say quê dào dạt của mình. Dù lời thơ đôi chỗ còn thô mộc, nôm na, nhưng tình quê lai láng bao giờ cũng là tình thật. Tôi nhớ mấy câu thơ trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân :
          Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi/Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người.
          Câu thứ ba và thứ tư có thể nói là dở, thậm chí là quá dở, chẳng những không phù hợp với sức gợi của thơ, lại còn triết lí, dạy dỗ không phải chỗ.  Nhưng chính vì tình yêu quê mà người đọc dễ dàng bỏ qua và vẫn cứ ngâm nga một cách thích thú.
          Tác giả Hoàng Ngọc Lập chỉ lấy thơ để nói giúp lòng  ta đôi điều với quê. Đây là tình quê của một công dân làng, dâng lên cho làng quê đã sinh dưỡng một đời mình. Với bạn đọc quê, và bạn gần xa, tác giả  chân thành:
          Hay thì lưu lại, dở thì qua
                                  (Tâm sự)
          Tôi tin rằng dù ít dù nhiều, người đọc có thể thấy bóng dáng của quê mình, tìm được sự đồng thanh đồng khí, đồng tình trong Bóng quê.
                                     
                                                                   Hà Nội, tháng 9/2005
                                                                            Vũ Nho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét