Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

NGƯỜI ĐÀN BÀ TỈNH THỨC… ĐÒI HẠNH PHÚC




                                                                       Nhà thơ Nguyễn ThÁnh Huỳnh


NGƯỜI ĐÀN BÀ TỈNH THỨC… ĐÒI HẠNH PHÚC

                            Vũ Nho

Nếu trong tập thơ Không dám tắt đèn, người viết xưng tôi chân thành thú nhận cuộc định dạng không thành giữa một mớ cảm xúc lộn xộn :
                        Cái rời rã cái đâm chồi
                        Tôi ngồi định dạng lại tôi
                                                            Không thành
                                                            Định dạng
 thì ở tập Đừng múc cạn nỗi buồn, như có một điều kì diệu, người xưng em đã định dạng mình rất thành công, chẳng khác nào người tu hành đắc đạo thành chính quả:
                        chuyện nọ xọ chuyện kia
                        càn khôn nhăng nhít
                        tơ lơ mơ
                        em tồn tại
                        đến giờ
                        một hôm
                        yêu
                        để hóa kiến
                        em bò lên vũ trụ
                        làm thơ
                                    Tơ lơ mơ
Từ xưa đến nay, người phụ nữ, phận đàn bà vẫn thường bị coi là con ong cái kiến, bé nhỏ, phụ thuộc. Thì đây, người phụ nữ ấy nhận mình là kiến đấy thôi. Nhưng con kiến này có gốc người, nó biết yêu. Nó không bò bò loanh quanh miệng chén, cũng không leo cành đa, cành đào trong cái thế bế tắc hoặc luẩn quẩn ra ra vào vào. Con kiến này đã cả gan bò lên vũ trụ và làm thơ, cất lên tiếng nói dõng dạc chối bỏ thiên đường giả và đòi hạnh phúc đích thực cho mình, cho đồng loại. Người thơ kiến ấy có tên gọi Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.
            Có thể nói tập thơ Đừng múc cạn nỗi buồn là một tập thơ bứt phá thành công của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh so với chính mình, và cũng là một tập thơ hay hiếm hoi, mới lạ về cảm xúc và  tìm tòi cách  phô diễn  trong mặt bằng thơ của cả nước hiện nay. Tác giả không hề đăng đàn diễn thuyết tuyên ngôn cách tân nhưng bằng việc làm của mình, điềm nhiên khẳng định sự tìm tòi, đổi mới.
            Hình ảnh người đàn bà, khi đơn lẻ một mình, xưng tôi, xưng em hay xưng chị, khi là một tập hợp của thế giới phụ nữ, là “những người đàn bà tất tả của hành tinh” ( Mùa trăng rụng, tập Không dám tắt đèn) là hình ảnh tập trung và chói sáng.
             Những người đàn bà làm như không biết khóc chỉ quen cười
             Giữ đất cho bằng để người đàn ông nhớ
             Mà quay về
                                    Không dám tắt đèn, tập  Không dám tắt đèn (KDTĐ)
            Những người đàn bà bị dìm bị dập xoáy suốt đời
            Bởi sóng của khổ đau, đói nghèo, nô lệ
            Đem tin cậy trao cho phù thủy
            Đem tiếng cười gởi gắm cuồng phong
            Không biết mình từ lâu đã nhập áo quan
            Lênh đênh
            Thủy táng
                                                Cơn sóng khác, tập KDTĐ

Thật ra, người đàn bà ấy xưng tôi, xưng em hay chị, hoặc được gọi trong danh từ chung là người đàn bà  quấn khăn đi lượm nắng trời, người đàn bà liêu điêu trước biển, người đàn bà viễn chinh… thì cũng chỉ là phân thân của tác giả, cũng đều là phận đàn bà mà Nguyễn Du đã từng xót xa, thảng thốt: Đau đớn thay phận đàn bà ( Truyện Kiều).
            Người đàn bà ấy đã từng có một tình yêu mơ ước trong trẻo:
                        Tình yêu ư…long lanh giọt sương
                        Chỉ được ngắm thôi khi gần gũi
                        Lúc xa vời
                        Hư ảo để mà thương
                                                Tự ru, tập Giọt mưa bất chợt ( GMBC)
Chị đã từng yêu say đắm, đã từng có những nụ hôn “bầm dập cả trăng non”, làm “tối mù trời đất” ( Nụ hôn), đã từng có những phút giây hạnh phúc bồng con cái như bồng nhật nguyệt ( Vẽ). Nhưng rồi cuộc đời tưởng như rất suôn sẻ, may mắn ấy có những bất ngờ:
                        Chưa có mối tình đầu
                        Chị đã lãnh mối tình cuối
                        Để thành bà nội
                                                Hẹn hò
Thật ra, nào phải cứ nhiều mối tình mới là hạnh phúc? Cái điều bức xúc trong tâm trạng ấy chính là vì tưởng là hạnh phúc nhưng hóa ra bất hạnh, tưởng là thiên đường, nhưng lại là địa ngục. Nếu chưa đến mức ấy, thì cũng là lồng thếp vàng sơn son không chìa khóa, là thiên đường không lối ra, tù túng ( Nơi ngụ cư, tập GM BC). Người đàn bà ấy đã chối bỏ thiên đường dành cho mình:
                        Thiên đường tình nhân
                        Thiên đường làm vợ
                        Thiên đường làm mẹ
                        Thiên đường làm ô-sin trong nhà vừa phải kiếm tiền ngoài chợ
                        Thiên đường làm trâu bò
                                                Thiên đường
Thật là kinh hoàng khi nơi được gọi là thiên đường mà không có mây trắng bay, không cỏ  non, cây xanh, không sóng biển, không rạp hát, xi nê…tất cả đều bị cấm, bị đuổi khỏi thiên đường. Người đàn bà ấy đã hoảng hồn, kinh sợ, đã viện đến trời phật để xin cho mình không có kiếp sau để không phải vào nơi thiên đường ấy. Và  “Đêm đêm trong giấc ngủ/ Chị chạy trốn thiên đường” ( Thiên đường).
            Người đọc bắt gặp một nụ cười  buồn, hài hước, chua chát của một vị nữ vương trong vương quốc thiên đường, cái ao tự do bé nhỏ:
                        Trong nhà có bà vua
                        Lên ngôi
                        Thành giẻ lau nhà
                        Vương quốc
                        Chổi cùn, rế rách
                                    Làm vua không?
Vị nữ vương ấy được người ta xưng tụng, xu nịnh, tán dương “ sướng muốn chết”, nhưng sự thật thế nào. Hãy nghe lời người  “sướng muốn chết” thanh minh, phản bác đượm  vẻ mỉa mai:
                        Làm mẹ ba đứa nhỏ sướng muốn chết
                        Thành bà nội được làm  ô sin sướng muốn chết
                        Sướng muốn chết khoảng trời xanh sau bếp
                        Mưa cho suối chảy trong nhà
                        Có khi trời xuống la đà nồi niêu
                                                Sướng muốn chết
Người đàn bà vốn hiền lành ấy như bao người phụ nữ Việt Nam giàu đức hi sinh, che giấu những nỗi đau để có vẻ ngoài bình thản. Chị đã hơn một lần mượn hồn ốc:
                        nhận vết cào gai
                        Lòng tưa máu để…vỏ ngoài bớt đau
                                                Mượn hồn ốc, tập KDTĐ
Chị đã chắt chiu, gom góp niềm vui, quý trọng những ngày hằng sống:
                        Thôi ngày thương mến ngày chưa vắng
                        Xin chia nhau- dù ít ỏi tiếng cười
                                     Mua sắm cho một mai, tập KDTĐ
Sự  gắng gỏi  tươi cười như trái ớt “ càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng”  ấy đã gây ra sự hiểu lầm, ngay cả những người thân gần nhất. Họ tưởng rằng chị “cười hoài không biết khóc”. Chị đã phải nói với con, chỉ nói thầm thôi:
                        Con ơi mẹ khóc một đời
                        Không ai thấy chỉ soong nồi cảm thương
                                                Cảm ơn khóc
Một đời khóc thầm” một mình mình biết, một mình mình hay” và chỉ có những vật vô tri cảm thông, chia sẻ. Chính vì thế mà người đàn bà ấy phải tìm đến thơ để giải tỏa, để những giọt nước mắt có nơi mà chảy:
                        giấu nước mắt vào thơ
                        Cảm ơn giọt lệ bơ vơ làm người
                        Cảm ơn khóc núp trong cười
                        Cảm ơn nước mắt chết rồi còn tuôn
                                                 Cảm ơn khóc
Nước mắt chết rồi còn tuôn. Sự đau khổ tột cùng này gặp gỡ khát vọng yêu tột cùng của Xuân Quỳnh với trái tim “biết yêu anh cả khi chết đi rồi” ( Tự hát).
            Khi người đàn bà tỉnh thức là khi người ấy nhận thức lại thế giới, tự định dạng lại mình, và cũng xem xét lại tất cả những gì đã thành thói quen, đã thành lề thói, trói buộc. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi sự phản tỉnh sẽ dẫn đến những phản ứng gay gắt. Mà gay gắt nhất là đối với những gì tù túng, nô lệ. Mọi hình thức nô lệ sẽ bị phản đối kịch liệt, dù là dưới hình thức hào nhoáng “lá vàng làm con ở của mùa thu” ( Sướng muốn chết), hay trong sự trần trụi nô lệ của hầu bao:
                        Một đời nô lệ hầu bao
                        Một đời bỏ cái tào lao theo chồng
                                                Chuyện tào lao
Nếu không là người phụ nữ làm thơ, không phải là người trăn trở về hạnh phúc thì có lẽ chị sẽ  là người yên phận, dễ thỏa hiệp, dễ chấp nhận. Nhưng chị  cần có “nhu cầu cười” và cần có “cảm xúc khóc” ( Bóng ngõ nhỏ, tập GMBC), mà những thứ đó lại không có hoặc quá ít. Chị cần trời xanh, trăng sáng, hoa nở, chim kêu nhưng các thứ đó bị coi là “tào lao” và “không ăn được”. Bởi vậy mà người đàn bà bị ám ảnh bởi cảm giác đói:
                        Mắt đói mắt
                        Tai đói tai
                        Môi đói môi
                        Mũi đói mũi
                        Da thịt đói da thịt
                        Linh hồn đói linh hồn
                                    Chuyện tào lao
Sự đói khát triền miên đó, khi tỉnh thức tất yếu sẽ dẫn đến sự nổi loạn. Đầu tiên là nín lặng chịu đựng:
                        Chị nín thinh như bàn ghế nồi niêu
                                                            Mèo gào
Rồi đến việc đánh mất tình yêu “ Ngay trong nhà mình/ Chị không còn chỗ trú” và “ Trong đôi mắt anh/ chị không tìm thấy chị” ( Đồng tính). Thế là uổng phí cả một ước vọng “tập/ chết đuối/ trong gương/ để em/ được chết đuối/ trong mắt anh/ mãi mãi” (Chết đuối). Rồi chị ngoại tình với thiên nhiên, với sóng, với gió, với đất, với cỏ. Chị chờ đợi mùa thu ảo, đợi “một người chưa có thật” với hi vọng : “ Ngoài kia lông ngỗng đầy trời/ Mùa thu rắc lối cho người tìm em” ( Mùa thu ảo). Chị tẩy chay người tình , người phụ bạc:
                         Bông hoa tẩy chay ong bướm
                         Em tẩy chay anh, đất tẩy chay trời
                                       Thiên đường là kẻ khác       
            Dịu dàng qúa dịu dàng không chịu nổi. Thi sĩ Nga đã viết câu thơ ca ngợi bản chất dịu dàng của phái nữ. Người phụ nữ nào cũng có thiên tính dịu dàng, và họ cũng muốn được dối xử dịu dàng.  Sự dịu dàng là vũ khí, là phép màu kì diệu:
                        Ôi sự dịu dàng
                        Có thể biến sư tử thành nai
                        Thiếu dịu dàng
                        Con nai trong nhà ta có cơ thành sư tử
                                                Dịu dàng ơi
Đến khi người phụ nữ đánh mất sự dịu dàng thì chỉ còn  phẫn nộ và giông tố của sư tử :
                        Em nổi điên lên
                        xé đôi trời đất
                        xé anh thành muôn mảnh
                                                Gió thất tình
Khi tình yêu bị phản bội, bị dối lừa thì chỉ còn sự thù hận và nguyền rủa. Thật cũng chưa thấy ai dữ dội như người đàn bà này, kiên quyết và dứt khoát như người đàn bà này:
                        Em căm thù anh
                        Tình yêu giết người
                        Em đã chôn anh
                        Trăm lần
                        Vạn lần
                        Trong nghĩ địa ngày tháng
                                                Nấm mộ
Tuy vậy, vẫn thấy ở đây sự tôn trọng  “kẻ thù”. Kẻ đó vẫn  được gọi bằng anh và người nguyền rủa vẫn đủ bình tĩnh, sáng suốt để nhận ra rằng mình chính là nấm mộ chôn  người tình nên anh ta vẫn có thể đêm đêm chui ra lần mò như tên ăn trộm.
            Thật cũng chưa có ai kết án kẻ phụ tình nặng nề như người đàn bà này, khi tuyên án tội trạng tặng cái nhìn thuốc độc, biến con nai thành sư tử, biến cô gái nhà lành dịu dàng thành người đàn bà tàn ác ( Ai đã tặng cái nhìn thuốc độc?). Trong khi tuyên án nặng nề như thế, người đàn bà ấy vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra lỗi đồng phạm, lỗi tiếp tay của mình : “ ma ám em/ quỷ ăn thịt em[…] em ngu ngốc/ gật đầu ( Làm vua không?) và “đêm đêm / em rơi hết mắt/ giấc ngủ mù/ chiêm bao mù[…] tình yêu mù ( Đêm lưng lửng anh). Điều ấy càng làm cho chúng ta tin cảm xúc của chị hơn, bởi vì nếu không, những lời  rủa nguyền nặng nề kia sẽ chỉ được coi là những lời bi phẫn của người quá đau khổ không còn sự kiểm soát của lí trí; chỉ có thể gợi cảm thông và cảm thông thôi.
            Người đàn bà tỉnh thức, nổi loạn, nghiệt ngã  ấy  vẫn là một người đàn bà sáng suốt hiền lành  trong bản chất.
                                                                       
                                                            *

            Ngoài ấn tượng mạnh mẽ về người đàn bà tỉnh thức,  thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh còn thể hiện một cách nhìn mới, một lối tư duy và phô diễn mới. Có thể tìm thấy sự sắc sảo trong những phát hiện:
                        Có sự im lặng làm ù tai
                        Có những tiếng ồn ào chữa bệnh điếc
                                                Trời đói chim
                        Ai bảo bóng tối chứa âm mưu
                        Cái thiện dễ nảy mầm trong đêm
                        Cái ác hay nhân danh mặt trời
                                                Cho em một li quỷ sứ
Chị còn muốn tranh luận với Giăng pôn Sác với mệnh đề “Thiên đường là kẻ khác” thay vì  “Địa ngục là kẻ khác”. Vấn đề không phải là để phân thắng thua mà cái chính là để chị khẳng định:“Địa ngục là ta cát cứ mình” (Thiên đường là kẻ khác). Đối với nước mắt chị cũng phân chất và định lại giá trị:
                        Người mù
                        Có giọt lệ sáng
                        Người điên
                        Nước mắt tỉnh
                        Người ác
                        Không có nước mắt
                        Người ít khóc
                        Tim đau
                                                Nước mắt
Chị phát hiện ra “con chim thời gian”, “con chim ăn sắc đẹp đàn bà”  để lại “dấu chân thật thà trên gương mặt đàn bà nhàu nhĩ”, và bản thân  mình cũng không là ngoại lệ:
                        …chim thời gian
                        đi qua đời em
                        để lại những dấu chân
                        biết khóc
                        Tình yêu
                        thích lên trán em
                        dấu ấn chim muông
                                    Con chim thời gian
Chị viết về người tình đã chết, câu bé mười tám tuổi, vẫn đêm đêm trở về bên cạnh “ông nội của sắp nhỏ” và mong mỏi người “trùng tên” hãy đưa mình về ngày xưa ( Hãy đưa em về ngày xưa). Một cách diễn đạt bất ngờ mà thú vị, vì hai người “trùng tên” là một người của ngày xưa và một người của bây giờ. Cảm giác nuối tiếc thời xưa, thậm chí nuối tiếc hôm qua thôi là một cảm giác có thật, một cảm giác thường trực. Bởi thế mà năm xưa có thể “bẻ trăng sừng bò cho các con anh bú”, còn bây giờ thì chỉ còn trăng ( Trăng sừng bò).  Năm xưa tình yêu ban đầu vui như gàu, bây giờ là kết thúc buồn như nước (Đừng múc cạn nỗi buồn). Thậm chí là hôm qua khác hôm nay. Vẫn buổi chiều đấy mà là buổi chiều không có hôm qua : Ôi những buổi chiều/ không có hôm qua/em vẫn còn anh/ mà góa những buổi chiều ( Buổi chiều không có hôm qua).
            Bài ca thiên nga phát hiện  chưa bao giờ con người mang tái tim thiên nga, dù họ nặng lời thề thốt. Đối thoại với bọ ngựa là những suy ngẫm sâu sắc về bản chất người, về phần Con và phần Người, phần rắn rết ma quỷ và phần  phượng hoàng thần thánh ( như Nguyễn Minh Châu  viết trong truyện ngắn Bức tranh). Cái đẹp, Không ai dám lấy chị là sự tôn vinh, ngưỡng mộ cái đẹp, khẳng định cái đẹp vĩnh cửu…
             Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh  đem đến một cái nhìn mới mẻ, một cách tiếp cận mới mẻ, một giọng điệu mới mẻ  của một cây bút nữ. Đó là một cây bút hiếm hoi, độc đáo. Sự chân thành riết róng của chị là biểu hiện của một sức sống dào dạt, khao khát đấu tranh cho  tình yêu và hạnh phúc đích thực của con người.
                                                                                    Hà Nội, 21/9/2008





2 nhận xét:

  1. Thơ chị Ánh Huỳnh (cái tên gọi buồn) như bác Vũ bình: Độc đáo và hiếm hoi, chân thành. Liệu có riết róng không. Tôi đọc thấy buồn. Có thể là tâm trạng của chị.
    Mong rằng đời chị không phải thế. Chỉ sợ nó vận vào 'khó nghe'.

    Chúc nhà thơ vui!
    Cái thiện vẫn nảy mầm trong đêm cho Bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn VanPham. Chị Ánh Huỳnh đã lên chức Bà Nội lâu rồi. Đúng là thơ của chị ấy đầy khát khao và tâm trạng.

    Trả lờiXóa