Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Gương mặt thơ Buồn





BÙI KIM ANH GƯƠNG MẶT THƠ BUỒN
                              
                                    Vũ Nho
                                                           
            Có thể coi tập thơ "Bán không cho gió", nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2005 của Bùi Kim Anh như là một tuyển tập sớm tự làm. Một số bài trong ba tập Cỏ dại khờ, Lối mưa, Viết cho mình được tuyển vào đây hầu như nguyên văn để có 98 bài thơ với bốn câu đề từ rút từ baì "Không còn tự nhiên":
            Ước một ngày giữa tự nhiên
            Cởi cho gió rũ ưu phiền cuốn đi
            Cởi cho mưa xối nước kì
Nghe có vẻ  ngang tàng, dữ dội pha chút sex. Chẳng có một li một lai dấu vết nào của sự mô phạm vốn là một yêu cầu đối với cô giáo dạy Văn phổ thông trung học.
            Bùi Kim Anh là nhà thơ nữ mà cuộc đời riêng  không ít éo le, trắc trở. Từ chuyện của người cha "nhói nỗi đau năm tháng" đến chuyện của riêng chị  "Đứt thôi lại nối những những ba bảy lần". Chị tự bạch :
            Câu thơ em viết cho anh
            Còn ba chữ nữa mới thành lời yêu
            Phai sương nhợt nắng đã nhiều
            Câu thơ em viết cho em
            Cởi ra xa xót vò thêm nát nhàu
                                    Cho anh và cho em
Có lẽ chính cái nỗi niềm riêng còn thiếu chữ mới thành lời yêu, thành tình yêu; rồi khi có tình rồi lại đứt nối, lại chắp vá những ba bảy lần ấy đã thành một nỗi đau đớn, khổ tâm, dày vò đối với một phụ nữ vốn nhạy cảm, nhiều mơ mộng, hay vẩn vơ, lại cả nghĩ như Bùi Kim Anh.
            Người phụ nữ này yêu, dâng hiến, tôn thờ bằng tình yêu mùa thu. Thật  vất vả và đáng cảm thông biết bao khi chị  thốt ra: “Em suốt một đời đi tìm”
( Đi tìm). Mà đâu có phải là người khó tính, chi li, xét nét. Chị có thể bỏ qua đầy vị tha :
            Bao người đàn bà qua cuộc đời anh
            Em nào có biết
            Em yêu anh bằng tình yêu của người đàn bà
                                    Tình yêu mùa thu
Nhưng cũng chính vì yêu bằng tình yêu của đàn bà như vậy cho nên khi có thể vị tha, có thể âm thầm lặng lẽ, nhưng cũng không ít khi  ồn ào, xao xác hờn ghen. Trong sâu thẳm tâm thức, nhà thơ cũng tự nhận thấy điều này nên mới tự kiểm :
            - Em là người vợ chẳng ra gì
            Cứ giận dỗi và suốt đời nghi ngại
            - Cái người vợ guộc gày hay rắc rối
            Đòi hỏi suốt đời tình yêu
                                    Làm lại
            Yêu và hoài nghi, chịu đựng và phản ứng, tha thứ và lên án, chấp nhận và phản kháng, thỏa mãn và khao khát… luôn luôn thường trực trong đời sống tình cảm. Nó được thành thơ để giãi bày, để giải tỏa và cũng là để tự giải thoát. Vì thế mà thơ Bùi Kim Anh hiếm những câu vui, hiếm những khoảnh khắc bình yên, thanh thản. Cái cách làm thơ cũng không giống mọi người : Chú Cuội ngồi nhặt lá đa. Còn tôi nhặt ánh trăng tà làm thơ (Nhặt trăng). Tình yêu và tình thơ có một sự tương đồng :
            Nửa câu thơ để bên thềm
            Nửa đời yêu để tình duyên nhạt nhèo
                                    Lục bát cho người

Có lẽ cũng hiếm có người phụ nữ nào lại kêu lên về phận mình, về thơ mình như Bùi Kim Anh:
            Người ta đi Đông đi Tây
            Còn tôi quanh lại ở ngay xó nhà
            Những chỉ lo việc đàn bà
            Tứ thơ eo hẹp trong ba chuyện đời
                                    Ngậm ngùi
Nhưng việc đàn bàba chuyện đời của chị cũng là cái chuyện của một người phụ nữ, một người yêu, một người vợ, một người mẹ, một công dân, một thi sĩ trong những ngày đất nước nhiều thay đổi. Hầu như đề tài nào, ta cũng bắt gặp sự day dứt về  nỗi buồn của một người nhiều ao ước, mộng mơ mà chẳng bao giờ có cơ thực hiện. Tôi chỉ là kẻ ước ao. Yếu chân chẳng vượt nổi rào mà bay. Rồi
            Muốn trôi theo đám mây ngàn
            Muốn yêu cho đến lỡ làng thì thôi
            Muốn thay một kiếp con người
                                    Đề từ  tập Viết cho mình
Nhưng muốn là một chuyện. Làm được những điều mình muốn lại là chuyện khác. Càng không làm được thì lại càng ước muốn, khát khao. Bùi Kim Anh thừa nhận : “Tôi mãi là người đàn bà tội nghiệp” ( Nếu). Tội nghiệp là bởi vì yêu mà lắm khi  chẳng được yêu, đi tìm tri âm tri kỉ thì toàn gặp nhạt nhèo hờ hững, có thể đủ vật chất nhưng “thiếu cái tình riêng” (Tình nhân), người trong mộng thì “ Anh vẫn là anh xa cách giữa đời” (Đến bao giờ). Còn gì cay đắng hơn nỗi đắng cay này của người phụ nữ :
            Trụi trần ẩn bóng đêm dày
            Tỉnh say một tấm thân gày chỏng chơ
                                                Dan díu
Mặc dù bản tính là người không thích cô đơn, không chịu được nỗi buồn :
Em chẳng bao giờ thích cô đơn. Thơ chẳng thích buồn…” (Chiếc vỏ) nhưng có thể nói thơ Bùi Kim Anh bàng bạc những cô đơn, buồn tủi, cô liêu: Cô liêu người, cô liêu tôi (Gửi đá); Của vui cho hết còn lời nào đây ( Bán không cho gió); Thế gian này đủ cả chỉ thừa tôi (Có những lúc); Câu thơ còn lại một hơi thở dài (Thắp đêm rằm)…
            Nỗi buồn trở thành một đứa con tinh thần : “Em không thể vứt đi nỗi buồn của mình.[…] Em không thể xé nỗi buồn ném vào đêm tối. Nó đã lớn lên trong em như một bào thai” (Không thể). Mang nỗi buồn như thế, nhưng Bùi Kim Anh là người cứng cỏi, ngang tàng, bướng bỉnh và kiêu hãnh : “Em cần […] Nhưng em có thể bóp chết đi khát khao của mình. Không cầu xin tình yêu ngoái lại” (Cần). Cũng có lúc chị tìm đến tôn giáo, nhưng chỉ vọng mà thôi : “ Con mất lòng tin ở chính mình/ Sống dồn nén thả trôi số phận/ Không đủ sức vẫn liều ngụp lặn” (Vọng). Sự cứng cỏi vượt lên nỗi buồn, vượt lên số phận, vượt lên những lời đồn thổi để  làm thiên chức một người vợ, một người mẹ, một cột trụ gia đình : “Ta còn mãi mái nhà” ( Sáng tháng 9) đã làm cho thơ của Bùi Kim Anh có một vẻ riêng, không lẫn giữa nhưng gương mặt nữ thi sĩ khác.
                                                            ***
            Trong bài thơ cuối tập có nhan đề là Muộn màng, Bùi Kim Anh viết:
            - Thơ tôi là một mảnh vườn
            - Vườn xao xác đóa thương yêu
            Luống nào cũng chỉ một điều vẩn vơ
            Vườn thơ của người giáo viên Văn trường Trung học phổ thông ấy đã  bền bỉ đơm hoa. Có thể coi mỗi bài thơ như một luống nhỏ của mảnh vườn. Chính cái nỗi xao xác thương yêu và cái điều vẩn vơ ấy lại làm cho lời thơ của chị thít thắt, làm cho người đọc cảm thông với một cuộc đời, một kiếp người, một người đàn bà làm thơ nhiều ước mơ, khát vọng.
                                                               Hà Nội, 14/1/2006


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét