Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

NỖI BUỒN NHÂN THẾ TRONG “VẾT THỜI GIAN”






NỖI BUỒN NHÂN THẾ TRONG “VẾT THỜI GIAN”
Đọc tập thơ Vết thời gian của Nguyễn Đức Hạnh *
                                     
Vũ Nho

Hơi lạ một điều là thơ của Nguyễn Đức Hạnh, một nhà giáo, một nhà khoa học có học vị Tiến sĩ hẳn hoi, nhưng không hiểu sao, không hề có dấu vết nào của hai cái nhà ấy trong tập thơ “Vết thời gian”. Cứ ngỡ như một anh nào đấy làm nghề tự do, hay một anh chuyên bán hàng rong trên phố nhưng lòng dạ đang ngổn ngang bao nỗi lo phía nhà quê:
Tôi ôm đòn gánh tôi ngồi
Đôi quang gánh trĩu ngàn lời xót xa
Bão giông trắng cánh đồng nhà
Khoai gầy nuôi mẹ, sắn già nuôi con
                             Chợ đời
Đọc kĩ bài thơ mới thấy hóa ra những khoai gầy với sắn già kia chỉ là hình ảnh có tính  biểu tượng, và cả đôi quang gánh nữa- không phải là quang gánh thật mà chỉ tượng trưng cho nỗi vất vả gánh nỗi buồn nhân thế đem bán  chợ đời. Quả thật, thơ Nguyễn Đức Hạnh nói khá nhiều đến nỗi buồn. Tác giả thường nhạy cảm với những tất bật, toan lo, dầu dãi, cay đắng, ngậm ngùi và nhiều nhất là buồn. Một số nhan đề bài thơ của anh cũng đã gợi buồn : Chợ đời, Buồn chân quê, Chợ chiều, Lỗi hẹn, Đàn lạnh, Nỗi buồn mơNhưng càng đi sâu vào cảm xúc cụ thể lại càng thấy buồn nhiều hình, nhiều vẻ : Buồn tím tái chiều đông, buồn méo, buồn tròn, buồn trong, buồn đục, buồn tỉnh, buồn sayĐây là một nỗi buồn lớn khi anh tới chợ chiều “bày hàng khát vọng, bán lời ước ao” :
          Chợ chiều người đã vắng không
          Tôi ngồi phơi hết mấy nong nỗi buồn
          Em qua như một làn hương
          Đêm về nhẩm tính lãi buồn gấp đôi
                             Chợ chiều
Đi chợ bán hàng mà lãi thì đáng mừng vui rồi. Nhưng lãi buồn gấp đôi thì chẳng biết là có thể vui được không? Có thể nói là nỗi buồn nhân thế luôn thường trực trong người cho nên đi đâu, nhìn gì, thi sĩ cũng thấy nhuốm buồn. Nghe đàn trên sông Huế, anh cảm buồn : Mắt buồn như  đáy sông sâu/ Đàn mưa từng giọt nát nhàu vừng trăng ( Đàn lạnh). Vắng người thương mến thì dù có bao nhiêu là người, cái buồn vẫn vây  chật xung quanh : Đông người mà chẳng có em/ Núi thành sa mạc buồn chen nỗi buồn ( Đếm mưa). Nỗi buồn ấy nhuốm lên Tháp Bà Nha Trang, dù cảnh Nha Trang là cảnh vui : Nha Trang cười mê mải/ cầu Xóm Bóng phân vân/ Tháp Bà buồn rười rượi ( Ngẫu hứng Nha Trang). Đem con mắt buồn, tấm lòng buồn để nhìn hàng thông Đà Lạt, lập tức hàng thông ở đây thành hàng thông xanh màu buồn : Những hàng thông xưa cũ/Xanh nỗi buồn trăm năm (Tự tình cùng Đà Lạt). Nhìn con thuyền trên sông Cầu của Thái Nguyên, anh cũng có cảm giác nó đang chở buồn về đâu đó : Thuyền chở buồn tênh lệch cánh buồm( Buồn chân quê).

          Có một điều cũng cần ghi nhận là kêu buồn, than buồn, những Nguyễn Đức Hạnh không muốn đổ buồn sang cho người đọc, cũng không kêu gọi sẻ chia, hay thông cảm. Anh tự giữ lấy nỗi buồn trong mình để sống nhân hậu, tử tế hơn với mọi người, với cuộc đời. Có một phút anh muốn rời bỏ nỗi buồn sầu, nhưng lại phân vân : Thả xuống sông nỗi u sầu/ E đau bờ biếc, e nhàu sóng êm
(Ngẫm nghĩ xuân). Thành ra nỗi buồn kết đọng trong thơ anh, coi như một đặc sản của cá nhân anh. Mà đã là đặc sản thì chẳng phải dễ bỏ đi hay thay đổi. Nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường. Đáng trân trọng hơn nữa là thái độ và hành động tự nguyện của anh :
                   Lòng tôi chiếc vại ân tình
                   Muối bao chua xót không thành lãng quên
                                                Nỗi buồn mơ
          Nhưng thơ Nguyễn Đức Hạnh không chỉ có thế. Anh còn có những bài thơ tình ( lại cũng là tình buồn) có những câu thơ có thể găm vào trí nhớ bạn đọc. Anh còn có những kỉ niệm đẹp với Đà Lạt, Nha Trang, với Huế, với Thái Nguyên. Lúc này tưởng như gặp một con người khác, không phải với với khuôn mặt và trái tim buồn, mà là một người kiêu hãnh và ngang tàng, khao khát :
                   Bát rượu vùng cao như sông mùa lũ
                   Mắt em thả một lá thuyền
                   Tôi uống cả sông Lô, sông Miện
                   Mai xa rồi hồn bỗng hóa Yên Biên
                                                Thảng thốt Hà Giang
Cái kiêu hãnh có chút ngông nghênh bất cần thi sĩ ấy ta có thể bắt gặp trong cuộc uống hoành tráng với các bạn thơ Khánh Hòa :
                   Nào ta uống với mặt trời
                   Dăm ba li nắng cho đời mênh mông
                   Nào ta uống với bão giông
                   Dăm ba li gió, say không giãi bày
                   Nào ta uống với mây bay
                   Dăm ba li nữa, rót đầy nhớ quên.
Uống như thế còn chưa đủ độ, cho nên phải uống cả Nha Trang để làm thơ tình, để ghi nhớ tình cảm với bạn bè một thuở thi nhân :
                   Rót Nha Trang vào thẳm sâu
                   Liêu xiêu phố, lảo đảo câu thơ tình
                                      Nha Trang say
          Là một người ân tình, nên thi nhân say sưa ca ngợi những miền đất anh từng qua  chốc thoáng hay từng gắn bó dài lâu. Anh tự tình, anh ngỏ lời, anh quăng lưới, anh say đắm những Hoàng cung, Nha Trang, Đà Lạt, Thái Nguyên- nơi anh neo đậu cuộc đời mình. Nhưng nổi bật nhất trong những địa danh ấy, không rõ vì sao lại là Hà Giang. Nguyễn Đức Hạnh có những câu thơ thật  ấn tượng và đẹp về Quản Bạ :
                   Nhà li ti ấm chân núi
                   Nắng nhuộm vàng rực rỡ nương ngô
                   Quản Bạ hóa nàng sơn nữ
                                      Về Quản Bạ
Chẳng những anh thảng thốt Hà Giang, mà tôi tin không ít bạn đọc cũng thảng thốt khi nhìn Hà Giang bằng cách của anh :
                    Hà Giang là quả còn ném lên trời biếc
                    Sông Lô là tua còn màu xanh
                    Vòng còn là vòm trời ngọc bích
                                      Thảng thốt Hà Giang
Và còn nhiều điều thảng thốt khác trong bài thơ rất ân tình với Hà Giang ấy.
                                                ***
Hình như có một cái gì đấy kìm nén để thơ Nguyễn Đức Hạnh chưa trội vượt hẳn lên, mặc dù tiềm năng thi sĩ của anh là khá lớn. Phải chăng, giống như sự phát hiện của anh về mảnh đất Thái Nguyên “nơi gặp gỡ lạ lùng”:
Dấu thật sâu bao xoáy dữ, sóng ngầm
Một chút hào hoa, chút giang hồ lãng tử
Một chút chân quê, một chút thâm trầm.
                             Thái Nguyên
Dĩ nhiên tổng hợp mỗi thứ một chút lại thì không phải là làm phép cộng. Nó sẽ có sự biến đổi từ lượng thành chất. Nhưng nếu đẩy lên, rốt ráo thêm để cái một chút ấy lớn hơn, đủ gây ấn tượng mạnh thì sẽ ra sao ? Một chất khác sẽ hình thành từ một lượng khác.
Hình như, nhà thơ có lúc cũng đã tự nhận ra điều đó và đã hạ quyết tâm :
          Cho tôi tát cạn ngượng ngùng
          Mò khát vọng giữa dòng sông kiếp người.
                                      Hẹn
Chúng ta sẽ chờ xem anh thực hiện lời hẹn của anh thế nào trong những thi phẩm mới.
                                                           Hà Nội, 26/11/2005
---------------
*) Hội văn học nghệ thuật Thái Nguyên, 2004.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét