CÓ MỘT
THỜI BI TRÁNG CHƯA XA
Đọc Văn đàn bi tráng, Trường ca của Nguyễn
Vũ Tiềm, nhà xuất bản Văn Học, 2008.
Vũ
Nho
Lịch sử đất nước và lịch sử văn học trong mấy chục
năm qua tuy không phải là dài so với trường kì lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc
nhưng lại là lịch sử đầy biến động với những dấu mốc cực kì quan trọng. Cuộc
cách mạng tháng Tám long trời lở đất khai sinh ra nước Việt nam Dân chủ Cộng
hòa; cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân Pháp; cuộc đấu tranh thống nhất
đất nước, và cuộc kháng chiến cả dân tộc chống đế quốc Mĩ; cuộc đổi mới của đất
nước hồi sinh thoát khỏi khủng hoảng và nghèo đói…
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm không lấy lịch
sử rộng lớn đó làm đối tượng phản ánh cho trường ca của mình. Anh chỉ chọn Văn
đàn, chọn một phương diện của lịch sử để làm văn học sử bằng thơ, để suy ngẫm
về đêm trước đổi mới, và để “vuốt mắt quá khứ”, một quá khứ vừa có nét cường tráng, hào hùng, vừa có
những bi kịch mà anh cho đó là bi tráng.
Tác giả của Văn đàn bi tráng đã tập trung thể hiện giai đoạn đêm trước đổi mới
của Văn đàn. Tuy nhiên, để có một cái nhìn có bề dày văn hóa và chiều sâu lịch
sử, tác giả trường ca đã không ngần ngại tìm về quá khứ, liên hệ đến Nguyễn
Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá
Quát, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…Và gần chúng ta hơn
là những Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Bằng, Nhất Linh, Khái Hưng…
Tất nhiên, trung tâm của bản trường ca là các nhà văn nhà thơ từng sống và sáng
tác trong thời kì của đêm trước đổi mới, rất nhiều người trong số họ còn đang
tiếp tục sống và viết. Họ là người cùng thời với tác giả Nguyễn Vũ Tiềm, cùng
chung những vui buồn và trăn trở.
Trong một “bối cảnh khá rộng, thời
gian khá dài” như tác giả trường ca đã nhận thức, để kết dính các sự kiện văn
học, các nhà văn và tác phẩm tiêu biểu, Nguyễn Vũ Tiềm đã sử dụng khá nhiều thủ
pháp kĩ thuật. Đó là nhân vật tôi khi thì xưng tôi “ Vì thơ tôi phải đi vay” (chương hai mươi lăm), khi thì xưng chúng
tôi “ Ra khỏi chiến tranh/Nhiều người
trong chúng tôi còn lành lặn/ Sao giờ đây thương tích đầy mình” (chương
một). Đó là nhân vật “một người đẹp” có cái lí riêng khi khất chứng chỉ “đức
hạnh với đoan trang” và nói thẳng băng không thể yêu nhà văn “vì anh quá tốt”
(chương sáu). Đó là nhân vật “em” như là một đối tượng để tâm tình, giãi bày,
lại như là một chứng nhân, một đối tượng cần nhận thức, tìm hiểu “ Em mảnh mai vai gầy/ Sao đỡ nổi những bão
bùng thời đại?” (chương mười) , “Sự
khinh bạc quết sơn, đặt lên bàn tôn kính/ Miết rồi cũng quen đi/ Em cắn răng có
hồi môi bật máu” (chương hai mươi sáu). Đó là nhân vật con đường (chương
mười hai), người thơ (chương mười ba), ô sin (chương mười sáu), gã (chương hai mươi tám), và một số các nhà
văn được phỏng vấn riêng lẻ ( Nguyễn Du,
Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm, Vũ Trọng Phụng…) và phỏng vấn tập trung trong
chương hai mươi hai. Những nhân vật đó đã làm cho trường ca đa chiều kích, đa góc nhìn, đa giọng điệu…Nó
giúp tránh được lối nhìn một chiều và
trần thuật theo một kiểu trong một trường ca dài tới ba mươi mốt chương. Về mặt
cấu trúc, nó góp phần làm cho trường ca không phải là một bài thơ dài, cũng
không phải là một liên khúc hay liên đa khúc những bài thơ cùng chủ đề.
Vấn đề bi tráng nổi bật của Văn đàn (
tất nhiên, phản ánh những nét cơ bản của lịch sử) đó là một thời nhức nhối. Nó
nhức nhối bởi vì sự bất bình thường:
Lấy
khen thưởng báo công làm thước đo giá trị
Lấy bình quân làm cán cân công bằng
Giá trị ảo được tôn lên làm thật
Nó
nhức nhối vì nhiều nhà văn, nhà thơ bị “đốn ngã” một cách oan uổng. Nhức nhối
vì đồng chí làm văn chương một thời đánh giặc, giờ đánh nhau bằng “những
miếng hiểm khôn lường”. Tác giả đã tập trung nhắc đến 23 nhà văn nhà thơ
với các sự kiện văn chương chủ yêu liên quan đến thời nhân văn –giai phẩm. Tất
nhiên, giờ đây trong tinh thần đổi mới của Đảng, nhưng non nớt và ấu trĩ một thời ấy đã được nhìn nhận và xem xét lại.
Để minh họa cho sự nhức nhối điển hình ấy, tác giả đã dành một chương riêng về
một nhà văn nổi tiếng trung thành với Đảng, trung thành với Cách mạng. Đó là Phùng Quán. Đấy là nhà văn đã từng có nhiều đóng góp, là
con người khảng khái, dù “dính đạn”, nhưng quyết không “tiệt sản cả đời văn”.
Những câu thơ về Phùng Quán có cốt cách ngang tàng, táo bạo:
Không
gác bút
Không bẻ bút
Thôi đành chọn cách…viết chui!
Ta viết chui
Để đẻ ra những con chữ không biết luồn
cúi
Những con chữ không thể nào chặt cánh
Biết tìm bầu trời trong sạch bay lên!
Trang
13-14
Khai
thác yếu tố bi hài chứ không bi tráng
của văn đàn, tác giả đã chỉ ra sự ấu trĩ, lạc quan tếu của một thời “nhấc bổng đồng quê lên chín tầng trời lãng
mạn”. Cái mơ ước ấm no ngàn đời được ca ngợi quá mức ấy đã đụng vào thực tế
khắc nghiệt và bày ra cảnh đau lòng trong một thiên phóng sự đầy ắp sự thật “
Cái đêm hôm ấy đêm gì”:
Rạng
đông thở hắt ra trong tiếng loa truyền thanh nhắc nợ
Nợ tiền kiếp, nợ luân hồi, duyên phận
Không sợ bằng nợ hợp tác một cân
Những đầy tớ của dân nanh vuốt như hùm
Ông chủ run như cầy sấy
Trang 19
Ấn
tượng càng được tô đậm thêm bởi nhân vật chị tôi, một người phụ nữ giỏi giang,
đảm đang, nhưng bi kịch trong cơn bão lòng (Chị
chưa quen hơi chồng/ Chỉ quen hơi đồng ruộng) không có thóc để xay. Phải
thấu hiểu người phụ nữ lắm mới có thể
cảm hết những câu thơ buốt nhói:
Nhưng
cơn bão tự trong lòng
Lồng lên như con ngựa chiến
Bằng cách nào giữ được dây cương?
Làm gì còn thóc mà đổ ra xay?
Làm gì có lúa mà đập?
Có gạo đâu mà sẩy với sàng?
Chị lội qua ao giữa đêm giá buốt!
Trang 20-21
Cái
bi của văn đàn không chỉ có thế. Nó còn
thể hiện trong sự biến chất của một số văn nghệ sĩ cơ hội. Những người ấy từng
vả vào mặt mình để thành người “tin cậy”, từng “bóc lưỡi hót cho hay” và:
Biến
bè bạn anh em thành đối thủ lợi quyền
Nửa văn nhân, nửa xênh xang mũ áo
Nửa sĩ phu, nửa sấp ngửa kim tiền
Trang 27
Họ
thành những kẻ “hèn sĩ”. Và họ làm ảnh hưởng trầm trọng đến văn đàn. Nhất là
khi đời sống xã hội hoang mang trong
kinh tế thị trường mới mẻ và nhốn nháo:
Văn
rót ra từ can bia đầu nậu
Thơ vọt trào trên nệm mút mĩ nhân
Mì ăn liền lên ngôi
Xuất bản tiền trao cháo múc
Tiểu thuyết xì căng đan
Truyện lăng xê quảng cáo
Thơ giả cầy bên lẩu tạp văn
Trang 28
Cái
không khí văn đàn ấy làm “yểu mệnh lộc
chồi”, làm “làn hương bị đánh bả quay
cuồng […] trong suốt bị hòa tan thuốc chuột
[…] nõn nà bị nhiễm thuốc sâu” ( trang 35).
Tuy nhiên, Nguyễn Vũ Tiềm thấy không
chỉ những bi kịch của văn đàn. Anh thấy
những tác giả không chịu cúi đầu, không thỏa hiệp, tìm lối đi riêng để vượt qua
“tù ngục của tư duy”. Anh cũng thấy bên cạnh đó vẫn có khúc tráng ca của dân
tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước:
Thơ
cảm tử đục tường xây chiến lũy
Thơ ôm bom ba càng
Tiếng nổ phá xe tăng thành nhịp vần
bất tử
Trang
57
Và
:
Gươm
mở cõi khắc câu thơ hào khí
Bút máu soi lên thắp sáng lửa rừng
Trang
58
Đối
với những nhà thơ của thời chống Mĩ,
không thể nào không ngợi ca cái khí thế
tự nguyện hi sinh vì độc lập tự do của cả một thế hệ:
Xe
không kính vẫn lao vào chiến dịch
Vầng trăng quầng lửa sáng trời thơ
Người mang cả mặt trời vào lòng đất
Mang cả hình tia chớp xẹt trời văn
Người lưu bước quân hành tìm hơi ấm
Gặp ánh trăng trong kén bọc rơm vàng
Người in dấu chân thơ qua Đường Chín
In cơn sốt rung người qua trảng cỏ,
tìm quê
Trang 62
Nhưng
nếu cần nhìn nhận một cách tổng quát, không rõ đây có phải là lời tổng kết quá
bi quan, một cái nhìn nghiêng về khắt khe, phủ định?
Buồn
trông cõi thực cõi mơ
Thơ bay thì ít, thơ bò ngổn ngang!
Trang 76
Và
đây :
Được
chăn dắt quá kĩ càng
Văn bò sát, thơ bầy đàn phổng phao
“Ra ngõ là gặp đỉnh cao”
Bằng khen giải thưởng ồn ào hàng năm…
Trang
71-72
Hay
đây nữa:
Những
ẩn dụ đã thành dưa khú
Những chân trời sau khóa phéc mơ tuya
Những ý tưởng chỉ bằng con kiến
Mà coi trời bằng vung
Bầu khí quyển ghế bàn nghẹt thở
Cần ô xy chất lượng cao để thay mới
hoàn toàn
Vài hột mụn tự tôn hình tượng lớn
Có chịu được một ngày nước mặn nắng
phơi?
Những biểu tượng sùi lên thành ghẻ lở
Gãi cành cạch đêm ngày làm tác phẩm
văn chương
Trang 146-147
Từ
cái thực tế ấy mà vấn đề đổi mới trở thành một vấn đề sống còn. Tác giả đề nghị
một cách ứng xử cần thiết:
Xin
được chia tay
Những con chữ áo the khăn xếp
Chữ nhiễm chứng hô hào mãn tính
Nhưng bất lực uột èo
Chữ đô pinh cuộn phồng cơ bắp
Ngôn từ trang điểm véo von
Những con chữ quen kí sinh bao cấp
Chữ nhiễm khuẩn thị trường
Trang 147
Tác
giả trường ca đã làm nhiệm vụ phóng viên. Anh
từng hỏi chuyện Trạng Trình, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm…. Anh ghi chép và phỏng vấn nhà phê bình đao búa, nhà thơ trẻ. Anh phỏng
vấn suốt hai kì đại hội các nhà văn, nhà
thơ, nhà lí luận phê bình. Anh phỏng vấn cây thiên tuế, tượng đá và sứ giả
thiên hà. Những câu trả lời làm cho người đọc thấy hiện trạng ngổn ngang của
văn đàn, thi đàn, những di hại của một thời ấu trĩ, những khao khát, nôn nóng
tìm tòi, những thử nghiệm thành công và thất bại. Theo tôi, chính các cuộc phỏng vấn này làm cho hiện trạng văn chương thêm sinh động,
nhưng nó lại góp phần làm loãng chủ đề của bản trường ca.
Một điều có thể coi là ưu điểm chính
là những câu thơ, những đoạn thơ tài hoa trong bản trường ca này. Chúng được viết với một kĩ thuật khá chắc tay
và một cảm xúc tương đối chín. Ví dụ như khổ thơ Chị tôi trong chương ba đã nhắc ở trên. Hoặc mấy ví dụ này:
Văn
của mình, con đứt ruột đẻ ra còn xé bỏ
Lấy quyền chi trách bạn đọc hững hờ
Đã khép cửa khi ngày trùng trình nắng
Sông cũng chừng mực lại bớt mênh mang
Nắng thoáng lướt, những vô tình nhòa
nhạt
Trang
85
Ta
lặng lẽ đếm mùa trên mái tóc
Sóng biển cồn lên trong mỗi sợi bạc
đầu
Hàng ngày ta vẫn cắm hoa trong chiếc
bình kỉ niệm
Bình vỡ lâu rồi
Hoa, tất nhiên đã thành gió bụi
Mà mỗi ngày bình kỉ niệm vẫn hương
Trang 159
Tôi
rất vui được làm người thua cuộc
Trong những cuộc giao tranh thân ái
Khi tình yêu lấn sân, tôi bỏ ngỏ khung
thành
Trang 183
Cuối
cùng, tôi muốn nhắc đến một ưu điểm nho nhỏ nhưng lại là một nhược điểm to to
của bản trường ca. Phải nói là Nguyễn Vũ Tiềm đã kì khu khi dẫn ra 269 lần tên
tác giả với các tác phẩm trên văn đàn (có tác giả được nhắc hai, ba lần). Cái
tài khéo của tác giả trường ca là lấy tên của các tác phẩm để diễn đạt những
nội dung anh mong muốn. Nhưng chúng ta đều biết rằng tên tác phẩm, về cơ bản, các
nhà văn đặt ra chỉ có tính chất tương
đối. Có tác phẩm sau khi in lần đầu, còn đổi đi đổi lại đến mấy lần. Và tên tác
phẩm với nội dung chính và cảm hứng chính của nó không phải khi nào cũng là
trùng khớp (nhất là với tác phẩm thơ). Bởi
thế mà có tình trạng nhà văn cổ điển cạnh nhà văn trước cách mạng, cạnh nhà văn
thời chống Pháp, cạnh nhà văn thời chống Mĩ, cạnh nhà văn sau đổi mới… chẳng
theo một quy luật nào. Chỉ là vì cái tên tác phẩm của họ có những từ thích hợp
để tác giả trường ca này dẫn dắt và trình bày cảm xúc. Vì thế mà có những trường hợp khiên cưỡng. Bản thân tôi
là người cùng thời với Nguyễn Vũ Tiềm, cũng đọc khá kĩ văn học Việt Nam (vì
theo nghiệp nghiên cứu, phê bình) thế mà
có một số tên tác phẩm in nghiêng, tôi
chịu, không biết là của ai. Cái chính là
vì những tác phẩm đó chẳng có gì nổi tiếng, chỉ là những tác phẩm làng nhàng
không gây được tiếng vang trên văn đàn mấy chục năm qua. Chưa kể việc đặt một
đoạn thơ vào cuối một chương, khi những câu thơ đó không có ý nghĩa khái quát
nào cho một phần hay cả chương đó. Nó chỉ như là một bài thơ vịnh tác giả, theo cách dùng những tác phẩm của tác giả đó mà các
vị trong Tự lực văn đoàn đã làm ( không
ít bài hay) từ trước Cách mạng. Rồi Xuân Sách đã làm trong “Chân dung nhà văn”
(1992), và chính Nguyễn Vũ Tiềm cũng đã làm khá thành công trong “ Thương nhớ
tài hoa” (1992). Nhưng rõ ràng cái cách làm ở trường ca phải hoàn toàn khác cách làm trong ba trường hợp
đã nêu.
Dù sao, cái ý định viết trường ca về
văn đàn của Nguyễn Vũ Tiềm đã được thực hiện. Có khá nhiều trường ca trong nền
văn học của chúng ta. Nhưng Văn đàn bi
tráng là trường ca riêng về văn học trong đêm trước đổi mới. Có thể nó sẽ
gây tranh cãi về việc đánh giá tác phẩm, đánh giá nhân vật, đánh giá cái bi
hài, bi tráng, bi thảm…và cả những khúc tráng ca. Nhưng ít nhất nó cũng cho độc
giả một cách nhìn, một cách đánh giá, một cách tổng kết của một nhà thơ, một
người tâm huyết trong cuộc để cùng trao
đổi và suy ngẫm.
Hà
Nội, 12/5/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét