Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

NGỌC BÁI MỘT THỜI ÁO LÍNH



                  


NGỌC BÁI MỘT THỜI ÁO LÍNH

          Các nhà thơ một thời áo lính thường tự hào có một thứ của chìm. Ấy là tình đồng đội, đồng chí những năm bom đạn chiến tranh. Tuy vậy không ai đem khoe của. Thơ của họ chỉ nói về người lính, về chiến tranh, về tiền tuyến, hậu phương một cách tự nhiên và đa dạng. Như là mỗi người một binh chủng, mỗi người một miền quê, mỗi người một tính nết.
          Ngọc Bái làm thơ khi làm lính. Làng lính, Lời riêng của lính, Đồng đội tôi trên chốt, Đôi điều về người lính, Một thời áo lính...Cho đến khi quân phục cởi bỏ rồi thì người lính vẫn ở lại trong anh, cùng anh nghĩ suy, trăn trở :
          Tôi cứ nghĩ có thể làm gì khác
          Có thể làm gì
                   Có những lúc
          Anh lính- nhà thơ Ngọc Bái đã từng trải mọi gian nan của cuộc chiến tranh.
Chúng tôi ngủ không đêm nào đẫy giấc
                          Đồng đội tôi trên chốt
Đã có lúc tưởng tàn hơi giữa trập trùng chiến địa
Đã có lúc bước chân như hẫng hụt
Đã có lúc phải nhẫn nhục kiếm một chỗ ngồi
                          Đôi điều về người lính

Nhưng anh và đồng đội đã vượt qua. Cũng như sau này anh vượt qua đèo dốc của đời thường, vượt qua sự nông cạn và thiếu khuyết của người một đời chỉ quen  trận mạc. Anh lính Ngọc Bái trở thành người làm thơ vì anh còn có những phẩm chất của một thi nhân “Anh mộng mơ chắc chết vẫn mộng mơ” (Gió nắng). Anh vui buồn đều hết cỡ, hết mình “ Yêu thăm thẳm, buồn thăm thẳm” ( Thơ ca). Sự đa cảm của nhà thơ, sự bền bỉ, ngang tàng, bình thản  của người lính đã làm cho thơ Ngọc Bái có một vẻ đẹp chắc khoẻ. Nghiêng về chặt chẽ hơn là phóng túng, nghiêng về hiện thực sâu đằm hơn là mộng mơ bay bổng, nghiêng về trầm tĩnh sâu lắng hơn là bồng bột đắm say. Đó là chỗ mạnh nhưng cũng là chỗ chưa mạnh của Ngọc Bái. Nhưng quan trọng hơn hết, nó làm thành một vẻ riêng Ngọc Bái, làm cho anh không lẫn ngoại hình, lẫn giọng điệu giữa điệp trùng các nhà thơ cùng quân phục màu xanh.
                                                         
                                                                                         Đồ Sơn 16/4/1999



            


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét